TS Phan Thị Hoa Lý đã chia rất rõ ràng hai mảng nguồn gốc lễ hội qua tư liệu truyền khẩu và nguồn gốc lễ hội qua tư liệu thành văn, nhưng tác giả Nguyễn Thanh Lợi gộp vào làm một. Cuối mỗi phần, TS Phan Thị Hoa Lý bỏ công phân tích tư liệu dân gian truyền khẩu thì tác giả Nguyễn Thanh Lợi cắt bỏ. Thậm chí, phần nguồn gốc lễ hội qua tư liệu thành văn, TS Phan Thị Hoa Lý viết rõ ràng: Tư liệu thành văn có đề cập đến lễ hội múa Bệt mà bà tìm được là “Thần tích – thần sắc làng Vọng Lỗ, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình” được lưu giữ tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội (tác giả viết ký hiệu cũ/ mới và thêm 3 tài liệu thành văn khác); tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã cắt bỏ mà đi thẳng vào thần tích.


THỰC TRẠNG ĐẠO VĂN TRONG CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI

Kỳ 4: “CỌP” TRONG SÁCH NGHIÊN CỨU VỀ CỌP

TƯỜNG HUY

“Cọp” – phương ngữ Nam Bộ để chỉ hành vi “cầm nhầm” của người khác. Tác giả Nguyễn Thanh Lợi khi viết cuốn “Cọp trong văn hóa dân gian”, NXB Văn hóa Thông tin, 2014, đã “cọp” nhiều nội dung từ sách của TS Phan Thị Hoa Lý (Viện Nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

“Tham khảo” cả chương
Cuốn “Cọp trong văn hóa dân gian” là sách in trong Dự án được Nhà nước tài trợ dành cho Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Sách dày 652 trang, trong đó có 354 trang nội dung, gần 300 trang phụ lục.
Chính văn trong 354 trang nội dung gồm 3 phần: Cọp trong thiên nhiên (tr. 13-46); Cọp trong lịch sử (tr. 47-102); Cọp trong văn hóa dân gian (tr. 102-341). Trong đó, phần 3 - Cọp trong văn hóa dân gian – ở Việt Nam, được tác giả khảo sát trên 9 bình diện là: Cọp trong ngôn ngữ; Cọp trong văn học dân gian; Cọp trong tín ngưỡng dân gian; Cọp trong di tích; Cọp trong lễ hội, trò diễn; Cọp trong địa danh; Cọp trong mỹ thuật; Cọp trong y học; Cọp trong đời sống hiện đại.
Đáng lưu ý là phần “Cọp trong lễ hội, trò diễn” có 58 trang nội dung (239-296) viết về lễ hội múa Bệt đuổi hổ ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) thì gần như toàn bộ phần này tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã chép lại của TS Phan Thị Hoa Lý. Cụ thể, Trong cuốn “Lễ hội làng Vọng Lỗ và văn hóa dân gian xã Quỳnh Hoan (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình)”, NXB Lao động (2011), Phan Thị Hoa Lý đã dành toàn bộ chương 2 gồm 54 trang (tr. 33-86) để viết về lễ hội Tuân Tòng sự tích – còn gọi là lễ hội múa Bệt đuổi hổ.
Tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã “tham khảo” gần như nguyên vẹn hơn 50 trang sách của TS Phan Thị Hoa Lý vào sách của mình với đầy đủ các tiêu mục nhỏ như: Nguồn gốc lễ hội; Cơ sở thờ tự; Quy trình lễ hội; Tại sao lại có tên gọi “ông Bệt”?; Các hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí trong lễ hội
Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn cụ thể như sau:
TS Phan Thị Hoa Lý viết: “Ngày 05/5/2007 (tức ngày 20/3 âm lịch), chúng tôi phỏng vấn ông Trần Đình Thước, 87 tuổi, người làng Vọng Lỗ và được ông cho biết: “Đức Thánh Cả có từ thế kỷ XVIII, đời vua Duệ Vương, là thiên thần. Duệ Vương triệu binh đánh giặc, cầu tài. Đức Thánh Cả xung phong đi đánh giặc, biến hóa, đội lốt hổ để đánh giặc. Đánh thắng giặc rồi, ông chạy về đình Tượng. Trước khi thác sinh, ông đánh nhau với ba ông: Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ rồi chạy ra miếu Go và mất ở đó. Từ đó, hằng năm, rằm tháng 2 và rằm tháng 8, làng có lệ rước đức Thánh Cả từ đình Tượng ra miếu làm lễ, đến ngày 16 thì rước trở về đình Tượng” (tr. 33).
Tác giả Nguyễn Thanh Lợi viết: “Ông Trần Đình Thước (87 tuổi) người làng Vọng Lỗ cho biết: “Đức Thánh Cả có từ thế kỷ XVIII, đời vua Duệ Vương, là thiên thần. Duệ Vương triệu binh đánh giặc, cầu tài. Đức Thánh Cả xung phong đi đánh giặc, biến hóa, đội lốt hổ để đánh giặc. Đánh thắng giặc rồi, ông chạy về đình Tượng. Trước khi thác sinh, ông đánh nhau với ba ông: Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ rồi chạy ra miếu Go và mất ở đó. Từ đó, hằng năm, rằm tháng 2 và rằm tháng 8, làng có lệ rước đức Thánh Cả từ đình Tượng ra miếu làm lễ, đến ngày 16 thì rước trở về đình Tượng” (tr. 239-240).
TS Phan Thị Hoa Lý viết: “Tiếp đến, chiều ngày 15/5/2007, tức ngày 30/3/2007 âm lịch, chúng tôi phỏng vấn ông Trần Đình Ngọt, người làng già, làm Trưởng ban Quản lý di tích làng Vọng Lỗ từ năm 1990 đến năm 2004 và được ông cho biết như sau: “Ông Hổ từ rừng lạc về làng Rồi Công Sơn Thượng và được một người nông dân tốt bụng đón về nuôi. Chủ dạy cho Hổ coi đó ở ngoài đồng…” (tr. 33-34).
Tác giả Nguyễn Thanh Lợi viết: “Ông Trần Đình Ngọt, người làng già, làm Trưởng ban Quản lý di tích làng Vọng Lỗ từ năm 1990 đến năm 2004 kể lại: “Ông Hổ từ rừng lạc về làng Rồi Công Sơn Thượng và được một người nông dân tốt bụng đón về nuôi. Chủ dạy cho Hổ coi đó ở ngoài đồng…” (tr. 240). 

Cắt bỏ có ý thức
Ở đây cần nói thêm rằng, TS Phan Thị Hoa Lý đã chia rất rõ ràng hai mảng nguồn gốc lễ hội qua tư liệu truyền khẩu và nguồn gốc lễ hội qua tư liệu thành văn, nhưng tác giả Nguyễn Thanh Lợi gộp vào làm một. Cuối mỗi phần, TS Phan Thị Hoa Lý bỏ công phân tích tư liệu dân gian truyền khẩu thì tác giả Nguyễn Thanh Lợi cắt bỏ. Thậm chí, phần nguồn gốc lễ hội qua tư liệu thành văn, TS Phan Thị Hoa Lý viết rõ ràng: Tư liệu thành văn có đề cập đến lễ hội múa Bệt mà bà tìm được là “Thần tích – thần sắc làng Vọng Lỗ, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình” được lưu giữ tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội (tác giả viết ký hiệu cũ/ mới và thêm 3 tài liệu thành văn khác – tr. 35); tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã cắt bỏ mà đi thẳng vào thần tích (tr. 241).
Việc cắt bỏ rất có ý thức, tiếc rằng, những phần cắt bỏ của tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã làm sai lạc đi nhiều thông tin về 9 vị thành hoàng làng Vọng Lỗ.
TS Phan Thị Hoa Lý viết: “Tên thường gọi là Đống Lỗ Sơn Tinh Uy dũng Nghiêm cách Linh ứng Đại vương, tên húy không biết vì không có thần tích.
Tên thường là Đang đình Hiển minh Hùng tuấn Linh ứng Đại vương, tên húy không biết vì không có thần tích...” (lần lượt cho đến hết 9 vị - tr. 36).
Tác giả Nguyễn Thanh Lợi viết: “Đống Lỗ Sơn Tinh Uy Dũng Nghiêm Cách Linh Ứng Đại Vương.
Đang Đình Hiển Minh Hùng Tuấn Linh Ứng Đại Vương…” (lần lượt cho đến hết 9 vị - tr. 241).
Còn nhiều nội dung trùng lặp khác, do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không trích dẫn.

Không thể “tham khảo” cả chương
 Trang 296, tác giả Nguyễn Thanh Lợi có chú thích đánh số (1) Phan Thị Hoa Lý: “Lễ hội làng Vọng Lỗ và văn hóa dân gian xã Quỳnh Hoan (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình)”, NXB Lao động, 2011, tr. 33-100.
Nhiều nhà khoa học đã thẳng thắn chia sẻ, việc trích dẫn là có quy tắc khoa học, không thể có chuyện trích dẫn “tham khảo” tới 50 trang sách gồm hết cả chương như vậy. “Nếu có, thì phải là đồng tác giả”, một vị PGS.TS giảng dạy tại ĐHQG TP. HCM chia sẻ./.