Cuốn sách “Đặc trưng văn hóa biển đảo Khánh Hòa”, tác giả Lê Văn Hoa, do NXB Hồng Đức cấp phép (in xong nộp lưu chiểu tháng 12/2014). Sách in 700 cuốn, khổ 15cm x 21cm, do Bùi Việt Bắc chịu trách nhiệm xuất bản; Hoàng Minh biên tập; Biên tập Hán Nôm: Trần Văn Quyến; Hiệu đính Hán Nôm: Lê Văn Y; Trình bày: Lê Văn Hoa. Đối chiếu cuốn sách “Đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” với 2 tài liệu khác là Kỷ yếu “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa” (UBND tỉnh Khánh Hòa, tháng 2/2012) và Tài liệu hội thảo khoa học đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” (do UBND tỉnh Khánh Hòa và Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm: Thạc sĩ Lê Văn Hoa), tổ chức tháng 11/2012; chúng tôi thấy rằng nhiều đoạn trong sách chép y nguyên từ 2 cuốn Kỷ yếu nhưng không đề tên tác giả.




THỰC TRẠNG ĐẠO VĂN TRONG CÁCH CÔNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI

Kỳ 1: Đạo văn trong sách “Đặc trưng văn hóa biển đảo Khánh Hòa”

KHẢI MÔNG

Một cách “biên soạn” khó hiểu
Qua Lời nói đầu, tác giả cho biết, cuốn sách “Đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” được biên tập và xuất bản từ sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của tác giả nghiệm thu năm 2013, thuộc chương trình nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Đó là Hội thảo quy mô cấp quốc gia đầu tiên được tổ chức tại Khánh Hòa tháng 6/2011, với 60 tham luận của các nhà khoa học. Kết thúc hội thảo, ban tổ chức đã biên tập và xuất bản kỷ yếu “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” do GS Trần Ngọc Thêm chủ biên. Tiếp đó, tháng 6/2013, Hội thảo Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa, có 50 bản tham luận.
“Được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hòa, đơn vị chủ quản và tác giả tiếp tục kế thừa những tư liệu qua hai lần hội thảo nói trên và chắt lọc một số phần, mục đặc trưng trong nội dung đề tài của mình để biên soạn cuốn sách này”, tác giả Lê Văn Hoa viết rõ trong Lời nói đầu.
Tiếc rằng, tác giả không ghi biên soạn mà một mình đứng tên cả cuốn sách cho nên đã dẫn tới một cách “biên soạn” khó hiểu (!?)

                                 


Biên soạn hay đạo văn?
Đối chiếu cuốn sách “Đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” với 2 tài liệu khác là Kỷ yếu “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa” (UBND tỉnh Khánh Hòa, tháng 2/2012) và Tài liệu hội thảo khoa học đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” (do UBND tỉnh Khánh Hòa và Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm: Thạc sĩ Lê Văn Hoa), tổ chức tháng 11/2012; chúng tôi thấy rằng nhiều đoạn trong sách chép y nguyên từ 2 cuốn Kỷ yếu nhưng không đề tên tác giả.
Sách “Đặc trưng văn hóa biển đảo Khánh Hòa”, từ trang 26-30 phần “Dấu ấn văn hóa biển đảo thời tiền sử, sơ sử ở Khánh Hòa” lấy từ bài “Văn hóa biển đảo thời tiền sử, sơ sử ở Khánh Hòa” của nhóm tác giả TS. Trần Quý Thịnh (Viện Khảo cổ học VN), Ths. Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học VN), CN. Nguyễn Tâm (Bảo tàng Khánh Hòa) trong kỷ yếu Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa.

Xin trích nguyên văn để bạn đọc so sánh.
Sách viết: “Là vùng đất có địa hình đa dạng, điều kiện tự nhiên phong phú thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt vùng ven biển đảo có rất nhiều lợi thế cho các hoạt động về ngư nghiệp như đánh bắt, chế biến, khai thác, nuôi trồng hải sản... Do vậy, trong quá trình lịch sử phát triển vùng đất, các nhóm người cổ đã sớm có mặt và sinh sống ở đây và đã tạo nên cho Khánh Hòa những nét văn hóa mang sắc thái riêng, đặc thù trong tiến trình lịch sử - văn hóa dân tộc.
Những dấu ấn cư trú của con người sớm nhất ở Khánh Hòa xuất hiện trong môi trường các di tích văn hóa xóm Cồn” (tr. 26).
Kỷ yếu viết: “Khánh Hòa là vùng đất có địa hình đa dạng, điều kiện tự nhiên phong phú thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và đặc biệt là các hoạt động về ngư nghiệp như đánh bắt, chế biến hải sản. Do vậy trong lịch sử phát triển của mình, các nhóm người cổ đã sớm có mặt và sinh sống ở đây và đã tạo nên cho Khánh Hòa những nét văn hóa mang sắc thái riêng, đặc sắc trong diễn trình lịch sử - văn hóa dân tộc.
Những dấu ấn cư trú của con người sớm nhất ở Khánh Hòa xuất hiện trong các di tích văn hóa xóm Cồn” (tr. 95).
Phần “Dấu ấn văn hóa biển đảo trong đời sống cư dân Nam Đảo ở Khánh Hòa (tr.32-33) lấy từ bài Văn hóa biển trong cư dân Nam Đảo ở Khánh Hòa của NCS. Nguyễn Thanh Vân, Ths. Nguyễn Ngọc Quý trong kỷ yếu Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa.

Phần thứ ba “Những giá trị lịch sử, văn hóa trên quần đảo Trường Sa ở Khánh Hòa”. Ở trang 317 trong sách, với 14 dòng (gồm 4 câu thuộc 2 đoạn) là chỗ duy nhất có đề chú thích số 1, nhưng chỉ ghi “TS Lê Văn Tân – Học viện Hải quân Nha Trang” nên người đọc sẽ không rõ nguồn ở đâu. Qua đối chiếu tư liệu, chúng tôi nhận thấy, đây là bài viết “Phát triển văn hóa với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa” của TS. Đại tá Lê Huy Tân (không phải Lê Văn Tân) ở Học viện Hải quân Nha Trang.
Trong bài viết này, từ trang 318 đến trang 321, sách chép trong các trang 49 đến trang 52 của Kỷ yếu.
Trang 322 sách chép ở trang 444 của Kỷ yếu “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa”, bài “Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa trong lịch sử” của TS Trần Nam Tiến (Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, Trường ĐH KHXH&NV – TP. HCM). Tương tự, còn nhiều trang khác cũng được chép nguyên văn trong bài viết này, do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi xin không trích dẫn.

Cuối cùng, xin nêu ví dụ, hơn 20 trang (từ trang 335 đến trang 356) hai phần “Xây dựng môi trường văn hóa tạo động lực cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội trên quần đảo Trường Sa” và “Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa quân và dân trên quần đảo Trường Sa” của cuốn sách, nội dung cơ bản chép từ trang 55 đến trang 75 trong bài viết của TS. Đại tá Lê Huy Tân với tên gọi tương tự: “Xây dựng môi trường văn hóa tạo động lực cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở huyện đảo Trường Sa” (phần thứ hai) và “Yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đời sống văn hóa mới của quân và dân ở huyện đảo Trường Sa” (phần 3)./
( còn nữa)