Nhà báo - Nhạc sĩ Hà Quang Minh băn khoăn: "Dường như những nhà phê bình hiện nay đang tập trung vào những công việc khác, những công việc đảm bảo tạo ra thu nhập (cao) cho mình và bỏ quên giấc mơ nghệ thuật mà họ theo đuổi từ những ngày còn tuổi trẻ nhiệt huyết. Điều đó lý giải vì sao hoạt động phê bình hôm nay thua kém thời bao cấp rất xa, mặc dù ngôn luận ở thời nay đã thông thoáng hơn thời bao cấp nhiều lần. Cơ bản, ở giai đoạn "ai cũng vất vả như nhau" và cơ hội làm giàu không phải là sẵn có, nhà phê bình chỉ còn đúng một nghề (và là nghề sở trường) là làm phê bình. Còn ở giai đoạn kinh tế đã mở rộng cánh cửa như lúc này, thà họ lo toan cho đời sống còn hơn là thứ viển vông mang tên sự sống còn của nền nghệ thuật".


Nhà phê bình, các anh đang ở đâu?

HÀ QUANG MINH

Có rất nhiều ý kiến khen-chê khác nhau xoay quanh bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ, dựa trên cuốn truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từ ý kiến của một nhà văn như Nguyễn Ngọc Thuần cho tới một đạo diễn điện ảnh như Lê Hoàng; từ ý kiến của những nhà báo văn hóa nghệ thuật cho tới lời bình phẩm dưới các bài báo đó của những độc giả sâu sắc có văn hóa… tất cả đã tạo nên một bức tranh rất giàu màu sắc trên nền cỏ xanh kia và nó gợi nhắc cho tôi một thời kỳ người Việt rộn ràng với các tranh luận nghệ thuật. Nhưng cũng giữa bức tranh giàu màu sắc ấy, tôi đã thấy một vệt xám rất lớn trên nền cỏ đã trắng xoá bạc màu.
Đó là hiếm có một ý kiến nào mang sức nặng phê bình nghệ thuật đúng nghĩa, mà chỉ dừng lại ở mức độ khen - chê của cảm tính.

Phê bình nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã về đâu? Những nhà phê bình ơi, các anh đang ở nơi nào?
Thứ nhất, phải khẳng định, chúng ta vẫn có những nhà phê bình nghệ thuật đúng nghĩa, mà số đông tập hợp ở mảng văn chương. Song họ đã im lặng quá lâu, hoặc giả có cất tiếng thì cũng chỉ là những tiếng nói yếu ớt không đủ cho thấy phê bình đang sống. Vẫn biết, những bài phê bình là những thứ kén độc giả và khó bán chạy theo tiêu chí thị trường, nhưng không vì thế, một người theo nghề, có nghề và yêu nghề lại chùn chân trước thời cuộc.

Dường như những nhà phê bình hiện nay đang tập trung vào những công việc khác, những công việc đảm bảo tạo ra thu nhập (cao) cho mình và bỏ quên giấc mơ nghệ thuật mà họ theo đuổi từ những ngày còn tuổi trẻ nhiệt huyết. Điều đó lý giải vì sao hoạt động phê bình hôm nay thua kém thời bao cấp rất xa, mặc dù ngôn luận ở thời nay đã thông thoáng hơn thời bao cấp nhiều lần. Cơ bản, ở giai đoạn "ai cũng vất vả như nhau" và cơ hội làm giàu không phải là sẵn có, nhà phê bình chỉ còn đúng một nghề (và là nghề sở trường) là làm phê bình. Còn ở giai đoạn kinh tế đã mở rộng cánh cửa như lúc này, thà họ lo toan cho đời sống còn hơn là thứ viển vông mang tên sự sống còn của nền nghệ thuật.

Nhưng đó chỉ là lý do thứ yếu. Lý do cơ bản, và đáng buồn nhất, chính là chúng ta thiếu rất nhiều nhà phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp. Phê bình văn học, như đã nói ở trên, còn có số lượng khả dĩ. Phê bình hội họa, tạo hình, chủ yếu vẫn dựa chính vào lực lượng họa sỹ, những người làm nghề, những người đáng ra là cha đẻ của đối tượng được phê bình. Còn phê bình âm nhạc thì tuyệt nhiên mất dạng. Người ta học nhạc, kể cả học lý-sáng-chỉ (lý luận, sáng tác, chỉ huy) chỉ với mục đích hành nghề như một nghệ sỹ (tức là lại là cha đẻ của đối tượng được phê bình) chứ không phải để làm một nhà phê bình âm nhạc đúng nghĩa. Trên những trang báo văn hóa văn nghệ hôm nay, lẽ ra cần phải bình bán xem chất lượng nghệ thuật của một dự án âm nhạc như thế nào, người ta chỉ đơn thuần khen cho sướng miệng (nếu đã nhận thù lao truyền thông của chủ dự án) hoặc chê cho tối mặt tối mũi (nếu ghét chủ dự án) dựa trên những thứ vớ vẩn và tầm phào kiểu "sao lại mặc trang phục đó"; "ngôi sao nào xuất hiện như thế nào trong dự án ấy" hoặc "sử dụng công nghệ tiên tiến gì cho dự án này"… Và nguyên nhân của sự yếu kém đó, không nằm ở đâu khác, là đa số những tay bút văn hóa văn nghệ của các tờ báo đều không đủ trình độ năng lực phân tích một tác phẩm, kể cả là tác phẩm ở bộ môn nghệ thuật mà họ yêu thích nhất.

Khi một nền nghệ thuật thiếu vắng phê bình, nền nghệ thuật ấy chỉ tồn tại thoi thóp. Đơn giản, phê bình là tiếng nói phản tư tạo nên đa chiều quan điểm xã hội. Một xã hội đa chiều quan điểm chắc chắn sẽ đa dạng và nó tạo tính cạnh tranh, lực kích sáng tạo mạnh mẽ. Và nguy hiểm hơn nữa, khi nền nghệ thuật không có mặt những nhà phê bình, khán giả số đông sẽ chính là làn sóng quyết định chất lượng nghệ thuật tác phẩm mà hoàn toàn không có một thước đo khoa học nào để thẩm định rằng thực sự tác phẩm đó có chất lượng nghệ thuật hay không. Sự vắng bóng của nhà phê bình, lực lượng tinh hoa của nền nghệ thuật cũng đồng nghĩa với việc nền nghệ thuật ấy không hề có tinh hoa, và sẽ ngả hẳn sang thiên hướng giải trí, một thứ tầm thường của chủ nghĩa khoái lạc.