Với tư cách Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương cho rằng: “Mặc dù đã ra đời và hoạt động trong 11 năm nhưng tôi phải nói rằng Trung tâm này là “hữu danh vô thực”. Chúng tôi cũng đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ cho các nhà văn, nhà thơ như mới đây nhất là NXB Giáo dục trả hơn 600 triệu đồng tiền tác quyền cho các tác giả có các tác phẩm sử dụng trong sách giáo khoa mà trung tâm bảo hộ tác quyền. Và số tiền này hầu hết đã được trung tâm trả cho các tác giả như thỏa thuận đã ký. Nâng cao ý thức nhà văn trong vấn đề tác quyền tôi nghĩ là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay bởi dừ thế nào chúng ta vẫn không thể làm khác với quốc tế về vấn đề này. Nếu làm tốt việc này tôi nghĩ sẽ không có những chuyện đạo thơ văn đáng xấu hổ như vừa qua. Nhưng khó khăn lớn nhất là chúng tôi vẫn phải hoạt động “tự chủ” tức là nhân sự của trung tâm có công việc chính và đây cũng chỉ là công việc mà chúng tôi đảm nhận thêm. Chưa chuyên nghiệp thì rất khó để mà hiệu quả hơn!”


ĐẠO THƠ LÀ HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH VỀ TÁC QUYỀN VĂN HỌC

Bà Đặng Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đã có những chia sẻ về hàng loạt sự việc liên quan "đạo" trong văn đàn gần đây.

@ Văn đàn Việt mấy ngày nay nóng lên với sự việc "đạo thơ" giữa 2 tác giả Phan Huyền Thư và Phan Ngọc Thường Đoan. Sự việc này có thu hút sự quan tâm của các văn nghệ sĩ như chị?
Đặng Thị Thanh Hương: Tôi theo dõi mấy sự việc liên quan đến đạo thơ gần đây chứ không riêng gì sự việc này. Từ chuyện chị Nguyễn Phan Quế Mai bị tố đạo thơ của anh Phúc. Sự việc chưa ngã ngũ thì đến vụ này. Đây thực sự là những sự việc đáng buồn của làng văn nghệ.

@ Quan điểm của chị về vấn đề này ra sao?
Đặng Thị Thanh Hương: Tôi có nhiều bạn văn chương trên mạng xã hội, vì thế đọc cả thông tin báo chí cũng như những chia sẻ, phân tích của các nhà văn, nhà thơ trên facebook, phân tích kỹ, tôi thấy rằng đây không còn là nghi án mà là “đạo” thực sự. 
Phan Huyền Thư không dũng cảm nhận lỗi mà vẫn cứ bao biện rằng bài thơ viết từ năm 1996 và gửi in ở nước ngoài... Cô ấy quanh co nhiều tình tiết mà cuối cùng việc chính là cần xin lỗi nhà thơ Thường Đoan thì cô ấy không làm. Là một nhà thơ cũng là một nhà báo, tôi thực sự thất vọng về sự việc này.

@ Nhưng với tư cách một người làm về bản quyền tác giả văn học, chị đánh giá sự việc như thế nào?
Đặng Thị Thanh Hương: Ở vai trò đó, tôi muốn nói rằng các nhà văn, nhà thơ nên coi sự việc này như một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề bản quyền tác giả. Chúng ta cần bóc tách những vấn đề của sự việc.
Thứ nhất, chị Thường Đoan không phải là người đầu tiên phát hiện ra bài thơ của chị bị “đạo”. Và thực tế là chị ấy cũng như nhà thơ Phan Huyền Thư, nhà thơ Phan Quế Mai đều  không kí với trung tâm bảo hộ bản quyền tác phẩm của mình. Điều này cho thấy rằng khi xảy ra sự việc các nhà thơ mới "nhảy dựng lên" để bảo vệ đứa con tin thần của mình. 
Nhiều nghệ sĩ đôi khi không quan tâm tới chuyện thực dụng như bảo vệ bản quyền khi chúng tôi mời họ ký ủy thác tác quyền. Khi xảy ra những sự việc như thế này, và trong trường hợp người “mượn” đủ “cao tay” để đăng ký bản quyền trước thì liệu ai sẽ là người đúng và ai sai? Hơn nữa, như vậy có phải người nghệ sĩ thiếu trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình không?
Vấn đề thứ hai là sự phát triển chóng mặt của internet đặc biệt là mạng xã hội khiến vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm văn thơ cũng trở nên tinh vi và phức tạp hơn rất nhiều. Người ta có thể tiếp cận rồi “mượn” nhiều khi chỉ một hai câu thôi thì tác giả cũng khó mà “chiến đấu” được khi muốn khẳng định tác phẩm của mình bị “đạo”.
Khi đó rất cần những cơ quan chuyên môn bảo hộ cho họ. Khi kiện cáo hay có tranh chấp, cơ quan đó sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi của người nghệ sĩ.

@ Nhưng liệu những trường hợp như chị Thường Đoan có phải thiểu số khi mà các văn nghệ sĩ Việt Nam bây giờ cũng tiếp cận internet rất hiệu quả và tôi cho rằng như vậy họ cũng có ý thức về vấn đề bản quyền chứ?
Đặng Thị Thanh Hương: Hiện nay, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đang bảo hộ cho 80% các nhà văn, nhà thơ là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng thực tế là ý thức của các văn nghệ sĩ về vấn đề tác quyền còn rất hạn chế. Trong nhiều cuộc hội thảo về tác quyền mà chúng tôi tổ chức, không ít nhà văn, nhà thơ nói rằng tác phẩm được chia sẻ trên mạng thì càng nhiều người đọc, càng tốt cho tác giả nên họ không quan tâm lắm chuyện tác quyền. Mặt khác, có nhiều nhà văn, nhà thơ đã uỷ thác cho trung tâm bảo hộ tác quyền vẫn ký uỷ thác với nhà xuất bản hay nhà sách bảo hộ cho tác phẩm của họ. Chính vì thế rất khó cho chúng tôi khi cần bảo hộ quyền tác giả.

@ Đặt ngược lại vấn đề, có phải trung tâm cũng cần chủ động hơn trong việc hỗ trợ các nhà văn, nhà thơ để khi cần có thể giúp họ tránh những sự việc không đáng có như gần đây?
Đặng Thị Thanh Hương: Mặc dù đã ra đời và hoạt động trong 11 năm nhưng tôi phải nói rằng Trung tâm này là “hữu danh vô thực”. Chúng tôi cũng đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ cho các nhà văn, nhà thơ như mới đây nhất là NXB Giáo dục trả hơn 600 triệu đồng tiền tác quyền cho các tác giả có các tác phẩm sử dụng trong sách giáo khoa mà trung tâm bảo hộ tác quyền. Và số tiền này hầu hết đã được trung tâm trả cho các tác giả như thỏa thuận đã ký. Nâng cao ý thức nhà văn trong vấn đề tác quyền tôi nghĩ là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay bởi dừ thế nào chúng ta vẫn không thể làm khác với quốc tế về vấn đề này. Nếu làm tốt việc này tôi nghĩ sẽ không có những chuyện đạo thơ văn đáng xấu hổ như vừa qua. Nhưng khó khăn lớn nhất là chúng tôi vẫn phải hoạt động “tự chủ” tức là nhân sự của trung tâm có công việc chính và đây cũng chỉ là công việc mà chúng tôi đảm nhận thêm. Chưa chuyên nghiệp thì rất khó để mà hiệu quả hơn!

HIẾU VÂN – Zing.vn