Trong đời sống tinh thần của lịch sử loài người, cái gì là quí nhất, nếu không là triết học và thơ ca. Xã hội nào thiếu hai cái “nền” ấy, tất nhiên… yếu ớt (dẫu có rất nhiều cái “nền vật chất” khác). Hơn 2.000 năm trước, khi đến một xứ sở nào, để biết thực trạng xã hội nơi ấy, Tuân Tử đều muốn nghe nhạc (Thời ấy, thơ và nhạc gần như là… một, nên mới gọi là thi ca). Và triết gia đã phán định: “Đời suy thì lễ phiền mà âm nhạc dâm”. Đúng quá chứ còn gì nữa! Chợt nhớ một mẩu tin đọc mấy năm trước: nhà nước Pháp bao cấp “trọn gói” cho 15 ấn phẩm về thơ; trong đó, có tạp chí thơ xuất bản hằng tháng với số lượng 547.000 bản/lần. Hẳn rằng, chính phủ Pháp không “dại gì” mà quẳng rất nhiều tiền vào một lĩnh vực có vẻ… vô bổ như thơ? Ở ta, thơ được đối xử như thế nào?


THƠ TẶNG

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Thơ tặng nhiều quá! Đã nhiều người nói như vậy.
Đấy là câu than… phiền, hay là câu tán thán? Cả hai, dường như thế.
Thơ không bán được, thì phải đem tặng, chứ sao? Nhưng có ai đó lại nói: Không nên làm như thế, vì sẽ càng “góp phần” cho thơ bị xuống giá. Nói vậy, cũng không sai.

Giờ đây, có nhiều người làm thơ, so với 50 – 70 năm trước.
Tốt thôi: có nghĩa, số người cầm bút tăng lên nhiều, số người mù chữ bị xóa… gần hết? Vậy là vui, vì dân trí có khá hơn. Duy có một điều không nên bị “vướng” vào: sự lạm phát của hai tiếng “nhà thơ”, do cái tính… háo danh. Chẳng phải sao?

Trong đời sống tinh thần của lịch sử loài người, cái gì là quí nhất, nếu không là triết học và thơ ca. Xã hội nào thiếu hai cái “nền” ấy, tất nhiên… yếu ớt (dẫu có rất nhiều cái “nền vật chất” khác). Hơn 2.000 năm trước, khi đến một xứ sở nào, để biết thực trạng xã hội nơi ấy, Tuân Tử đều muốn nghe nhạc (Thời ấy, thơ và nhạc gần như là… một, nên mới gọi là thi ca). Và triết gia đã phán định: “Đời suy thì lễ phiền mà âm nhạc dâm”. Đúng quá chứ còn gì nữa!
Chợt nhớ một mẩu tin đọc mấy năm trước: nhà nước Pháp bao cấp “trọn gói” cho 15 ấn phẩm về thơ; trong đó, có tạp chí thơ xuất bản hằng tháng với số lượng 547.000 bản/lần. Hẳn rằng, chính phủ Pháp không “dại gì” mà quẳng rất nhiều tiền vào một lĩnh vực có vẻ… vô bổ như thơ? Ở ta, thơ được đối xử như thế nào?

Một anh bạn cung cấp thêm thông tin khác: ở Mỹ, có khoảng 12.000 nhà thơ, tất nhiên là nhà thơ chuyên nghiệp. Và anh làm bài toán: dân số Mỹ nhiều hơn dân số Việt Nam khoảng 3,2 lần; nếu căn cứ vào cái “chuẩn” là hội viên Hội Nhà văn VN để có thể được gọi là nhà thơ, thì số lượng nhà thơ ở cái quốc gia “kỹ thuật máy móc” ấy đông gấp 5 lần xứ sở Việt Nam “yêu mến văn học” (ấy là chưa nói đến thực chất của cái-gọi-là nhà thơ, cũng ở xứ ta).

Sáng nay, được người bạn tặng tập thơ dịch. Thơ Tagore, tập Mùa hái quả. Thi hào Ản Độ đã để lại hơn 50 tập thơ, là những chuỗi ngọc quí trong kho tàng thơ của nhân loại. Ở ta, dường như mới có khoảng dăm sáu tập thơ của Tagore được dịch. Người dịch và mang sách đến tặng là một cán bộ cần mẫn. Anh làm việc ở Ban Tuyên giáo, làm thơ, lại dành thời gian dịch. Quí quá! Quí hơn, là con người anh: anh yêu tinh thần của Tagore, và làm việc gì cũng vì muốn đem đến sự tốt đẹp cho xã hội. Tập thơ có 86 bài, thấm đượm tính tượng trưng với nhiều ẩn dụ sâu sắc. Bài thơ cuối Lễ tạ ơn có những câu thơ mãi mãi chân-lý- và-thời-sự: Những người đi trên lối mòn của niềm kiêu hãnh đã chà đạp những cuộc đời hèn mọn dưới chân mình và phủ lên màu xanh dịu dàng của trái đất bằng những vết chân đẫm máu… /… Những người hèn mọn đã chịu nhiều khổ đau và gánh nặng cường quyền đã phải giấu mặt và bóp nghẹt những tiếng nức nở của mình trong đêm tối… Để rồi cuối cùng, đối với những con người bị chà đạp ấy: Từng nhịp đập đớn đau của họ đã đập trong đêm sâu bí ẩn, và mỗi lời sỉ nhục đều được thu vào sự im lặng lớn lao của người. Ngày mai là của họ…

Đọc xong, thầm nói: Cảm ơn thơ tặng…