Một ngày nọ, tuyển tập thơ The black poets (Các nhà thơ da đen) của Dudley Randall đã được luồn qua khe cửa ngục vào cho Betts. Cậu nhớ lại: “Trước đây tôi từng đọc thơ khi còn ở trường và cũng từng làm thơ tặng bạn gái. Tôi thích thơ. Hoặc chí ít thì cũng là thích những bài thơ tôi viết cho các bạn gái. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thơ cũng là một cách giao tiếp. Tôi chưa bao giờ nghĩ về nó như một cách để nói về những điều khác ngoài tình yêu”. Tập thơ đã giúp Betts có cơ hội “gặp gỡ” các nhà thơ người Mỹ gốc Phi nổi tiếng như Etheridge Knight (người cũng từng ở tù), Robert Hayden, Sonia Sanchez, Amiri Baraka và Lucille Clifton. Betts nói: “Kể từ lúc đó, tôi quyết định sẽ trở thành một nhà thơ. Tôi đã có những mẫu hình và hiểu rằng mình muốn viết như thế nào”.




BETTS VÀ NHỮNG CUỐN SÁCH THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Một tập thơ được luồn qua khe cửa vào khu biệt giam của một phạm nhân mê sách đã khơi dậy khát vọng nhân tính từ nơi sâu xa nhất.  Và chẳng ai ngờ, sau chín năm ngồi tù và 10 năm kể từ lúc được tự do, thanh niên đó đã trở thành nhà văn và đang là sinh viên Trường luật Yale năm cuối. Câu chuyện tưởng như khó tin ấy chính là những gì đã xảy ra với cuộc đời chàng thanh niên Reginald Dwayne Betts Jr., thường gọi là Betts.

16 tuổi, Betts bị kết tội cướp ôtô tại bang Virginia (Mỹ) và sau đó ngồi “bóc lịch” cho tới năm 24 tuổi. Trong suốt thời gian ở tù, những cuốn sách và sau đó là thơ ca, đã trở thành thầy giáo, thành lớp học và thành bạn đồng hành của cậu.
Nhớ lại những ngày phải nỗ lực tìm lại bản thân, chia sẻ với tờ Huffington Post, Betts nói: “Tôi đọc bất cứ thứ gì tìm được. Thơ ca thôi thúc tôi suy nghĩ”. Học hành vẫn luôn là điều rất quan trọng với Betts. Cậu từng mơ trở thành một kỹ sư bởi tính toán và những con số luôn dễ dàng với Betts. Cậu bảo có hai thứ quan trọng nhất với mình là toán và triết học. Nhưng rồi cuộc đời Betts rẽ sang bước ngoặt tồi tệ khi cậu bắt đầu giao du với đám bạn bè xấu ở Suitland, bang Maryland và bỏ học năm 16 tuổi. Dấu mốc nghiệt ngã xảy ra ngày 7-12-1996 khi trong lần cùng đám bạn xấu tới chơi ở khu mua sắm Springfield thuộc ngoại ô bang Virginia, Betts và một người bạn đã bắt gặp một người đàn ông ngủ trong chiếc xe hơi tại bãi đỗ xe. Hành động cướp ôtô nông nổi hôm đó đã kết thúc cuộc đời thanh niên của Betts trong nháy mắt. Chỉ một ngày sau khi phạm tội, Betts đã phải đứng trước tòa và bị kết án tới sáu tội danh nghiêm trọng và chín năm tù trả giá cho điều đó.

Vị quan tòa hôm ấy đã nói với cậu thiếu niên Betts 16 tuổi những lời mà sẽ chẳng bao giờ cậu quên: “Tôi không có bất cứ ảo tưởng nào về việc nhà tù sẽ giúp cho cậu, nhưng có thể cậu sẽ nhận được một điều gì từ đó nếu cậu muốn”.

Ở tù, Betts lao vào đọc sách. Cậu lật hết trang này sang trang khác các cuốn như The confessions of Nat Turner (Lời thú tội của Nat Turner), Go tell it on the mountain (Hãy đi mà kể trên núi) và A lesson before dying (Bài học trước khi chết). Cậu đọc tác phẩm của George Orwell và mọi tác phẩm của Charles Dickens. Cậu say sưa thưởng thức các tác phẩm kinh điển như Of mice and men (Của chuột và người), The grapes of wrath (Chùm nho nổi giận) và The jungle (Rừng xanh). Ngoài ra cậu đọc những tác phẩm triết học của Max Weber, Franz Fanon và C.L.R. James. Đặc biệt, cuốn Sophie’s choice của William Styron đã đánh thức những suy tư tương đồng bên trong cậu.
Trong suốt thời gian thụ án, Betts trải qua năm nhà tù khác nhau. Trong ba lần riêng biệt, cậu bị giam trong biệt khám. Và thời gian đó cậu chỉ làm một việc duy nhất là đọc sách. Một ngày nọ, tuyển tập thơ The black poets (Các nhà thơ da đen) của Dudley Randall đã được luồn qua khe cửa ngục vào cho Betts. Cậu nhớ lại: “Trước đây tôi từng đọc thơ khi còn ở trường và cũng từng làm thơ tặng bạn gái. Tôi thích thơ. Hoặc chí ít thì cũng là thích những bài thơ tôi viết cho các bạn gái. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thơ cũng là một cách giao tiếp. Tôi chưa bao giờ nghĩ về nó như một cách để nói về những điều khác ngoài tình yêu”.
Tập thơ đã giúp Betts có cơ hội “gặp gỡ” các nhà thơ người Mỹ gốc Phi nổi tiếng như Etheridge Knight (người cũng từng ở tù), Robert Hayden, Sonia Sanchez, Amiri Baraka và Lucille Clifton. Betts nói: “Kể từ lúc đó, tôi quyết định sẽ trở thành một nhà thơ. Tôi đã có những mẫu hình và hiểu rằng mình muốn viết như thế nào”.

Trong một thập kỷ kể từ khi được ra tù (năm 2005), Betts (hiện nay 34 tuổi) đã xuất bản một cuốn hồi ký nói về tuổi thanh niên ngồi trong tù (A question of freedom: A memoir of learning, survival, and coming of age in prison, tạm dịch: “Câu hỏi về tự do: Cuốn hồi ký về sự học tập, sinh tồn và tuổi thanh niên trong tù”, cuốn này từng được giải thưởng), xuất bản hai tập thơ, nhận được bằng cử nhân văn chương và hiện đang theo học năm cuối tại Trường luật Yale.
Tập thơ mới nhất của Betts có tên Bastards of the Reagan era (tạm dịch: Những đứa con hoang của thời đại Reagan) sẽ phát hành vào tháng 10 tới.


Nguồn: D. KIM THOA- Tuổi Trẻ