Ngày 24/9, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hội nghị Những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 2... Hội nghị đã đón tiếp những đại biểu viết văn trẻ tham dự, trong đó, người viết trẻ nhất là cây bút nữ Ngô Gia Thiên An (SN 1999). Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đã có lời chào mừng những người viết văn trẻ Thủ đô. Theo ông, người trẻ trước hết phải dấn thân và nhập cuộc. “Sự dấn thân và nhập cuộc này có thể tóm gọn trong một chữ đi”. Đó là đi rộng, đi sát, đi xa và đi sâu. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Trưởng ban Công tác nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội, đã có phát biểu đầy chất hiệu triệu. Ông cho rằng trách nhiệm công dân của người cầm bút với dân tộc, với Tổ quốc và tâm tư nguyện vọng của các nhà văn trẻ.


NGƯỜI TRẺ NGHĨ GÌ, VIẾT GÌ?

 Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Phải thắp lên ngọn lửa yêu nước
Đã nhiều đêm tôi băn khoăn tự hỏi mình: Phải lý giải sao đây khi thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải là tiếng nói của số đông trí thức? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? Phải chăng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng? Phải chăng nhà thơ chưa tìm ra con đường đưa cái đẹp thi ca đến với trái tim con người hiện đại? Phải chăng các bài thơ hôm nay đã xa rời đời sống cần lao của nhân dân nên đã không có được sự cộng hưởng tri âm trong lòng người đọc? Những câu hỏi nay xin mỗi người làm thơ hôm nay tìm lời giải. Từ trước đến nay, các nhà thơ thường nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình, các nhà thơ đã thở hơi thở đời sống cần lao của nhân dân mình. Tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.
 Tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mỗi nhà thơ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao thơ của chúng ta có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc. Vì thế, tôi tin rằng, nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước đâu, mà có lẽ các nhà thơ nên tự hỏi: Chúng ta đã làm gì để nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình trong những tháng năm này.
Thạc sĩ Mai Anh Tuấn, Khoa Viết văn - Báo chí (ĐH Văn hoá, Hà Nội): Cơ hội làm mới của văn xuôi Hà Nội
 Quan sát văn xuôi trẻ khoảng hơn một thập niên qua, tôi cho rằng có hai xu hướng vận động chính. Thứ nhất, xu hướng văn học đại chúng quan tâm đến nhu cầu độc giả phổ thông. Khi đó, lựa chọn chủ yếu của người viết thường là trinh thám, diễm tình, chêm xen đồng tính, tình dục, đưa vào tác phẩm những yếu tố của kiểu tâm trạng phim truyền hình, hoặc các tình huống thuộc về “xứ lạ”. Một vài gương mặt tiêu biểu: Di Li, Dương Thuỵ, Nguyễn Thiên Ngân, Phan An… Thứ hai, hướng tinh tuyển, tiền phong quan tâm đến nhu cầu đổi mới bút pháp hiện đại, đầu tư vào những cảm quan đời sống giàu chất suy tư, liên tưởng trước những chủ đề khó, gai góc của văn chương: cái ác, tội lỗi, tình dục, sự tha thứ, sự cô đơn… Họ cũng đầu tư vào lời văn nghệ thuật, tạo giọng điệu, đối thoại, kết cấu… Một vài thử nghiệm đã có thể nhìn thấy ở tác phẩm của Ngọc Cầm Dương, Lynh Barcadi, Lê Minh Phong, Phan Hồn Nhiên, Uông Triều… Nếu nhìn vào chủ đề, đề tài thì có thể thấy sự nổi bật của xu hướng viết về nông thôn và tính chất vùng miền hoá: Nông thôn được nhìn nhận trong sự tan rã của gia đình; những truy bức về mưu sinh; sự khác biệt giữa các thế hệ sinh sống, đặc biệt, nông thôn đánh mất năng lực tự vệ trước quá trình đô thị hoá. Bên cạnh đó, xu hướng viết về đô thị cũng khá mạnh mẽ, với tinh thần phô bày cuộc sống tiêu dùng, sự phân rã của các giá trị truyền thống, chấp nhận các tiêu chí cảm giác mới, thậm chí không phản ứng với sự tha hoá của đô thị… Tôi không cổ vũ thái độ kiên định một dạng viết nên tôi vẫn coi cơ hội làm mới trong sáng tạo văn chương là ngang đều nhau cho tất cả. Làm mới, xét cho cùng, vẫn không hề mất giá dù vào thời đại này, thật hiếm cái mới nào thật sự tinh khiết dưới ánh mặt trời.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật: Những cách tân khá mạnh mẽ
Những người làm thơ trẻ hôm nay đang khoác lên mình tấm áo tân kỳ của thời đại với những quần bó thân, áo sát nách, với những váy lửng kiêu kỳ. Nó khác xa với dáng vẻ của một thời áo nâu lấm láp đất bùn, hay tấm áo trận bạc màu đứt chỉ sờn vai của người lính vừa bước ra từ trận mạc. Tất nhiên không thể đem y phục của mỗi thời mà so sánh với hôm nay, càng không thể đem thơ của mỗi thế hệ ra để “đọ”. Bởi đó là những thay đổi của một đất nước hoà bình, đang trong giai đoạn hoà nhập tiến lên cùng thế giới và bản thân thơ trẻ hôm nay cũng đang có những chuyển biến khá rõ nét với sự cách tân đổi mới ngày một mạnh mẽ hơn. Nói gì thì nói chúng ta vẫn phải quay lại một điều là sự thay đổi này không có gì liên đới tới tài năng thi ca cả (không phải ở thời đất nước gian lao lại thiếu những người làm thơ hay và không phải ở thời hội nhập lại có nhiều người làm thơ dở mà “hay dở thì thời nào cũng có”). Nhưng nếu soi chiếu vào cái tôi của mỗi thời thì ta thấy hôm nay thơ trẻ đang có những cách tân đổi mới khá mạnh mẽ và đáng được ghi nhận....


Nguồn: KIỀU MAI SƠN – Nông Nghiệp VN