Đào Tấn làm quan triều Nguyễn dưới thời các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái. Ông kinh qua các chức như Hiệu thư chuyên soạn tuồng trong cung, Tri phủ Quảng Trạch, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Nam Ngãi, Tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư các bộ Công, Hình, Binh. Chí bình sinh của ông chỉ mong sao dân an, đất nước thái bình. Vậy nên ông tự thẹn, tự hổ khi phận mình làm quan trong thời loạn lạc, đất nước lầm than dưới gót giày thực dân. "Thẹn lắm nghe ai gọi cựu thần/ So với nàng ta thẹn xiết bao/ Ngồi già trên sông Hương/ Thầm hổ với vầng trăng...". Đào Tấn hiểu sự mục ruỗng của chế độ phong kiến đương thời, cái thời mà vua không ra vua, quan không ra quan. Ông trở thành một kẻ sĩ "ở ẩn tại triều", như đóa mai giữa chốn bụi lầm.



Kỷ niệm 170 năm ngày sinh danh nhân Đào Tấn (1845-2015)
Thẹn lắm nghe ai gọi cựu thần…

QUỲNH NGA

"Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay". Câu thơ trên đã trở nên quá quen thuộc đối với những người yêu mến Đào Tấn - Hậu Tổ của tuồng. Cuộc đời ông cũng là chuỗi ngày gian nan của một vị quan thanh liêm, những trăn trở vì dân vì nước gửi gắm trong câu hát, vở tuồng. Tròn 170 năm ngày sinh của ông (1845 -2015), bao thế hệ học trò hậu sinh lại quy tụ về để tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa, lưu truyền nghĩa khí muôn đời.

Mộ Đào Tấn nằm trên núi Hoàng Mai, xã Phước Nghĩa nhìn ra bốn phía đất trời Tuy Phước bao la. Ở đó, quanh năm chim rừng véo von ru cho người giấc nghìn thu. Núi mang tên loài hoa mai mà ông hằng mến phục, cả đời đeo đuổi, giữ khí tiết như đóa mai thơm ngát giữa trời thanh sạch mà lấy hiệu là Mộng Mai.

Đào Tấn làm quan triều Nguyễn dưới thời các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái. Ông kinh qua các chức như Hiệu thư chuyên soạn tuồng trong cung, Tri phủ Quảng Trạch, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Nam Ngãi, Tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư các bộ Công, Hình, Binh. Chí bình sinh của ông chỉ mong sao dân an, đất nước thái bình. Vậy nên ông tự thẹn, tự hổ khi phận mình làm quan trong thời loạn lạc, đất nước lầm than dưới gót giày thực dân. "Thẹn lắm nghe ai gọi cựu thần/ So với nàng ta thẹn xiết bao/ Ngồi già trên sông Hương/ Thầm hổ với vầng trăng...".

Đào Tấn hiểu sự mục ruỗng của chế độ phong kiến đương thời, cái thời mà vua không ra vua, quan không ra quan. Ông trở thành một kẻ sĩ "ở ẩn tại triều", như đóa mai giữa chốn bụi lầm. Đời làm quan của ông được Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp cùng thời ghi nhận rằng, sau 30 năm phục vụ triều đình, Đào Tấn vẫn "tay trắng thanh bần". Bao nhiêu của nả, phú quý, nhẫn nhục ở  chốn triều cung, ông dồn vào niềm đam mê khôn cùng: nghệ thuật tuồng. Sinh ra ở mảnh đất Bình Định, nơi "đất võ trời văn", thiếu thời ông sớm bộc lộ tư chất về văn thơ, tuồng. Đào Tấn theo học thầy Tú Nhơn Ân- tác giả của những bộ tuồng nổi tiếng như "Ngũ hổ", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Liễu đố"...
Có lẽ sống trong thời loạn mà tuồng Đào Tấn phá bỏ mọi khuôn mẫu trước đó. GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phân tích: "Đào Tấn là người đầu tiên phá vỡ đề tài "Quân quốc", một đề tài duy nhất của tuồng cổ, phá vỡ cả nguyên tắc kết cấu kịch bản truyền thống là "có hậu", tuồng tích theo kiểu chương hồi "vua băng nịnh tiếm, tử chiến phò vua, tướng xua quân lùng, giết nịnh định đô, tôn vương tước vị".

Với tuồng cổ, nhân vật chính là những con người nguyện chết vì chúa, hành động theo "tam cương, ngũ thường", "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Riêng kết cấu kịch bản tuồng Đào Tấn không có hậu mà có những cuộc ra đi tìm chân lý của các nhân vật anh hùng nghĩa sĩ, những nạn nhân của triều đình phong kiến". Chữ "trung" mù quáng của người quân tử được Đào Tấn đặt lại, đó là "Chim khôn chọn cành cao mà đậu/ Người khôn chọn chúa sáng mà thờ".
Đào Tấn dùng tuồng như một vũ khí lên án chế độ phong kiến, lên án bọn vua quan bù nhìn, sa đọa thân Pháp, cổ vũ phong trào cứu nước, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong các vở như "Cổ thành", "Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan", "Diễn Võ đình", "Trầm hương các"...  Tuồng của ông đứng về nhân dân, ca ngợi lòng yêu nước, đề cao chính nghĩa. Những nhân vật chính diện như Tiết Cương, Lan Anh, Triệu Khánh Sanh, Hoàng Phi Hổ... có người bước ra từ giới quý tộc, có người là phận dân đen nhưng họ là bậc anh hùng, liệt nữ xả thân vì lẽ phải, đạo hiếu.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận xét: "Bi kịch tuồng cổ được ông xử lý mềm mại tinh tế, đan xen yếu tố hài kịch, có tính tư tưởng, đẩy hiện thực đời sống gần gũi người xem. Ông đưa nhiều điệu hát Lý, hát Nam, lý Thượng vào tuồng, thậm chí không ngại đưa cả lớp sinh con (sinh hoạt cấm kỵ của giới phong kiến)". Có lẽ lớp Lan Anh sinh con giữa rừng sâu núi thẳm trong tuồng "Hộ sanh đàn" là lớp thiêng liêng và cảm động nhất nhưng vô cùng gần gũi mà Đào Tấn đã dày công sáng tạo. Người phụ nữ vốn không được coi trọng trong thời phong kiến lại luôn được đề cao trong tuồng Đào Tấn, đó là Lan Anh sắt son với chồng, Hồ Nô trung hậu, Tú Hà tiết nghĩa...

Gần gũi đời thường, đứng về phía nhân dân lầm than nên bút pháp của tuồng Đào Tấn là bút pháp hiện thực cả trong nội dung lẫn hình thức thể hiện. Ông là người đầu tiên đưa các đào kép diễn trên bè chuối trôi trên dòng kênh để tả cảnh thủy chiến, dàn dựng cho các diễn viên biểu diễn trên đường làng Vinh Thạnh để nhân dân hiểu rõ cảnh hát múa. Nội dung câu chuyện tuy lấy điển tích của Trung Quốc nhưng lại là cách "trông người mà ngẫm đến ta", mang đậm hiện thực Việt Nam. Vua Trụ trong "Trầm hương các" là chân dung phác họa của vua Tự Đức, Đồng Khánh; Tiết Bất Nghĩa ("Hộ sanh đàn") và Tạ Kim Hùng ("Khuê các anh hùng") khiến người ta liên tưởng tới tên Việt gian phản bội Nguyễn Thân...

Nói không ngoa, đến thời Đào Tấn, nghệ thuật tuồng từ nghiệp dư đã được chuyên nghiệp hóa và lên đến đỉnh cao chói lọi với nhiều đột phá. Ông là người đầu tiên đưa nhân vật người thiểu số (Hồ Nô trong "Hộ sanh đàn") lẫn võ thuật dân tộc vào tuồng. Ông đưa tuồng dân gian vào cung đình rồi từ cung đình tỏa ra dân gian nên tác phẩm của ông thấm đẫm chất bác học nhưng cũng rất quần chúng. "Cái tôi" tự sự của nhân vật làm tăng thêm nét bi tráng, trữ tình, làm giàu cho ngôn ngữ nghệ thuật tuồng.
Kho tàng Đào Tấn để lại cho đời rất đồ sộ với hơn 40 vở tuồng và cả ngàn áng thơ, từ, câu đối... Ông là người đầu tiên thành lập các đội tuồng chuyên nghiệp được hưởng lương và cấp bậc, đồng thời lập hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên "Học bộ đình" tại thành Vinh và làng Vinh Thạnh quê hương mình. Văn tuồng Đào Tấn được vua Tự Đức ca ngợi là "Bút pháp như thần". Ở đó có sự hòa quyện của nhạc, họa, thi ca. Qua đó mà như lời cảm khái của chính tác giả, cho đất nước biến nguy "Nhạn lẻ ngang trời, mấy bít lối/ Đèn côi trăng mãi rọi bên thành". (Lời Trương Phi trong vở "Cổ thành").

NSƯT Quang Hạnh từng thọ giáo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng vốn là học trò của Đào Tấn, trong đó có thầy Cửu Vị. Ông kể rằng ngày ấy, mỗi lần tập tuồng, thầy Cửu Vị thường chỉnh cho ông từng li từng tý về cách hát lẫn vũ đạo, làm sao cho đúng phong cách cụ Đào. Bởi tuồng Đào Tấn đã tạo nên những nét chuẩn mực, hệ thống và bài bản hóa về cách hát, trang phục, tạo hình, vũ đạo, võ thuật... để truyền dạy cho thế hệ mai sau. Sinh thời, cụ Đào không chỉ coi trọng yếu tố ngôn từ mà còn rất chú ý đến yếu tố hát, múa, diễn và cả hóa trang, phục sức.

Để làm cho tác phẩm sân khấu đạt đến độ hoàn thiện nhất, Đào Tấn đặc biệt chú ý đến người diễn viên vì ông coi một tác phẩm dù hay đến mấy nhưng diễn viên tài năng kém thì coi như bỏ. Trong "Hý trường tùy bút", ông viết: "Tôi ở "Học bộ đình", ngoài việc bảo kép hát thuộc làu lời tuồng còn bảo họ diễn thử. Đến chỗ quan trọng, tôi bảo dừng lại, giảng giải ý tứ sâu xa của đoạn tuồng đó, nên hát thế nào, nên dùng cử chỉ gì để biểu hiện". Vậy nên mới xuất hiện giai thoại rằng có người học trò hát hay, tướng đẹp rất hợp với vai Tiết Cương nhưng không biết võ để múa rìu. Dù Đào Tấn rất ưng học trò này nhưng vẫn bảo anh về quê học võ đến ba, bốn tháng sau cho nhuần nhuyễn ông mới cho trở lại trường hát tuồng.

Tác phẩm Đào Tấn không chỉ là áng văn thơ đẹp, hình tượng sân khấu tuyệt tác mà nó còn chứa đựng những bài học nhân văn, khí tiết của đạo làm người. Con người và sự nghiệp của Đào Tấn là tấm gương sáng về nghĩa khí của người quân tử để thế hệ hôm nay noi theo. Vậy nên có ý kiến đề xuất không chỉ đưa tác phẩm của Đào Tấn vào các trường đại học mà còn nên giảng dạy cho các em học sinh phổ thông. Riêng Thạc sĩ Nguyễn Thị Việt Nga (Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, để bảo tồn và quảng bá giá trị quý báu của tuồng Đào Tấn ra thế giới thì rất cần việc chuyển ngữ các tác phẩm của ông sang tiếng Anh. Đặc biệt, vấn đề này càng cấp bách khi nước ta tiến hành hoàn thiện hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị công nhận Đào Tấn là danh nhân văn hóa thế giới.

Đầu tháng 9-2015, UBND tỉnh Bình Định khởi công xây dựng Đền thờ Đào Tấn  tại làng Vinh Thạnh nhân dịp 170 năm ngày sinh của ông. Đây sẽ là nơi để du khách và những người yêu mến tuồng đến tham quan, tưởng nhớ đến Hậu Tổ tuồng, ông quan nghệ sĩ có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.


Nguồn: Văn Nghệ Công An