Đứng một mình không dễ. Không những nó có thể làm ta
không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch- Dorthe Nors viết, chúng ta
phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp
váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé. Cần lòng dũng cảm để không lẩn
tránh chúng. Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám
víu vào sự tung hô của người khác. Một mình nhưng không cô đơn. Triết gia thế kỷ
19 Henry David Thoreau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công
anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con
mòng, hay một con ong nghệ. Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc Đẩu, hay một ngọn
gió nam, hay một cơn mưa tháng tư, hay băng tan tháng giêng”.
VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH
ĐẶNG HOÀNG GIANG
“Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không
thể ngồi yên một mình trong phòng” - nhà toán học và triết học Pháp Blaise
Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỷ 17. Căn nguyên của các rắc rối, theo
ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân. Không muốn đối diện với
chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một
con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt. Từ cãi vã với hàng
xóm tới xung đột giữa các quốc gia, nhiều điều tệ hại bắt nguồn từ lý do này.
Chạy
trốn bản thân
Năm ngoái, câu nói của Pascal được khoa học xác nhận.
Trong một thí nghiệm của Trường đại học Virginia (Mỹ), những người tham gia được
yêu cầu ngồi một mình 15 phút trong một căn phòng trống trơn, không có gì cả,
ngoài một cái nút. Nếu bấm nút, họ sẽ bị điện giật.
Lẽ ra khoảng thời gian yên tĩnh này là cơ hội để người
ta dừng lại, suy nghĩ, hồi tưởng, mơ màng. Nhưng với nhiều người, đó là một cực
hình, đến nỗi họ tự nguyện bấm nút giật điện bản thân chỉ để có cái gì đó để
làm, mặc dù trước khi thí nghiệm bắt đầu, họ đã được thử mức độ điện giật và ai
cũng xác nhận là có được trả tiền cũng không muốn bị vậy.
Nếu sống ở đầu thế kỷ 21, chắc hẳn Pascal đã diễn tả
khác đi một chút: “Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời cái
điện thoại thông minh để ngồi yên một mình”.
Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng chạy trốn bản thân
như bây giờ. Không cần phải đợi về tới nhà để bật tivi lên nữa, bất cứ lúc nào
và ở đâu, chỉ cần một cái gõ lên màn hình điện thoại là người ta sẽ được cuốn
ra cái biển âm thanh hỗn độn của mạng xã hội.
Trong các quán cà phê, trên taxi, ở công viên, đâu
đâu cũng là những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái đẩy lên đẩy
xuống, mắt nhìn xuống, mặt vô hồn. Xác họ ở đó, nhưng hồn họ thì đang xô đẩy
trong đám đông nhốn nháo trên mạng.
Túc trực từ sáng tới tối, đám đông này làu bàu, gầm
gừ, lê lết từ tường nhà này tới tường nhà kia, từ trang tin này tới diễn đàn nọ,
giật status, like, share, còm, kết bạn, theo dõi, block. Trên mạng, con khỉ tâm
trí có vô vàn cành cây để nhảy nhót.
Con người hiện đại không biết phải làm gì với chính
mình, và nếu người ta sẵn sàng giật điện bản thân chỉ vì buồn chán thì chúng ta
có thể hình dung họ có thể làm những gì với người khác. Đám đông ưa thích hai
trạng thái, một là dạy dỗ, chỉ bảo, ban phát lòng thương; hai là chê bai, giễu
cợt, phẫn nộ.
Lúc nào cũng đắc thắng, họ luôn tin rằng mình đúng
và thế giới cần phải biết tới các phát ngôn của mình. Không trực tiếp làm chết
người như đánh trộm chó ở ngoài đời, họ truy lùng và dồn các nạn nhân của mình
vào chân tường cho tới khi những người này phải tự tử như cô bé bị lộ video
clip, hay phải van xin như cậu thanh niên Hào Anh: “Đừng cho tôi thêm gì nữa.
Xin mọi người cho tôi được sống tự nhiên”.
Năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy
cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn khước từ thức ăn và
tình dục. Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian
để trình diễn. Ai cũng có công chúng.
Câu của Andy Warhol - một họa sĩ Mỹ nổi tiếng về nghệ
thuật đại chúng (pop art): “Trong tương lai, mỗi người sẽ nổi tiếng 15 phút” có
thể được bổ sung thêm: “Mỗi người sẽ nổi tiếng với 15 người”. Mỗi cái like,
chia sẻ, bình luận tán thưởng là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng
tin, một lần nữa khẳng định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ, dù đó
chỉ là bức ảnh chụp bát bún thang buổi trưa.
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính
mình trong công cuộc xây dựng hình ảnh cá nhân. Chúng ta trở nên kỳ quặc mà
không hề biết.
Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp
lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh
con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ôtô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng
tắm, lên bàn - chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại. Trên
Facebook, ái kỷ không những được khuyến khích, nó là mục tiêu chính.
Căn bệnh tâm lý mới nhất của xã hội hiện đại là bệnh
“sợ bị bỏ lỡ”. Qua một đêm, sau một cuộc họp, thậm chí khi vừa làm tình xong,
điều đầu tiên người ta làm là vồ lấy cái điện thoại. Biết đâu vừa có chuyện gì
mới xảy ra, ta không thể vắng mặt.
Mà những chuyện như vậy thì vô vàn: học giả thơm hoa
hậu, người mẫu ngủ dạng chân, nguyên thủ quốc gia không cài áo vest, các án mạng
ly kỳ nối đuôi nhau.
Chiếc điện thoại thông minh đã trở thành một ô cửa
nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin
có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng
online thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.
Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp
nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội
vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói
trong mỗi giao tiếp.
Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng
ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta
bị xáo trộn, bứt rứt và ghen tị với cuộc sống của người khác như một kẻ đói
khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi.
Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần
tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái newsfeed để hòng tìm được một status bị bỏ
sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một
người xa lạ để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
Bình
tâm ở giữa đời thực
Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ
đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm
nhận thế giới. Thay vì bình tâm ngắm buổi hoàng hôn lộng lẫy, chúng ta điên cuồng
tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn chọn một cái
“đạt” nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn.
Thay vì sống trong thế giới thật, người ta bị ám ảnh
bởi thế giới ảo. Không có hình tượng nào thể hiện điều này rõ hơn hình ảnh một
bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa lướt web. Việc post ảnh đứa bé sơ sinh lên mạng trở
nên quan trọng hơn việc ngắm nhìn nó bú mẹ và cảm thấy được kết nối với vũ trụ.
Trong tiểu thuyết The Circle, tác giả Dave Eggers vẽ
ra một xã hội mà mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, của cuộc sống con người đều được
chia sẻ trên mạng, và mọi người phấn đấu để trở thành các công dân mạng tích cực
nhất.
Họ thức cả đêm để like, bình luận, post, tweet, càng
hăng hái thì càng được nhiều điểm, nhiều “bạn”, nhiều lời khen. Thực tế không
quá xa xôi với câu chuyện viễn tưởng này.
Đứng trước bức Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre, Paris, tất
cả du khách đều nhìn kiệt tác này qua màn hình điện thoại của mình. Dường như họ
chỉ có thể trải nghiệm thế giới thông qua một lớp màng điện tử. Cái gì không được
ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.
Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo
một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tạo
tối đa sự chú ý của người khác.
Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post là một cố gắng để
người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed
tràn qua nhấn chìm. Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, bị
nằm ngoài cuộc.
Ý nghĩa và sự thành công của một ngày nghỉ, của một
chuyến đi, rộng hơn là của cả cuộc đời, được đo bởi số lượng like.
Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước
từ chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu
bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.
Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư
duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm. Triết gia Soren Kierkegaard coi
đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển
bản thân. Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm.
“Không đi theo đám đông để làm điều xấu” là một câu
trong Kinh Thánh. Không chỉ đơn giản là “không làm điều xấu”, mà cụ thể là
“không đi theo đám đông để làm điều xấu”. Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng của
Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số
người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch). Mọi người trong nhóm
được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng - một bài tập cho trẻ con.
Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng
chọn một câu trả lời rõ ràng là sai thì tới 30% trường hợp người tham gia thí
nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông.
Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc
và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn của Mỹ thế kỷ 19,
viết: “Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không
phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm của những ý kiến của họ”.
Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác
một cách vật lý. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập,
nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung
quanh.
Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ
vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các
con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn,
đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn. Vẻ đẹp của người đứng một mình
là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân. Một niềm vui mà như nhà tu hành
David Steindl-Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra.
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần