Nguyễn Tuấn kể chuyện có duyên vì theo tôi nghĩ anh biết kể những cái gì người đọc cần chứ không phải chỉ kể những điều nhà văn cần kể. Anh kể kiệm lời, đủ để người đọc thấy vừa đủ và đồng sáng tạo cùng nhà văn. Âu đây cũng chính là nét rất đặc trưng để phân biệt giữa nhà văn và người kể chuyện thông thường. Nhà văn là người biết kể, biết chắt lọc những gì từ cuộc sống để kể cho hấp dẫn, thuyết phục người nghe. Nguyễn Tuấn đã biết chắt lọc những chi tiết từ những vụ án mà suốt hơn hai mươi năm làm báo của mình anh đã tiếp xúc, chứng kiến và không ít khi là người trong cuộc. Anh là người biết mình, hiểu nghề, biết hóa thân vào người trong cuộc để kể chuyện nên tạo được lòng tin nơi người đọc.



Nguyễn Tuấn và những trăn trở về hạnh phúc
NGUYỄN THẾ HÙNG

Trong quá trình sáng tạo của mình, có nhiều nhà văn luôn thay đổi giọng điệu và thậm chí là dịch chuyển cả điểm nhìn, chính vì thế mà trong lịch sử văn học hiện đại chúng ta đã bắt gặp những "ca phức tạp" rất khó đoán định phong cách của các nhà văn đó, nhưng cũng có không ít nhà văn ngay những truyện ngắn đầu tay đã định hình phong cách và có một điểm nhìn xuyên suốt cả quãng đời sáng tác của mình. Trong những người như thế có Nguyễn Tuấn (hiện là Trưởng ban Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng và Cảnh sát toàn cầu, Báo Công an nhân dân).
Có thể nói, tất cả những truyện ngắn của Nguyễn Tuấn viết ra đều là những day trở về hạnh phúc, về điều thiện, kể cả khi anh viết về cái ác thì cũng muốn người đọc đọc nó để xa lánh và không còn làm ác nữa. Tôi nghĩ đó cũng chính là một trong những chức năng cực kỳ quan trọng của văn học nghệ thuật, đó là người nghệ sĩ phải sáng tạo làm sao để cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn và mỗi một con người sống trong thế giới đó phải được bình yên, tự do và hạnh phúc. Truyện ngắn của anh thường có một cốt truyện vững và trên cái cốt truyện đó anh khai triển những ý đồ nghệ thuật của mình. Cốt truyện vững theo lối truyện ngắn cổ điển nhưng Nguyễn Tuấn lại ít khi miêu tả cảnh sắc và tâm lý nhân vật mà anh thường dùng lối ngôn ngữ hoạt bằng những câu văn ngắn, tiết tấu nhanh, chính xác nên truyện của anh thường ngắn, nén và có một sự bung phá rất phù hợp với yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của đa số bạn đọc đương đại.
Ở trong một ngõ vắng là cả một xã hội thu nhỏ, có những hỉ nộ ái ố, có tình yêu và sợ tráo trở, có thiện và ác, có hạnh phúc và bất hạnh, cũng như đằng sau sự bình yên của cuộc sống thường ngày là ẩn chứa những mầm họa của mất an ninh trật tự, là những thủ đoạn, những âm mưu của các thế lực...(truyện "Ngõ vắng").
Anh viết truyện theo lối cổ điển, đó là tạo ra những mâu thuẫn, xung đột nào đó để đẩy cao trào truyện lên rồi tìm một cách hợp lý nhất để mở nút. Với dụng ý nghệ thuật này, nếu không "cao tay ấn" thì nhà văn rất dễ bị chính con chữ của mình như những lũ âm binh do chính mình tạo ra phản lại. Nhưng Nguyễn Tuấn đã tỏ ra là người có nhiều "pháp thuật" trong sử dùng ngôn ngữ, trong cách xử lý tình huống xung đột. Là người đọc đồng thời cũng là một người viết, tôi thường hồi hộp và không ít lần lo khi đọc truyện của anh, vì thường khi vừa vào truyện anh đã tạo ra xung đột. Lo là vì nghĩ với sự xung đột đó, nếu không khéo gỡ thì truyện sẽ đổ.
Đây là điểm mạnh, bắt người đọc phải đọc cho hết truyện để đến cuối truyện bao giờ cũng là một cái thở phào khoan khoái. Mọi khúc mắc đều được xử lý một cách "gọn ghẽ". Xử lý có tình có lý để người đọc nghĩ rằng trong tình huống đó, nếu mình là nhân vật chính thì mình cũng sẽ phải làm như thế, không còn cách nào khác. Nhà văn như ai đó đã từng nói, đó là một lũ rỗi hơi, cứ tự thắt rồi tự ngồi cạy cục mà mở nút.
Nguyễn Tuấn không nằm ngoài những người "rỗi hơi" đó. Anh cũng tự mua dây rồi tự ngồi mà thắt nên những nút thắt mà ngoài anh ra khó có ai mở ra được nút thắt đó hoàn hảo như chính anh đã mở. Đó là chuyện của Tú (truyện "Đêm phục kích bất thường"). Bất thường vì cái sự tình cờ oái oăm khi anh phát hiện ra vợ mình là tình nhân của anh trai tên tội phạm mà anh cùng đồng đội đang mật phục để bắt về quy án.
Cũng bất thường không kém khi anh rất tận tâm với nghề, gắng phấn đấu làm việc chân chính để mong sao cho vợ con có một cuộc sống đủ đầy bằng anh bằng em, nhưng rồi một đêm vợ anh lê bước về nhà và nói thẳng ra rằng là chúng mình chia tay nhau vì em không còn yêu anh nữa, em đã thuộc về người khác mất rồi (truyện "Ngôi nhà trong mây"). Còn đau đớn hơn khi chồng phát hiện ra vợ mình đi với một người khác và đứa con trai mình hằng yêu thương chăm bẵm có khuôn mặt và dáng hình rất giống người ấy (truyện "ADN"). Đó là xung đột về thời gian và kinh tế.
Đối với không ít bà vợ thì kinh tế bao giờ cũng phải tỉ lệ thuận với thời gian và công sức bỏ ra, anh đi làm suốt ngày, suốt đêm, thậm chí có những lúc đang vợ vợ chồng chồng ái ái ân ân nhưng có cuộc điện thoại anh lại vùng dậy và đi ở thất thường nhưng tiền bạc anh đưa về chả có là bao, vợ chồng, con cái vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn. Còn người khác, vẫn có thời gian đi chơi golf, thời gian hẹn hò, rồi hoa, rồi quà, rồi ái rồi ân, rồi lãng mạn... nên tôi không thể sống trọn đời với anh, tôi phải thương lấy bản thân mình... đó là những day trở về cái sự mong manh của tình yêu, hạnh phúc, giữa tình và tiền, giữa đạo lý, những chuẩn mực đạo đức và sự vô luân, thiển cận và hãnh tiến.
Mỗi truyện ngắn của anh như là một ước mơ về một tình yêu chân chính, một hạnh phúc vợ chồng với cuộc sống dù đang còn nghèo khó, vất vả, nhưng cái sự vất vả đó sẽ được đền đáp khi chúng ta sống có ích với chính mình và có trách niệm với cộng đồng, khi cuộc sống của người dân được bình yên.
Khác với các cuộc đấu tranh có phân chia chiến tuyến một cách rõ rệt địch - ta, cuộc chiến của những người đang ngày đêm giữ vững an ninh và bình yên cuộc sống là cuộc chiến dai dẳng, trường kỳ và nhiều khi không hề có chiến tuyến cụ thể, ranh giới giữa cái thiện, cái ác cũng thật mong manh và nếu không tỉnh táo thì khó đoán định, dễ nhầm lẫn, tội phạm nhiều khi là bạn bè, anh em ruột thịt, đồng chí, đồng đội, thậm chí là cả những đấng sinh thành ra mình.
Người chiến sĩ an ninh nếu nghiêng về tình thì sẽ vi phạm pháp luật, còn nếu thượng tôn pháp luật một cách cứng nhắc thì sẽ bị coi là con người bằng gỗ đá. Cân bằng thế nào đây giữa tình và lý?! Và chính cuộc chiến để chiến thắng được chính mình là cuộc chiến cam go và nhiều thử thách nhất.
Là một sĩ quan An ninh làm báo viết văn, tôi tin đã nhiều lần Nguyễn Tuấn day trở về điều đó. Những day trở về việc thực thi nhiệm vụ và hạnh phúc của người khác. Vẫn biết rằng công lý thì vẫn phải được thực thi, nhưng thực thi như thế nào để vừa giữ nghiêm pháp luật, chuẩn mực đạo đức nhưng cũng tránh để cho người lầm lỗi bớt đi được phần nào sự tổn thất, làm sao công lý được thực thi nhưng lại thức tỉnh được trong con người phạm tội cái thiên lương, thức tỉnh tính thiện vốn có trong mỗi con người, để kéo họ về với nẻo thiện. Vì ở trong những sắc phục Công an là những trái tim biết rung lên nhịp đập của yêu thương và một cái đầu lạnh để tỉnh táo phân biệt những điều thiện ác, đúng sai, những điều nên và không nên làm (truyện "Mùa đông ấm áp"; truyện "Dòng đời"). Và không ít lần tôi tin anh phải đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để tự mở ra những nút thắt do mình tạo ra.
Nguyễn Tuấn kể chuyện có duyên vì theo tôi nghĩ anh biết kể những cái gì người đọc cần chứ không phải chỉ kể những điều nhà văn cần kể. Anh kể kiệm lời, đủ để người đọc thấy vừa đủ và đồng sáng tạo cùng nhà văn. Âu đây cũng chính là nét rất đặc trưng để phân biệt giữa nhà văn và người kể chuyện thông thường. Nhà văn là người biết kể, biết chắt lọc những gì từ cuộc sống để kể cho hấp dẫn, thuyết phục người nghe. Nguyễn Tuấn đã biết chắt lọc những chi tiết từ những vụ án mà suốt hơn hai mươi năm làm báo của mình anh đã tiếp xúc, chứng kiến và không ít khi là người trong cuộc. Anh là người biết mình, hiểu nghề, biết hóa thân vào người trong cuộc để kể chuyện nên tạo được lòng tin nơi người đọc.
Tôi nghĩ đây là thành công lớn nhất của truyện ngắn Nguyễn Tuấn. Tôi đọc những sáng tác đầu tiên của anh in trên những số đầu tiên của tờ Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Văn nghệ Công an). Ngày đó tờ báo còn trẻ và anh cũng còn rất trẻ. Có thể nói rằng bên cạnh những nhà văn nổi tiếng thuộc thế hệ cha anh đi trước thì Phạm Khải, Nguyễn Tuấn, Như Bình, Trần Thanh Hà, Bình Nguyên Trang, Trần Hồng Long, Trần Hoàng Thiên Kim... và những cây bút trẻ trong lực lượng Công an đã tạo nên sự tươi mới, có những nét rất riêng với mảng đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Các anh, các chị là những người kế cận đáng tin cậy để tiếp bước con đường của những nhà văn lớp trước đã khai mở.