Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đang trên giường bệnh. Khác với hình dung, trông ông đỏ đắn, hồng hào hơn hẳn so với những lần tôi gặp. Có lẽ những ngày nằm viện lại là thời gian “nhàn rỗi” nhất trong cuộc đời nhiều bận rộn của ông, dù trong câu chuyện, nỗi trăn trở về viết lách vẫn trở đi trở lại. Tuồng như ông đang thanh thản đối mặt với một thử thách mới của số phận, bởi vì bên cạnh ông còn có một người vợ trẻ - nhà thơ Trang Thanh và cậu con trai bé nhỏ, đó vừa là động lực lại vừa là dây neo của ông với cuộc đời này.







TÌNH YÊU DÙ ĐẾN MUỘN

HOÀI DƯƠNG

Chênh vênh duyên và nợ
Trước khi đến với nhau, nhà văn Nguyễn Khắc Phục và nhà thơ Trang Thanh đã có thừa những trắc trở éo le của cuộc đời. Sự ghép nối giữa hai người cũng lại thừa những chênh vênh khi ông đã vào tuổi “cổ lai hy” còn vợ ông vẫn đang còn mặn mà xuân sắc. Thế nhưng, mặc kệ biết bao điều tiếng, biết bao ngờ vực, cuộc tình đó vẫn có một kết thúc viên mãn bằng một gia đình nhỏ.
Ông bảo, trong cuộc tình này, người dũng cảm, người phải chịu nhiều thua thiệt không phải là ông mà là Trang Thanh, người phụ nữ nhỏ nhắn, có nét mặt thanh tú, nhẹ nhõm nhưng lúc nào cũng như phảng phất một nét buồn. Trang Thanh đã từng làm thơ, mà người đàn bà làm thơ thường khó tránh khỏi đa đoan. Nhưng vài năm trở lại đây thì chị không viết nữa. Cuộc sống bên ông, bên cậu con trai bé nhỏ với ông và một cô con gái lớn bình yên quá nên chị tạm xa, hay đúng hơn là “nàng thơ” tạm rời bỏ chị. 

Nhớ lại ngày quen nhau, chị kể, trong khi những người đàn ông khác nhiệt tình làm mọi cách để có được chị thì ông lại lưỡng lự. Hình như ông sợ làm chị khổ, sợ làm cuộc đời chị thêm 1 lần nữa trắc trở. Bởi ông biết, tất cả những gì mình có đều đã phung phí, đã trang trải cho cuộc đời  gần hết, làm sao còn đủ sức mang lại hạnh phúc đủ đầy cho người phụ nữ mà ông cảm thấy yêu thương, trân trọng này.
Ông tiên cảm được phần còn lại dành cho chị rồi đây sẽ sớm là gánh nặng. Nhưng chính vì sự lưỡng lự đó mà chị đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với ông, bởi chị hiểu, căn cốt của tình yêu cần có một tình thương sâu thẳm. Nhất là khi những bồng bột của tuổi trẻ đã qua đi khá lâu rồi, tình yêu ở tuổi này cần một sự thấu hiểu, xót thương cuộc đời nhau cả từ hai phía.

Thật lạ là về với nhau, Nguyễn Khắc Phục như “lột xác”. Trước đó, ông là người đàn ông ngẫu hứng với cuộc sống độc thân triền miên. Lúc thì người ta thấy ông như một người khách trọ kỳ dị trong một căn hộ đi thuê ở một ngõ nhỏ trên con phố Dã Tượng. Lúc lại thấy ông buông thả mê đắm đến quên mình bên những bức tranh dang dở trong một căn hộ cũng đi thuê bên Hồ Tây. Thoắt cái lại thấy ông xuống tóc, áo nâu sồng như vị tu hành lặng lẽ đi bên lề cuộc đời…
Và vì thế, dù được mệnh danh là “ông vua viết kịch bản” nhưng suốt đời ông vẫn đi thuê nhà. Tiền chỉ vào “trọ” trong túi ông chốc lát rồi ra đi, làm nghĩa vụ với những người mà ông nghĩ là họ cần tiền hơn ông.
 Ấy vậy mà khi gặp Trang Thanh và quyết định chắp nối hai cuộc đời lại với nhau, ông đã thành một người khác. Nhiều người nhận xét ông trẻ ra, phong độ hơn so với tuổi của mình. Cuộc đời tưởng như sẽ phiêu diêu mãi thì bỗng dưng lại có một mục tiêu rất rõ ràng, đó là phải kiếm tiền lo cho vợ cho con. Và bây giờ, ông đã có được một căn hộ của mình với đầy đủ tiện nghi làm nơi chốn đi về.
Ông có quyền hãnh diện vì đã mang lại cuộc sống đủ đầy cho vợ con, điều mà không phải người đàn ông nào cũng làm được. Tổ ấm nhỏ đã cho ông thêm nhiều động lực, thêm năng lượng để làm việc, vì vậy, trong đầu ông lúc nào cũng đầy ắp ý tưởng mới.

Cái đặc biệt của ông là, bên cạnh những thứ mà người ta thường gọi là “ăn xổi” như kịch bản lễ hội, sự kiện, ông vẫn dành nhiều lúc “dọn mình” để bước vào “ngôi đền thiêng” mà ông một đời thờ phụng. Ở đó, ông là một nhà văn cảm thấy mình còn phải có trách nhiệm lớn với cuộc đời, như thể trên “cao xanh” kia đã buộc vào ông mà ông có muốn cũng không thể nào “giẫy” ra nổi. Nơi mà trước kia những tháng năm ông đã vắt kiệt mình cho những trang tiểu thuyết đầy những trầm luân cuộc đời, với những:  Bay qua cõi chết, Học phí trả bằng máu, Cuối xuân, Yến huyệt, Khát vọng, Thành phố không bị chiếm… 

Đâu là hạnh phúc?
Ông kể, sự ngờ vực của người đời nhiều khi cũng quá quắt, ngay cả khi  bé Gạo, con trai của hai người chào đời, không ít người nửa đùa nửa thật bảo ông phải thử ADN nhưng ông cười rất hiền: “Chú chẳng cần làm cái điều bất nhẫn ấy, chỉ cần chú tin là đủ. Cái linh cảm về máu mủ ruột rà nó lạ lắm cháu ơi!”.
Và hẳn nhiên là ông trở thành ông bố mê con kỳ lạ. Lúc nào trong điện thoại của ông cũng có sẵn ảnh, clip về thằng bé để ông hãnh diện khoe với bạn bè. Người đàn ông tưởng như đã nếm đủ hết hỷ nộ ái ố của cuộc đời ấy lại thấy những niềm hạnh phúc mới mẻ. Người giúp việc kể, có nhiều lúc bắt gặp ông đứng nhìn con ngủ như bị thôi miên. 50 năm miệt mài sáng tạo nhưng như chính ông thừa nhận, đây mới là “kiệt tác” của đời mình. 
Nhiều người bảo ông vất vả nhưng nếu ai bắt gặp niềm vui ngời lên trong mắt ông khi nói về bé Gạo, nếu ai cảm nhận được sự trìu mến yêu thương mà ông dành cho người vợ trẻ, thì mới hiểu, ông đang là người hạnh phúc. Và đặc biệt, nhìn người vợ trẻ dịu dàng chăm ông từ chút từng chút, mới thấy ông đã may mắn như thế nào khi có chị vào lúc chiều muộn của cuộc đời. Trang Thanh đang tạm nghỉ công việc đang làm để toàn tâm toàn ý chăm lo cho ông.

Chăm ông dễ mà lại khó. Dễ là bởi ông không kén cá chọn canh, cái gì cũng ăn được. Nhưng khó là bởi chị biết, không phải cái gì ông cũng thích, nhiều cái ông ăn chỉ để chiều lòng mọi người. Chị thì lại muốn chiều ông, dù ông không hề đòi hỏi. Và vì thế, chị phải chịu khó hơn một chút, ví dụ món chả thì phải mua ở đúng hàng này, món bánh cuốn thì phải mua hàng kia, món phở thì phải đến phố đó…
Mà cái chính là ông luôn cần chị, ngay cả khi ông còn khỏe mạnh, chị đi ra ngoài một bước ông đã ngóng đợi, cứ như thể “tiết kiệm” từng giây phút bên nhau. Chị cũng không nỡ rời xa ông. Người phụ nữ nhỏ bé ấy đang phải kiên cường làm điểm tựa cho cả gia đình. Đã qua những lúc buồn nản vì bệnh tật của chồng, giờ đây chị đã trở nên vững vàng hơn rất nhiều. Nụ cười của chị làm cho ông an tâm. Trong lúc hoạn nạn nhất của cuộc đời này, ông càng hiểu chân tình của chị.

Bài hát chị vừa sáng tác “Anh đừng xa em” như một lời động viên, khích lệ để ông chiến thắng bệnh tật. Không hề học nhạc lý, không hề biết ký âm, chị sáng tác theo một kiểu hết sức lạ đời, đó là hát từng câu cho cô giáo dạy nhạc của con ký âm giúp, vì thế ông gọi đây là bản nhạc của một người mù nhạc. Chị rất vui vẻ tiết lộ, một nhạc sỹ nổi tiếng (Trọng Đài) đã nhận lời thu âm giúp chị bài hát này, như một món quà tặng ông ngày sinh nhật sắp đến, một sinh nhật đặc biệt trên giường bệnh. 
Bây giờ, ngoài những giờ làm thuốc, truyền dịch, ông vẫn ngồi trước máy tính để làm việc. Ông là bệnh nhân đặc biệt bởi bác sỹ và người nhà không cần phải giấu bệnh của ông. Ông biết hết và sẵn sàng chiến đấu. Trên Facebook mà ông mới lập khi đã nằm trên giường bệnh, ông viết: “Lại một ngày khăn gói quả mướp vào Quân y 103, tiếp tục cuộc trường chinh chống những tế bào nhỏ đang trong giai đoạn tràn lan... Đây gần như là cuộc kháng cự cuối cùng, cực kỳ quyết liệt (chuyện sinh tử mà) nhưng lại vô cùng tự tin và đầy cảm hứng khi biết mình ở giữa tình thương yêu, đùm bọc của người thân, anh em ruột thịt, bạn bè xa gần...”.  

Những ngày này bạn bè đến thăm ông rất nhiều. Chỉ cần hỏi nhà văn Nguyễn Khắc Phục là các y, bác sỹ ở Khoa Chiếu xạ Viện Quân Y 103 sẽ chỉ dẫn tận tình. Ông rất cảm động khi y, bác sĩ ở đây đã tạo điều kiện tốt nhất cho ông để điều trị. Càng cảm động hơn khi anh em bạn bè đang xúm vào giúp ông để cuốn tiểu thuyết hơn 600 trang mang tên “Hỗn độn” được ấn hành. Tôi hỏi: Nếu dành hai phút để nói về “Hỗn độn” thì ông có thể nói gì?. Ông cười lớn: Ờ thì, là hỗn độn, rất hỗn độn, thế thôi!
Không có gì thay đổi, sang tháng 9 này, cuốn tiểu thuyết mà ông dành nhiều tâm huyết ấp ủ suốt 10 năm ròng sẽ ra mắt bạn đọc. Nhưng đó mới chỉ lần phần 1, ông vẫn còn đang ấp ủ cho phần 2, mà như ông bảo, nếu làm được, thì đó mới là việc của con tằm rút ruột cho lần nhả tơ cuối cùng. 


Nguồn: Đại Đoàn Kết