Phạm Khải viết phê bình văn nghệ bằng khả năng nhạy
bén của một nhà báo kết hợp với khả năng phân tích của một nhà thơ. Chính Phạm
Khải đúc kết: “Trong tình hình mà báo chí
thiên về thời sự, thông tấn, số tờ báo dành “đất” cho các bài viết có tính
chuyên sâu không nhiều. “Đất dụng võ” đã ít mà nhuận bút lại quá hẻo, đó là một
trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp không
chút mặn mà viết bài, nhất là khi để viết những bài có tính chuyên sâu như thế,
họ phải rất lao tâm khổ tứ. Nói vậy không có nghĩa là các tác giả này buông
bút. Họ vẫn viết, nhưng là viết dài hơi, để dành in ở các tạp chí chuyên ngành,
hoặc sau này đưa vào sách cho nói “ra tấm ra miếng”. Các tờ nhật báo thiếu vắng
những bài viết hạng này cũng là vì thế”. Do đó, đọc “Thời tốc độ và tâm lý
sáng tạo” chưa hẳn phô diễn được phẩm chất một “nhà phê bình chuyên nghiệp” ở
Phạm Khải, nhưng không khó nhận ra anh là một nhà quan sát tận tụy và nghiêm
túc!
THỜI TỐC ĐỘ BÀN VỀ TÂM LÝ SÁNG TẠO
LÊ THIẾU NHƠN
Phạm Khải vốn nổi danh thi sĩ trước khi đi làm báo.
Nhắc đến anh, nhiều người vẫn thích thú với bài thơ bốn câu xinh xắn: “Kim giờ làm khổ kim giây. Em đi một bước
anh quay trăm vòng. Muốn làm kim phút cho xong. E khi giáp mặt chuông lòng
lại kêu” viết từ tuổi đôi mươi. Sau hai tập thơ “Cánh chuồn tuổi thơ” và
“Giấc mơ ban ngày”, Phạm Khải theo đuổi lĩnh vực mới mẻ hơn: lý luận phê bình.
Ban đầu Phạm Khải viết bình thơ, dần dần chuyển sang
viết bình luận văn nghệ. Cuốn sách “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” của Phạm Khải,
được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2014, có thể xem là kết quả
của một hành trình làm nghề say mê.
Phạm Khải viết phê bình văn nghệ bằng khả năng nhạy
bén của một nhà báo kết hợp với khả năng phân tích của một nhà thơ. Chính Phạm
Khải đúc kết: “Trong tình hình mà báo chí
thiên về thời sự, thông tấn, số tờ báo dành “đất” cho các bài viết có tính
chuyên sâu không nhiều. “Đất dụng võ” đã ít mà nhuận bút lại quá hẻo, đó là một
trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nhà phê bình chuyên nghiệp không
chút mặn mà viết bài, nhất là khi để viết những bài có tính chuyên sâu như thế,
họ phải rất lao tâm khổ tứ. Nói vậy không có nghĩa là các tác giả này buông
bút. Họ vẫn viết, nhưng là viết dài hơi, để dành in ở các tạp chí chuyên ngành,
hoặc sau này đưa vào sách cho nói “ra tấm ra miếng”. Các tờ nhật báo thiếu vắng
những bài viết hạng này cũng là vì thế”. Do đó, đọc “Thời tốc độ và tâm lý
sáng tạo” chưa hẳn phô diễn được phẩm chất một “nhà phê bình chuyên nghiệp” ở
Phạm Khải, nhưng không khó nhận ra anh là một nhà quan sát tận tụy và nghiêm
túc!
“Thời tốc độ
và tâm lý sáng tạo” chỉ dày 300 trang, nhưng lại có sức gợi nhắc hầu hết các sự
kiện văn nghệ quan trọng trong suốt 20 năm vừa qua. Bất kỳ chuyện lớn chuyện nhỏ
nào của đời sống văn hóa cũng được Phạm Khải ghi nhận khá tỉ mỉ rồi đặt nó
trong bối cảnh phát triển chung để suy ngẫm và lý giải. Vì vậy, dù viết để in
báo, nhưng nhiều bài của Phạm Khải vượt qua giới hạn của trang báo để độc giả
có thể đọc lại thêm nhiều lần nữa. Ví dụ, các bài bình luận “Ai vẽ được nàng Kiều?”,
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu”, “Từ Thơ Mới nghĩ về thơ trẻ”, “Đề tài chiến
tranh: “Món nợ” dài của các nhà văn Việt Nam”, “Tái hiện lịch sử phải khoa học”,
“Nhà phê bình Hoài Thanh: Nỗi oan không khó gỡ”, “Phùng Quán còn đây”, “Di cảo
Lưu Quang Vũ: Những điều ký gửi”, “Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Từ trong văn học
nhìn ra”, “Thời đã qua và chuyện chưa xa”,…
Cái khó của bình luận văn nghệ là sự kiện sẽ bị trôi
tuột đi, nếu tác giả không có góc nhìn riêng. Bên cạnh yếu tố phát hiện, thì
người viết phải can đảm phơi bày quan điểm của mình. Bàn về giới cầm bút cuống
cuồng trước đời sống mà lơ lãng giá trị thực sự của tác phẩm, Phạm Khải băn
khoăn: “Càng nổi tiếng, có uy tín trong
nghề, họ càng ít có cơ hội được rảnh rỗi, ít có “thời gian trống” để liếc mắt
đôi chút đến sản phẩm của đồng nghiệp. Nhiều người viết, khi vào cuộc thù tạc
có thể giới thiệu nhau bằng những lời lẽ rất có cánh, song thử hỏi lại, đã có
lúc nào họ kiên trì đọc của nhau tới nơi tới chốn, dù chỉ là đọc hết một cuốn
sách?”. Cũng như bàn về ngành xuất bản càng ngày càng bị thị trường chi phối
khó kiểm soát chất lượng, Phạm Khải khảng khái: “Cùng với xu thế số lượng đầu sách được ấn hành mỗi ngày một tăng, kế hoạch
xuất bản năm sau luôn cao hơn năm trước, thì số lượng các ấn bản được tung ra
thị trường “chưa qua xử lý” cũng ngày một nhiều. Và việc này không thể nói
không ảnh hưởng tiêu cực đến chính những người đọc sách và người viết sách!”.
Phạm Khải bình luận văn nghệ chủ yếu đáp ứng nhu cầu
trước mắt của công việc làm báo. Tuy nhiên, tính kịp thời của nghề báo dường
như không mấy cản trở Phạm Khải luôn khao khát nghĩ kỹ hơn, nghĩ sâu hơn về mỗi
hiện tượng. Dù chưa đạt đến tầm chuyên luận về tiểu thuyết lịch sử, nhưng trong
khuôn khổ bài viết hơn ngàn chữ, thì Phạm Khải vẫn bộc bạch được một vấn đề học
thuật: “Ai cũng biết, tiểu thuyết lịch sử
là một thể loại khó, đòi hỏi tác giả không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà
lịch sử. Tất nhiên, nó có chỗ cho quyền nhà văn được hư cấu, song về cơ bản, nó
phải tuân thủ nghiêm ngặt những nét cơ bản mà lịch sử đã ghi nhận. Ví như, những
sự kiện lớn xảy ra, những mốc thời gian, những khoảng không gian…hoạt động của
nhân vật đã được mặc định bởi sử sách. Không thể dễ dãi cho rằng nhà văn có quyền
hư cấu để thay đổi một cách bừa bãi, tùy tiện, gây phản cảm với người đọc!”
Bình luận văn nghệ đòi hỏi sự sắc sảo phải đi liền với
sự tế nhị, nếu không muốn bớt bạn thêm thù. Khen chê dẫu đúng dẫu sai cũng gây
ra không ít hệ lụy. Bản lĩnh của người viết đôi khi phải chấp nhận đi giữa lằn
ranh mong manh các mối quan hệ phức tạp. Phạm Khải biết cách nương theo sự rắc
rối nhân tình để hướng về mục đích sáng tạo. Chẳng hạn, khi bàn về nguyên mẫu
văn chương đang bị lạm dụng để… dằn vặt và bới móc đời tư lẫn nhau, Phạm Khải chọn
thái độ khách quan và điềm tĩnh: “Nếu như
với các nhà văn có tài năng lớn, có tâm hồn cao cả, khoáng đạt thì các nguyên mẫu
chỉ là cái cớ để từ đó, họ dựng lên những biểu tượng mang tính thời đại, hoặc để
ngợi ca, hoặc để cảnh báo ( về một mẫu người mà xã hội cần noi theo hoặc loại
trừ) hoặc để họ gửi gắm những quan điểm nhân sinh. Thậm chí, từ nguyên mẫu ấy,
họ bồi đắp xương thịt từ chính đặc điểm tính cách của mình, từ những chất liệu
của tâm hồn mình để thành một nhân vật có sức lý tưởng hóa cao”.
Một nhà báo khi thực lòng tìm hiểu và phản ánh một
lĩnh vực và không ngừng trau dồi, thì hoàn toàn có thể trở thành một chuyên gia
uy tín. Phạm Khải đã làm một nhà quan sát có tâm có tài đối với đời sống văn nghệ
trong suốt hai thập kỷ gần đây. Không hẳn bài nào bình luận văn nghệ của Phạm
Khải cũng xuất sắc, nhưng chẳng ai có thể phủ nhận khả năng tung tẩy của Phạm
Khải trong những bài nhận định thi ca. Ví dụ, bài “Thơ và vai trò của vần điệu”,
Phạm Khải không cần tranh cãi hay phản biện với người nào, vẫn có thể đưa ra phương
pháp tiếp nhận thẩm mỹ thuyết phục: “Về mặt
nào đó cũng có thể xem vần điệu như là y phục của cơ thể. Điệu múa châu Âu váy
cộc, điệu múa dân tộc váy dài. Y phục thay đổi theo từng thời kỳ, vừa là phù hợp
với thị hiếu và thể tạng con người, vừa để thích nghi với từng công việc. Chẳng
hạn, người gầy thì mặc thế nào, người béo phải mặc ra sao. Bộ nào cần mặc lúc
làm lụng chân tay và bộ nào vừa hay vận khi đi ngủ. Ở đây cũng không ngoại trừ
khả năng có người để thơ “đánh trần”, không ăn vận chi cả. Nhưng như thế thì
phù hợp với các võ sĩ đấu vật hơn. Mà thơ thì không phải lúc nào cũng có nhiệm
vụ tương tự bộ môn được gọi là thể thao kia”.
Dấu vết nghề nghiệp Phạm Khải qua cuốn sách “Thời tốc
độ và tâm lý sáng tạo” đã được thể hiện rất rõ. Thế nhưng, đó là kết quả của Phạm
Khải ở vai trò một nhà báo trực tiếp làm công việc phóng viên và công việc tòa
soạn, còn bây giờ Phạm Khải đã giữ cương vị Phó Tổng Biên tập báo Công An Nhân
Dân. Lãnh đạo báo chí cần những phẩm chất và những thói quen riêng biệt, mà lắm
lúc không mấy thân thiện với kỹ năng viết lách mỗi ngày. Một tay cầm bút một
tay giữ ghế, không hề đơn giản. Không ít nhà báo khi quan lộ hanh thông, sẵn
sàng buông bút để dùng cả hai tay giữ ghế cho chắc! Phạm Khải chắc chắn biết
cách cân nhắc thiệt hơn! Đời sống văn nghệ nếu vắng đi một tác giả bình luận
tâm huyết như Phạm Khải, thì cũng thật đáng tiếc!
Sài Gòn, 6-2015