Đang được xưng tụng như một thi sĩ triển vọng, Đinh Trầm Ca bỗng nổi hứng với âm nhạc. Đinh Trầm Ca đến thọ giáo nhạc sĩ đồng hương Lê Trọng Nguyễn (tác giả ca khúc “Nắng chiều” lừng lẫy) vài buổi, rồi về nhà lọ mọ viết ca khúc. Sáng tác đầu tay “Ru con tình cũ” ra đời năm Đinh Trầm Ca mới 23 tuổi, được chính ông ôm đàn đi biểu diễn đầu làng cuối xóm. Người nọ hát rồi người kia hát theo, cứ thế ca khúc lan truyền rộng rãi. Năm 1967, ca sĩ Lệ Thu thể hiện “Ru con tình cũ” trên sân khấu Sài Gòn và nhanh chóng trở thành một hiện tượng, ở đâu cũng nghe những lời ca nức nở “ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình sầu, xin một đời thôi tiếc thương nhau, xin một đời ngủ yên dĩ vãng. Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca nhớ lại: “Bản quyền ghi âm đĩa hát nhiều tiền lắm. Tính ra là hơn 10 cây vàng. Tui vốn túng bấn, nhận được khoản thù lao lớn giống như buồn ngủ gặp chiếu manh! Có đà, tui viết luôn hàng chục ca khúc nữa!”.



ĐINH TRẦM CA RU KỶ NIỆM BUỒN

LÊ THIẾU NHƠN

Với những người ưa hoài vọng, có lẽ không quá xa lạ với bài hát “Ru con tình cũ” lặng lẽ và xót xa: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con ru quên phận buồn”. Với những người yêu giai điệu trữ tình mang âm hưởng miền Tây Nam bộ, có lẽ cũng không quá xa lạ với bài hát “Sông quê” ngậm ngùi và gợi nhớ: “Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ, nhà em bên lở, làng anh ở bên bồi”. Tác giả của cả hai bài hát ấy là nhạc sĩ Đinh Trầm Ca, một người thích sống lang bạt và thích giấu mình đi!

Dù chuyến đi Quảng Nam rất vội, tôi vẫn không thể không tranh thủ ghé thăm Đinh Trầm Ca, vì nghe nói ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Hơn 10 năm rồi, từ khi Đinh Trầm Ca rời Sài Gòn về quê nhà sinh sống, tôi không gặp anh. Đường đến nhà Đinh Trầm Ca ở khối 5, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn đã được mở rộng thênh thang. Trời đã ngả sang chiều, nhưng cái nắng miền Trung vẫn hầm hập. Hình như người dân nơi đây ai cũng biết Đinh Trầm Ca, nên vừa tạt vào bên đường hỏi thăm, đã được chỉ cặn kẽ: “Đi thẳng, quẹo trái, cà phê Thạch Trúc Viên chính là chỗ ổng ở!”.

Thạch Trúc Viên được mở ra, khi nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đưa vợ con về đây sinh sống từ năm 2002. Thuở ban đầu Thạch Trúc Viên đông khách lắm. Tối tối, Đinh Trầm Ca ôm đàn hát những ca khúc của mình, khán giả vỗ tay rần rần. Thế nhưng, tuổi dần cao, Đinh Trầm Ca không kham nổi công việc quản lý, đã sang nhượng lại cho nghệ sĩ Trần Châu – em trai của ca sĩ Ánh Tuyết.

Tôi đến, Thạch Trúc Viên vẫn tiếng nhạc đùng đùng. Cô nhân viên phục vụ bảo: “Bác ấy ở trong nhà!”. Cửa nẻo toang hoác, ti vi oang oang, nhưng gọi mãi không thấy Đinh Trầm Ca trả lời. Ngại hai con chó cứ xẩn xổ hù dọa, tôi đành gọi điện cho nghệ sĩ Trần Châu để xin số cầm tay của Đinh Trầm Ca. Bắt máy, ừ ừ… à à…, Đinh Trầm Ca từ trên lầu chậm chạp đi xuống. Thời gian tàn phá khủng khiếp thật, một Đinh Trầm Ca cường tráng như lực điền mà tôi từng quen, hôm nay lại lọm khọm và xanh xao đến mức khó nhận ra.

Thương quá, tôi bước đến đỡ Đinh Trầm Ca ngồi vào ghế. Ông nhạc sĩ tuổi 73 ôn tồn: “Xin lỗi nghen. Sau cú đột quỵ, tui lại bị tiểu đường tái phát, bữa ni hai mắt tiêu tan thị lực rồi, không nhận ra ai nữa!”. Không sao, cố nhân hạnh ngộ, Đinh Trầm Ca lưng còng già yếu vẫn thong thả hút thuốc và trò chuyện với… cái bóng mờ trước mặt là tôi!

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca khoe: “Nói cho anh em mừng, tui vừa làm đám cưới cho thằng con trai 29 tuổi đó. Hôn lễ xong, nó dắt vợ vào Sài Gòn mưu sinh rồi. Còn mình tôi ở lại đây, trông coi mảnh đất hương hỏa của gia tộc!”. Tôi hỏi thực trạng sức khỏe của Đinh Trầm Ca, ông thổ lộ: “Đau ốm triền miên, tay run không thể nào chơi nhạc cụ được. Tui bỏ viết lách lâu rồi, sống quẩn quanh qua ngày thôi!”.

Đinh Trầm Ca không có vóc dáng nghệ sĩ, nhưng lại là một tay lãng tử thứ thiệt. Từ niên thiếu, ông đã nổi tiếng tài hoa và phóng túng. Khởi nghiệp, ông làm thơ với tên thật Mạc Phụ. Năm 20 tuổi, Mạc Phụ đã tuyên bố không bao giờ lấy vợ, để được ung dung giang hồ. Mẹ của ông buồn lắm, vừa dỗ dành vừa khóc lóc. Mạc Phụ bảo: “Con chuộc lỗi bằng cách lấy họ của mẹ để làm bút danh!”. Cái tên Đinh Trầm Ca xuất hiện. Tôi thắc mắc: “Có dạo Đinh Trầm Ca được in thành Đynh Trầm Ca, do lỗi morat chăng?”. Ông xua tay: “Không, do tôi nghịch ngợm nên viết “y” thay cho “i” vài lần cho vui!”.

Đinh Trầm Ca từng trải qua rất nhiều nghề. Sau một giai đoạn ngắn tham gia dạy học, ông đi phụ hồ, rồi đi khuân vác, rồi đi đốt than… Suốt  ngày lao động chân tay, nhưng đêm về lại cặm cụi viết lách. Tập thơ đầu tay “Mắt đêm” của Đinh Trầm Ca phát hành lúc ông tuổi đôi mươi, đã có không ít câu thơ bày tỏ tâm khí kẻ phiêu bạt hào sảng: “buổi ta vác cây đàn vào gió cát, hồn không theo nên thân xác liêu xiêu, ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt, nghe quê người mưa rớt hột cô liêu”.

Đang được xưng tụng như một thi sĩ triển vọng, Đinh Trầm Ca bỗng nổi hứng với âm nhạc. Đinh Trầm Ca đến thọ giáo nhạc sĩ đồng hương Lê Trọng Nguyễn ( tác giả ca khúc “Nắng chiều” lừng lẫy) vài buổi, rồi về nhà lọ mọ viết ca khúc. Sáng tác đầu tay “Ru con tình cũ” ra đời năm Đinh Trầm Ca mới 23 tuổi, được chính ông ôm đàn đi biểu diễn đầu làng cuối xóm. Người nọ hát rồi người kia hát theo, cứ thế ca khúc lan truyền rộng rãi. Năm 1967, ca sĩ Lệ Thu thể hiện “Ru con tình cũ” trên sân khấu Sài Gòn và nhanh chóng trở thành một hiện tượng, ở đâu cũng nghe những lời ca nức nở “ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình sầu, xin một đời thôi tiếc thương nhau, xin một đời ngủ yên dĩ vãng. Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca nhớ lại: “Bản quyền ghi âm đĩa hát nhiều tiền lắm. Tính ra là hơn 10 cây vàng. Tui vốn túng bấn, nhận được khoản thù lao lớn giống như buồn ngủ gặp chiếu manh! Có đà, tui viết luôn hàng chục ca khúc nữa!”.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca sống rầy đây mai đó khắp miền Tây Nam bộ lẫn miền Đông Nam bộ. Vừa nghe tin Đinh Trầm Ca ở Thốt Nốt đã thấy Đinh Trầm Ca ở Đồng Xoài. Đinh Trầm Ca vẫn lao động chân tay, để thả lòng bay bổng nhẹ nhàng với bụi đỏ Lộc Ninh, với nắng sớm Cổ Chiên, với mây chiều Thất Sơn. Thỉnh thoảng, nhớ bạn bè, Đinh Trầm Ca phóng xe máy về Sài Gòn uống một ly rượu vỉa hè, rồi tiếp tục chu du dặm dài sương gió, và lại viết những khúc ca lầm lũi như “Nỗi buồn chim sáo”, “Vầng trăng đơn chiếc”, “Điệu hò phu thê”, “Bên cầu nhớ người” hay “Về trên lá cỏ ngậm ngùi”.

Thế nhưng, có một người phụ nữ tên Mã Thị Thu Giang đã khiến Đinh Trầm Ca muốn dừng chân hưởng thụ hạnh phúc gia đình. Họ gặp nhau khi Đinh Trầm Ca bôn ba đến Sóc Trăng. Năm ấy, Đinh Trầm Ca đã ngoài bốn mươi, nhưng vẫn bị hớp hồn bởi cô thôn nữ sinh sau mình gần hai thập niên. Một đám cưới nho nhỏ và ấm áp diễn ra. Cảm thấy không thể tiếp tục chuỗi ngày lãng đãng “bước lên cầu ngắm lục bình trôi, mà chạnh thương những đời xa xứ, thương con sông đã bỏ ngọn nguồn, trôi lênh đênh trong mưa gió buồn”, Đinh Trầm Ca quyết định từ bỏ thói quen xuôi ngược vô định. Ông đưa vợ và đứa con trai bé bỏng lên Sài Gòn lập nghiệp bằng khả năng âm nhạc của mình.   

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Đinh Trầm Ca về cộng tác biên tập cho hãng sản xuất Sài Gòn Audio. Và ông là một trong những người tiên phong thực hiện những băng video ca nhạc để bán ra thị trường. Thậm chí, Đinh Trầm Ca còn nảy ra ý tưởng phải có những xuất phẩm hướng đến kiều bào đang tha hương đất khách. Đinh Trầm Ca bắt tay làm một loạt album nhạc có chủ đề “Sông quê”. Chả lẽ mình xúi người khác tự tình dân tộc mà mình thản nhiên đứng ngoài cuộc, Đinh Trầm Ca sáng tác ca khúc chính để lấy tên cho bộ đĩa nhạc này. Trong ba ca khúc “Sông quê” được đánh số 1,2,3 thì ca khúc “Sông quê” đầu tiên đã đi vào lòng người hâm mộ với chút mênh mang của không gian và chút trắc ẩn của thân phận: “nhánh mù u, con bướm vàng không đậu, câu ca từ thời thơ dại ru sang, sông quê trường làng con đò trên cát lở, cũng vì em xa mà thành điệu nhớ nao lòng...”.

Rong ruổi cả cuộc đời, Đinh Trầm Ca tuổi 60 chấp nhận quay về lại Điện Bàn – Quảng Nam để lo mồ mả khói hương cho cha mẹ. Chớp mắt, Đinh Trầm Ca đã lủi thủi ở Thạch Trúc Viên được 13 mùa nằm nghe tiếng sóng vọng từ biển Cửa Đại. Hai năm trước, một cơn tai biến mạch máu não tưởng chừng đã quật ngã Đinh Trầm Ca, nhưng ông gượng dậy được. Bây giờ hai mắt lại mờ, Đinh Trầm Ca càng thu mình lại, ít giao tiếp với ai. Cây đàn ghita theo ông trải qua biết bao cảm xúc thăng trầm, đã nằm yên ở một góc nhà. Ngoảnh lại, ngoài hai tập thơ, Đinh Trầm Ca có hơn 100 ca khúc. Đinh Trầm Ca chia sẻ: “Gần đây tình hình bản quyền được thực thi nghiêm túc, mỗi tháng tui cũng được ít tiền chi tiêu lặt vặt!”.

Tôi hỏi cắc cớ: “Hai ca khúc “Ru con tình cũ” và “Sông quê” có lẽ là hai sáng tác tâm đắc nhất của ông nhỉ?”. Đinh Trầm Ca cười xòa: “Không, hai bài đó tui chỉ viết chơi, không ngờ được công chúng yêu mến thôi. Bài tui thích nhất là “Ru tương lai buồn”, nhưng chỉ có mỗi ca sĩ Lệ Thu hát, sau này chẳng mấy ai hát lại!”. Nói xong, ông ư ử ca: “rồi mai mình vẫn cô đơn, nằm nghe lời gió chiêu hồn, nhớ về nghìn đêm lang thang…”

Hoàng hôn dần chạng vạng, vắt một mảng ráng hồng qua ngõ. Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca lò dò tiễn tôi ra cửa. Xe chạy rồi, tôi ngoái lại, vẫn thấy dáng ông đứng bên thềm. Cái dáng xế chiều mệt mỏi của một bậc tài hoa ngày nào khát khao giấc mộng hải hồ tang bồng. Bất giác, tôi hát thầm một lời buồn mà Đinh Trầm Ca đã viết cách đây gần nửa thế kỷ: “Ôi ba năm qua rồi, lòng chưa nguôi gió bão, người xa xôi phương nào, người oán trách gì không…”
                                                            7-2015