Tiểu thuyết “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”  (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 6- 2015) của Thuận, một lần nữa cho thấy sự thể nghiệm không ngưng nghỉ về cấu trúc của nhà văn này. Thế nhưng vượt lên trên lại là một không khí hậu chiến rất đặc biệt, nơi hòa trộn chính trị và tình dục, khiến độc giả có thể nghẹt thở vì dõi theo. Nếu Thang máy Sài Gòn (NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam, 2013) của Thuận là quang cảnh hậu chiến Đông Dương, thì “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư” là hậu chiến Việt Nam. “Đã từ lâu tôi muốn viết về chiến tranh, để rồi cuối cùng lại nghĩ về hậu chiến, với suy nghĩ rằng có khi nó còn quan trọng hơn bản thân chiến tranh”, Thuận cho biết lý do.





HẬU CHIẾN VÀ TRÒ CHƠI CỦA SỐ 4

VĂN BẢY

Số 4, có 2.800 số 4
Theo thống kê tự động trên máy tính (có thể chưa đầy đủ), “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư” có khoảng 2.800 số 4, đó là chưa chưa kể chữ “tư”, chữ “tứ”, cũng có nghĩa là 4. Rồi các địa danh tác giả cũng cố tình chọn có “yếu tố 4” như Mạc Tư khoa, Ba Tư...
Những đoạn văn “ngập tràn số 4” như thế này liên tục ở trong sách: “… Và giờ đây, sau gần 44 tiếng ở Sài Gòn, cảm giác này lại quay về với hắn. Sài Gòn không phải là bộ phim câm 44 phút như hắn đã tưởng khi ngồi sau cửa kính tắc-xi từ sân bay về khách sạn. Sài Gòn là cuốn truyện trinh thám 444 trang, có khi còn hồi hộp hơn cả Đông Béc Linh, Vacsava, Bucarest và Mạc Tư Khoa cộng lại...”.
Hoặc: “… Tổ công tác đặc biệt số 4 bất ngờ xuất hiện lúc 4 giờ 44 phút, đúng lúc má đi giao 4 lô hàng về, chưa kịp tra chìa vào 4 ổ khóa, chưa kịp kéo lên 4 lớp cửa cuốn, chưa kịp ấn nút 4 ngọn đèn điện, chưa kịp mở ra 4 ô cửa sổ.
4 đôi mắt chĩa vào má rồi làm 4 vòng ra sau lưng. Đôi mắt của tổ trưởng chĩa vào má rồi quét 4 lượt từ đầu xuống chân. Giọng như băng, tổ trưởng kết má 4 tội: đầu cơ, tích trữ, lũng đoạn, phá rối thị trường”.

Nếu đọc “Thang máy Sài Gòn”  làm ta liên tưởng đến “T mất tích” (NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam, 2007), bởi chất trinh thám quái đản của nó, thì đọc Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư lại làm ta liên tưởng đến Paris 11 tháng 8 (NXB Đà Nẵng, 2006), bởi giọng điệu giễu cợt nhưng cố tính tỏ ra trịnh trọng.
Bằng trò chơi những con số, nếu "Paris 11 tháng 8" là cách tác giả nhắc người Pháp nhớ về sự kiện mà họ đã lãng quên, thì “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư” lại nhắc người Việt về sự kiện mà nhiều người muốn quên đi. Tiểu thuyết mới còn lồng 2 câu chuyện vào một chỉnh thể, buộc người đọc phải vừa phân thân, vừa hiệp nhất thì mới nhận ra hết sự ý vị. Có tiểu thuyết dành cho độc giả phổ thông, có tiểu thuyết dành cho nhà văn, "Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư" thuộc dạng này.

Như một trường ca
Mỗi chương đều bắt đầu bằng một đoạn thơ in nghiêng, nó làm nhiệm vụ kể về những con người Sài Gòn cũ xung quanh cái trục tháng Tư năm 1975. Phần chữ in đứng, tạm gọi là chính văn tiểu thuyết, là chuyện một cô gái gốc Hà Nội sang Pháp định cư, nhưng cũng có một phần quá khứ gắn liền với tháng Tư Sài Gòn. Cả hai phần có một điểm chung là hai nhân vật nữ đều yêu một nhân vật nam, Việt kiều, rời Sài Gòn từ năm 4 tuổi và hầu như không nhớ gì về nó và cũng chẳng có ý định tìm hiểu.
Chính sự kết hợp như vừa nêu, và chính những đoạn văn “quái đản” đã biến “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư” thành một trường ca, nếu độc giả thiếu độ tưởng tượng thì khó bao quát hết câu chuyện. Nhưng đoạn văn giàu chất thơ, nhưng không hề dễ nắm bắt, kiểu như: “… Cô thôi vuốt ve bụng dưới của hắn. Hắn hẫng mất 4 giây. Phòng yên ắng, 4 cửa sổ đóng chặt 4 cánh, nghe rõ cả tiếng u u của máy điều hòa. 4 bức tường phủ kín 44 bộ váy. 44 bộ váy màu sắc sặc sỡ và cổ rộng, 44 trang phục được sử dụng trong phim truyền hình 44 tập mà cô đang tham gia”.


Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa