Theo các nhà nghiên cứu hội họa, trong các bức tranh của người Việt thời trung đại, mỗi yếu tố chỉ có quan hệ với yếu tố liền kề bên cạnh, chứ không có quan hệ với toàn bộ bức tranh.
Con người ở đây trong các mối quan hệ xã hội cũng vậy. Hành động và lời nói thường được tổ chức để đối phó với các đối tác có quan hệ gần gũi mà không chú ý tới toàn bộ cộng đồng. “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu ca dao đó thuộc loại những câu “vỡ lòng” mà mỗi gia đình thường dạy con cái mình. Thành ngữ còn ghi: nói ngọt như mía lùi, nói kiến trong lỗ bò ra ...ý khuyên khi giao thiệp cần chọn những lời lẽ tốt đẹp...





Sự tha hóa của thứ chẳng mất tiền mua

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Nhưng trong các cuốn từ điển , người ta thường gặp nhiều hơn bội phần những thành ngữ có liên quan những lối nói không có gì là tốt đẹp. Hoặc là: nói bóng nói gió, nói càn, nói cạnh nói khoé, nói chọc, nói chơi, nói chua, nói cứng, nói dựa, nói dóc, nói dối, nói điêu, nói gạt, nói gần nói xa, nói gở, nói hành nói tỏi…Cũng như: nói hớt, nói khoác, nói lảng, nói láo, nói phách, nói leo, nói lửng, nói mát, nói mép, nói móc, nói mỉa, nói ngoa, nói ngang, nói nhăng nói cuội, nói như thánh phán, nói như vẹt… Rồi còn: nói phét, nói quanh, nói quấy nói quá, nói ra nói vào, nói suông, nói thách, nói thánh nói tướng, nói trạng, nói trống không, nói vơ, nói vụng, nói vuốt đuôi, nói xỏ …
Thái độ vô trách nhiệm của con người với tiếng nói của mình làm nên bộ mặt tinh thần chủ yếu của các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan từ "Tôi xin hết lòng" tới "Thằng điên", từ "Một tin buồn" tới "Hé! Hé! Hé !" Ngay cả "Thế là mợ nó đi Tây" cũng như "Tôi yêu quý nương", hai truyện ngắn này đều gồm nhiều bức thư, loạt đầu giọng tử tế thậm chí văn hoa, đến thư cuối thay bằng mấy lời bạc bẽo, càn rỡ. Mà đó chỉ là của một con người viết cho một người khác trong thời gian ngắn.
Trong nhật ký của mình, Pièrre Poivre – một người Pháp từng đến buôn bán ở Đàng Ngoài thế kỷ XVIII - than thở: “Điều làm tôi bối rối khi phải thương lượng với người ở đây là chẳng bao giờ họ nói một lời chân thật. Hôm nay đồng ý, mai đã chối từ. Họ hứa rồi lại rũ bỏ lời hứa, chẳng chút e ngại”.
Sau đây là một mẩu chuyện trong Ba Giai Tú Xuất :
“Ngày xuân, cụ Lý Sộp rủ cụ Tổng Muỗm ra Hà Nội, vào một cửa hàng, nhờ kiếm mấy điếu thuốc phiện. Chủ quán nhận giúp, sai người đi liền. Tiếp đó khi cái người được sai đi ấy mãi chưa về, chủ quán lại đích thân đi tìm, trước khi đi không quên mượn của các cụ cái khăn nhiễu. Ăn tàn miếng trầu không thấy họ về. Các cụ cáu kỉnh trách móc, bọn này không tính làm ăn buôn bán hay sao ? Thì một người từ nãy đến giờ ngồi yên trong góc quán thủng thẳng cho biết mình mới là chủ quán, hai người trước đó chỉ là bọn đi lừa. Khi các cụ thắc mắc, ông chủ thật ấy cười khẩy giải thích : Các cụ nói thật "cổ nhập" quá. Phàm cách bạn hàng gẫu chuyện với nhau thì muốn nói nhăng nói quậy gì chẳng được. Dù hắn nói là chủ hàng chủ quán hay là chủ cả một tỉnh một xứ này cũng được nữa là. Một câu nói phiếm, phỏng có tổn hại gì, ai hơi đâu lại đi can thiệp!”.
Đoạn dẫn trên đây, khá điển hình trong việc phác lại một tình trạng thông thường của lời nói trong xã hội ta.
Một mặt chúng ta bảo nhau lời nói đọi máu. Mặt khác chúng ta thường quá dễ dãi khi xử lý nó. Ta không dùng nó để suy nghĩ. Mà trong công việc giao tiếp, ta dùng nó để đùa chơi, bỡn cợt, ràng buộc, thách thức, tóm lại là một thứ tài nguyên rẻ, tha hồ phung phí.  Bảo rằng lời nói bị tha hóa là với nghĩa đó. Nó không còn là chất kết dính của xã hội.
“Nói lời thì giữ lấy lời -- Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Kho tàng tục ngữ ca dao còn ghi lại bao lời than phiền vì những sự con người làm khổ đồng loại bằng lời nói. Người ta ghê sợ nhau chán chường nhau mà vẫn phải sống với nhau.
Nguyễn Trường Tộ sớm ghi nhận tình trạng “ không luận đàn bà trẻ con, đến người có học biết chữ mà cũng mở miệng là nói lời thô bỉ”.
Nguyễn Văn Vĩnh lưu ý cái sự ham thích những câu chuyện tầm thường, và từ chối những chuyện nghiêm chỉnh.
Phạm Quỳnh dị ứng nhất với những đám đông hỗn hào lộn xộn.
Xuân Diệu bảo “ta hay nói hão”.
Tình trạng tha hóa kéo dài trong ngôn ngữ con người đương đại cũng được Nguyễn Huy Thiệp ghi lại khá tự nhiên. Trong truyện ngắn "Tướng về hưu", các nhân vật thường nói với nhau một cách trắng trợn, pha phách cả ảo tưởng lẫn tinh thần hoài nghi, tới mức một nhân vật phải kêu lên: “Nhà mình nói năng như người điên khùng cả” .
Tôi nghĩ nhận xét đó khái quát khá đúng tình trạng sử dụng ngôn ngữ trong một xã hội đã bị chiến tranh xé nát và hầu như mọi con người không ai còn sống bình thường như thuở trước 1945.