Những năm gần đây, phần lớn các hội, ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sau khi Nhà nước chỉ còn “bao cấp nhẹ”, đã dần dần giác ngộ, thay vì bầu  đứng đầu hội, ngành, là những người theo đủ các tiêu chuẩn chính trị giáo điều, đã chuyển sang bầu những người biết làm kinh tế, để góp phần “xóa đói, giảm nghèo” cho hội, ngành mình. Hội Nhà văn TPHCM là Hội nghèo thâm niên. Tạp chí Văn, tờ báo duy nhất của Hội  (mà Hội Văn Nghệ tỉnh nghèo nào cũng có ), chỉ vì không kinh phí, phải đình bản nhiều năm nay; tờ Văn nghệ TPHCM thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, sống nhờ kinh phí bao cấp quá hẻo của thành phố, không cách nào cải thiện nội dung, nên số lượng thấp ở mức vừa đủ cầm hơi; giải thưởng Văn học thành phố lớn nhất nước, không có một đồng dành cho các tác giả đoạt giải, thật đáng xấu hổ; vân vân và vân vân… Bất cứ việc gì đụng đến tiền đều phải ngửa tay xin Thành ủy.



TÁI ÔNG MẤT NGỰA

NGUYỄN MẠNH TUẤN

Nhiều năm nay, với các loại đại hội có trò Đảng viên họp trước, ngoài Đảng họp sau, tôi đều không dự. Đại hội Hội Nhà văn TPHCM lần này cũng vậy. Nhưng sáng ra, vợ bảo: Anh nên đi để bỏ phiếu ủng hộ  Dương Trọng Dật. Nghe có lý, đành đi.

Giấy mời ghi 8 giờ khai mạc, vì tắc đường, 8 giờ 20 mới đến nơi, sảnh đón khách loe ngoe vài mống lạ hoắc. Trong hội trường  đông hơn. Đang nhìn quanh tìm người quen thì một quý ông, không rõ nhà văn, nhà thơ, hay nhà phê bình, cỡ tuổi ngoài 50, vồ vập:

- Lâu quá không gặp. Sao ra tập thơ mới, ông không tặng tôi một cuốn?

Tôi bảo:

- Thơ tôi dở, tặng bạn bè chỉ mắc cỡ.

- Này, lát nữa đến bầu cử, ông nhớ gạch tên con Hà Phương và thằng Lê Thiếu Nhơn nhé.

- Tại sao?

- Hai đứa đang liên kết với nhau để vào Ban Chấp hành lần này. Con Hà Phương sẽ tranh ghế chủ tịch Hội, âm mưu hợp pháp hóa trang mạng đen phản động của thằng Lê Thiếu Nhơn. Chúng nó là thế lực ngầm của Văn Đoàn Độc Lập.

- Đến ông cũng biết rõ như thế thì công an phải bắt hai đứa từ lâu rồi.

- Giờ là lúc bọn trên đang chỉ đạo bằng mọi giá phải lấy bình ổn chính trị làm gốc nên chúng nó được yên. Sau đại hội, theo nguồn tin chính xác từ PA25, thằng Lê Thiếu Nhơn sẽ theo gót NQL.

- Thú thật, đến nay, tôi vẫn chưa biết mặt cả Lê Thiếu Nhơn lẫn Hà Phương.

-Cái thằng mặt non choẹt, đang thì thầm với mấy thằng trong băng NĐT báo TT, ở dãy ghế cuối hội trường, là Lê Thiếu Nhơn, còn con Hà Phương, hôm qua, họp Đảng viên phát biểu chống đối, ông cũng dự mà?

- Chắc ông nhầm với ai. Hôm qua, tôi mệt nên vắng mặt.

- Đàn bà trong hội trường, chỉ mình nó học đòi thời trang Việt kiều, nhuộm tóc bạch kim … Nó kia kìa.

- Rồi. Nhất định tôi sẽ gạch tên hai đứa.

Một quý ông trẻ, cũng không rõ nhà thơ, nhà văn, hay nhà phê bình, quãng tuổi 35 – 40, từ xa xán đến:

- Tin chính xác cuối cùng, con Hà Phương bị PA25 cảnh cáo, đã thôi dính vụ vào Ban Chấp hành, nhưng thằng Dương Trọng Dật được bọn Hà Nội và Thành ủy chọn làm Chủ tịch Hội. Thằng nào bảo kê cũng gạch… Nhớ gạch hết, chỉ chừa lại tên người mình.

- Người mình là những ai?

Quý ông trẻ hạ giọng nói nhỏ mấy cái tên nghiệp văn chương  chỉ mới ở hàng tập sự, nhưng đã nổi tiếng láu cá trong giới. Mấy tên này, sau kết quả bầu cử, đều đạt số phiếu cao bất ngờ, nếu có chút lòng tự trọng, chắc chính họ cũng ngượng. Thôi thì đất nào, cây ấy. Âu cũng là xu thế tất yếu của quy luật thịnh suy.

Quý ông trẻ tiếp tục đi vận động người khác, tôi hỏi quý ông gặp lúc đầu:

- Có đúng Dương Trọng Dật được Hà Nội và Thành ủy chọn?

- Sao ông quá thật thà? Quý ông này cười: Một trăm thằng mơ bầu cử dân chủ, ra một  trăm hình tròn méo khác nhau, nhưng tất cả đều ghét sự áp đặt từ trên xuống, nên phải tung tin như thế để giết thằng Dật bằng nhiều mũi giáp công.

Hội Nhà văn thành phố hơn bốn trăm hội viên, chỉ cỡ hai trăm người có mặt. Phần lớn các nhà văn, nhà thơ tên tuổi quen thuộc với bạn đọc cả nước, làm nên niềm tự hào của văn học thành phố bốn chục năm kể từ 1975, tuyên bố tẩy chay, không dự, khiến không khí đại hội hụt hẫng. Vì đa số không quen, tôi tìm hàng ghế cuối hội trường để tiện làm khán giả. Tình cờ ngồi cạnh nhà văn TH. Tôi than với anh:

- Quá nhiều người xa lạ, mình thành lạc lõng. Rồi tôi kể với anh vụ quý ông nọ nhầm tôi với nhà thơ nào đó, nên cũng không biết “con Hà Phương”, “thế lực ngầm của Văn Đoàn Độc Lập, có tham vọng tranh chức Chủ tịch Hội”, là vợ tôi.

TH nói:

- Vì không quen biết, nên Đại hội này như toàn thằng mù gặp nhau. Đến pha bầu cử, chắc chắn sẽ chỉ theo băng nhóm. Ngày xưa, những cuộc giao lưu và sinh hoạt văn học diễn ra thường xuyên, nhà văn cả nước, nhờ biết nhau qua tác phẩm, cứ gặp gỡ là thành bạn, bây giờ, Hội thành phố, mỗi năm gặp nhau đúng một lần vào gần tết để ăn bữa cơm rẻ tiền; tác phẩm vừa ít, vừa loãng, các kỹ sư tâm hồn lọt thỏm trong đời sống hỗn độn giá trị,  vẫn hoang tưởng mình cao giá, không hề biết đó là cái tật dễ bị bọn láu cá lợi dụng nhất. Đại hội sau đếch đi nữa.

Nói vậy, nhưng chỉ lúc sau, anh đã kéo theo hàng chục người bỏ về  …uống bia. Trước lúc bầu cử, số người không chấp nhận danh sách đề cử vào Ban Chấp hành mới vẫn những gương mặt cũ, nhân giờ giải lao, bỏ về khá đông, vậy mà số phiếu phát ra, sau đó, thu vào, vẫn không mất người nào? Rồi khi bỏ phiếu, không ít đại biểu hồn nhiên sai luật,  cầm từ vài đến cả mớ phiếu, bỏ vào thùng. Sai sót rất nghiêm trọng , được làm ngơ này, thật khó tin là sơ ý của những người điều hành.

Vào đại hội, những chuyện rất vớ vẩn, rất sơ đẳng  cũng cãi nhau ỏm tỏi. Ai nói khác, lập tức bị những kẻ to mồm quy tội phá hoại, vu cáo, đến nỗi mấy nhà văn lớn tuổi phải thốt lên: Không khác gì thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau năm 1954.

Việc Ban chấp hành mới nên 7 người, 9 người hay nhiều hơn, cũng đua nhau gào thét: 7 được rồi.

Xu hướng đòi hạn chế tối đa thành viên Ban Chấp hành ở đại hội các ngành nghệ thuật cả nước, có từ đầu thời kỳ đổi mới. Thời mà trước đó, các hội văn hóa, văn học nghệ thuật được Nhà nước “bao cấp nặng”, thành viên Ban Chấp hành được hưởng nhiều danh lợi, bổng lộc, nên tại đại hội, các hội viên chỉ bầu một lần, số trúng cử ít hơn dự kiến bao nhiêu cũng  quyết không bầu thêm vòng hai, để tăng số kẻ được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Thói quen đó kéo dài đến nay, và vẫn không kém phần hùng hồn như ba chục năm trước, song các nhà văn chỉ quên thời thế nay đã khác. Do kinh tế khủng hoảng, đạo lý xuống cấp, danh giá tinh thần của các nhà văn, nhà thơ trong đời sống dân sinh ngày càng khiêm tốn, Nhà nước chuyển từ “bao cấp nặng” sang “bao cấp nhẹ”, kinh phí, quyền lợi dành cho các hội bị xiết lại và cắt giảm rất nhiều, khiến vào Ban Chấp hành, ai có lòng thì hội viên được nhờ, chứ danh cũng hẻo, mà lộc cũng bèo, nên thành viên Ban Chấp hành, nhiều đến hai, ba chục cũng chẳng hại gì đến tiền thuế của dân. Trong khi số lượng càng ít thì khoảng cách giữa lãnh đạo Hội và các hội viên càng xa, dẫn đến tình trạng hội viên một năm chỉ gặp nhau một lần, chẳng mấy ai biết ai. Và điều này có chăng, chỉ càng trúng ý mấy anh đứng đầu Hội, vì thành viên Ban Chấp hành càng ít thì “địch” càng khó lọt vào, họ dễ bề an tâm lũng đoạn. Hậu quả tệ hại từ số ít thành viên trong Ban Chấp hành khóa trước vẫn còn sờ sờ. Nếu khóa vừa rồi, số thành viên Ban Chấp hành nhiều hơn, chắc chắn những sai phạm nghiêm trọng của cá nhân lãnh đạo Hội sẽ có người đấu tranh ngăn chặn và Hội sẽ không yếu kém kéo dài suốt 5 năm.

Cuối cùng Dương Trọng Dật thiếu 10 phiếu mới quá bán, nên không trúng cử Ban Chấp hành.

Việc chúng tôi và nhiều bạn bè, đồng nghiệp khuyến khích Dương Trọng Dật vào Ban Chấp hành mà cái đích là chức chủ tịch Hội, ban đầu anh kiên quyết từ chối, vì sau khi nghỉ hưu ở báo Sài Gòn Giải Phóng, anh đang quá nhiều việc: Chủ nhiệm hai khoa Truyền  thông và Quan Hệ Công Chúng ở hai trường đại học dân lập lớn: Văn Lang (TPHCM) và Hòa Bình (Hà Nội), phụ trách nội dung tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam, rồi tuần  báo Người Tiêu Dùng, cố vấn văn hóa xã hội cho hai tập đoàn kinh tế lớn, toàn những việc không dành cho người kém năng lực. Anh cũng muốn dành nhiều thời gian để viết một số tiểu thuyết đang trong dự định.

Tôi và Dương Trọng Dật là anh em “cọc chèo”. Hồi Dương Trọng Dật làm Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, kinh tế nhà anh khá khiêm tốn. Chỉ khi  nghỉ hưu, bắt tay vào kinh tế tư nhân, anh mới bộc lộ là người làm kinh tế  giỏi, sở hữu số tài sản đáng nể.

Những năm gần đây, phần lớn các hội, ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sau khi Nhà nước chỉ còn “bao cấp nhẹ”, đã dần dần giác ngộ, thay vì bầu  đứng đầu hội, ngành, là những người theo đủ các tiêu chuẩn chính trị giáo điều, đã chuyển sang bầu những người biết làm kinh tế, để góp phần “xóa đói, giảm nghèo” cho hội, ngành mình. Hội Nhà văn TPHCM là Hội nghèo thâm niên. Tạp chí Văn, tờ báo duy nhất của Hội  (mà Hội Văn Nghệ tỉnh nghèo nào cũng có ), chỉ vì không kinh phí, phải đình bản nhiều năm nay; tờ Văn nghệ TPHCM thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, sống nhờ kinh phí bao cấp quá hẻo của thành phố, không cách nào cải thiện nội dung, nên số lượng thấp ở mức vừa đủ cầm hơi; giải thưởng Văn học thành phố lớn nhất nước, không có một đồng dành cho các tác giả đoạt giải, thật đáng xấu hổ; vân vân và vân vân… Bất cứ việc gì đụng đến tiền đều phải ngửa tay xin Thành ủy. Thời buổi kinh tế thị trường, có lòng tự trọng, lẽ ra chẳng ai phải xin ai, nên mỗi lần xin là một lần yếm thế. Nếu không tìm đủ mọi cách bơm thổi các loại dự án để lấy tiền bằng được, thì cũng phải năn nỉ nứt lưỡi.

Những người đứng đầu mới của Hội, vẫn mấy gương mặt cũ, không trực tiếp cũng gián tiếp đồng tác giả  những “thành tích” mà quý ông cựu chủ tịch Hội phải ra đi. Khiến xong đại hội, nhiều người rên rẩm: Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa…

Dương Trọng Dật không chỉ biết làm kinh tế mà còn có uy tín và quan hệ mật thiết rất rộng với nhiều doanh nghiệp lớn. Chúng tôi khuyến khích anh nhận làm Chủ tịch Hội, chính từ ưu thế này. Việc phục hồi tờ Tạp chí Văn và cải thiện chất lượng tờ Văn Nghệ TPHCM, cùng nhiều hoạt động của Hội cần đến kinh phí, phải bắt đầu từ những người lãnh đạo biết làm kinh tế.

Nói cho công bằng, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cũng là một chức vụ danh giá. Trước đây, đôi ba người ngồi ghế này, chẳng làm gì nên hồn, vẫn “ngon” toàn diện. Nhưng ngày nay, không làm cho Hội nên hồn, danh cũng là danh hão. Mà ráng làm cho Hội nên hồn, buộc phải bỏ những việc đang có, dành hết thời gian, tâm huyết cho Hội, để nhận đồng lương chủ tịch Hội rất tượng trưng, Dương Trọng Dật sẽ thất thu lớn so với mức thu nhập hiện có. Chưa kể, với kết quả đại hội vừa xong, chắc chắn một cây làm chẳng nên non. Và có làm được, cũng cốc mò, cò xơi.

Chúng tôi an ủi anh: Trong cái rủi lại có cái may. Rồi nói thêm: Những hội viên tẩy chay, không dự đại hội thật sáng suốt.