Trên trang web của Hội nhà văn VN, Đỗ Ngọc Yên nhận định: “Việc tự xóa tên hay tuyên bố xin ra khỏi Hội chỉ là hành động cá nhân riêng lẻ có thể do chủ kiến cá nhân không thích sinh hoạt hay nhằm phản ứng lại những gì mà họ cho là Hội không đáp ứng được những kỳ vọng cá nhân, nên không cần thiết phải ở trong Hội. Đáng lưu ý là trong số 20 người ấy có nhiều nhà văn gạo cội, tuổi đời đều trên dưới sáu mươi và đã có những cống hiến nhất định cho nền văn chương nước nhà, nhận được giải thưởng của các đoàn, Hội và của Nhà nước. Số người này đều am hiểu tường tận điều lệ, những hoạt động và tổ chức của Hội ngay từ khi xin gia nhập cho đến quá trình tham gia sinh hoạt Hội với đầy đủ tư cách hội viên. Thế nhưng, qua 9 Đại hội ở các khu vực vừa qua, phần lớn những người này đều không đủ số phiếu tín nhiệm để đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nhà văn VN lần thứ IX. Việc lại tự ý xóa tên hoặc tuyên bố ra khỏi Hội của một số người một cách hết sức cảm tính, tùy tiện, xem Hội nhà văn VN là nơi ai thích thì vào, không thích thì ra, giống như một cái chợ làng là việc làm không nên chút nào”.



Nhà văn cần phải biết tôn trọng lẫn nhau

ĐỖ NGỌC YÊN

Thời gian gần đây trên một số tờ báo mạng và các trang cá nhân, người ta thấy lan truyền rất nhiều và nhanh đến chóng mặt thông tin về danh sách 20 nhà văn tự xóa tên mình hoặc tuyên bố ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam. Kèm theo đó là không ít những lời bàn luận. Có người cho rằng làm như vậy là thiếu tôn trọng các hội viên khác, cũng như làm mất thanh danh của một hội nghề nghiệp có uy tín vào bậc nhất nhì hiện nay. Thực hư câu chuyện ra sao?

Hội Nhà văn và việc ra, vào Hội
Theo Quyết đinh số: 69/2005/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc Phê duyệt điều lệ (sửa đổi) Hội Nhà văn Việt Nam, đã được Thứ trưởng Đặng Quốc Tiến ký ngày 14/7/2005 ghi rõ tôn chỉ, mục đích: Hội Nhà văn Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam (bao gồm những người sáng tác: thơ, văn xuôi, kịch bản, lý luận phê bình, dịch thuật văn học) lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình.
Như vậy ở đây có hai điểm mấu chốt quan trọng, một là Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệpvà hai là Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức tự nguyện của các nhà văn. Hồ sơ vào Hội quy định: Người muốn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam phải gửi đến Hội: - Đơn xin gia nhập Hội; - Sơ yếu lý lịch; - Tiểu sử văn học - Lời giới thiệu của hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; - 2 tác phẩm văn học đứng tên riêng xuất bản thành sách. Và một điều kiện cũng rất quan trọng nữa là phải tán thành Điều lệ Hội như đã được quy định tại Điều 9 của Chương này. Hội viên có quyền được Xin ra hội. Hội viên chỉ bị khai trừ ra khỏi Hội trong các trường hợp hoạt động chống lại những nguyên tắc cơ bản đã được ghi trong điều lệ Hội và bị kết án về tội hình sự (tính từ khi bản án bắt đầu có hiệu lực pháp lý).
Theo tôi, xét về mặt lý những quy định trong Điều lệ (sửa đổi) năm 2005 là khá đầy đủ, rõ ràng và chặt chẽ đối với các hội chính trị- xã hội- nghề nghiệp ở nước ta hiện nay, trong đó có Hội Nhà văn. Bất kỳ ai muốn gia nhập hoặc xin ra khỏi Hội đều phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định được ghi trong Điều lệ. Đáng lưu ý, đây là bản điều lệ được sửa đổi gần nhất, cho đến trước Đại hội IX sắp diễn ra, đã được Bộ Nội vụ ký ban hành.

Theo thông báo của Ban Chấp hành, tại Đại hội khối các cơ quan Trung ương, ngày 23/5 thì Đại hội đại biểu toàn quốc HNVVN diễn ra vào tháng 7 tới sẽ lấy ý kiến đại biểu và thông qua Điều lệ (sửa đổi- 2015) cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của Hội. Theo đó, ở Điều 9 sửa và thêm như sau: Tất cả công dân Việt Nam trong nước hoặc đang sinh sống ở nước ngoài lấy hoạt động sáng tạo văn học vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam, có tác phẩm đã được xuất bản, có giá trị, không tham gia các tổ chức bất hợp pháp (tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y), tán thành điều lệ Hội đều có thể xin gianhập Hội Nhà văn Việt Nam. Và ở điều 12 bổ sung thêm ở khoản d: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp (tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y). Và ở điều 27 được sửa lại: Hội viên vi phạm pháp luật Nhà nước, Điều lệ Hội và có những hành động làm mất thanh danh Hội đều bị thi hành kỷ luật. Hình thức kỷ luật: Phê bình, cảnh cáo hoặc khai trừ do Ban Chấp hành Hội quyết định bằng quá bán số phiếu kín.        
Việc sửa đổi và bổ sung thêm một số điểm như vậy là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, vừa để đảm bảo sự đoàn kết, nhất trí trong hội, vừa để tránh những kẻ nhân danh hội viên Hội nhà văn mà làm những việc sai trái.

Hội viên cần phải tôn trọng lẫn nhau
Trong phát biểu chỉ đạo Đại hội nhà văn Việt Nam khối các cơ quan Trung ương, diễn ra sáng ngày 23/5/2015, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNVVN cho biết hiện tại có 26 hội viên HNVVN tham gia Ban vận động thành lập Văn đoàn Việt Nam độc lập, một tổ chức mà đến nay không được nhà nước cấp phép hoạt động. Mặc dù các thành viên Ban Chấp hành HNVVN đã nhiều lần đứng ra thuyết phục họ từ bỏ, nhưng cho đến nay mới chỉ có 3 nhà văn xin rút khỏi tổ chức này, trong đó một người đã chết. Trong số các nhà văn nói trên, có một số người tự xóa tên hoặc tuyên bố ra khỏi HNVVN. Tuy nhiên, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đến thời điểm này Ban Chấp hành HNVVN chưa nhận được đơn của bất kỳ một hội viên nào xin ra khỏi Hội và Ban Chấp hành HNVVN khóa VIII, cũng chưa xem xét, phê duyệt cho bất kỳ ai ra khỏi Hội, trừ một trường hợp bị khai trừ vì đã vi phạm pháp luật, nhưng đã được phục hồi.  

Như vậy, việc tự xóa tên hay tuyên bố xin ra khỏi Hội chỉ là hành động cá nhân riêng lẻ có thể do chủ kiến cá nhân không thích sinh hoạt hay nhằm phản ứng lại những gì mà họ cho là Hội không đáp ứng được những kỳ vọng cá nhân, nên không cần thiết phải ở trong Hội. Đáng lưu ý là trong số 20 người ấy có nhiều nhà văn gạo cội, tuổi đời đều trên dưới sáu mươi và đã có những cống hiến nhất định cho nền văn chương nước nhà, nhận được giải thưởng của các đoàn, Hội và của Nhà nước. Số người này đều am hiểu tường tận điều lệ, những hoạt động và tổ chức của Hội ngay từ khi xin gia nhập cho đến quá trình tham gia sinh hoạt Hội với đầy đủ tư cách hội viên. Thế nhưng, qua 9 Đại hội ở các khu vực vừa qua, phần lớn những người này đều không đủ số phiếu tín nhiệm để đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc HNVVN lần thứ IX. Việc lại tự ý xóa tên hoặc tuyên bố ra khỏi Hội của một số người một cách hết sức cảm tính, tùy tiện, xem HNVVN là nơi ai thích thì vào, không thích thì ra, giống như một cái chợ làng là việc làm không nên chút nào.

Nên nhớ rằng HNVVN được hình thành, tồn tại và phát triển gần 60 năm qua, bởi nhiều thế hệ với hàng ngàn hội viên, có nhà văn đã phải hy sinh trên các chiến trường chống Pháp và chống Mỹ. Hội là một tổ chức có tôn chỉ mục đích, có điều lệ hoạt động hẳn hoi, được nhà nước công nhận. Hội không bao giờ là tổ chức riêng của trên dưới một chục vị trong Ban Chấp hành, càng không phải của riêng ông Chủ tịch và mấy ông Phó Chủ tịch, mà nó được xây dựng nên bởi công lao, sức lực và tâm huyết của hàng trăm, hàng ngàn hội viên trên khắp mọi miền đất nước. Khi một ai đó muốn vào Hội, phải có đủ các điều kiện bắt buộc đã được ghi trong điều lệ Hội và phải tự tay viết và ký vào đơn xin gia nhập một cách tự nguyện, không chịu bất cứ sức ép của ai, từ phía nào. Vậy thì khi một người nào đó không muốn tham gia, thì người ấy phải có đơn xin ra khỏi Hội, gửi đến Ban Chấp hành xem xét với quá bán phiếu kín thì mới được ra, như khi vào Hội, chứ không thể bỏ ra một cách tùy tiện.

Những người tự ý xóa tên hay tuyên bố ra khỏi Hội trên một số trang mạng xã hội hay các trang cá nhân thời gian gần đây, xét về lý là vi phạm điều lệ Hội, cái mà chính họ đã từng cam kết tuân thủ khi xin gia nhập Hội. Theo tôi, vì một lý do nào đấy mà họ cảm thấy không hài lòng hoặc không thể chấp nhận đối với những việc làm của một số cá nhân hay một vài tổ chức nào đấy của Hội mà dẫn đến những hành động mang tính chất phá đám, gây rối như vậy, thực chất là thiếu tôn trọng hơn một nghìn (1114) hội viên. Họ đã coi thường tổ chức của hơn một nghìn người, đang ngày đêm đem hết sức lực, tài năng và tâm huyết của mình phấn đấu vì sự phát triển của văn chương nước nhà. Hành động của những người nói trên chỉ có thể gây nên sự mất đoàn kết, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Hội, rất đáng phê phán một cách nghiêm túc và nếu cần, nên có những hình thức kỷ luật thích đáng để giữ nghiêm kỷ cương của Hội./.   



Nguồn: Vanvn.net