Đại hội Hội nhà văn TPHCM được ấn định diễn ra hai ngày 16-17.6.2015. Một nhiệm kỳ 5 năm đã trôi qua, hay dở tùy cách nhìn của mỗi hội viên. Thế nhưng, có hai sự kiện không thể không nhắc đến. Thứ nhất,đu nhiệm kỳ, trang web của Hội được thành lập và hoạt động. Thứ hai, cuối nhiệm kỳ, Ban thường vụ Hội phát huy tinh thần dân chủ bằng cách dùng con dấu của Hội để… tranh luận với một hội viên. Tại sao một thành phố năng động nhất nước, nơi phát khởi những trào lưu văn học lôi cuốn nhất nước, lại có một Hội nhà văn càng ngày càng khiến giới cầm bút ngao ngán?


HỘI NHÀ VĂN TPHCM SẼ KHỞI SẮC, NẾU LÊ QUANG TRANG RA ĐI?

LÊ THIẾU NHƠN


Trang web một bên và chủ tịch hội một bên
Ưu điểm đáng kể nhất của Hội nhà văn TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 chính là có được trang web. Dù chất lượng còn thua kém nhiều trang web cá nhân, nhưng ít ra trang web Hội nhà văn TPHCM cũng có quyền tự hào hơn hẳn trang web của Hội nhà văn Hà Nội hay trang web các Hội văn nghệ địa phương khác. Thế nhưng, trang web chỉ có một người tâm huyết trực tiếp làm thì không thể nào hay ho được. Hơn nữa, chuyện tiền bạc cũng ì xèo liên tục. Giấy phép không có, giải ngân cũng chờ mòn chờ mỏi.
Nhờ trang web mà nhiều người còn biết thì ra Hội nhà văn TPHCM vẫn có hoạt động.
Lẽ ra trang web cũng đủ để bù đắp cho những trì trệ của Hội nhà văn TPHCM, nếu như không có một ông Chủ tịch Hội quá tầm thường. Vì sao lại có màu sắc công kích cá nhân vậy? Xin thưa, người đứng đầu một Hội không phải là cung tên hay đao kiếm, mà chính là ngọn cờ của một đội quân. Ngọn cờ nghiêng ngả thì cung tên càng cứng và đao kiếm càng bén, sẽ càng thêm bẽ bàng!
Hãy so sánh với các nhiệm kỳ trước. Thực tế, các nhiệm kỳ trước cũng hoạt động chừng mực thôi, nhưng tại sao hội viên không thấy chán chường? Đơn giản vì Nguyễn Quang Sáng hay Lê Văn Thảo đều có tài năng và nhân cách xứng đáng để làm một ngọn cờ. Hội viên chỉ cần biết thủ lĩnh của mình đã viết “Chiếc lược ngà” hoặc đã viết “Một ngày và một đời”, thì thâm tâm đã hãnh diện ít nhiều. Còn Lê Trang Quang là một nhà thơ hạng xoàng, và là một nhà phê bình hạng xoàng hơn. Lê Quang Trang chưa từng có một câu thơ nào đáng nhớ, hoặc có một trang lý luận văn chương nào đáng đọc lần thứ hai.
Một cây bút nhạt nhẽo như Lê Quang Trang có thể trở thành Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM, trước hết là lỗi của các hội viên không thực sự cầu tiến. Thói quen bỏ phiếu khi bầu ban chấp hành, phần lớn chỉ nhăm nhăm gạch tên những gương mặt nổi trội mà mình không ưa, cho nên những kẻ lờ lờ nước hến lại… trúng cử. Mặt khác, nhiều người nghĩ rằng, một anh năng lực vào loại vô thưởng vô phạt thì sẽ… vô hại. Nhầm to! Một anh năng lực vô thưởng vô thưởng khi có chút chức quyền để hám danh hám lợi, thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Xưa nay, xum họp hay ly tán đều do lòng người mà ra! Một Chủ tịch Hội ấm ớ thì không thể thu hút được hội viên gắn bó với hội.
Phản biện: chủ tịch hội cũng chỉ là một cá nhân! Tuy nhiên, đó là cá nhân quan trọng. Không phải Hội nhà văn TPHCM triệu tập toàn thể hội viên cả buổi sáng 14-4-2015 cũng chỉ để làm một việc duy nhất là… đề cử Chủ tịch Hội à? Chấm điểm chủ tịch Hội cũng đồng nghĩa với việc đánh giá thành bại của Hội trong một nhiệm kỳ. Vì vậy, xin người đọc hãy hết sức bình tĩnh và khách quan, bởi lẽ chính tôi – người viết bài này, chỉ nhìn việc chứ không nhìn người. Và chính tôi là người đã viết bài động viên Lê Quang Trang đầu tiên, khi ông vừa nhận sổ hưu chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào TPHCM tìm đường nhập cư phương Nam. Không ít hội viên Hội nhà văn TPHCM đã nói thẳng với tôi rằng: “Không biết Lê Quang Trang là ai, cho đến khi đọc bài viết “Lê Quang Trang lắng nghe gió vẫn thổi về từ biển” của ông!”. Nếu do bài viết của tôi mà đồng nghiệp nào trót hớ hênh đặt niềm tin vào Lê Quang Trang, thì nhân đây, tôi xin có lời tạ lỗi chân thành!

Cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu
    Trên báo Văn Nghệ TPHCM số 352 ra ngày 7.5.2015, ở mục “Diễn đàn xây dựng Hội” có bài “Hội nhà văn thành phố, cần lắm những lắm lòng” của nhà thơ Lê Tú Lệ. Lâu nay tôi cứ ngỡ Lê Tú Lệ chỉ làm thơ lơ mơ, không ngờ chị quan sát rất thấu đáo và lập luận rất mạch lạc. Đó là một bài viết xuất sắc. Chỉ cần những người lãnh đạo Hội nhà văn TPHCM khóa tới làm theo những gợi ý và tránh bớt những sai lầm mà Lê Tú Lệ đã chỉ ra, thì hội sẽ phát triển.
    Thật bất ngờ, Hội nhà văn TPHCM phản pháo bằng một bài báo như công văn ( hay một công văn như bài báo?) lấy danh nghĩa... thường vụ hội. Tôi nói vậy, bởi lẽ bài “Không chỉ là tấm lòng chung chung” được in trên báo Văn Nghệ TPHCM số 354 phát hành hai tuần sau bài “Hội nhà văn thành phố, cần lắm những tấm lòng”, tuy có ký tên Chủ tịch Hội nhưng không... ghi ngày tháng!
      Lịch sử các hội nghề nghiệp ở Việt Nam sẽ phải ghi nhớ chuyện này, vì đây là lần đầu tiên một tổ chức đoàn thể lại nhân danh Ban thường vụ và dùng con dấu của Hội chỉ để... tranh luận với một hội viên. Quá tuyệt vời, tài trí của Ban thường vụ cao siêu thật!
     Nào, để xem Ban thường vụ gồm những ai đã nhúng bút vào cái bài báo na ná công văn? Cứ làm phép loại trừ sẽ rõ.
Phó Chủ tịch thường trực Hội – Trần Văn Tuấn chăng? Trần Văn Tuấn là một nhà văn có tài. Trần Văn Tuấn cùng với Nguyễn Mạnh Tuấn và Nhật Tuấn được tôn vinh là “tam tuấn” của văn học miền Nam sau năm 1975. Trần Văn Tuấn dù không hào hoa và phóng khoáng, nhưng cũng không đến nỗi viết một bài vớ vẩn mức ấy.
Phó Chủ tịch Hội- Phạm Sỹ Sáu chăng? Phạm Sỹ Sáu tuy thơ rổn rảng kiểu “hành” nhưng lại là người rất biết cách lưỡng lự. Vì vậy, việc gì mà có nguy cơ... ngửa bụng trước bàn dân thiên hạ, thì Phạm Sỹ Sáu sẽ nhanh nhẹn lùi tấm thân to lớn lại phía sau, để hào hứng dự phần bằng nhiệt huyết của... cánh tay thứ hai.
     Như vậy, người trực tiếp chấp bút bài “Không chỉ là tấm lòng chung chung” đích thị Lê Quang Trang. Phải là Lê Quang Trang mới có khả năng để viết ra văn bản nhiều lời ít ý như thế! Đấy là khả năng độc đáo của Lê Quang Trang, viết ra thứ gì cũng khiến người đọc xong cảm thấy như... chưa đọc bao giờ. Tuy nhiên, ở đây đã dùng đến con dấu của Hội thì phải ai cũng cố gắng hy vọng cái văn bản ảo diệu kia hé lộ chút giá trị nào đó.
     Lê Quang Trang tổng kết đời thơ của mình bằng tập “Gió vẫn thổi về từ biển”. Xét về sức rung động, “Gió vẫn thổi về từ biển” kém hơn tập thơ “Lỡ tay rượu đổ thềm người” của Lê Tú Lệ một tý, nhưng vẫn có bài thơ “Dân” đáng lưu ý. Nguyên văn như sau
Nhà Lý trị vì hai trăm mười lăm năm (1010-1225)
Nhà Trần ngắn hơn bốn chục (1225-1400)
Hậu Lê ba trăm sáu (1428-1788)
Mỗi triều bao thăng trầm

Nhà nước của dân do dân vì dân
Sao mới một phần hai thế kỷ
Mà đã bao phen bão lốc

Hỡi những ai đang trên nấc thang quyền lực
Có nhớ chăng “chở thuyền là dân
Mà lật thuyền cũng là dân”.
Đấy, ghê gớm chưa! Dẫu mặc định nhà nước “bao phen bão lốc” nhưng khi đã đánh hơi thấy sự việc đụng chạm danh lợi riêng mình, thì Lê Quang Trang không muốn nghe “dân” và cũng không thèm làm “dân” nữa!

Sự đối ngoại “kiên quyết và tinh tế” của ông Chủ tịch Hội
     Khi nhà thơ Lê Tú Lệ nêu sự thật Hội nhà văn TPHCM thụ động trước hành động gây hấn của Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa nước ta, thì Lê Quang Trang lên giọng răn dạy “chưa hiểu thấu công việc ngoại giao vừa hợp tác vừa đấu tranh, cần sự kiên quyết và tinh tế”. Miệng lưỡi như một chính khách thứ thiệt!
    Thế nhưng, chờ dài cổ không thấy ông chủ tịch khả kính viết bài gì lên án láng giềng bá đạo, để hội viên học hỏi. Đầu tháng 6-2014, khi nhiều hội viên tham gia mít tinh bày tỏ tinh thần yêu nước thì Lê Quang Trang lấy tư cách Phó Chủ tịch Hội nhà văn VN kiêm Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM dẫn đầu một đoàn sang giao lưu ở... thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chuyến đi ấy cần thiết không? Cần thiết chứ, nếu nói theo thứ ngôn ngữ tiểu xảo mị dân thớ lợ của Hữu Thỉnh, thì “chỉ cần Lê Quang Trang có mặt là hội nghị đã thành công một nửa”.
     Tại sao Lê Quang Trang không tạm ngưng hoặc từ bỏ chuyến đi vào thời điểm nhạy cảm ấy, để thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cha ông để lại, như hàng triệu đồng bào khắp Việt Nam? Nếu đã lỡ đi, thì tại sao trên diễn đàn ấy, Lê Quang Trang không cất tiếng nói đanh thép dùm cho bao nhiêu tâm tư người dân nước mình? Trong lúc mọi công dân Việt Nam ngồi trên chảo lửa vì hải phận bị đe dọa, thì Lê Quang Trang cũng kịp khoe lên mạng mấy tấm ảnh chụp ở phố phường Vân Nam như những du khách thong dong và hể hả. Chao ôi, hãy nhìn Lê Quang Trang xem có ấn tượng chưa kìa, tạo dáng sao mà duyên thế, nụ cười sao mà xinh thế!
      Nhà thơ Lê Tú Lệ nếu trông thấy tấm ảnh kia, chắc chắn không nỡ quy kết “Hội nhà văn TPHCM yêu nước thụ động”!?

Mượn danh Hội để mưu cầu lợi ích riêng tư
      Nhà thơ Lê Tú Lệ còn băn khoăn một điều nữa, đó là công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh” mà Trung tâm Nghiên cứu Quốc học đứng ra thực hiện, còn Hội Nhà văn TPHCM chỉ là đơn vị phối hợp. Hãy nghe ngài Lê Quang Trang oai phong lẫm liệt giải trình hùng hồn: “Sự thật là, ngay sau khi xuất hiện ý tưởng, từ bước sơ khởi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Chủ tịch Hội nhà văn đã bàn bạc nhiều lần về nội dung, cấu trúc công trình, tiêu chí tuyển chọn, dự thảo đề cương, căn cứ theo sở trường của từng đơn vị để phân công nhiệm vụ, rồi mới thống nhất làm tờ trình lãnh đạo thành phố...”. Thôi, không cần chấp cái đoạn văn ngắn củn mà diễn đạt rối rắm trên, chỉ cần biết chính miệng Lê Quang Trang thừa nhận Hội nhà văn TPHCM có phần tham dự.
      Cái vụ này có vẻ nhà thơ Lê Tú Lệ hơi bị sai, vì chị không biết ngài Lê Quang Trang có thính giác cực kỳ siêu đẳng trước mùi tiền. Công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh” được chi từ ngân sách đến 3,2 tỷ đồng, thì lẽ nào Lê Quang Trang chịu đứng ngoài cuộc? Phải nhảy ngay vào chứ, nhưng nhảy vào với tư cách nào thì lại là chuyện hoàn toàn khác.
      Lê Quang Trang khẳng định, Hội nhà văn TPHCM tham gia tích cực vào công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh”. Vậy xin hỏi, sao không thấy thông báo gì trên trang web của Hội, và Hội gồm những ai góp sức biên soạn? Nếu xem công trình là một gói thầu, thì Hội nhà văn TPHCM là đối tác thầu lại một phần dự án, sao không thấy trình bày cho hội viên tường tận về quá trình thu hoạch, kể cả tiền bạc lẫn tác phẩm chọn in? Phải chăng Hội nhà văn TPHCM chỉ đứng danh nghĩa, còn đối tượng thầu lại, thực sự là Lê Quang Trang và Trần Thị Thắng?
      Số tiền 3,2 tỷ đồng được rót từ ngân sách, có chuyển về tài khoản Hội nhà văn TPHCM đồng xu nào không? Hội nhà văn TPHCM đứng ra làm công trình của Thành ủy, mà sao giống như vợ chồng Lê Quang Trang giao dịch với đầu nậu sách vậy? Thẳng thắn hơn, xin hỏi: cỡ tài năng văn chương tàm tạm ngang ngửa học sinh giỏi văn cấp 3 như Lê Quang Trang và Trần Thị Thắng, thì trình độ gì và tư cách gì, mà đứng ra đại diện Hội nhà văn TPHCM để tuyển chọn tác phẩm cho “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh”?

 Nêu gương sáng làm văn và làm ăn
Sự thật phũ phàng, chủ biên mà đứng tên Lê Quang Trang thì chả có nhà văn nào có chút tiếng tăm ở TPHCM cảm thấy tự hào khi có tác phẩm được chọn in! Thế nhưng, cũng chẳng mấy người tường tận Lê Quang Trang gặt hái được bao nhiêu từ công trình“Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh”?
Thượng đế rất công bằng, đã cho người nào ít tài năng văn chương thì sẽ cho người ấy nhiều sự lì lợm và nhiều sự trơ trẽn để kiếm ăn nhờ văn chương.
Lê Quang Trang từng viết: “Càng lên cao người ta càng nhiều cơ hội/ Để bán đi danh dự của mình/ Có thể đấy là lỗ tai thuận nghe lời nịnh/ Có thể là đồng tiền dễ đến trong tay”. Ấy ấy, cẩn thận.... đừng nghe theo! Lê Quang Trang viết để khuyên người khác, chứ không phải dành cho chính mình đâu. Làm văn trộn lẫn làm ăn là khái niệm mỹ học mới, mà nhà phê bình Lê Quang Trang vừa phát hiện và nghiệm chứng sau chuyến viễn trình vào phương Nam được đồng nghiệp phương Bắc xưng tụng là “cuộc đào tẩu ngoạn mục” đấy nhé!
Cần dẫn chứng nữa không? Lê Quang Trang được mời làm giám khảo cuộc thi viết văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn – Gia Định” với thù lao 20 triệu đồng. Nói trắng ra, tư cách giám khảo ấy được thế chấp bằng cái ghế Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM, chứ Lê Quang Trang có tên tuổi gì trong giới sáng tác đâu! Tuy nhiên, đầu óc Lê Quang Trang rất linh hoạt. Sau khi đã đọc hết bài dự thi của đồng nghiệp và thâu tóm được bao nhiêu lời hay ý tốt, Lê Quang Trang đùng đùng xin ra khỏi ban giám khảo. Để làm gì nhỉ? Để trả lại 20 triệu đồng cho thành phố, vì Lê Quang Trang có trái tim bao la cảm thấy mảnh đất đang cưu mang mình vẫn còn nhiều mảnh đời cơ nhỡ cần hỗ trợ số tiền ấy hơn chăng? Không, để Lê Quang Trang ứng thí, nhân cơ hội cuộc thi kéo dài thêm 2 tháng. Kết quả, Lê Quang Trang ẵm luôn cái giải thưởng 80 triệu đồng. Tài tình chưa, khôn khéo chưa, uyển chuyển chưa! Cũng một trận cầu, thổi hư còi rồi thì lao ra đá bóng, chứ không phải vừa đá bóng vừa thổi còi nhé! Ai dám bảo Lê Quang Trang đỉnh đỉnh đại danh nhà ta lại kém cõi nào!? Một người vừa lấy 20 triệu đồng ở vị trí giám khảo, lại lấy thêm 80 triệu đồng ở vị trí thí sinh trong cuộc thi ấy, thì thử hỏi dưới gầm trời này có mấy ai bì kịp Lê Quang Trang!?
Bài học làm văn trộn lẫn làm ăn của Lê Quang Trang, cực kỳ sâu sắc và cực kỳ nhân ái. Lê Quang Trang chính là tấm gương sáng chói lọi để các đồng nghiệp khác biết rằng văn đàn cũng là chốn có thể áp dụng mọi mánh khóe một cách hữu hiệu!

Vẫn còn hy vọng khởi sắc
Lê Quang Trang dù năng lực làng nhàng nhưng cũng từng đứng đầu nhiều tổ chức, như Trưởng ban báo Nhân dân Cuối Tuần, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Những nơi ấy chỉ cần Lê Quang Trang giã từ, thì ai cũng mừng. Vì sao? Vì giai đoạn Lê Quang Trang cầm trịch thì chất lượng đã bị đẩy xuống tận cùng, nên bất kỳ ai thay Lê Quang Trang điều hành cũng làm cho tình hình trở nên sáng sủa hơn gấp năm, gấp mười.
Hội nhà văn TPHCM dưới sự dẫn dắt của Lê Quang Trang đã trở thành đơn vị mờ mịt nhất trong Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM. Do đó, sau thời Lê Quang Trang, chắn chắn Hội nhà văn TPHCM sẽ khởi sắc thôi!
                                                               9-6-2015