10 giờ 15 phút sáng 29-6-2015, làng âm nhạc Việt Nam mất đi một gương mặt gạo cội: nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Được đưa đi cấp cứu vì suy hô hấp cấp, sau 3 ngày nằm ở Bệnh viện Thống Nhất – TPHCM, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã ra đi ở tuổi 91 một cách nhẹ nhàng như cá tính sáng tạo của ông! Có thể nói, Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ có biệt tài phổ thơ. Những bài thơ của Dương Hương Ly, Hoài Vũ, Ngọc Anh, Bùi Công Minh, Trần Đình Chính, Thúy Bắc, Xuân Quỳnh… đã hòa nhịp trái tim Phan Huỳnh Điểu mà thăng hoa qua năm tháng. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quan niệm rất mạch lạc về sự giao hòa giữa thơ và nhạc: “Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình. Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”.



CON CHIM VÀNG CỦA LÀNG NHẠC ĐÃ BAY ĐI

Tính đến lúc giã biệt trần gian, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã gắn bó với âm nhạc đúng 70 năm. Vì say mê vở nhạc kịch “Tục lụy” của nhóm tác giả Châu Vinh – Thế Lữ - Lưu Hữu Phước, chàng trai 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu có quê gốc ở Điện Bàn – Quảng Nam đã viết bài hát đầu tay “Trầu cau” vào đầu năm 1945 để phục vụ cho nhóm kịch “Sói con” biểu diễn tại Đà Nẵng. Có màu sắc khá giống “Tục lụy”, ca từ “Trầu cau” là những buồn bã day dứt: “Ngày xưa có hai anh em nhà kia. Cùng yêu thương ở cùng nhau bỗng đâu chia lìa. Vì hai người cùng đem lòng yêu một cô gái làng bên…”

Màn trình diễn của nhóm “Sói con” không ai nhớ, nhưng bài hát “Trầu cau” trở nên phổ biến, đã tiếp thêm nghị lực cho Phan Huỳnh Điểu dấn thân vào con đường sáng tác ca khúc. Tham gia kháng chiến chống Pháp tại miền Trung, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có hai bài hát lừng lẫy “Mùa đông binh sĩ” và “Đoàn giải phóng quân”. Hai bài hát này mở ra phong cách âm nhạc Phan Huỳnh Điểu, trữ tình mà không bi thương, hào sảng mà vẫn mềm mại, ưu tư mà luôn trong sáng.

Năm 1955, Phan Huỳnh Điểu tập kết ra Bắc và có cơ hội trau dồi nghề nghiệp nhiều hơn, mà nổi bật nhất là ca khúc “Những ánh sao đêm” viết năm 1962.
Năm 1965, Phan Huỳnh Điểu xung phong vào chiến trường Tây Nguyên. Với bút danh Huy Quang, ông đã miêu tả tinh thần bảo vệ tổ quốc giữa bom đạn ác liệt bằng những giai điệu dạt dào “Ra tiền tuyến”, “Khúc hát chia tay”, “Anh giao liên”… 
Năm 1970, trở lại Hà Nội, Phan Huỳnh Điểu có được khoảng thời gian rực rỡ nhất trong sự nghiệp của mình. Kết hợp hài hòa điệu thức dân gian mềm mại và giọng trưởng rắn rỏi cho mỗi ca khúc, Phan Huỳnh Điểu có được những tác phẩm lừng lẫy “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Bóng cây Kơnia”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”…

Đất nước thống nhất, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chuyển vào TPHCM sinh sống và tiếp tục có những sáng tác chinh phục công chúng như “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”.

Có thể nói, Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ có biệt tài phổ thơ. Những bài thơ của Dương Hương Ly, Hoài Vũ, Ngọc Anh, Bùi Công Minh, Trần Đình Chính, Thúy Bắc, Xuân Quỳnh… đã hòa nhịp trái tim Phan Huỳnh Điểu mà thăng hoa qua năm tháng. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quan niệm rất mạch lạc về sự giao hòa giữa thơ và nhạc: “Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình. Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”.

Chính thái độ sòng phẳng ấy mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nêu được tấm gương về bản quyền. Mỗi khi nói về ca khúc, ông luôn bắt đầu kể chuyện đã bắt gặp bài thơ như thế nào, chứ không bao giờ quên tác giả ca từ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất đam mê đọc sách, nhất là đọc thơ. Ngoài những ca khúc được nhiều thế hệ yêu mến, tài sản của ông còn hơn 100 ca khúc chưa công bố, phần lớn phổ thơ của những cây bút mới. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu, những bài hát do ông tự viết lời cũng khá giàu tính văn học. Thí dụ, bài hát “Đêm nay em ở đâu” có ngôn từ trau chuốt: “Nhìn ngôi sao lấp lánh suốt canh thâu. Như mắt ai nhấp nháy đang tìm nhau. Làn gió mát thoang thoảng hương đêm. Mơn cành hoa trước thềm, như bàn tay anh buốt nhẹ tóc em…”

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có lối sống giản dị và lạc quan. Căn nhà của ông ở khu cư xá Bắc Hải – TPHCM luôn tràn ngập âm thanh và tiếng cười. Ở tuổi 90, ông vẫn ân cần chăm sóc người vợ bị tai biến và làm giám khảo cho các cuộc thi ca hát. Mỗi khi cao hứng, Phan Huỳnh Điểu tự đọc thơ giễu mình một cách trẻ trung: “Tiếc rằng cái tóc hơi bạc bạc. Còn thì mọi thứ vẫn y nguyên”.

Nghĩ về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, khán giả chắc chắn mường tượng một quý ông gầy gò ôm cây đàn mandoline. Dù đã thử chơi qua nhiều nhạc cụ, nhưng ông vẫn chung thủy với cây mandoline. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu hé lộ về cái bút danh cũng là tên thật của mình: “Bố mẹ tôi là người có hiểu biết về nho học, nên đặt tên cho tôi là Huỳnh Điểu. Chữ Huỳnh không phải là họ Huỳnh, mà có nghĩa là vàng, Điểu là chim. Bố mẹ mong tôi là một con chim vàng!”. Quả thật, Phan Huỳnh Điểu đã trở thành một con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam. Và con chim vàng ấy, hôm nay đã bay về một miền xanh thẳm, để lại tiếng hót ngọt ngào…

                                    Sài Gòn, 29-6-2015
                                       LTN