Olga Berggoltz- nhà văn, nữ thi sỹ Nga- Xô Viết là một người đàn bà có cuộc đời đặc biệt phức tạp. Trải qua những bất hạnh, những nỗi đau khi mất ba đứa con và hai đời chồng; chịu đựng những lời vu khống, những lần bị hạ nhục nhân phẩm… Nhưng chiến tranh vẫn không đánh gục được người đàn bà mảnh dẻ này. Sau từng ấy truân chuyên, thử thách Olga Berggoltz vẫn viết: “Quân thù kia, mi còn định làm gì hơn thế nữa? Phá phách và giết chóc thêm ư..? Có điều này, ta mãi mãi vẫn có thể yêu...”







Kỷ niệm 70 năm Liên Xô chiến thắng Phát xít Đức ( 9.5.1945- 9.5. 2015 ):

OLGA BERGGOLTZ: THƠ CA RA ĐỜI TỪ NỖI ĐAU

TÔ HOÀNG dịch từ tiếng Nga

            Ngày 16 tháng 5 năm 1910 trong gia đình bác sỹ Fedor Khristoforovist, gốc Đức và bà vợ ông Maria Timofeevna, một phụ nữ tốt nghiệp trung học, sinh hạ một bé gái, được cả nhà đặt cho cái tên là Olga. Cha mẹ cô bé đều mơ ước con gái mình sẽ nối nghiệp người cha. Nhưng cuộc sống đã định đoạt theo một hướng khác. Thế chiến thứ nhất. Những cuộc cách mạng. Nội chiến- những sự kiện ấy đã phát vỡ ước ao của họ. Vùng ngoại ô thành phố St.Peterburg, nơi gia đình Olga sống được coi là khu vực của thợ thuyền với những đặc điểm chỉ riêng vùng này có… Nơi đây thường diễn ra những vụ đốt cháy bàn ghế, đập vỡ các khung cửa kính và những cuộc ẩu đả - ngay cả khi nhiều người trong xóm còn chưa tỉnh giấc. Sau những sự cố long trời lở đất kia xẩy ra, những gia đình trí thức quả là khó sống. Đến những quyển kinh thánh cũng bị xem là “sách giáo khoa của bọn tư sản”.
            Gia đình cô bé Olga buộc phải chuyển tới thành phố Uglist và sống ở đó 2 năm ( từ 1918 đến 1920 ) trong những gian buồng cũ dành cho các tu sĩ tại Tu viện Bogoiavlensky. Ông bố nhận làm bác sỹ trên các chuyến tầu cứu thương. Ông đứng về phía những người Bolsevist, xuôi ngược những chuyến tầu hỏa ra mặt trận của cuộc nội chiến. Sau đó gia đình trở lại thành phố Leningrad ( tên mới sau Cách mạng tháng Mười của thành phố St. Peterburg) , Olga vào học tại một trường vừa học vừa làm. Cô gái nổi bật bởi tính hay lam hay làm, biết bỏ qua những điều vặt vãnh, mong chia sẻ những ý nghĩ riêng tư với người xung quanh, thường là qua những vần thơ tự viết.. . Cha mẹ ủng hộ những niềm say mê của con gái, đặc biệt là người cha. Ông đã gắng gỏi để đến năm 1924 bài thơ “ Tên đao phủ nào đã giết Lenin” được đăng trên tờ báo của nhà máy. Người cha rất tự hào về con gái của mình, nhưng ông không thể nào hình dung ra rồi sẽ có ngày Olga trở thành một nhà thơ lớn, một biểu trưng về ý chí thép của những người dân Leningrad, ngay cả trong những ngày bị bọn phát xít Đức bao vây.
Nhưng số phận đầy bi kịch vẫn đang đợi nữ thi sỹ ở phía trước!

Cô thiếu nữ Olga được nhận việc ở nhà in như một nhân viên sửa morat.Tại đây cô gái làm quen với Iaroslav Smeliankov-một người cũng say mê văn học như cô.Vào năm 1925 trên tờ báo “ Ánh lửa Lenin” đã đăng bài thơ “ Gửi các bạn thiếu niên” của một tác giả nữ 15 tuổi. Cũng trong năm đó trên tạp chí “ Khăn quàng đỏ” in truyện ngắn đầu tiên của Olga với tựa đề “ Con đường phủ bóng rợp trong rừng”.
Lại cũng năm này Olga Berggoltz  tham gia nhóm văn học thanh niên công nhân mang tên “Đổi gác. Nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Tyunianov, Eikhenbaym, Skolovsky đã đến thuyết trình ở đây. Tiếp nối có cả những tên tuổi cự phách như Maiakovsky, Bragritsky, Svetlov, Ytky... Đối với Olga đây quả là một trường đào luyện nghề văn tuyệt vời. Các nhà văn, nhà thơ đều cố gắng phát triển trong những người trẻ tuổi sự hiểu biết thế giới nội tâm của con người, dạy họ nhìn ra nhiều điều mà trước đây họ không lưu ý tới. Vào năm 1925, theo giấy ủy nhiệm của một tổ chức thanh niên một chàng trai, con một ông giáo làng tên là Boris Kornilov tham gia lớp học. Chàng trai này ước ao gặp được Sergei Esenhin để đọc cho nhà thơ nghe những bài thơ của anh ta.Nhưng Boris đã không gặp may: “Thi sỹ Làng quê” đã không còn trên cõi đời này.

Boris Kornhilov gia nhập nhóm “ Đổi gác”. Người ta bắt đầu bàn tán về những bài thơ của anh; họ ca ngợi chúng. Buổi làm quen lần đầu diễn ra giữa Olga và Kornhilov khi nàng 16, chàng 19. “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh xẩy ra vào tháng 2 năm 1926 tại một trong những lần họp mặt của nhóm “ Đổi gác”. Đó là một chàng trai vạm vỡ, đôi lông mày lưỡi mác như phủ bóng rợp xuống đôi mắt đen láy , điển hình cho những người Á châu; áo bành tô nỉ khoác ngoài, chiếc mũ lưỡi trai kéo xuống tận gáy, nom khá ngang tàng, phách lối…”. Cuộc gặp gỡ ấy để lại dấu ấn mãi sau này của Olga. Trong cuộc đời nữ thi sỹ Boris Kornhilov chiếm một vị trí rất đáng kể, nhưng cũng không phải là những gì tốt đẹp nhất. Cô thiếu nữ còn như một chồi xanh bị Boris Kornhilov hớp hồn. Ban đầu Kornhilov không chú ý nhiều đến Olga. Một dáng hình thiếu nữ mảnh dẻ, gày gò, lúc nào cũng như mơ ngủ-đối với một chàng trai xuất thân từ nông thôn như Kornhilov, tuyệt nhiên không phải là mẫu hình của một người đẹp. Nhưng dần dà mọi thứ cũng trở nên quen mắt.   Kornhilov đáp lại những ân cần, trìu mến của Olga và hai người đi tới hôn nhân. Chẳng bao lâu sau bé gái Irotska ra đời. Vào thời điểm ấy, Boris Kornhilov được coi là một tài năng xuất chúng nhất trong nhóm văn học “ Đổi gác”. Chàng trai bắt đầu choáng ngợp vì thành công, vì những kẻ hâm mộ.Kornhilov gắng gỏi sao cho giống Sergei  Esenhin về mọi phương diện: rượu chè, đàn bà, ẩu đả.Nhiều lần Kornhilov đã xúc phạm tới vợ. Những người bạn tốt thuở ấy của Kornhilov là Iaroslav Smeliakov, Pavel Vasiliev. Ba người tiêu biểu cho niềm say mê cuộc đời, tạo nên “ Ba con Át chủ bài”, “ Ba tráng sỹ của nền thi ca Nga”.
 Vào năm 1926 Olga cùng với Kornhilov thi đậu vào Viện Nghiên cứu nghệ thuật quốc gia. Những giờ lên lớp ở đây đối với Kornhilov hóa ra quá buồn tẻ. Boris Kornhilov bỏ học khi mới học hết một học kỳ. Olga đành chuyển sang theo học ngành ngữ văn ở Trường Đại học Tổng hợp tại St.Peterburg. Nữ thi sỹ tương lai thường đi thực tập tại vùng Vladikavkas. Những công trình kiến thiết đang diễn ra ở nơi này, trong đó có việc xây dựng đập thủy điện khổng lồ GES đã như làm thức tỉnh nguồn thi hứng ở Olga Bergolltz. Bước qua năm 1930 cuộc hôn nhân giữa Olga và Kornhilov chấm hết-vì “ tính tình không hợp nhau”-như Kornhilov thường giải thích. Ấy thế nhưng cả hai đều công nhận “ cuộc hôn nhân ấy đã để lại trong hai người những gì không thể quên”.Boris Kornhilov ở lại St.Peterburg; còn Olga theo người tình mới là Nikolai Moltsanov chuyển tới sống , làm việc tại xứ Kazaktan  xa xôi.

Tại Kazaktan Olga đành phải làm phóng viên lưu động của tờ báo “Thảo nguyên Xô Viết”. Bằng ký ức của tuổi thơ Olga bắt tay viết truyện vừa “Xứ Uglist” và cuốn sách mang nhiều chất báo chí “ Chiều sâu “. Sau hai năm làm việc tại Alma-Alta, Olga cùng với Nikolai Moltsanov ( lúc này đã trở thành chồng bà ) trở về St.Peterburg. Ở đây bà nhận công việc biên tập cho “ Những trang Thanh niên”-tờ báo của một xí nghiệp. Cô bé thứ hai chào đời và giống như cô chị-Olga giao tất cả cho bà mẹ chăm nom. Cô bé lớn mắc bệnh tim, cần thiết phải được săn sóc, nuôi nấng kỹ càng. Nhưng Olga bị cuốn vào cuộc sống của các nhà văn, nhà thơ, bà mẹ trẻ thi thoảng mới ghé qua nhà trò chuyện với bà ngoại về sức khỏe và cung cách nuôi dạy hai cô con gái. Còn Nikolai Moltssanov cũng bận rộn hàng núi công việc, hầu như đã quên phắt mình là cha của hai đứa trẻ. Người chồng đầu của Olga ngày càng trở nên nổi tiếng. Tại Đại hội Nhà văn Xô Viết lần  thứ nhất, người ta nói đến Boris Kornhilov như nói đến một niềm hy vọng của thơ ca Nga. Hầu như cả nước truyền tụng bài thơ “ Hát về những điều vĩnh hằng”. Nhưng tên tuổi của anh cũng ngày càng gắn liền với những cuộc ẩu đả, những cơn say, những vụ cãi cọ ồn ĩ. Kornhilov vẫn cố gắng sao cho giống Exenhin. Người ta bắt đầu xì xầm về những phẩm hạnh không đẹp của anh, về mối liên hệ của nhà thơ với nhóm chống Đảng Trossky.. Và qua đi vài năm sau, cuộc ly hôn với Olga Berggolttz, Kornhilov lại viết một loạt bài thơ tỏ nỗi cô đơn, cay đắng khi phải chia tay với Olga. Bản thân Olga cũng trải qua những nỗi đau không gì bù đắp nổi: Cô con gái thứ hai lìa đời, hai năm tiếp tới cô con gái lớn. Bà mẹ hiểu sâu sắc tội lỗi của mình vì để các con lâm vào cảnh đói khát, thiếu sự chăm nom, săn sóc của bà.
Năm 1936 Kornhilov bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Xô Viết vì lý do đã “bôi nhọ Đảng “ trong bản trường ca “Ngày cuối cùng của Kirov”. Tháng ba năm 1937 nhà thơ bị bắt giam vì “đã viết và phát tán những bài thơ chống lại cách mạng”… Nửa năm sau Kornhilov bị bắn. Tới năm 1937, Olga cũng bị khai trừ ra khỏi Đảng. Vào tháng 11 năm 1938, nữ thi sỹ bị bắt giam vì “có những quan hệ với những kẻ thù của nhân dân” cũng như đã “tham gia những cuộc họp kín của những kẻ chống đối”.. . Lúc này Olga mang thai tháng thứ năm, nữ thi sỹ đang đợi đứa con thứ ba chào đời. Những ký ức về người chồng cũ dày vò con tim nữ thi sỹ. Olga cảm thấy vẫn yêu, vẫn luyến tiếc ông.

Nhiều nhà văn, bè bạn xa lánh bà, phản bội bà. Nhưng người đàn bà mảnh mai kia vẫn trụ vững trong tù suốt sáu tháng ròng. Và không đầu hàng dù phải trả mọi giá. Điều buồn thảm hơn là bà không giữ được thai nhi trong bụng. Từ đó trở đi bà mất khả năng sinh đẻ. Ngày 3 tháng Bẩy năm 1939 bà được ra khỏi nhà tù, hồi phục lại quyền công dân…
Olga Berggoltz viết về mình:
Cứ bóp nát trái tim ta đi, cứ thọc những ngón tay bẩn thỉu vào đó mà khua khoắng..
Cứ đổ vào đó mọi thứ dơ dáy, nhớp nhơ
Để khi ngó vào lồng ngực ta một lần nữa
Các ngươi sẽ phải thốt lên:
-Ồ trái tim ấy vẫn đập !  
Và bà viết cho người chồng đầu tiên của mình:
Nếu em được tin, mọi điều sẽ tái sinh một lần nữa
Chúng ta sẽ bỏ qua cho nhau mọi nỗi giận hờn
Và lại sẽ dạo chơi- như thuở trước- vai kề vai…
Một con người tưởng như sờ đến đáy nỗi cơ cực, khổ đau, nhưng khi đất đai nước Nga bị gót giày đinh của lũ phát xít Đức đạp nát những ngọn cỏ, những búi cây tươi xanh của mùa hè tháng Sáu, chính Olga Bergolltz đã cất lên những lời thơ làm rung động bao con tim người khác:
            Cuộc đời của tôi đây, hơi thở của tôi đây
            Xin Tổ quốc hãy thu gom tất cả
            Tôi tha thiết yêu Người
            Sao tôi làm khác được
            Vẫn mãi mãi như xưa nay,
           Tôi và Người chỉ là một mà thôi! 

Một trong những người lãnh đạo Chi hội nhà văn thành phố Leningrad kể lại, ngay ngày đầu tiên khi mặt trận vừa lan tới vùng đất phương Bắc, Olga Bergolltsz đã tìm tới cơ quan này xin được giao công việc: “Mảnh mai, yếu ớt, Olenka- chúng tôi thường gọi chị với cái tên như thế- một thiếu phụ kết hợp rất hài hòa giữa sự dịu dàng, mềm mại của nữ tính với sự nhanh nhẹn, dứt khoát, chị đề nghị chúng tôi giới thiệu đến làm việc tại bộ phận biên tập của Đài phát thanh thành phố”. Và từ đó giọng nói không thể quên của Olga trở thành tiếng nói của người dân Leningrad. Giọng nói ấy trở nên chỗ dựa, niềm tin, nỗi an ủi của mọi người. Rồi chính giọng đọc của nữ sỹ Olga Bergolltsz trở thành biểu tương cho sự gan góc, cứng cỏi, tinh thần không chịu khuất phục của quê hương Cách mạng tháng Mười..

            Ngày 8 tháng Chín năm 1941, Leningrad bắt đầu bị các sư đoàn lính Hitler vây bọc. Chính nhờ giọng đọc của các phát thanh viên trong số đó có giọng đọc của Olga  vang vang trên radio, tinh thần của người dân thành phố như được vực dậy. Sau này, nhiều người dân Leningrad sống trải qua những ngày thàng gian nan, thử thách ấy đã kể lại, giọng đọc của nữ thi sỹ đầy nghị lực, đầy lạc quan, gây được niềm tin vào ngày thắng lợi. Olga Bergollstz ra tận tuyến tiền duyên, đến những khu phố, những xóm thợ người dân đang chia nhau từng gram bánh mì, từng cốc nước để  viết những thiên phóng sự ngắn và chính bà đọc chúng trước micro. Mọi người nhận ngay ra giọng của bà và chờ đợi nó mỗi ngày. Bà đọc những bài thơ mình viết tố cáo tội ác của bọn phát xít, lan truyền đi tin chiến thắng của Hồng quân ở các mặt trận khác, ngợi ca lòng quả cảm và đức hy sinh của người dân thành phố quê hương. Hàng ngày bà cũng chỉ nhận khẩu phần ăn ít ỏi như bất cứ người dân bình thường nào. Người chồng thứ hai mà bà đã chia tay vào năm 1938 cũng không chịu rời khỏi Leningrad, đã nhận lấy một khẩu súng, nhập vào đội dân binh bảo vệ thành phố và ông mất vì đói chính vào những ngày này.

            Olga Bergolltsz đã trụ bám với Leningrad trong suốt 900 ngày đêm thành phố bị bọn Đức bao vây. Ngoài những lúc đi tìm tài liệu viết, nữ thi sỹ hầu như ăn ngủ ngay tại đài phát thanh. Chính trong 900 ngày đêm đó bà đã góp vào kho báu văn chương Nga-Xô Viết thời kỳ chiến tranh Vệ Quốc hai bản trường ca bất hủ :  “Nhật ký Tháng Hai “, Trường ca Leningrad”. Cuối năm 1942 bà được máy bay đón về Moskva. Olga Bergolltsz nhớ lại: “Nói thật, tôi không vui vẻ gì để gặp người Moskva… Bởi lúc đó tôi đói quá…Tôi nhai ngấu nghiến những mẩu bánh mì ai đó đưa cho, húp vội vàng những thìa súp… Không biết vì sao tôi chỉ mong ngay tức khắc được quay về với người dân quê hương!”.

Cũng không nên bỏ quên điều này, trong 900 ngày đêm Leningrad bị bao vây tên tuổi của Olga Bergolltsz nằm trong danh sách những người Nga nếu bọn Đức bắt được sẽ treo cổ ngay không cần xét xử. Olga Bergolltsz  đã trở thành “ Nàng thơ của thành phố bị bao vây”, “Nàng Madona của Chiến công”. .. Hay đơn giản người dân thường gọi đó là “Olenka của chúng tôi”.


Ngôi mộ của nữ thi sỹ nằm tại Nghĩa trang Piskarev, vùng ngoại vi thành phố St.Peterburg hiện nay. Phiến đá trên ngôi mộ có ghi câu thơ của bà: “Không ai quên và không điều gì bị bỏ quên”. Câu thơ ấy nói về những người lính, những người dân Nga và các dân tộc anh em đã ngã xuống để giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại. Những câu thơ ấy cũng là tấm lòng của mọi người gửi đến bà, nữ thi sỹ Olga Bergolltsz!