Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hoà trong ba ngày cuối cùng (28, 29 và 30/4/1975) thê lương quá cảnh chợ chiều. Nó không còn cái vẻ uy nghi, cờ súy lộng lẫy như thuở vàng son ngày nào. Không một viên tướng nào còn tâm trí để mà ra lệnh ở cái Bộ tổng tham mưu này nữa, số đông đã cuốn gói, số còn lại cũng đang cuống cuồng lo chuyện di tản. Còn lại có chăng một số sĩ quan mẫn cán chỉ biết chờ lệnh để thi hành. Phạm Bá Hoa, đại tá, tham mưu trưởng tổng cục tiếp vận quân đội Sài Gòn là một trong số sĩ quan mẫn cán đến ngây thơ đó. Thủ trưởng trực tiếp của Hoa – trung tướng Đồng Văn Khuyên, tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu kiêm tổng cục trưởng tổng cục trưởng tiếp vận đã cuốn gói. Vì vậy Hoa tự thấy phải vào tổng hành dinh của Bộ tổng tham mưu để xin lệnh. Nhưng tổng hành dinh cũng vắng như chùa Bà Đanh.


  
       NGÀY 30-4 Ở DINH ĐỘC LẬP
               TRẦN MAI HẠNH
   Trên tấm bản đồ tác chiến khổ rất lớn, màu sắc thật tươi trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, những ký hiệu màu đỏ chỉ mũi tiến công của các sư đoàn Quân giải phóng đã đâm thẳng vào và bao chặt Sài Gòn. Hoa đếm được ở đó có tới 12 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn pháo, 2 trung đoàn pháo cao xạ và hoả tiễn, và 2 trung đoàn chiến xa. Vậy là số phận Sài Gòn đã được định đoạt. Vì bên trong Sài Gòn lúc này có đơn vị nào phòng thủ nữa đâu, chỉ có đám tàn quân của sư đoàn dù, sư đoàn 5, sư đoàn 25, sư đoàn 2, sư đoàn lính thuỷ đánh bộ chạy nhớn nhác, tay không súng, đầu không mũ, tay dắt vợ, lưng cõng con, phờ phạc trong từng lớp sóng người tay xách nách mang ngược xuôi tìm đường di tản. Cảnh tượng thật là thảm hại. Tướng Viên sau khi ký quyết định cử tướng Khuyên xử lý thường vụ chức vụ tổng tham mưu trưởng, đã dắt theo đại tá Tòng, chỉ huy trưởng tổng hành dinh Bộ tổng tham mưu chạy tới sứ quán Mỹ rồi lên trực thăng chuồn mất. Tướng Viên chạy, tướng Khuyên được cử thay tướng Viên cũng chạy. Thế là Bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hoà như rắn mất đầu.
   Trước tình cảnh ấy, Phạm Bá Hoa đánh liều gọi điện báo cáo thẳng với đại tướng Dương Văn Minh, người vừa được lưỡng viện quốc hội tấn phong làm tổng thống Việt Nam cộng hoà:
   - Kính trình đại tướng, tôi Phạm Bá Hoa, tham mưu trưởng tổng cục tiếp vận thuộc Bộ tổng tham mưu xin kính trình: Hiện không còn một tướng lãnh nào ở Bộ tổng tham mưu nữa. Tướng Viên đi, tướng Khuyên cũng đi. Đại tá cũng chỉ còn 3, 4 người nữa thôi. Nếu từ giờ đến tối mà không có ông tướng nào vào giữ Bộ tổng tham mưu thì chúng tôi sẽ rời qua Biệt khu thủ đô làm việc.
   Trả lời Hoa, Dương Văn Minh báo cho biết là trước khi trời tối sẽ có phái đoàn tướng lãnh vào tổng hành dinh Bộ tổng tham mưu nhận việc. Và chính ngay lúc đó, tổng thống Dương Văn Minh hạ bút ký lệnh bổ nhiệm trung tướng Vĩnh Lộc làm tổng tham mưu trưởng quan lực Việt Nam cộng hòa. Nguyên văn lệnh bổ nhiệm này như sau:

                                                             MẬT SỰ VỤ LỆNH
   Số: 034/TTSVL
Vì nhu cầu công vụ, nay bổ nhiệm: Trung tướng Vĩnh Lộc, thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hoà, giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam cộng hoà.
Sự vụ lệnh này có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ được điều chỉnh sau bằng sắc lệnh.
Sài Gòn ngày 29/4/1975
Tổng thống
Việt Nam cộng hoà
Đại tướng Dương Văn Minh

   Đây là bản văn cuối cùng của chính thể Việt Nam cộng hòa, là bản văn đầu tiên và cũng là duy nhất có chữ ký và đóng dấu của Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam cộng hoà.
   Đúng như lời hứa của Dương Văn Minh, khoảng 6 giờ chiều ngày 29/4 /1975, phái đoàn tướng lãnh vào Bộ tổng tham mưu, gồm có: Trung tướng Vĩnh Lộc, tổng tham mưu trưởng; chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, tham mưu trưởng; chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức, tổng cục phó tổng tiếp vận; đại tá Nguyễn Khắc Tuân, chánh văn phòng của tướng Lộc; đại tá Đỗ Ngọc Nhân, tham mưu phó; đại tá Trần Cao Thắng, chỉ huy trưởng tổng hành dinh; cựu chuẩn tướng Phạm Bá Lân và trung tướng Lữ Lan. Phạm Bá Hoa bàn giao công việc lại cho tướng Chức, tổng cục trưởng tổng cục tiếp vận sau khi đã thuyết trình ngắn về các sĩ quan ai còn ai chạy.
   Sáng 30/4, Hoa vào văn phòng nhưng khi đến cổng Bộ tổng tham mưu thì bị lính gác chặn lại, bảo trình thẻ ra vào. Hoa bảo là thẻ để ở văn phòng. Lính gác cho biết đại tá Thắng, chỉ huy trưởng tổng hành dinh ra lệnh bất kể ai phải có thẻ mới được vào. Hoa sang Biệt khu thủ đô để xem tình hình. Cùng lúc đó, văn phòng tướng Chức điện thoại cho Hoa biết là tướng Chức đã rời tổng cục tiếp vận lúc 03 giờ 00 sáng và chạy trốn rồi. Mấy ông tướng trong phái đoàn tướng lãnh đến Tổng tham mưu chiều qua cũng đã chuồn hết rồi...
  12 giờ 50 phút trưa 29/4/ 1975, đài Sài Gòn truyền đi phát biểu do dân biểu Lý Qúi Chung nói trực tiếp trên sóng tại đài bá âm. Mở đầu, vị bộ trưởng thông tin cuối cùng của chính thể Việt Nam cộng hòa vừa được tấn phong tuyên bố:
    "Kính thưa đồng bào thân mến,
   Vì tình thế cấp bách cho nên mặc dầu tân nội các chưa công bố, thủ tướng Vũ Văn Mẫu sẽ được công bố trong thời gian sắp tới, thật ngắn tới đây. Chúng tôi nhận quyết định ngày 29/4/1975 của thủ tướng ký, chúng tôi nhận lãnh trách nhiệm tổng trưởng thông tin.
... Chúng tôi thấy điều cần hơn hết để thưa với đồng bào rằng đồng bào hãy an tâm, vì tất cả các nỗ lực để tái tục hòa đàm đang được nội các hiện tại nỗ lực tối đa để đạt đến...  ".
   Tiếp đó, vị tân bộ trưởng thông tin trịnh trọng thông báo:
    " Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với đồng bào một người mà có lẽ tất cả những người yêu nước, tất cả những người yêu chuộng tự do và hòa bình ở miền Nam Việt Nam, tất cả những ai tranh đấu hy sinh cho những điều đó đều đã biết sự hy sinh đóng góp của người này cho sự nghiệp chung cách mạng miền Nam Việt Nam, đó là sinh viên y khoa Huỳnh Tấn Mẫm ".
   Lời phát biểu của tân bộ trưởng thông tin Lý Qúi Chung kéo dài đúng 10 phút. Liền ngay đó, đúng 13 giờ đài Sài Gòn vang lên phát biểu của anh Huỳnh Tấn Mẫm. Trong phát biểu rất ngắn của mình, anh Huỳnh Tấn Mẫm kêu gọi:
    "...  Các bạn sinh viên, học sinh thân mến,
   Qúa trình đấu tranh của chúng ta là tranh đấu cho độc lập tự do chống đế quốc Mỹ, giành lại chủ quyền Nam Việt Nam. Sự đóng góp của sinh viên, học sinh là một phần cuộc đấu tranh chung của dân tộc... Không có lý do gì chúng ta lại hốt hoảng, sợ sệt để trốn chạy ra ngoại quốc. Chúng ta nhất định phải ở lại để tiếp tục hòa giải, để tiếp tục xóa bỏ hận thù giữa những người anh em ruột thịt của chúng ta. Chúng ta giữ vững niềm tin lập trường cố hữu của chúng ta, từ hơn 20 năm qua. Tôi và các bạn sẽ tiếp tục tranh đấu cho hòa giải hòa hợp dân tộc trong tương lai...  ".
   Ngay sau đó là cuộc phỏng vấn trực tiếp anh Huỳnh Tấn Mẫm do tân bộ trưởng thông tin Lý Qúi Chung trực tiếp thực hiện và giới thiệu.
   Vừa nghe tin Dương Văn Minh lên làm tổng thống, viên trung tướng về hưu đã gần cả thập kỷ- Nguyễn Hữu Có cũng thấy mình như chợt thức. Tướng Nguyễn Hữu Có từng giữ chức tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, rồi phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng (1966 - 1967), sau đó bị Thiệu - Kỳ cách chức khi đang cầm đầu một phái đoàn thăm Đài Loan. Tướng Có phải ở lại Hồng Kông đến năm 1970 mới được về lại Sài Gòn, sau khi làm đơn cam kết với Thiệu là " chỉ về nước làm ăn, vĩnh viễn rời xa chính trường. Chiều 29/4, tướng Có mở tủ lấy bộ quần áo cấp tướng đã bạc màu, mặc vào, đứng trước gương ngắm nghía một hồi, rồi tự lái xe hơi đến thẳng "Dinh Phong Lan" của tướng Dương Văn Minh.
   Đúng 16 giờ, Nguyễn Hữu Có đến nhà lúc Dương Văn Minh đang ăn cơm với Lý Quý Chung, bộ trưởng thông tin. Vị tân tổng thống và vị tân bộ trưởng thông tin vừa thực hiện cuộc phỏng vấn trực tiếp anh Huỳnh Tấn Mẫm trên đài Sài Gòn, hết sức vui vẻ. Vừa trông thấy tướng Có, Dương Văn Minh nói ngay:
   - Trời, Ba Có! Anh tới trễ! Tôi đã chỉ định trung tướng Vĩnh Lộc làm tổng tham mưu trưởng. Vĩnh Lộc đang điều hành ở bộ tổng tham mưu. Anh đi ngay tới đó làm phụ tá, giúp hắn một tay.
    Nguyễn Hữu Có hỏi Dương Văn Minh:
   - Tình hình này liệu có giải pháp gì chưa?
   Dương Văn Minh đáp:
   - Yên tâm. Đúng 8 giờ sáng mai sẽ có giải pháp, một giải pháp tốt đẹp.
   Ngay sau đó, tướng Có phóng xe tới Bộ tổng tham mưu. Nguyễn Hữu Có bước vào văn phòng Bộ tổng tham mưu thấy Vĩnh Lộc đang ngồi với trung tướng Trần Văn Trung và thiếu tướng Văn Thành Cao, tổng cục trưởng và tổng cục phó chiến tranh chính trị; thiếu tướng quân y Vũ Ngọc Đoàn; chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Vĩnh Lộc và chuẩn tướng về hưu Phạm Bá Lân.
   Vừa thấy Nguyễn Hữu Có bước vào, Vĩnh Lộc đã xô ghế đứng lên khập khiễng bước sang một bên và chỉ chiếc ghế dành cho tổng tham mưu trưởng, nói với Có:
   - Ủa, anh Ba Có. Lẽ ra trung tướng phải ngồi ghế này mới đúng!
   Thăm hỏi xong, Vĩnh Lộc nhờ tướng Có chủ trì cho buổi họp nắm lại tình hình của Bộ tổng tham mưu, còn Vĩnh Lộc thì sang đài phát thanh Sài Gòn đọc bản nhật lệnh kêu gọi sĩ quan, binh lính đã bỏ trốn ra trình diện để " tiếp tục chiến đấu, đứng vững và chờ đợi một giải pháp ".
   17 giờ ngày 29/4/1975, buổi họp giao ban tình hình tác chiến của Bộ tổng tham mưu do tướng Có chủ trì bắt đầu. Đây chính là buổi giao ban tác chiến cuối cùng của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Tham dự có chuẩn tướng Hạnh, chuẩn tướng Lân, đại tá Nguyễn Khắc Tuân giúp việc cho Vĩnh Lộc, đại tá Thanh mới được chỉ định phụ trách tổng hành dinh và đại tá Nguyễn Ngọc Thân phụ trách phòng nhân viên của Bộ tổng tham mưu.
   Đêm đó, Dương Văn Minh gọi điện ra lệnh cho Nguyễn Hữu Có và Vĩnh Lộc bằng bất kỳ giá nào cũng phải giữ cho được Trung tâm phát tuyến Phú Lâm và Quán Tre. Tướng Có không về nhà. Đêm đó Có thức trắng ở văn phòng thường trực Bộ tổng tham mưu, đi đi lại lại, càng ngẫm càng thấy thất vọng vì không ngờ tình hình lại bi đát đến thế.
Vào 4 giờ sáng ngày 30/ 4, Nguyễn Hữu Có nhấc điện thoại quay số nói chuyện trực tiếp với Dương Văn Minh. Đêm 29/4, vì sự an toàn, ông Dương Văn Minh đã rời " Dinh Hoa Lan " của mình và cùng với vợ vào ngủ trong Dinh Độc Lập. Ông Dương Văn Minh nghỉ tại phòng ngủ của vợ chồng Thiệu ở tầng hai. Phòng ngủ của vợ chồng Thiệu lúc đó đã trống trơn. Trên tấm thảm trước phòng ngủ chỉ còn bộ da cọp nằm trơ trọi. Trong phòng tắm không có một cục xà bông nào.
 Nguyễn Hưu Có báo cáo: 
   - Trình tổng thống ! Tình hình tôi nắm được là hết sức nguy ngập. Các đơn vị đã bỏ chạy. Máy bay đã di tản hết sang Thái Lan. Chỉ còn có hai tiểu đoàn lính dù chặn ở ngã tư Bảy Hiền. Chúng ta đã thất bại, không còn gì để mà đánh, mà trông cậy nữa. Không hiểu tình hình giải pháp đến đâu rồi?
   Nghe Nguyễn Hữu Có báo cáo, Dương Văn Minh không có vẻ gì là lo lắng. Dương Văn Minh động viên:
   - Ba Có! Anh cứ yên tâm vui vẻ đi ngủ đi, 8 giờ sáng mai sẽ có giải pháp, sẽ có hoà hợp và ngừng bắn.
   Đúng 6 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, Vĩnh Lộc và Trần Văn Trung, trung tướng tới Bộ tổng tham mưu. Nguyễn Hữu Có nói ngay khi Lộc và Trung vừa bước vào phòng:
   - Tình hình là tuyệt vọng rồi. Mấy sư đoàn còn lại cũng đã mất hết. Chúng ta có muốn đánh nữa cũng chẳng còn gì trong tay để mà đánh !
   Vĩnh Lộc lúc đó trong bụng đã tính tới chuyện ra đi, vẫn nói rất mạnh:
   - Tuyệt vọng thế nào được. Ta huy động thiết giáp chặn ở Gò Vấp và chặn ở ngã tư Bảy Hiền, cho không quân ném bom từ ngã tư Bảy Hiền tới trung tâm huấn luyện Quang Trung.
   Cho đó là một kế hoạch ảo tưởng, hão huyền, nhưng không tranh luận với Vĩnh Lộc, tướng Có lặng lẽ kéo chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đến gặp Dương Văn Minh…
Tổng thống Dương Văn Minh đưa ra ý kiến tuyên bố thành phố bỏ ngỏ và trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Dương Văn Minh nói: "Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam". Phòng họp im lặng không có ai phản đối. Thấy vậy, Nguyễn Hữu Có lên tiếng lưu ý Dương Văn Minh và các thành viên nội các rằng, nếu tuyên bố thành phố bỏ ngỏ, Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân đoàn IV, Quân khu IV có thể hiểu nhầm là tổng thống kêu gọi cứu viện thì thành phố này, Sài Gòn này sẽ tan nát hết. Bàn tính một hồi, cuối cùng Dương Văn Minh nói Vũ Văn Mẫu thảo bản tuyên bố đơn phương ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Thế là không khí đám ma đổ sụp xuống cái cung đình gồm 16 nhân vật trong chính thể cuối cùng của Việt Nam cộng hòa. Lúc đó là 9 giờ sáng ngày 30/4/1975. Vĩnh Lộc chạy bổ ra xe. Bị khớp nặng mà không hiểu sao lúc đó Vĩnh Lộc lại có thể chạy lẹ đến thế. Quăng ba toong, giật phăng cờ tướng cắm ở đầu xe, Vĩnh Lộc phóng thục mạng ra cảng Sài Gòn, xuống tàu hải quân di tản. Tướng Nguyễn Hữu Có cũng lật đật về nhà, thu xếp vợ con chạy lên Chợ Lớn.
   Khoảng 10 giờ sáng, tổng thống Dương Văn Minh lên ô tô đi tới Dinh Độc Lập. Các thành viên chính phủ và một số dân biểu nghị sĩ cũng lên xe mình tới Dinh Độc Lập. Trước đó, ông Dương Văn Minh đã tuyên bố với các thành viên chính phủ và những người đang còn ở bên ông Minh: "Bắt đầu từ giờ phút này, sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại ". 
   Lời tuyên bố xin ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền do Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam cộng hòa đọc, được truyền đi trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn vào đúng 9 giờ 25 phút - giờ Hà Nội - ngày 30/4/1975, toàn văn như sau:
   "Đường lối chủ trương của chúng tôi hòa giải hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào vụ hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam cộng hòa bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ cách mạng lâm thờiCcộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miến Nam Việt Nam để cùng thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào ".
   Tiếp ngay đó, Đài Sài Gòn đọc lệnh của chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng yêu cầu tất cả tướng lãnh, chỉ huy các cấp của quân lực Việt Nam cộng hòa triệt để thi hành lệnh của tổng thống Dương Văn Minh, sẵn sàng liên hệ với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngừng bắn một cách không đổ máu.
   Đúng 80 phút sau đó, kể từ khi Dương Văn Minh dứt tiếng nói, tức là vào 10 giờ 45 phút, chiếc xe tăng đầu tiên của lữ đoàn xe tăng 203 hất tung cánh cổng sắt ở Dinh Độc Lập.