Nhà thơ Quang Huy là người thông minh, hóm hỉnh nhưng cũng hết sức tình nghĩa. Hơn mười năm trên cương vị Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, có chức, có quyền nên anh cũng đã giúp cho nhiều nhà thơ nghèo được miễn trả tiền chi phí quản lí khi xin giấy phép xuất bản. Đến nay mọi người vẫn còn nhắc lại. Và anh còn là một nhà thơ, nhiều năm giữ các cương vị trong Ban Kiểm tra, Ủy viên Hội đồng Thơ và Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam nên thơ anh viết ra chắc nhiều báo dùng ngay, nhưng anh không ham số lượng. Quí hồ tinh. Vào cuối đời anh ra tuyển tập nhưng cũng chỉ chọn cho mình có 108 bài. Trong những bài lục bát sở trường, Quang Huy ngoài "Nỗi niềm Thị Nở" tuyệt tác, anh còn có "Hư vô": "Cái gì cũng có một thời/ Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban/ Cái gì rồi cũng tiêu tan/ Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ/ Cái gì rồi cũng hư vô/ Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi/ Cái gì rồi cũng rụng rơi/ Quả  trên vườn cấm, hoa nơi địa đàng/ Chỉ còn mãi với thời gian/ Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ".



NHÀ THƠ QUANG HUY ĐÃ VỀ CÕI HƯ VÔ

HUY THẮNG

Ngày 4 Tết Ất Mùi mới đây, gia đình nhà thơ Quang Huy báo tin tới bạn bè, nhà thơ Quang Huy đã mất vào ngày mồng một đầu năm mới. Tin buồn đến khiến tôi dù không bất ngờ nhưng lại vẫn bất ngờ. Không bất ngờ bởi không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người quen biết đều đã rõ Quang Huy mắc bạo bệnh ung thư phổi từ cả hơn năm trước. Và những tháng ngày đó, vợ con anh đã tận tình đưa anh đi chữa trị tại nhiều bệnh viện lớn trong nước. Rồi còn rất vất vả, tốn kém đưa anh sang chữa trị tận bên Singapore ròng rã mấy tháng trời mà đều như không cho lại mấy kết quả. Và mỗi lần vậy, khi gặp người thân quen, chị Mai Sương, vợ anh vừa kể vừa không cầm được nước mắt. Còn ngạc nhiên là bởi lẽ, chỉ vừa mấy ngày trước, mới sáng hôm 25 tháng Chạp Giáp Ngọ, khi tôi và nhà thơ Hoàng Cát đến nhà thăm anh, cả nhà đông đủ: Chị Sương và các cháu Quang Anh, Mai Anh. Khi đó Quang Huy đã yếu lắm, ngồi bất động trên ghế lăn tuy đầu óc vẫn tỉnh táo nhưng anh đã không nói được. Muốn thể hiện điều gì thì anh thường chỉ biết lấy ngón tay viết ra trên mặt bàn. Hôm ấy anh còn giới thiệu với các con anh là giữa chúng tôi đã quen biết nhau đến nay cũng đã gần 50 năm. Anh viết chậm rãi ra con số 50. Có lẽ anh nhớ không thật chính xác vì lần đầu tôi và anh gặp nhau cách nay cũng chỉ gần 40 năm.

Quê gốc Thái Bình, sinh ra tại Hải Dương nhưng sau khi tốt nghiệp Khu Học xá Trung ương, năm 1958 Quang Huy vào công tác trong Nghệ An, rồi anh gắn bó với mảnh đất và con người Nghệ An suốt gần 20 năm, trở thành một người con Nghệ An, lấy vợ Nghệ An, dạy học rồi chuyển sang làm cán bộ văn hoá, rồi văn nghệ Nghệ An. Năm 1978 anh ra Hà Nội nhận công tác tại Nhà văn hoá Trung ương, lại cùng khối cơ quan với tôi. Quãng thời gian đó đã để lại trong chúng tôi nhiều kỉ niệm. Rồi chúng tôi thành thân thiết.
Buổi gặp gỡ cuối năm hôm ấy là một dịp để nhà thơ Hoàng Cát "quảng bá" rất nhiệt tình cho thuốc chữa trị ung thư của thầy lang Nho bên Sóc Sơn, đang rất nổi tiếng vì nghe đâu đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người mắc căn bệnh nan y, mà trong đó có cả Giáo sư Văn Như Cương và nhiều tên tuổi khác. Hoàng Cát còn luôn chỉ vào mình như để chứng minh, rằng bản thân cũng mấy năm ung thư, mới đây lại thấy trong người nổi hạch nhưng nhờ mấy tháng kiên trì theo đuổi thuốc thang của thầy lang Nho mà nay trở nên hồng hào, khoẻ mạnh, xe máy vù vù ngoài đường cả ngày mà không thấy mệt. Nhiều khối hạch lạ dần biến mất.
Biết bệnh tình người cha nhưng còn nước còn tát, nên cậu con trai Quang Anh liền lấy xe ôtô riêng chở ngay chúng tôi sang Sóc Sơn để lấy thuốc. Nhà thầy lang Nho hôm ấy, như mọi ngày, rất đông người chờ, người từ Hà Nội có, người các tỉnh cũng có, rõ ra uy tín thần dược của thầy. Dù không xem tay, bắt bệnh như thông lệ, thầy chỉ hỏi han mà cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ sau mới đến lượt chúng tôi nhận được thuốc. Những gói bột đã được tán đóng gói sẵn, chỉ việc đem về uống. Có trong tay 2 gói "thần dược", cậu con trai Quang Anh vui hơn bắt được vàng vì lại le lói hy vọng.
Có thuốc, cả nhà vui mừng nói Quang Huy cố gắng uống. Nhưng chỉ duy nhất được đúng có một lần vì ngay chiều hôm ấy, dù gia đình ép thế nào Quang Huy cũng không tài nào uống thêm được một ngụm nào nữa vì sức anh đã rất yếu. Ăn uống bất cứ thứ gì vào bụng rồi đều lại nôn ra hết. Ngay hôm đó gia đình phải đưa Quang Huy vào viện cấp cứu.

Năm ngày trong Bệnh viện Hữu nghị, có những lúc Quang Huy tỉnh táo, còn ra dấu hiệu bảo anh sẽ gắng qua năm cũ, anh bảo ngày 30, ngày năm cùng tháng tận xấu lắm, sẽ gắng vượt qua giao thừa. Và cuối cùng Quang Huy chỉ chịu ra đi vào ngày mở đầu của năm Ất Mùi. Sáng nay, ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, chị Sương cũng mới kể lại khi chúng tôi tới thăm gia đình. Theo lịch âm thì sang năm Mùi này, Quang Huy đã vào tuổi 80, nhưng lúc hấp hối, anh bảo, mình chỉ 79 thôi. Là anh tính theo lịch dương. Quang Huy sinh năm 1936.

Nhà thơ Quang Huy là người thông minh, hóm hỉnh nhưng cũng hết sức tình nghĩa. Hơn mười năm trên cương vị Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, có chức, có quyền nên anh cũng đã giúp cho nhiều nhà thơ nghèo được miễn trả tiền chi phí quản lí khi xin giấy phép xuất bản. Đến nay mọi người vẫn còn nhắc lại. Và anh còn là một nhà thơ, nhiều năm giữ các cương vị trong Ban Kiểm tra, Ủy viên Hội đồng Thơ và Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam nên thơ anh viết ra chắc nhiều báo dùng ngay, nhưng anh không ham số lượng. Quí hồ tinh. Vào cuối đời anh ra tuyển tập nhưng cũng chỉ chọn cho mình có 108 bài. Trong những bài lục bát sở trường, Quang Huy ngoài "Nỗi niềm Thị Nở" tuyệt tác, anh còn có "Hư vô": "Cái gì cũng có một thời/ Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban/ Cái gì rồi cũng tiêu tan/ Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ/ Cái gì rồi cũng hư vô/ Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi/ Cái gì rồi cũng rụng rơi/ Quả  trên vườn cấm, hoa nơi địa đàng/ Chỉ còn mãi với thời gian/ Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ".
Bài thơ gói ghém một triết lí sự đời, cũng là một kinh nghiệm sống của những người giàu trải nghiệm. Biết và viết được "Hư vô", Quang Huy hẳn đã chuẩn bị cho mình một đời sống thật bình yên, thanh thản nơi cõi vĩnh hằng?