Điểm đặc biệt của giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm nay không nằm trong chất lượng các tác phẩm gởi về tham gia giải thưởng mà chính là từ khâu chuẩn bị tài chính cho giải thưởng. Mãi đến sáng thứ hai ngày 2.2.2015, văn phòng Hội mới chính thức nhận được thông báo từ Hội Liên hiệp VHNT TP là năm nay TP không có tiền chi cho giải thưởng. Ban Thường vụ Hội vẫn quyết định cứ trao giải thưởng để vinh danh các tác giả còn chuyện giá trị vật chất của giải thưởng thì xin được trao sau khi Hội nhận được sự tài trợ và giúp đỡ của các tổ chức có quan tâm đến văn học. Từ sự cố nầy, chúng tôi nghĩ giải thưởng hàng năm của Hội trong nhiệm kỳ sau cần được chủ động hơn về tài chính, nó phải được xã hội hoá để giá trị giải thưởng ngày một cao hơn và sức lan toả vì thế sẽ lớn hơn, rộng hơn.


GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN TPHCM NĂM 2014

PHẠM SỸ SÁU
(Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM)

Năm 2014 là năm của những chuyển động sôi nổi và ráo riết. Sôi nổi vì đất nước đã thống nhất được gần 40 năm, những trở trăn ngày càng có điều kiện để giãi bày, để tâm sự qua tác phẩm. Ráo riết vì những thay đổi dường như chưa xứng với sự mong mỏi của nhiều người, vẫn còn đó nhiều thói hư tật xấu chưa được khắc phục mà có vẻ như ngày càng trầm trọng hơn, con người ngày càng tha hoá hơn và cuộc sống vẫn cứ trôi theo một dòng mải miết. 
Đến hẹn lại lên, các thành viên Hội đồng chuyên môn như thơ, văn xuôi lại náo nức chọn lựa những tác phẩm để tuyên dương trong mùa giải thưởng của Hội. Năm nay có 40 tác phẩm của hội viên và 2 tác phẩm của người ngoài Hội gởi về tham gia giải thưởng, trong đó có 25 tác phẩm thơ, 14 tác phẩm văn xuôi và 3 tác phẩm thuộc lĩnh vực lý luận phê bình. 

Các hội đồng chuyên môn đã đề nghị nhiều giải thưởng và tặng thưởng cho các tác phẩm khiến hội đồng chung khảo và Ban chấp hành phải dành nhiều thời gian cho sự phân tích đánh giá các tác phẩm được đề xuất lên từ các hội đồng chuyên môn. Sau gần một tháng làm việc và trao đổi, hội đồng chung khảo đã đề xuất Ban chấp hành trao 1 giải thưởng chính thức, 1 giải thưởng dành cho nhà văn trẻ và 4 tặng thưởng. Và trong phiên họp chính thức của Ban chấp hành cuối năm, sau khi cân nhắc một số chi tiết, Ban thường vụ Hội đã đề nghị Ban chấp hành thảo luận và đi đến nhất trí thông qua kết quả giải thưởng Hội năm 2014 như đã công bố.

Như chúng tôi đã từng nhắc đến trong lễ công bố giải thưởng Hội năm 2013, năm 2014 chúng ta có nhiều tác phẩm tạo ra được dấu ấn và hiện tượng trong lòng người đọc thành phố và trên cả nước. Chúng ta phấn khởi chào đón những thành công mới của các tác giả là hội viên trên cương vị công dân nhưng thật tình rất khó để biểu dương những thay đổi ấy khi còn những khoảng cách nhất định giữa chủ trương của người lãnh đạo và sự trở trăn của người viết. Chúng ta ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của các tác giả để gởi đến bạn đọc tiếng lòng mình nhưng chúng ta cũng đấu tranh với những tác phẩm dễ tạo ra cho người đọc, đối tượng tiếp nhận chính của tác phẩm, những nhận thức mơ hồ, lệch lạc về cuộc chiến tranh đã diễn ra hơn 40 năm trước trên chính đất nước nầy. Sự hoà hợp hoà giải dân tộc vẫn còn những vướng mắc, những khoảng cách trong nhìn nhận, đánh giá, chúng ta ghi nhận đó và chờ đợi một ngày mai thay đổi hơn, tiến bộ hơn.

Về giải thưởng chính thức năm 2014, tập thơ mỏng Hát đi em của nhà thơ người dân tộc Châu Ro PrekiMalamak, tức Trần Tấn Vĩnh được nhất trí trao giải thưởng về thơ. Đây là một tập thơ gồm có 18 bài, được ghi là sáng tác từ năm 1959 đến năm 2012 (53 năm, một cuộc đời), được tập hợp và lần đầu tiên công bố của một người làm thơ không còn trẻ, đã từng là cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Tập thơ nầy có gì lạ, xin thưa nó thực sự lạ bởi cách nghĩ, cách suy, cách tư duy, cách viết. Ngôn ngữ của Prekimalamak là ngôn ngữ của sự bình dị được chưng cất trên nền tảng sắc tộc và dân tộc: 
Không để lại ngày sinh tháng đẻ
Không để lại ngày chết năm chôn
Không để lại thanh minh, tảo mộ
Chỉ để lại tiếng vượn buồn kêu lạnh buốt hoàng hôn
Ta là ai, Châu Ro?

Đâu, những điệu "Tavưn" thịt ông xương bà?
Đâu, những bản tình ca hồn cha vía mẹ?
Đâu, những tiếng chiêng đêm hồn thiêng dân tộc?
Đâu, những lễ tục ngày mùa rượu đổ lụt tràn sân...?
Đâu? Đâu? Đâu?
Ta là ai, Châu Ro?

Lục trong mông lung hư không ta kiếm
Bới dưới tầng sâu cát bụi ta tìm
Thấy gì đâu! Thấy gì đâu! Ắng lặng!
Chỉ thấy dấu chân nghèo hằn trên thớ đá khô!
                           (Châu Ro, ta là ai?)
Thơ PrekiMalamak có hiện đại, có mới không, hay nói theo ngôn ngữ đương thời của những người đang cổ suý cho một nền thơ hậu hiện đại thì thơ PrekiMalak cũng hậu hiện đại lắm chứ!
Không thấy nước
Không thấy trời
Không thấy người
Không thấy núi
Khói giăng giăng buông màn thành phố

Mưa
Mưa dệt sợi dọc
Mưa móc chỉ ngang
Mưa xoáy tròn trôn ốc
Bông sứ bay bàng bạc trắng chân trời

Mưa
Mưa rơi trên nước
Trên lá
Trên đá
Trên cát
Trên những mái tôn dìu dặt tiếng dương cầm

Sấm gầm xa lắc
Chớp chặt chân mây
Trong ánh sáng đục có hai người đi tới
                             (Mưa Vũng Tàu)
Có thể nói PrekiMalamak làm thơ không nhiều, nhưng những bài thơ anh công bố trongHát đi em đã thể hiện được hồn và chất của một người sáng tác, nó giản dị và giàu hình ảnh, những suy tư, liên tưởng, cảm xúc cuộc sống được lọc qua một tầng nghĩ của người sáng tác có hồn sắc dân tộc sâu đậm, không làm dáng trong trò chơi ngôn ngữ đã làm cho mỗi bài thơ của ông có những dấu ấn riêng đặc sắc không hoà lẫn được trong những gì mà thơ Việt thường và từng có, và vì thế nó xứng đáng được nhận điều vinh dự lớn lao là giải thưởng chính thức của Hội năm nay.

Về ba tặng thưởng, chúng ta ghi nhận sự trở lại của Tiến Đạt trong tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân. Bằng những tìm tòi và cố gắng của mình nhưng độ dữ dội dường như có lắng hơn, và những cảm thông vì thế cũng dễ gần hơn, không còn những mặt trái nhiều góc cạnh, đôi khi nhiều tính dục, thường thấy như những tác phẩm trước đây của Tiến Đạt. Tập truyện ngắn nầy cũng không dày, chỉ 10 truyện ngắn thôi nhưng đã cho ta nhận thấy một Tiến Đạt nhân bản và sâu sắc hơn, trầm tĩnh và suy tư hơn, không còn những dữ dội choáng ngợp, bất ngờ và khốc liệt, có lẽ vì thế văn anh chưa đạt được độ sâu của tư duy, còn có những khoảng cách để níu chân người đọc.

Cảm thức sông là tập thơ mới của Huệ Triệu gồm 46 bài với 70 trang in. Vẫn là những cảm xúc cuộc sống được tôi trong lò luyện của cô giáo dạy văn trường chuyên, nhưng đã rộng hơn, xa hơn những gì quen thuộc. Những nơi chị đến, những điều chị nghĩ không chỉ còn là những xúc cảm bề nổi mà đã gợi được những ưu tư, những trở trăn, không còn cảm giác hô khan những câu khẩu hiệu, những cảm thức quen thuộc của mừng vui chiến thắng mà đã lắng lại trong tầm bao quát, tầm tư duy, tầm nghĩ suy như những bài Hương nhu ở đảo, Trước di tích trường Bồ Đề Quảng Trị, Thạch Hãn vẫn dòng xanh... 

Với Nhen lửa từ trăng, Lệ Bình đã vượt qua chính anh với 45 bài thơ được viết trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Đã không còn là Lệ Bình của Thành phố mười mùa hoa, của Tia nắng hạt mưa, mà của một công dân Lệ Bình đã chớm những ngày hưu đã thưa những ngày công tác, của chàng nông dân trí thức Phạm Văn Lệ lên rừng tìm ý nghĩa cuộc vui. Từ một hạ sĩ quan trong chiến tranh 40 năm trước, Lệ Bình đã giã từ vũ khí để rồi trở thành nhà báo viết cho thiếu nhi và rồi nhà thơ không chỉ cho trẻ con mà còn cho người lớn. Những cảm thức của anh thật bình dị và trong sáng, nó không cần những thứ hoa mỹ vô hồn vô thanh, nó thật sự ngấm vào từng người qua từng cung bậc của sự cảm thông và chia sẻ.
Năm nay, chúng ta lại mừng vui đón nhận thêm một cây bút trẻ được trao giải thưởng dành riêng cho những người viết trẻ. Chúng ta vui vì trong nhiệm kỳ nầy (2010 - 2015) đã có 2 tác giả thuộc thế hệ 8x được tôn vinh, đấy là Trần Minh Hợp trong năm 2011 và năm nay là Tiểu Quyên với tác phẩm Cỏ đồi phương Đông, một tập truyện ngắn với độ dày vừa phải, hơn 150 trang với 11 truyện ngắn. Đúng như những gì mà Tiểu Quyên đã tâm sự: "Tôi vẫn muốn viết cho thế hệ mình, thế hệ của những người trẻ sống trong lòng thành phố đầy những đam mê, mơ ước, khát khao cống hiến và mạnh mẽ, dấn thân nhưng cũng đầy tổn thương, mất mát. Gánh gồng trong thẳm sâu tiềm thức của mỗi người là nỗi hoang mang, cô độc". Chỉ với 11 truyện ngắn, hình ảnh người trẻ sống trong thành phố trẻ được hiện ra với nhiều kích cỡ, từ góc tối nghèo đói đến sự phung phí xa hoa, từ những người ở trọ đến cuộc tình đồng giới, tất cả tạo ra một khuôn mặt thành phố không chỉ từ một góc nhìn, nó đa dạng, phong phú và đôi khi cả tối tăm nữa những vẫn lồng lộng một niềm tin yêu cuộc sống. Điều đặc biệt ở Tiểu Quyên là sự cuốn hút trong cách hành văn và lối kể chuyện của tác giả khiến người đọc không thể ngơi tay khi đã tiếp cận trang đầu sách, từ Buông đến Rơi là một mạch không ngừng nghỉ như có Oan hồn. "Quá khứ luôn nằm lại trong những ngăn kín của thời gian, người ta có thể giấu kín mãi mãi và quên đi nhưng người ta cũng có thể mở tung các cánh của, phá bỏ hết mọi rào cản và cày xới lại trên mảnh đất hiện tại. Quá khứ là thứ chẳng bao giờ có thể thay đổi. Cho dù có đớn đau đến đâu." Đó là suy nghĩ của cô gái có chồng bỏ đi ngay sau đêm tân hôn đã phải trải qua 16 ngày sống trong cô đơn đang ngồi chờ trò chuyện cùng chàng trai người tình cũ của chồng mình hay cũng là tuyên ngôn của một thế hệ cầm bút mới?

Điểm đặc biệt của giải thưởng năm nay không nằm trong chất lượng các tác phẩm gởi về tham gia giải thưởng mà chính là từ khâu chuẩn bị tài chính cho giải thưởng. Mãi đến sáng thứ hai ngày 2.2.2015, văn phòng Hội mới chính thức nhận được thông báo từ Hội Liên hiệp VHNT TP là năm nay TP không có tiền chi cho giải thưởng. Ban Thường vụ Hội vẫn quyết định cứ trao giải thưởng để vinh danh các tác giả còn chuyện giá trị vật chất của giải thưởng thì xin được trao sau khi Hội nhận được sự tài trợ và giúp đỡ của các tổ chức có quan tâm đến văn học. Từ sự cố nầy, chúng tôi nghĩ giải thưởng hàng năm của Hội trong nhiệm kỳ sau cần được chủ động hơn về tài chính, nó phải được xã hội hoá để giá trị giải thưởng ngày một cao hơn và sức lan toả vì thế sẽ lớn hơn, rộng hơn. Hội là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của Đảng nhưng không phải vì thế mà Hội không thể mở rộng khả năng thu hút những người yêu văn chương, vấn đề là chúng ta cần có một cơ chế hoạt động chủ động và sáng tạo hơn, tránh sự lệ thuộc quá nhiều vào nguồn kinh phí được cấp. Trong ngày vui hôm nay, nói chuyện nầy chẳng vui vẻ gì nhưng chúng tôi nghĩ đây là sự minh bạch cần thiết đối với hội viên và công chúng. 

Xin được một lần nữa chúc mừng các tác giả được trao giải thưởng và tặng thưởng trong mùa giải của Hội năm 2014. Hy vọng, bước vào năm 2015, tình hình chung của đất nước sẽ khởi sắc và từ đó người viết lại có cơ hội được bày tỏ mình trong sáng tác để có nhiều hơn những tác phẩm được trao giải trong mùa giải năm sau. Hy vọng và tin tưởng.