Những ngày tất niên vừa làm nốt công việc của năm vừa lo sắm tết gia đình. Cứ bảo bây giờ cái gì cũng sẵn, mua cái xong ngay, đủ ngay thế mà loanh quanh vẫn mỗi ngày mỗi thứ. Vật chất phong phú, đa dạng nhưng những nguyên tắc truyền thống của tết cổ truyền không thay đổi. Những ngày tất niên dồn lại của may mắn - mất mát, của vui – buồn năm cũ , dồn lại trong bữa cơm tất niên. Khép lại của một năm, “ tống cựu nghinh tân”để sớm mai mồng Một tốt lành. Ba ngày tết thong dong áo quần đẹp đẽ sang trọng đi chúc tết họ hàng, đồng nghiệp, họ hàng. Những gì cần cho ba ngày tết đã có những ngày tất niên lo toan đầy. Ôi chao bao cái phải lo cho tết mà cứ náo nức tất cả! 


ĐÓN TẾT ĐẾN GẦN

BÙI KIM ANH

Những cơn gió mùa cuối đông vẫn về tràn trên đường phố, ngõ xóm. Mùa đông năm nay đến muộn nhưng đến là ập luôn gió rét, chưa kịp mặc áo len, áo gió đã phải mặc áo bông, áo phao. Rét muộn, rét đậm khiến cho những ngày tất niên xao xác. Tết sắp đến rồi. Một ngày rằm tháng chạp, ngày rằm cuối của năm đang khép dần năm cũ, bắt đầu thao thức cho năm mới.
Sắt tết và rét làm co những nụ hoa. Người hãm hoa lại, hoa tự hãm mình lại chờ năm mới. Thế là hoa tăng giá. Thế rồi nhiều mặt hàng tăng giá. Tất cả chờ tết. Lo thật đấy mà cũng vui thật đấy
Cuộc sống bây giờ đã khác xưa, một thời bao cấp đã xa xưa và những ngày năm hết tết đến cũng bao đổi thay, chỉ có tập tục là không thay đổi, cái náo nhiệt của những ngày lo sắm tết không thay đổi
Kìa những nhánh đào, những nhành mai nở sớm cho ai yêu hoa mua về cắm lên bàn thờ ngày rằm sát tết. Kìa những gánh hàng rong chằng néo túi nylon bộ hàng mã ông công ông táo đã lang thang khắp phố phường . 23 tháng chạp mới là ngày Táo công chầu Giời mà bao người đã vội lo mua sắm. Dẫu còn nhiều ngày nữa mới tới tết nhưng mua sắm dần dà đã là thói quen không thể nào thay đổi trong tâm lý người Việt. Và cứ như thế không khí tết dồn dập đến tận chiều tối 30

Nhớ những ngày giáp tết xa xưa chắt chiu, dành dụm từ cân đường, chút nước mắn, hạt gạo, miếng thịt cho tết xôm xả. Bận rộn lắm mà vui lắm cả nhà. Dành dụm đã cực nhưng đi xếp hàng mua mọi thứ cực nhiều hơn. Thời bao cấp tất cả lương thực thực phẩm nằm trong tem phiếu đã đành, đến tết thêm chút gì cũng vẫn theo khẩu phần tem phiếu. Thế là xếp hàng. Cả nhà lớn – bé, già – trẻ đều được huy động.
Sớm nhất là xếp ở cửa hàng gạo để mua gạo nếp, mua bột mì làm bánh quy. Gạo nếp mỗi khẩu được 1 cân. Bột mì nhiều ít cũng chỉ một túi 2 cân. Nhà nào có người thì đi làm bánh từ những ngày nai mấy, không thì vợ chồng có 3 ngày giáp tết chia ra mà làm

Từ tháng giêng hai dương lịch đã bớt lại từng lạng tem phiếu thịt của để dành cho ngày tết nào gói bánh chưng, nào gói giò thủ, nào nấu bát canh măng. Sáng 4 giờ đã dậy ra chợ xếp hàng mua thịt thế mà đến chợ đã đông người. Mua sớm còn có thịt thủ để gói giò mà mua thịt thủ thì một lạng phiếu được hai lạng thịt. Mua sớm được miếng mông ngon về gói bánh chưng. Mẹ xếp hàng thịt, con xếp hàng mua lá dong theo bìa – cùng trong chợ. Mẹ chạy đi chạy lại đến lượt nơi nào thì mua. Con còn bé – mới mấy tuổi đứng giữ chỗ, nhích lên theo mọi người. Hàng thịt dài lắm vì nhà ai cũng để dành phiếu nên ai cũng mua nhiều. Ồn ào. Chen lấn. Tranh cãi. Đàn ông đi xếp hàng mua thục phẩm để vợ ở nhà lo cơm nước, nhiều vị cũng phải đáo để. Xếp hàng cả buổi mỏi nhừ, hết đứng lại ngồi thụp. Xưa cái gì cũng quý hiếm. Có báo sẵn như giờ đâu, nhặt mảnh bìa rách hơi bẩn bẩn vẫn ngồi. . Người mua được hỉ hả mồ hôi. Người xếp hàng đến nơi hết thịt,, hết lá nhăn nhó đi về. Biết làm sao đây. Ai cũng ngày 28, 29 thậm chí ngày 30 mới đi mua. 28 mới nghỉ tết. Điện phập phù, điện yếu mà có mấy nhà có tủ lạnh đâu, mua sớm thiu thì hết tết. Thế là cuống cuồng lo sắm tết, dọn nhà.
Nồi bánh chưng là quan trọng nhất. Có phải nhà nào cũng cũng có nồi to để luộc được chục bánh đâu. Cả năm không ăn bánh chưng nên vừa là hương vị tết vừa thèm lắm. Ai cũng muốn vào ngày 28, 29 cho thư thả, nhưng nồi đi mượn phải phụ thuộc thôi. Xưa chỉ cho nhau mượn nồi, mượn thùng chả ai cho thuê như giờ đâu. Luộc 30 tết thì bận quá nhưng thật vui. Chờ giao thừa mà cả nhà loanh quanh bên nồi bánh chưng đầm ấm lắm. Lửa ấm rát mặt. Một nồi nước mùi đặt trên chốc nồi bánh, nóng lên là ông tắm, cháu tắm...cả nhà tắm. Có phải lâu không tắm đâu, có bẩn đâu nhưng 30 tết dứt khoát phải tắm gội. Năm mới phải sạch sẽ thơm tho. Năm mới dù còn nghèo, còn khó cũng cố có tấm áo manh quần mới.
Lại nữa người sạch nhà cũng sạch. Xưa nhiều nhỏ, 1, 2 tầng. Xưa chỉ quét vôi. Nhà nào dư dả gọi thợ không thì quét lấy. Lại cả nhà cùng làm – bố mẹ quét trên cao, con bé quét dưới thấp. Vôi tung tóe mà sướng lắm. Quét vôi xong thì cọ nhà. Xách nước vào cọ. Trẻ con lăn trên sàn để nghịch mà không lo bị mắng.

Bây giờ trên phố, nhất là ở thành phố lớn, người lớn ít ăn, trẻ con cũng chẳng hay ăn hay ăn bánhTranh thủ đi làm bánh quy ngoài phố. Trước đi làm bánh quy cũng phải đi sớm xếp hàng. Chờ được đến lượt, phát cho cái chậu và cái  đánh trứng đường cũng đã là sung sướng lắm. 2 bột mì, cân đường, chục trứng thế là thùng lương khô Trung Quốc xưa gần đầy bánh. Ăn tết, mời khách phần nào thôi còn để dành trẻ con ăn sau tết. Cái miếng bánh quy mang về thơm nóng sao mà ngon vậy. Cuộc sống ê hề của bánh kẹo hôm nay ở thành phố làm mất đi cảm giác thèm thuồng – cái cảm giác cần có.

Cái gì cũng bìa phiếu co kéo, chật vật mà đầm ấm không khí tết. Mứt tết mua bìa để ngay lên bàn thờ đã lau chùi sạch chờ thắp hương ông bà chiều 30. Đỉnh đồng đánh sáng bóng.
Vội ra phố, ngày 30 mua hoa cho tươi. Hoa theo thời mỗi năm, mỗi mùa thêm nhiều hương sắc. . Hoa khắp vỉa hè đường phố. Các chậu quất, chậu cam, chậu bưởi – quả to lộc lớn, quả dày lộc nhiều. Chậu đào xen với chậu mai, chậu phong lan. Hoa giả cũng nhiều và tuyệt mỹ. Đi mãi vòng quanh hồ, quanh phố này sang phố khác bao là hoa cho ngày tết. Đi mãi tìm mua được một bó thược dược nhiều màu sắc để cắm cùng cành bông hoa vi ô let tím lơ phơ nhớ về tết thời xưa xa lắc
Nhưng dù chợ hoa bày la liệt góc phố, đầu làng, thiên hạ vẫn có người chờ sát giờ giao thừa đi mua hoa. Rẻ nhiều năm đều rẻ - hạ giá, mua 1 tặng 1. Ít năm đắt thôi. Ngày tết cũng chẳng tính chi ly quá nhưng thu nhập còn thấp mua rẻ mà đẹp là tốt, mua rẻ là vui.
Lang thang ngày cuối năm để mua sắm tết, để ngắm hàng tết để ngắm cả người đi sắm tết thật vui. Bây giờ hàng bán sẵn đầy đường phố - bánh kẹo các loại nội ngoại, Tây Tàu. Bây giờ bánh chưng, giò chả bán từ sáng tới tối, muốn ăn lúc nào cũng có. Bây giờ người ta chỉ cần có tiền thì mua gì cũng có và cũng được. Những tưởng bớt đi không khí nhộn nhịp mua bán tất niên thế mà vẫn đông vẫn rối lên bận rộn. Bánh chưng phải đặt bánh ngon cho ngày tết không phải là bánh hàng chợ. Vẫn có kia hàng lá dong. Vẫn có gia đình thích gói bánh chưng, thích gói giò để ăn ngày tết. Luộc 2, 3 cái trong nồi áp suất. Luộc 10 cái trong nồi to với bếp than tổ ong. Bánh cúng ông bà phải đặc biệt trân trọng.
Cửa hàng bánh kẹo, mứt tràn ra vỉa hè đường phố. Mua đi có hạt bí, hạt dưa lại còn hạt hướng dướng Nga vỏ đen ngon hơn hạt hướng dương thường gặp. Các loại mứt Hà Nội, Đà Lạt lại còn Huế, Sài Gòn. Các loại bánh mứt kẹo làm phân vân bà nội trợ, khéo léo lôi tiền từ túi người mua hàng

Ngày cuối năm cửa hàng nào cũng đông người ra vào. Quần áo nhiều lắm vẫn mua quần áo mới cho con trẻ, cho cả chính mình. Hàng cắt tóc, làm tóc bận rộn tới khuya, tới tận 30 tết. Vui thật đấy, dẫu gió rét đang về từng đợt, dẫu vật giá leo thay đổi từng ngày nhưng tết đến vẫn phải đầy, phải đủ mân ngũ quả, cành đào hay chậu quất, vẫn phải có bánh chưng, cây giò…phải sắp xếp bày biện

Lang thang ngày cuối năm đón tết đến gần. Ngày cuối năm không khí tết Nguyên đán tràn ngập phố phường. Hàng hóa nhiều lắm có thể theo sở thích, có thể theo túi tiền mà sắm. Ta quen nói với nhau đi sắm tết, tết đã sắm sửa được nhiều chưa? Dân gian mà nghe sang trọng làm sao

Những ngày tất niên vừa làm nốt công việc của năm vừa lo sắm tết gia đình. Cứ bảo bây giờ cái gì cũng sẵn, mua cái xong ngay, đủ ngay thế mà loanh quanh vẫn mỗi ngày mỗi thứ. Vật chất phong phú, đa dạng nhưng những nguyên tắc truyền thống của tết cổ truyền không thay đổi. Những ngày tất niên dồn lại của may mắn - mất mát, của vui – buồn năm cũ , dồn lại trong bữa cơm tất niên. Khép lại của một năm, “ tống cựu nghinh tân”để sớm mai mồng Một tốt lành. Ba ngày tết thong dong áo quần đẹp đẽ sang trọng đi chúc tết họ hàng, đồng nghiệp, họ hàng. Những gì cần cho ba ngày tết đã có những ngày tất niên lo toan đầy. Ôi chao bao cái phải lo cho tết mà cứ náo nức tất cả!