Hai cuốn tản văn "Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm" và "Kung fu người Co Xàu" của Y Phương đều được viết với những lời thẳng, những lời nghi ngút lửa... Y Phương hừng hực viết, say sưa viết, day dứt viết với những câu văn chắt ra từ gan ruột để người đọc thấu hiểu nỗi niềm của một người yêu quê hương, yêu dân tộc đến đau đớn, đến xót xa, đến quặn lòng… Mỗi tản văn của Y Phương như một lát cắt, một tầng vỉa làm lộ dần chiều sâu văn hóa của quê hương, của dân tộc. Y Phương không phải chỉ kể lại, tả lại những sự vật, những hiện tượng mà đi sâu phân tích ý nghĩa cội nguồn của nó, đẩy những sự kiện, tình huống đi đến tận cùng để từ đó khám phá, phát hiện tâm hồn, tính cách dân tộc, nói rộng ra là ngọn nguồn, chiều sâu văn hóa của dân tộc.






VẪN CỨ XANH MỘT MÀU RỪNG

LÂM TIẾN

Ít ai viết tản văn lại thể hiện con người mình rõ ràng và thực đến như vậy. Y Phương nghĩ, nói thế nào thì viết, làm như thế ấy. Y Phương viết : Giống như cái thùng tôn nhẵn gạo, tôi cứ bô lô, ba loa. Có gì ngứa ngáy trong ruột gan, tôi xả ra bằng hết…Tôi thì cứ phải sống thẳng băng như đường mực…Nhất định không bao giờ quỳ gối và nói lời cong" (Nhúng xuống thành phố) và "Tôi coi cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói lửa cay đắng trong hồn tôi. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi" (Hồn làng Khuổi Ky).
Hai cuốn tản văn "Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm" (Nxb Phụ nữ 2009) và "Kung fu người Co Xàu" (Nxb Hội nhà văn 2010) của Y Phương đều được viết với những lời thẳng, những lời nghi ngút lửa, cay đắng như vậy. Y Phương hừng hực viết, say sưa viết, day dứt viết với những câu văn chắt ra từ gan ruột để người đọc thấu hiểu nỗi niềm của một người yêu quê hương, yêu dân tộc đến đau đớn, đến xót xa, đến quặn lòng: "Lúc nãy bá phải nói tiếng Kinh như người Hà Nội, chú biết không, là để nó không bắt nạt được mình!/Trời!" (Bắt khách) và "Tôi biết mà. Người tốt bây giờ trở thành thiểu số mất rồi bác ạ. Vâng. Lại thiểu số. Thiểu số thường là những người tử tế. Nhưng bị đa số lưu manh coi thường!" (Cây nghiến xanh trong lòng Hà Nội).

Những câu văn sâu sắc, thâm thúy như vậy, chỉ có thể là của người trong cuộc, người hiểu rõ và tự hào về dân tộc mình, quê hương mình hơn ai hết. Được đi nhiều nơi, được ở Hà Nội "Được gần những người sáng láng, tôi nhận biết khuôn mặt và bộ dạng của mình một cách rõ ràng hơn" (Nhúng xuống thành phố). Y Phương viết: "Người ta có cái gì, người làng tôi có cái đấy" (Hồn làng Khuổi Ky).

Ngày từ bài tản văn đầu tiên "Dân Co Xàu hát Woàng dzà" là câu hát kể về A Slao, cô gái đẹp nghiêng nước, nghiêng thành, khiến hoàng tử trông thấy, phải "cởi hết mũ áo vua ban, cầm lấy mũ nồi, mặc áo chàm cài khuy ngang, chân đi hài cỏ. Chàng chắp tay vái lạy mọi người, xin cho chàng được ở rể phố thị Co Xàu". Chi tiết độc đáo này chính là tư tưởng của tác phẩm. Con gái Co Xàu là vậy, người Co Xàu là vậy, là những con người đẹp về thể chất lẫn tâm hồn, đẹp từ trong đẹp ra, đẹp từ ngoài đẹp vào. Khiến cho các thầy, cô giáo Hà Nội đẹp trai, xinh gái "nhìn thích mắt lắm", nhưng khi nghe câu hát kể về A Slao: "Mớ tóc loăn xoăn dựng ngàn dấu hỏi!".

Cái đẹp của A Slao trong câu hát Woàng dzà, cũng là cái đẹp của những nàng dâu vừa mới cưới, vừa mới được em chồng đón về nhà ăn tết tháng Giêng: "Họ đích thực là mùa xuân của mùa xuân…Chiếc áo chàm mới tinh mặc trên người không che kín làn da non và ánh mắt dao cau. Ít khi họ nói, họ cười. Họ đi đi, họ về về trong im lặng. Họ ở đâu, ngồi chỗ nào cũng lấp lánh sáng". Họ đẹp  đến nỗi: "Bây giờ xem mấy cô hoa hậu trên tivi, tôi nghĩ họ chỉ đáng lau chân cho chị tôi" (Tết anh cả). Nghe có vẻ cực đoan, nhưng xem ra cái đẹp chân chất, kín đáo, hồn nhiên, chan chứa tình người của những cô dâu miền núi thật ít nơi có được.
Bất luận người ấy già hay trẻ, trai hay gái, giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân…cho tới người quét chợ như Lão Mòn trong "Lão Mòn đi đâu rồi", bà Phò sống một thân một mình trong tác phẩm cùng tên, dượng Tý làm nghề dzang tâng trong "Ông dzang tâng hương đèn" đều là những con người tốt, biết làm việc thiện, biết phân biệt rõ phải, trái, trắng, đen. Cái nghèo, cái khó không thể làm Mòn sa ngã "Ai bảo Mòn làm ngói, thì Mòn làm ngói. Ai khiến Mòn làm chum, làm lọ, hay bất cứ cái gì đều được hết. Nhưng nếu ai bảo Mòn làm thằng lưu manh. Mòn dạng háng, chỉ tay, chửi một câu tục tĩu: "Tao mà làm lưu manh á! Ăn thu vầy câu ní!". Còn cái tình người rộng lớn của bà Phò, thật ít người có được. Đi giúp công cho người khác, nhưng mỗi khingười ta trả công "bà kiên quyết không nhận. Bà nói tôi đã nhận cái tình người Phủ Trùng này rồi. Nay lại cầm đồng tiền, bát gạo này nữa, thì mang tiếng tôi tham….Bao lâu nay mọi người đã cho tất cả, hà tất tôi còn cầm thêm làm gì".
Họ không chỉ là người đẹp tại quê nhà, mà đi đến đâu, ở chỗ nào họ cũng đẹp. Đó là cái Đăm gọi tác giả bằng cậu ruột, là "chiếc tăm nhỏ đến từ Cao Bằng, hiện đang sống và nảy mầm ở Đà Tẻ. Nó nhỏ bé mà to lớn như thế này đây" (Ở Đà Tẻ tôi có một que tăm). Đó là giáo sư, thầy thuốc nhân dân Bành Khìu sống giữa thành phố, thủ đô Hà Nội như một cây nghiến "Cây nghiến mang từ Co Xàu về trồng. Giờ nó đang xanh um giữa lòng Hà Nội" (Cây nghiến xanh trong lòng Hà Nội). Quê hương đối với họ luôn phập phồng hơi thở "Thở càng sâu quê hương càng xa" (Chị em).

Mỗi tản văn của Y Phương như một lát cắt, một tầng vỉa làm lộ dần chiều sâu văn hóa của quê hương, của dân tộc. Y Phương không phải chỉ kể lại, tả lại những sự vật, những hiện tượng mà đi sâu phân tích ý nghĩa cội nguồn của nó, đẩy những sự kiện, tình huống đi đến tận cùng để từ đó khám phá, phát hiện tâm hồn, tính cách dân tộc, nói rộng ra là ngọn nguồn, chiều sâu văn hóa của dân tộc. Có nhiều bí quyết làm "bánh cuốn Cao Bằng ngon không gì sánh được", nhưng "bí quyết cuối cùng vẫn phải là thứ gạo được cấy trồng từ nhiều đời, trên đất ven sông Mãng, sông Bằng, sông Bắc Vọng, sông Quy Sơn….Đất nào thì người nấy. Người nào thì vật nấy" nên "gọi bánh cuốn là đặc sản Cao Bằng không sai. Nhưng đúng ra phải gọi bánh cuốn là hồn cốt Cao Bằng thì mới hẳn" (Ăn cái tình). Qua cách làm và ăn bánh áp chao với hương vị hấp dẫn riêng của nó, người ta có thể thấy được đức tính tốt đẹp của người Nùng Cháo: "Người Nùng Cháo rất ít khi gây gổ, xích mích. Họ luôn luôn tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau….Chính nhờ vào những đức tính tốt đẹp ấy, mà họ trở thành tâm điểm của sự đoàn kết giữa các tộc người…" (Ăn bánh áp chao mà nhìn thấu ruột). 

Với "tấm vải rằm khấư dùng để biếu mẹ đẻ cô dâu trong ngày cưới", Y Phương phát hiện ra tầng sâu văn hóa, nếp sống văn hóa tốt đẹp của người Tày, Nùng trong đó: "Một tấm vải mà ai xin dứt khoát không cho! Ai nài mua dứt khoát không bán! Mọi ngưởi chỉ được ngắm nhìn, bình phẩm, nghĩ ngợi, liên tưởng thôi. Một tấm vải mà ta cầm vào, như cầm trong tay một dòng sông. Dòng sông ân đức" (Chắp tay con lạy mẹ). Có lẽ ít có tác phẩm nào nói về tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, về công lao nuôi dưỡng vất vả, lớn lao của người mẹ với con gái cụ thể, sâu sắc, tinh tế, độc đáo, sinh động và giàu cảm xúc đến như vậy.
"Mẹ tôi nói: "Tốc đin rà mạ tấc. Tốc đin than mạ mè". Nghĩa là sống tại  đất mình thành ngựa đực. Sống ở nơi người là ngựa cái. Ngựa đực luôn ở thế thượng phong, chủ động. Muốn gì được nấy. Còn ngựa cái chỉ để cho người ta cưỡi. Luôn ở thế bị động. Nhưng bốn mươi năm nay, kể từ ngày xa nhà, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là ngựa cái. Dù sống ở đâu, chân trời nào, tôi vẫn là một con ngựa đực, một con ngựa đực đàng hoàng" (Sông bơi). Chỗ khác, Y Phương viết: "Bạn biết không, tôi như một que thử. Nhúng xuống thành phố vẫn cứ xanh một màu rừng" (Nhúng xuống thành phố).
Tản văn của Y Phương được viết với tầm nhìn và thế đứng đó. Một tầm nhìn chủ động, áp đảo với một màu xanh của rừng không thể nào pha lẫn. Mỗi bài tản văn như mang cả tâm hồn, trí tuệ, công lao, nội lực, mang cả toàn bộ Kung fu người Co Xàu trong đó, để khẳng định, để tự hào có con người, cuộc sống Tày, Nùng phong phú, đa dạng, đẹp đẽ đến như vậy, có một nền văn hóa Tày, Nùng rực rỡ, độc đáo đầy sức sống đến như thế. Những trang viết ở đây khoáng đạt, sắc sảo, hàm xúc, giàu chất thơ và đậm chất trữ tình.
Do sáng tác bằng tiếng Việt, tác giả đã chủ động lựa chọn từng câu chữ. Chỗ nào tiếng Việt không thể hiện được tâm hồn, tính cách dân tộc, Y Phương dứt khoát dùng tiếng Tày: "Lão làm một nhát Pí! Rẳm roi! Câu này tôi chịu không thể dịch ra tiếng Kinh được. Nghĩa là xấu lắm, bẩn tưởi lắm. Tạm hiểu nó như thế" và "Miếng này bá Hanh cho…ái dà dà..Miếng kia chú Dô biếu a nò…ăn vào thì bụng tó tò to a ríu! a rối! hấy dà…(Lão Mòn đi đâu rồi). Thường dùng nhất là những từ và ngữ sóng đôi nửa Tày nửa Kinh làm cho tiếng Việt mở rộng hơn, khái quát hơn, nhưng cũng dân tộc hơn: "Cái chính là để hỉn chơi nhìn người" (Đi chợ nhìn người), "Bóng ma nhọp nhẹp lởn vởn" (Nhào nhào ma xay thóc), "ra mắt pú dzá pa me cha mẹ họ hàng nhà chồng" (Áo tân thời bước vào cửa vóng), "Y hò ní - cái thằng này, cái thằng ấy" (Me mưởn hay là mây mùa thu đang bay)….Do dùng tiếng Tày như vậy, tản văn Y Phương không chỉ mang theo những con người, những sự kiện, những hiện tượng thân quen, gần gũi mà còn mang cả hình dạng, âm thanh, màu sắc của sự vật, hiện tượng: "Chúng nó kêu kột kạt" (Dân Co Xàu hát Woàng dzà), "Vẻ mặt ai cũng nhoóc nhéc một nụ cười ruồi" (Dzương eng, tục thăm gái đẻ), "Lòng dạ người già nhiu nhiu như lá chuối buồn" (Tết anh cả), "làm một giấc khò khút ngon lành" (Ngồi ghế rơm, uống trà khỉ nộc)….
Ngay từ tên bài tản văn, Y Phương cũng có sự lựa chọn kỹ như vậy: “Tết slip sli ăn thịt vịt’’, “Dzương eng, tục thăm gái đẻ’’, “Ông dzang tâng hương đèn’’, “Ngồi ghế rơm, uống trà “khỉ nộc”, “Những người đàn bà hút sục dín”...Nếu “Tết slip sli ăn thịt vịt” mà viết là “Tết mười bốn ăn thịt vịt” thì đã làm mất đi ý nghĩa sâu sa của nó, mất đi một cái từ riêng chỉ được gắn với tháng bảy âm lịch, gắn với một cái tết nhỡ “chỉ đứng sau tết Nguyên đán về quy mô và nghi thức”. Một cái tết bao giờ cũng có thịt vịt, bún và pẻng tải ( thứ bánh dậm được gói trong lá chuối từng đôi một vắt lên những cây sào).Trong những ngày đó, từ mười ba đến mười lăm, con cháu tụ họp về ăn tết với ông, bà tổ tiên, làm cho ngày tết vừa thiêng liêng vừa ấm cúng. Từ “dzương eng” cũng vậy, dịch đúng của từ này là “thăm trẻ sơ sinh”. Nhưng đối với người Tày, Nùng thì không ai nghĩ “dzương eng” chỉ là đến thăm trẻ sơ sinh, mà còn là đến thăm người mẹ mới sinh con, mà cũng không phải đến thăm một cách bình thường mà bao giờ cũng mang quà cáp đến để thể hiện niềm vui lớn, lòng tự hào của hai họ và làng xóm, được đón chào một sinh linh nhỏ bé ra đời. Nên những từ, ngữ tiếng Tày mà Y Phương dùng trong tản văn đều mang những hàm ý, ẩn ý riêng của dân tộc, nó làm sống dậy cả một lối sống, một thái độ, một cách ứng xử, một tầng sâu văn hóa của dân tộc ấy. Nó giống như những giọt phẩm màu rỏ lên những trang viết.
Với cách viết đó, Y Phương không những làm cho ngôn ngữ tác phẩm phong phú, sinh động, giàu hàm ẩn mà quan trọng hơn là qua cách viết này, chiều sâu tâm hồn, tính cách, chiều sâu văn hóa của một dân tộc mới được thể hiện rõ với những nét riêng độc đáo của nó. Để làm được việc này, tác giả phải thực sự tâm huyết với dân tộc mình, phải thực sự giàu vốn sống, giàu tiếng nói của dân tộc và cả tiếng Việt, phải thực sự có cá tính, bản lĩnh và tài năng. Thiếu một trong những cái đó, bản sắc dân tộc trong tác phẩm sẽ không thể nào có được, nếu có cũng chỉ là mờ nhạt hoặc "có vẻ" (chữ dùng của Tô Hoài).
Y Phương là người hội tụ đủ những yếu tố đó. Cho nên dù viết ở quê hương, dù viết ở Hà Nội, dù viết về đề tài nào, tản văn của Y Phương "vẫn cứ xanh một màu rừng".