Tâm sự của nhà văn Hữu Phương, tác giả của truyện ngắn “Ba người trên sân ga” được nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể thành kịch bản phim “Đời cát”: “Tôi bắt đầu xây dựng mối tình giữa nhân vật người lính thủy (tên Cảnh) tham gia trận đánh oanh liệt trên sông Gianh sáng ấy với cô dân quân xinh đẹp (tên Tâm), người đã lặn vớt được anh từ dưới lòng sông và dìu vào bờ. Họ nên vợ nên chồng, và có cô con gái tên Gianh mười hai tuổi. Truyện bắt đầu khi gia đình ông bà Cảnh đang giữa bữa cơm tối. Bức thư của Tâm đã vô tình rẽ hai vợ chồng ông bà về hai phía ngược nhau. Ông Cảnh lật đật bóc thư, mừng run tay run chân khi biết đó là thư của người vợ trẻ ở Bắc nói sắp vào công cán, nhân tiện ghé thăm cái Gianh cho đỡ nhớ. Trong khi bà Cảnh, biết thư Tâm, bất giác hực lên một tiếng rên. Tiếng rên theo thói quen bấy lâu đã thành bản năng. Nó bật ra mọi nơi mọi lúc khi bà bị sốc. Nó thành “đặc điểm nhận dạng” nổi bật của nhân vật này. Bà thừa biết, thư Tâm nói nhớ cái Gianh, nhưng thực ra là cô ấy nhớ chồng, nhớ ông Cảnh của bà...”



SỐ PHẬN HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG ĐỜI CÁT

HỮU PHƯƠNG

Mùa xuân năm 1981 hay 1982 gì đó, tôi đưa đoàn sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình đi thực tập tại trường cấp hai xã Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Đó là một vùng quê cảnh đẹp người đẹp nổi tiếng. Trước mặt là sông Gianh trong xanh, sau lưng nhấp nhô những ngọn lèn trùng điệp giăng giăng màu lam thẫm. Đường làng mát rượi giữa hai bờ cây trái. Mùa xuân hoa bưởi hoa cam sực nức. Không hiểu sao, con gái dọc hai bờ sông Gianh, nhất là xã Văn Hóa, dáng đẹp, da trắng, tóc dài ít nơi sánh bằng. Truyền thuyết kể rằng, Văn Hóa suýt thành đất kinh đô. Thuở ấy có 100 con chim đại bàng bay qua, sà xuống đậu mỗi con một đỉnh lèn. Nhưng lèn Văn Hóa chỉ có 99 ngọn. Một con không có chỗ đậu, cả đàn đành phải bay đi. Thế là đất Văn Hóa hỏng cơ hội thành đất kinh đô...

Trong chương trình thực tập của sinh viên, có một buổi nghe bí thư đảng ủy xã báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương. Tôi ngồi nghe cái giọng đều đều của ông bí thư, buồn ngủ khủng khiếp. Chợt giật mình khi ông chạm đến cuộc chiến bi tráng của hải quân ta với lũ giặc trời Mĩ trên dòng sông Gianh suốt một ngày trời ròng rã. Số là, kể từ ngày 5/8/1964, quân cảng đóng ở cửa Gianh bị đánh tơi bời. Buộc đêm xuống, các hạm tàu của ta bí mật ngược dòng Gianh, lên miền Cảnh Hóa, Văn Hóa ngụy trang ẩn giấu dưới các rặng cổ thụ hai phía bờ sông. Đêm đêm, từ đây, khi hoàng hôn xuống, các hạm tàu lại ra khơi, canh phòng mặt biển, khiến cho các con tàu của Hạm đội 7 Mĩ ngoài khơi khó mà vào vùng biển ta. Kẻ địch quyết lùng sục. Và sau mấy năm, chúng phát hiện ra nơi ẩn nấp của các con tàu. Một sáng, khi mặt trời lên, từng toán F105 và F4H thay nhau vãi bom và phóng rốc két xuống hai bờ sông. Nhưng những đỉnh lèn cao vút đã ngăn không cho các luồng bom đạn đi đúng mục tiêu. Chúng rơi bừa bãi vào các xóm làng hai bên. Ở đó, dưới các rặng cây trái là các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường cấp một, cấp hai, trạm y tế...

Trước tình thế đó, hải quân ta quyết định đưa con tàu bị lộ ra giữa dòng, thu hút các luồng bom đạn giặc. Cờ Tổ quốc lập tức được kéo lên. Các chàng trai áo lính thủy mới toanh. Dòng sông như sôi lên sùng sục. Con tàu cảm tử tiến lùi, xoay ngang xoay dọc, vừa tránh các luồng bom, vừa nã đạn vào đầu thù. Nhiều người lính hi sinh và trúng thương, bị hắt xuống lòng sông. Máu đỏ mặt sông. Những nữ dân quân, mà nghề chính là trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa của xã Văn Hóa, đã lao ra, lặn xuống đáy sông, tìm vớt đưa vào...

Tôi muốn viết một truyện ngắn chứa đựng trận đánh bi tráng ấy, nhưng vẫn không sao triển khai được. Các nhân vật làm nên câu chuyện vẫn bặt tăm. Khoảng cuối năm 1982, cả gia đình tôi phải chuyển vào Huế theo trường. Công việc cuốn hút. Và các đề tài khác cuốn hút. Đến tháng 7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, trở về địa giới cũ. Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Trị Thiên không nằm trong diện được chia nên gia đình tôi vẫn ở lại Huế. Một chiều tháng 6/1990, ông trưởng khoa của tôi rủ mấy anh em sang Tây Lộc uống bia khổ nhà ông tự làm. Chúng tôi ngồi trước hiên, nơi có tán cây vú sữa che mát cả sân nhà bên cạnh. Bên ấy có mấy bóng người. Vô tình, ông trưởng khoa kể về hoàn cảnh gia đình ông láng giềng. Tập kết ra Bắc khi vợ ông chưa kịp có con. Những tưởng hai năm sẽ trở về theo Hiệp định Genève, nào ngờ hơn hai mươi năm sau mới trở về. Khi thấy cuộc chiến ngày một ác liệt, và ngày thống nhất còn xa vời, người ta cho những người tập kết lập gia đình. Ông đã cưới vợ ngoài Bắc. Sau thống nhất đất nước, ông trở về mang theo cô con gái mười hai tuổi. Người vợ thứ nhất đã vui vẻ đón nhận và thương yêu cô con gái như chính con mình đẻ ra. Rồi bà khăn gói ra thăm người vợ thứ hai của chồng ở ngoài Bắc. Chị em tình cảm tốt đẹp. Nhưng người vợ ngoài Bắc còn trẻ và đẹp, sức xuân còn căng tràn, trong khi bà vợ trong Nam thì đã già. Một bi kịch sâu sắc, kín đáo và tế nhị xảy ra giữa bộ ba, khi người vợ trẻ vào thăm chồng con trong này. Nàng ở lại bao ngày là bấy nhiêu đêm bà kéo giường ngủ chặn cửa buồng nàng...

Tôi vỗ đùi đánh đét, có rồi! Không ai trong những người bạn uống bia khổ lúc đó biết tôi nói gì. Chỉ có tôi biết là truyện ngắn Ba người trên sân ga đã có cốt truyện. Điểm nhìn trần thuật của tác phẩm là điểm nhìn bên trong của nhân vật người vợ trong Nam.

Tôi bắt đầu xây dựng mối tình giữa nhân vật người lính thủy (tên Cảnh) tham gia trận đánh oanh liệt trên sông Gianh sáng ấy với cô dân quân xinh đẹp (tên Tâm), người đã lặn vớt được anh từ dưới lòng sông và dìu vào bờ. Họ nên vợ nên chồng, và có cô con gái tên Gianh mười hai tuổi. Truyện bắt đầu khi gia đình ông bà Cảnh đang giữa bữa cơm tối. Bức thư của Tâm đã vô tình rẽ hai vợ chồng ông bà về hai phía ngược nhau. Ông Cảnh lật đật bóc thư, mừng run tay run chân khi biết đó là thư của người vợ trẻ ở Bắc nói sắp vào công cán, nhân tiện ghé thăm cái Gianh cho đỡ nhớ. Trong khi bà Cảnh, biết thư Tâm, bất giác hực lên một tiếng rên. Tiếng rên theo thói quen bấy lâu đã thành bản năng. Nó bật ra mọi nơi mọi lúc khi bà bị sốc. Nó thành “đặc điểm nhận dạng” nổi bật của nhân vật này. Bà thừa biết, thư Tâm nói nhớ cái Gianh, nhưng thực ra là cô ấy nhớ chồng, nhớ ông Cảnh của bà...
Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kéo dài hơn hai mươi năm, hệ lụy là, bao mảnh đời rơi vào thân phận éo le. Gia đình ông Cảnh là một điển hình. Ông có hai bà vợ. Cả hai đều hợp pháp. Cả hai đều được cưới hỏi bởi tình yêu nồng nàn. Tình và nghĩa quyện chặt. Một bà cưới trước khi tập kết, ở lại hoạt động du kích. Bị địch tra tấn đòn roi tàn nhẫn. Và bị thời gian phũ phàng. Ngày thống nhất, vợ chồng gặp nhau tột nỗi vui mừng. Nhưng đêm bên nhau sau hơn hai mươi năm xa cách, bà lặng khóc một mình. Bà nhận ra mình đã già, không còn khả năng sinh đẻ, không còn ham muốn. Rồi bà tìm cớ ngủ riêng. Để tránh chồng đến gần, bà giả vờ ốm. Bà rên hừ hừ. Đêm bà canh chừng ông. Hễ nghe tiếng dép lẹt xẹt trên lối đi là lập tức bà cất tiếng rên hừ hừ. Buộc ông phải rút lui...
Ngược lại, Tâm, bà vợ thứ hai ngoài Bắc, chỉ mới tuổi ba lăm ba bảy. Chị đã lấy lí do đi công tác trong này để vào với chồng. Ông Cảnh, tuổi trên dưới sáu mươi, nhưng còn khá cường tráng. Ông mừng phát run khi Tâm vào thăm...
Nhưng hai con người khao khát được ngủ với nhau, chí ít một lần, đã không thực hiện được. 
Cho đến ngày Tâm hết phép, bà mới để ông Cảnh đi tiễn người vợ trẻ lên tàu. Nhưng hai người đi được một lúc, bà thấy không yên bụng, lật đật đuổi theo. Đến phòng đợi, thấy hai người ngồi bên nhau, bà chen vào giữa họ, miệng mồm xởi lởi thanh minh. Rằng ông Cảnh đàn ông đàn ang, sợ đánh mất cả tiền bạc, nên tui phải đi theo. Khi bà đi tìm mua mấy gói kẹo làm quà, trở lại đã không thấy ông Cảnh và Tâm ở đấy nữa. Bà lao đi tìm họ, quáng quàng khắp nơi. Đã có người lác đác lên tàu. Bà lao ra. Chạy sấp ngửa qua những dải đá hộc, qua những thanh ray sắt, máu tứa bàn chân. Mặc, bà thở hồng hộc lao vào toa tàu Tâm sẽ đi. Bà rẽ người, tìm mặt ông Cảnh và Tâm. Nhưng hết toa vẫn không thấy. Bà lao qua cửa phía bên kia. Và rũ xuống như tàu lá héo. Như quả bóng xì hơi. Ở đó, bà chứng kiến ông Cảnh và Tâm đang xoắn vào nhau trong một cái hôn, không biết gì trời đất. Rồi bất ngờ, người đàn bà khô héo ấy bật dậy, lao vào toa tàu, đổ xuống cửa bên kia. Và cắm cổ chạy trên những dải đá hộc, trên những đường ray sắt, lao vào phòng bán vé, chìa tiền và nói không ra hơi. Bà mua một vé về ga Lệ Sơn, nơi Tâm sẽ xuống. Rồi lại chạy không biết đau, trên những dải đá hộc, trên những đường ray sắt, lao lên toa tàu, dúi vào tay ông Cảnh chiếc vé. Bà cho ông đi theo với người vợ trẻ...
Nhưng khi trở về, ngôi nhà trống không, bà lại thấy mình không còn gì để mất. Và cơn hờn ghen lại nổi lên. Bà lao vào buồng, nằm cắn răng lặng khóc…

Còn có hai người ngoài đời nữa giúp tôi đặc tả sinh động cảnh về đêm của bộ ba gia đình ông Cảnh khi có thêm người vợ trẻ. Ở cạnh phòng tôi trong khu tập thể trường bia có một gia đình. Ông dạy toán, bà làm ở bếp ăn sinh viên. Khi nghỉ hưu, cả hai không cùng về quê ở Hồ Xá (Quảng Trị). Bà phải ở lại cùng cậu con trai mới ra trường, chỉ mình ông ra quê mở hiệu may làm thêm. Thỉnh thoảng ông lại vào thăm bà ít ngày. Nhưng cứ mỗi lần ông vào là bà lại sợ thót tim. Bà không còn ham muốn. Và bà phát ốm. Đêm nằm trong buồng, bà canh chừng ông. Và lần nào cũng vậy, hễ nghe tiếng dép ông lẹt xẹt là bà liền cất tiếng rên hừ hừ, hừ hừ. Khiến ông phải rụt cổ lại...
Tôi đã đẩy tới hạn những gì cần đẩy. Cuộc chiến máu lửa giữa một bên là bầy quạ sắt Mĩ trên vùng trời rộng lớn dễ dàng oanh tạc, một bên là con tàu bé nhỏ giữa dòng sông Gianh thượng nguồn không lấy gì gọi là sâu rộng, rất khó xoay trở. Sự không cân sức, không bình đẳng ấy diễn ra suốt một ngày trời, chỉ có màn đêm mới cứu được con tàu đầy thương tích và những người lính đẫm máu thoát khỏi nanh vuốt những con quạ Mĩ. Tôi đã cho Tâm lặn vớt được cái xác người lính đang còn nóng ấm ở đáy sông, để sau này cái tình cái nghĩa của họ quyện chặt, không thể chia lìa. Tôi đã cho người vợ đầu ông Cảnh chịu cảnh tù đày, và thời gian chờ đợi đằng đẵng, khiến bà kiệt cùng chức năng làm vợ, làm mẹ. Tôi đã cho ông Cảnh và Tâm hừng hực lửa rơm bên nhau mười ngày thèm khát mà không được cháy một lần, để còn mấy phút trước lúc tàu chạy, họ phải xoắn riết lấy nhau quên trời quên đất. Tôi đã đẩy triết lí chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai đến cao độ, để người đàn bà già nua teo tóp, sợ chăn gối như cực hình, vẫn giữ khư khư chồng mình đến phút chót, rồi tự xỉ vả đay nghiến mình vì một chút nông nổi sinh hành động mã thượng kia, để chồng về tay vợ thứ. Tôi cũng đã để cho người đàn bà già nua giở tất cả khôn ngoan mẹo mực ra để giữ chồng, đến phút tưởng chừng có thể lao lên kéo xé hai người đang hôn nhau ra hai ngả, lại bất ngờ lóe lên tình nhân ái, đồng cảm sẻ chia, bằng việc lật đật trở lại phòng bán vé, mua cho chồng tấm vé để lên tàu cùng “tình địch”. Tôi cũng cho đôi chân khô gầy của người đàn bà mấy lần đối chọi với những dãy đá hộc và những đường ray sắt, để đẩy cao “cơn điên” tội nghiệp của bà...

Tôi định bắt tay viết thì đùng một cái có quyết định rút khoảng vài chục giáo viên người Quảng Bình ra mở lại trường sư phạm ở tỉnh nhà. Tôi lỉnh kỉnh bầu đoàn thê tử chuyển ra, làm một túp lều tạm trong vườn ông bà ngoại. Ổn định ăn ở xong, đầu năm 1991, tôi bắt tay viết Ba người trên sân ga. Khoảng tháng 3/1991, Báo Văn nghệ in truyện ngắn này. Như thế, từ khi dự định viết, đến khi truyện nằm trên mặt báo, gần mười năm. Và chín năm sau, năm 2000, truyện của tôi được dựng thành phim Đời cát (kịch bản điện ảnh: nhà văn Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Vân), và cuối năm đó, bộ phim đã được đăng quang tại Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương