Tả Phìn là bản người Dao đỏ cùng ở với một số gia đình người Mông trên núi cao giáp biên giới Trung Quốc, cách Sa Pa 12 km. Ở độ cao 1600m so với mặt nước biển nên vào cuối tháng 10 trời đã lạnh và gió đã buốt. Đôi môi tôi như nhấm nháp từng ngụm sương phủ dầy trên đường đi. Nắng có lúc chợt lóe lên như những sợi tơ long lanh, nhưng chợt vụt bay đi bởi những áng mây tràn đến. Theo mũi tên chỉ dẫn, tôi đi vào thôn Sé Séng, trung tâm của khu du lịch Tả Phìn. Mây vẫn bồng bềnh như thế. Tôi đang dò dẫm đi trên con đường đá đen, thì có tiếng những cô bé người Dao ríu rít chào mời. Định thần lại một lúc, tôi nhận ra có tới gần chục học sinh đi bán hàng thổ cẩm. Không chỉ bán hàng lưu niệm, có người còn mời tôi vào tắm thuốc cho ấm người hay vào nhà hàng uống rượu sâu chít, đặc sản ở Tả Phìn.



BẤT CHỢT LONG LANH NẮNG TẢ PHÌN

VƯƠNG TÂM

       Trước khi đến bản người Dao đỏ ở Tả Phìn, cô Thoa ở khách sạn Công Đoàn Sa Pa dặn tôi phải nhớ những điều kiêng kị ở đây. Nào là khi vào nhà người ta không được ngồi ở ghế đầu bàn. Nào là cấm xoa đầu trẻ,hay không được giơ ngón tay chỉ trỏ trước mặt người cùng uống rượu với mình. Còn nữa nếu mình không uống rượu thì phải nói khéo chứ không được úp bát xuống…Tôi nghe cứ ù cả tai. Sao mà đi chơi lại lắm điều phải lo thế. Nhưng chả sao tôi cứ đi.

Người đẹp của những áng mây
         Tả Phìn là bản người Dao đỏ cùng ở với một số gia đình người Mông trên núi cao giáp biên giới Trung Quốc, cách Sa Pa 12 km. Ở độ cao 1600m so với mặt nước biển nên vào cuối tháng 10 trời đã lạnh và gió đã buốt. Đôi môi tôi như nhấm nháp từng ngụm sương phủ dầy trên đường đi. Nắng có lúc chợt lóe lên như những sợi tơ long lanh, nhưng chợt vụt bay đi bởi những áng mây tràn đến. Theo mũi tên chỉ dẫn, tôi đi vào thôn Sé Séng, trung tâm của khu du lịch Tả Phìn. Mây vẫn bồng bềnh như thế. Tôi đang dò dẫm đi trên con đường đá đen, thì có tiếng những cô bé người Dao ríu rít chào mời. Định thần lại một lúc, tôi nhận ra có tới gần chục học sinh đi bán hàng thổ cẩm. Không chỉ bán hàng lưu niệm, có người còn mời tôi vào tắm thuốc cho ấm người hay vào nhà hàng uống rượu sâu chít, đặc sản ở Tả Phìn. Lại có cô bé còn đòi dẫn tôi đi vào xóm để xem mẹ nó dệt thổ cẩm. Nó cười bảo, cứ vào xem cho biết, chứ không ai bắt buộc phải mua gì. Rất vui, tôi vội học nhanh mấy cái tên. Một bé tên là Lý Mán Mẩy. Hai là Chảo Lở Mẩy. Và thêm một cô bé với cái tên như còn trai là Lý Tao Mẩy. Tất cả đều ở tuổi 15. Rồi chúng bật cười khi thấy tôi cứ lơ ngơ không biết đi theo hướng nào. Bất ngờ Lý Mán Mẩy mách cho tôi nếu đến đây, trước tiên hay vào hang ở chân núi cuối bản. Thật là một ý hay.  
         Lúc này sương đã dần tan, cửa hang Tả Phìn khum khum như một cánh cửa động tiên. Mấy cô bé dẫn tôi đến rồi đứng ở ngoài chờ, vì chỉ có bọn con trai thuộc các ngóc ngách và không sợ ma, mới dám dẫn khách xuống hang. Mấy cậu bé cầm đèn dẫn tôi lò dò từng bước. Hang lạnh và kỳ thú đến ám ảnh bởi bao hình tượng của nhũ đá vôi lóng lánh phản quang mỗi lần ánh đèn chiếu đến. Đó là những chùm ánh xạ màu rất kỳ ảo. Hay là đôi mắt. Hoặc đó là bờ vai và suối tóc của người con gái. Đúng! Dường như tôi ngờ rằng, đó chính là ánh mắt ấm áp và suối tóc dài của Lý Mán Mẩy, của Lý Tao Mẩy hay của Chảo Lở Mẩy vậy...
            Không giữ được cảm xúc tôi chào to mấy tiếng mới học được trước khi đến đây:
            - Pường tọi... ! Pường... tọi...! (Xin chào! Xin chào!)
            Tiếng vọng từ vách hang vọng lại cùng tiếng kêu tí tách của những hạt nước rơi từ trên cao. Một ngọn gió lùa từ khe nào đó trong ngách hang lạnh buốt và rít lên như tiếng khóc của đứa nhỏ. Một cậu bé giải thích đó là tiếng khóc đói sữa của một linh vật bay lên từ một vách xa xôi nào đó, đang chờ tiếng ru của Mẹ từ cõi hư vô, ngàn trùng.
            Đầu tiên, tôi cứ ngỡ đây chỉ là cái hang quen thuộc như mọi nơi tôi đã qua như Tam Thanh, Nhị Thanh ở Lạng Sơn hay như hang Quân Lương ở Thuỷ Nguyên Hải Phòng hoặc kể đến kỳ bí như hang Thác Bờ ở Hoà Bình... Nhưng chả phải, hang Tả Phìn có thần linh trú ngụ, luôn luôn trị vì làm át đi cảm giác lo sợ những điều xấu xa đang ẩn nấp trong cõi trần gian. Và nữa, những con mắt phật trên cao lại sáng lên lấp lánh trên vách hang cùng những âm thanh người vọng lên ngọt ngào...
            Cửa hang Tả Phìn nhỏ thôi, nhưng muốn đi hết hang phải mất cả ngày, vì nhiều lối rẽ và các bậc uốn lượn kéo dài tới chục cây số. Có thể nói đây là hang động dài và tạo cảm giác kỳ lạ nhất, so với các hang động mà tôi đã từng qua. Dường như nó bắt nguồn cho con suối Tả Chảy, ngày đêm uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh, tạo nên vẻ đẹp đầy bí ẩn. Ấy thế rồi chúng tôi phải quay trở lại vì đã đi quá xa. Nếu đi tiếp sẽ không thể quay về vào buổi chiều được. Hình như con suối Tả Chảy vẫn tỏ lời níu kéo trong tôi và đôi mắt nhũ đá kia hẹn ngày khác sẽ gặp lại. Tôi vẫn còn đang ngơ ngẩn tiếc nuối thì văng vẳng đâu đó có tiếng hát vọng xuống. Ánh sáng mặt trời le lói chiếu rọi. Tiếng hát vang lên trong trẻo, mỗi lúc một rõ:
            " Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau. Điều may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên. Và em thấy lòng mình yên ổn..."
            Một cậu bé nhìn tôi rồi nói:
            - Chú nghe thấy không? Mấy cô gái trong thôn hát đó.
            Tôi lắng nghe giọng hát trong vắt như tiếng suối Tả Chảy đang róc rách nơi khe đá. Cả ba cô bé cùng với hai người phụ nữ vẫn đứng đợi và đón tôi. Lúc này, tôi mới càng vỡ lẽ họ thích đi cùng, chẳng phải chỉ để bán hàng, mà muốn tâm sự với tôi những điều gì đó. Khoe những vẻ đẹp nồng nàn của những bông hoa màu đỏ thêu trên ngực, hay như cái độ say lịm của hương vị rượu sâu chít chẳng hạn.
          Khi vừa thấy tôi ló mặt ra khỏi hang, đôi mắt của cô bé Lý Mán Mẩy sáng bừng niềm vui như gặp lại người nhà. Nắng nghiêng nghiêng, long lanh trước đôi mắt trẻ con, tôi lặng người trước một thiên nhiên bất ngờ bừng lên soi tỏ đỉnh núi cao vời. Tôi chợt nhìn lên cao, xa xa đó là một mái nhà thờ cổ, và những cây đào nở sớm hồ hởi một mầu tươi hồng thắm như đôi môi cô gái người Dao. Tôi bần thần đi theo mấy bóng sơn nữ với chiếc khăn đỏ lên con dốc hướng về ngôi nhà thờ cổ. Mây tan hẳn nhưng vẫn để lại một tấm voan mỏng tang ôm trùm lấy thiên nhiên ngan ngát hương hoa.

                                       

Những chén rượu thơm trên đỉnh núi
        Tôi không rõ ngọn núi tên gì, nhưng nhìn thấy vết hoang tàn của tu viện Tả Phìn, đã thấy thèm sự quyến rũ của nó. Sự cô đơn xa vắng hay sự bỏ quên của thời gian đầy khắc nghiệt. May sao, vừa đến tôi có dịp tiếp xúc với cô gái người Dao đầu tiên được đi du học, mới trở về nhà nghỉ đông. Đó là Lý Lở Mẩy, sinh năm 1991, ở Tả Phìn. Để đủ điểm đi học ở thành phố Vancouver, Canada, Lý Lở Mẩy đã phấn đầu không ngừng, với kiến thức và năng khiếu tiếng Anh khá giỏi, vượt điểm chuẩn để nhận học bổng. Chúng tôi đứng bên hiên nhà thờ cổ trò chuyện được dăm ba câu, mới lờ mờ hiểu rằng, cô gái người Dao này sẵn sàng trở về Tả Phìn để gây dựng một sự nghiệp văn hóa du lịch cho bản quê mình. Chính trụ sở Trung tâm cộng đồng rộng 600m2, của xã là do tiền vận động tài trợ của Lý Lở Mẩy mà thành. Lý Lở Mẩy ước sau khi tốt nghiệp trở về sẽ mở những lớp học, đào tạo về cách thức kinh doanh và làm du lịch cho bà con cô bác trong bản. Có được như thế mới nâng cao đời sống của bà con người Dao ở đây thoát nghèo.
           Tôi thấy mọi chuyện trở nên thú vị khi được bay bổng trong giấc mơ có thực của Lý Lở Mẩy. Lãng mạn nhưng đầy hiện thực. Một hình ảnh Dao đỏ sẽ lung linh hơn và say đắm hơn. Tôi chợt giật mình khi một anh chàng người Dao chui ra từ một ô cửa rỗng của tu viện đang cầm trên tay một bình rượu. Anh ta tươi cười, vừa thoát ra khỏi nhóm người đến chụp ảnh cưới bên trong tu viện, rồi vồ vập bắt tay tôi. Thế là tôi đành nâng cùng anh một bát rượu. Tôi đã nghe nói, người Dao đỏ ở đây mến khách lắm, luôn luôn mời rượu. Vào đúng ngày lễ hay cưới xin thì thôi rồi. Không uống không được. Uống từ khi gặp mặt cho tới khi ra về. Say lịm đi mới thôi. Tôi hớp đến bát thứ hai đã thấy lâng lâng trên thảm cỏ xanh chung quanh tu viện. Anh cố ép thế là tôi ngửa cổ làm bát rượu thứ ba. Đôi chân trở nên cồng kềnh mới hay làm sao, cứ như mượn chân của ai đó.
         Xưa đây là nơi các nữ tu sĩ ngủ này. Đây là nhà bếp, nhà kho. Kia là nơi truyền đạo. Anh chàng người Dao kể lể trong cơn say. Một nỗi nhớ lộn xộn vì tu viện còn có phòng ốc nào nữa đâu. Những bờ tường rêu phong hoang phế còn hấp hối thở những lời xưa cũ làm tôi xao xuyến. Lơ mơ, tôi cũng tưởng tượng theo anh. Nghe nói đã có 12 nữ tu sĩ theo dòng Hội thánh Ki tô ở lại và đi truyền đạo khắp vùng. Nhưng rồi tu viện chỉ tồn tại được ba năm, từ 1942 đến 1945. Cách mạng tháng Tám thành công thế là mọi người bỏ đi. Nhà thờ bị tàn phá theo thời gian. Chung quanh tu viện chỉ còn lại hàng cây hoa đào mốc rêu nở hoa hàng năm chờ đón du khách lên dạo chơi. Và khi anh chàng người Dao kia lẩn khuất đâu mất không biết nữa, chỉ còn lại tôi và những tiếng cười của cô dâu đang làm sáng bừng không gian bấy lâu ảm đạm muộn phiền trên lưng núi.

                                               

Đôi mắt Tả Phìn
         Tôi đang đi chậm từng bước xuống núi, bởi cơn nồng nàn của rượu, bỗng có tiếng chào của một cô bé. Thì ra cô bé Lý Mán Mẩy vẫn đang chờ tôi. Đôi mắt 15 ấy mở to hiền lành như đợi tôi mua một chiếc thắt lưng thêu hoa văn hình thoi xinh xắn. Tôi đã hứa mua sau khi lên nhà thờ trở về bản. Lý Mán Mẩy hỏi, hình như chú đã uống rượu Tả Phìn. Tôi gật đầu. Cô bé nói, vậy chú không thể về Sa Pa được rồi, vì rượu Tả Phìn lạ lắm. Nó làm người ta say không muốn chia xa người trong bản. Thôi chú về nhà trung tâm văn hóa nghỉ cho rã rượu. Tôi cố đi trong con sóng dập dờn dưới chân. Nắng nhuộm vàng sườn núi. Đôi mắt cô bé long lanh hay nắng Tả Phìn mênh mang. Men rượu còn đọng lại trong tâm hồn tôi. Cứ mê đi. Cứ mộng mị với đôi mắt to tròn trong veo.