Trong bài viết “Biến nghịch lý thành chân lý” trên tạp chí Hồn Việt, phần đề cập tới cuốn Trần
Dần – Thơ, Bích Châu đã “phang” ngay mà không cần rào đón. Rằng: “Còn quyển Trần
Dần – Thơ thì có lẽ không cần phải bình luận chi nhiều. Bởi chính những
con chữ trong tập thơ đã nói lên hết. Ai là người có thể đọc và hiểu những câu
thơ thế này? Ai là người có thể ngấm sâu ý tưởng triết lý trong từng cái gọi là Biến
tấu chữ, biến tấu âm. Ôi là những Thằng thịt, Con trắng, Kể kệ, Jờ Joạch,
Sổ bụi… nhảy tung tóe như một kiểu đánh đố người đọc…”. (hết trích). Đấy là
toàn bộ “lý luận” mà Bích Châu đã dùng để bình phẩm, phê phán một tuyển tập
thơ, một “công trình khoa học” văn chương - kho ngôn ngữ sáng tạo đầy bí ẩn mà
đến giờ còn chưa thể giải mã hết, như Trần Dần - Thơ. Hay nói cách khác,
ngay từ bước đi đầu tiên để xác lập thế đứng trong tranh luận, Bích Châu đã tự
bịt luôn lối đi của mình bởi thói quen quy chụp, độc quyền chân lý. Chỉ cần đứng
một góc sân là có thể bỏ túi cả thiên hà ! Có thứ tranh luận gì mà mở màn lại
chụp luôn “không cần phải bình luận chi nhiều”?!. Việc xé lẻ, cắt trích vài khổ
thơ ra khỏi toàn bộ chỉnh thể của tập thơ đồ sộ để phán xét, lên án là không thể
chấp nhận.
ỤP MŨ LÊN TRẦN
DẦN – THƠ
TRẦN TUẤN
Tạp chí Hồn Việt (số 87, tháng 11/2014) vừa
cho đăng bài “Biến nghịch lý thành chân lý?!” của tác giả Bích Châu. Liên quan
đến cuốn “Đà Linh – Trí thức dấn thân” (NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam vừa ra mắt
nhân một năm ngày giỗ của nhà văn Đà Linh), bài viết của Bích Châu không chỉ
báng bổ người đã khuất, mà đặc biệt còn giễu cợt, sổ toẹt giá trị một loạt tác
phẩm của các nhà văn danh tiếng mà nhà văn Đà Linh làm “bà đỡ” với tư cách Tổng
biên tập NXB Đà Nẵng một thời.
Vì liên quan không chỉ đến hương hồn cố nhà văn Đà
Linh, mà còn vì một nhân vật thậm tôn kính nữa cũng đang tiêu diêu Cõi khác, là
Thi sĩ Trần Dần, tôi buộc phải có mấy lời thưa cùng ông/bà Bích Châu – người ký
tên dưới bài viết “Biến nghịch lý thành chân lý” (tạp chí Hồn Việt, TP HCM, số
tháng 11/2014).
Trong bài viết trên, phần đề cập tới cuốn Trần
Dần – Thơ, Bích Châu đã “phang” ngay mà không cần rào đón. Rằng: “Còn quyển Trần
Dần – Thơ thì có lẽ không cần phải bình luận chi nhiều. Bởi chính những
con chữ trong tập thơ đã nói lên hết. Ai là người có thể đọc và hiểu những câu
thơ thế này? Ai là người có thể ngấm sâu ý tưởng triết lý trong từng cái gọi là Biến
tấu chữ, biến tấu âm. Ôi là những Thằng thịt, Con trắng, Kể kệ, Jờ Joạch,
Sổ bụi… nhảy tung tóe như một kiểu đánh đố người đọc…”. (hết trích). Đấy là
toàn bộ “lý luận” mà Bích Châu đã dùng để bình phẩm, phê phán một tuyển tập
thơ, một “công trình khoa học” văn chương - kho ngôn ngữ sáng tạo đầy bí ẩn mà
đến giờ còn chưa thể giải mã hết, như Trần Dần - Thơ. Hay nói cách khác,
ngay từ bước đi đầu tiên để xác lập thế đứng trong tranh luận, Bích Châu đã tự
bịt luôn lối đi của mình bởi thói quen quy chụp, độc quyền chân lý. Chỉ cần đứng
một góc sân là có thể bỏ túi cả thiên hà ! Có thứ tranh luận gì mà mở màn lại
chụp luôn “không cần phải bình luận chi nhiều”?!. Việc xé lẻ, cắt trích vài khổ
thơ ra khỏi toàn bộ chỉnh thể của tập thơ đồ sộ để phán xét, lên án là không thể
chấp nhận.
Và nữa, trong cảm thụ nghệ thuật, Bích Châu chỉ có
thể đại diện cho chính mình với tư cách một độc giả, chứ làm gì có được quyền
như kiểu “đại cử tri” để phán xét thay cho người khác? Không lẽ đến nay vẫn còn
cơ chế “ngắm trăng tập thể” ? Khi dùng một phán đoán hoàn toàn mang tính võ
đoán, rằng “ai là người có thể đọc và hiểu những câu thơ thế này?”, để rồi
nhanh chóng tự kết luận vấn đề, cho thấy rõ một sự hồ đồ. Đúng hơn đó là một thứ
định kiến thâm căn cố đế trong nhận thức và cảm thụ nghệ thuật. Cứ gì có vẻ
trái với “hương đồng gió nội”, không phải “trong đầm gì đẹp bằng sen”…, là
không chấp nhận được (?).
Bích Châu “ngửa mặt than dài không biết tự khi nào
nghịch lý biến thành chân lý”, nhưng chính mình lại sổ toẹt sự thật khách quan.
Với hầu hết những tác phẩm được nhà văn Đà Linh cho xuất bản, là nghịch lý hay
chân lý, chỉ có thời gian và bạn đọc trả lời. Sẽ chỉ không bao giờ có thứ “chân
lý” riêng trong tay một người hay một nhóm người, hòng định đoạt sinh mạng tác
phẩm và sinh mệnh chính trị/đời sống của những người đã sinh ra nó. Đồng thời
ngang nhiên tước đoạt của bạn đọc quyền tự do thẩm nhận văn chương nghệ thuật
theo cách của mình.
Với trường hợp Trần Dần, bạn đọc biết ơn cái nhìn trầm
tĩnh, thấu đáo của nhà thơ Bằng Việt. Từ tháng 8/2007, với tư cách Chủ tịch Hội
Liên hiệp VHNT Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam liền
2 khóa), ông đã gửi cho NXB Đà Nẵng “Lời nhận xét tuyển thơ Trần Dần”, góp phần
thúc đẩy việc lần đầu tiên đem đến cho bạn đọc một cách đầy đủ di sản thơ Trần
Dần. Ông viết: “Mặc dù tất cả mọi tìm tòi của ông (Trần Dần) không phải bao giờ
cũng đến đích (như ông tự đánh giá trong “Các cấu trúc”), nhưng chúng ta ghi nhận
sự dũng cảm không mệt mỏi của ông khi luôn luôn dám vượt lên mình và tự phủ định
mình để tạo dựng ra một cách viết khác, một đỉnh cao khác cho Thơ. Và điều đáng
ghi nhận là ông không tìm kiếm bằng cảm quan mò mẫm, cái tìm tòi của ông trong
Thơ là cái tìm tòi của một người có học, chịu đọc, chịu rút kinh nghiệm trong
cuộc đời kinh lịch và từng trải của mình. Đó cũng là bài học cho các nhà thơ trẻ
khi dám dấn thân bước phiêu lưu vào sự tìm tòi bất tận đối với Thơ – một thế giới
cực kỳ phức tạp và rối rắm, cực kỳ đa dạng và trừu tượng bên cạnh những điều tưởng
như cực kỳ dễ cảm, dễ nhận một cách đơn giản... Thực sự, tập Tuyển này cho ta một
chân dung tinh thần khá đầy đủ mà lâu nay vẫn còn ẩn kín của nhà thơ Trần Dần”.
Tương tự, cố Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cũng có “Lời
giám định tập bản thảo Trần Dần – Thơ, khi tác phẩm đang còn là bản thảo: “Tập
bản thảo này tập hợp khá đầy đủ những áng văn hiển lộ thi tài của Trần Dần.
Nhưng không chỉ có vậy. Tập bản thảo còn trình bày nhiều cứ liệu để độc giả và
những nhà nghiên cứu từ đó tiếp tục tranh cãi với Trần Dần, về Trần Dần, về những
vấn đề hết sức cập nhật của Nghệ thuật Hiện đại được ông nêu lên bức xúc, ráo
riết và ở một bình diện lý thuyết khá cao: chữ và nghĩa, thơ và đạo, Bên này và
Bên kia… .
Như vậy cuộc “tranh cãi” về thơ Trần Dần hẳn nhiên
còn, và còn phải tiếp tục. Tuy nhiên, đó phải là “tranh cãi” lành mạnh, có lý
luận khoa học và sự tôn trọng cần thiết, đúng với quy luật tiếp nhận các giá trị
sáng tạo nghệ thuật. Chứ không phải cái cách ụp mũ, bịt mồm như Bích Châu vừa
làm.
Cũng cần nói thêm với Bích Châu, rằng lịch sử từng
chứng minh có rất nhiều thứ nghịch lý đã trở thành chân lý.
Lời
giám định tập bản thảo Trần Dần, Thơ
Hà Nội, ngày 19/8/2007
Kính
gửi ông giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng
Ông
Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng
Trần Dần đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước. Trần
Dần đã được chiêu tuyết. Tuy nhiên chiêu tuyết bằng sự truy tặng giải thưởng vẫn
là một sự chiêu tuyết bằng biện pháp hành chánh (tôi vẫn nhìn nhận cách chiêu
tuyết này là hết sức cần thiết). Nhà văn trước hết phải được chiêu tuyết bằng
tác phẩm. Tôi xem việc xuất bản Trần Dần, Thơ mới thực sự là
chiêu tuyết cho Trần Dần, là sự bổ sung cơ bản cho sự chiêu tuyết bằng truy tặng
giải thưởng. Một thời gian dài Trần Dần bị lên án, mạ lỵ bằng những “câu nói”
được tách ra khỏi văn cảnh, những câu thơ bị giải thích một cách tùy tiện, bị cắt
xén, rút tỉa, lìa khỏi đoạn thơ, bài thơ. Với tập bản thảo này, những câu nói,
câu thơ vẫn được “trích dẫn” được trả lại đúng tinh thần và ý nghĩa của chúng.
Với tập bản thảo này, văn học cách mạng Việt Nam được trả lại một nhà văn mà
tài năng và khí phách xứng đáng với nó và công chúng văn học Việt Nam được trả
lại hình ảnh một tác giả kỳ khôi xứng đáng với sự quý mến của họ.
Tập bản thảo này tập hợp khá đầy đủ những áng văn hiển
lộ thi tài của Trần Dần. Nhưng không chỉ có vậy. Tập bản thảo còn trình bày nhiều
cứ liệu để độc giả và những nhà nghiên cứu từ đó tiếp tục tranh cãi với Trần Dần,
về Trần Dần, về những vấn đề hết sức cập nhật của Nghệ thuật Hiện đại được ông
nêu lên bức xúc, ráo riết và ở một bình diện lý thuyết khá cao: chữ và nghĩa,
thơ và đạo, Bên này và Bên kia…
Tôi mong rằng những ý kiến thẩm định của tôi được
hai ông chia sẻ trong khi xem xét việc xuất bản tập Trần Dần, Thơ, bổ
sung cho sự chiêu tuyết của nhà nước bằng biện pháp truy tặng giải thưởng…
Kính
HOÀNG NGỌC HIẾN