Tác phẩm văn học, đặc biệt tiểu thuyết mang dáng
dấp hậu hiện đại là một mê cung những nhân vật, sự kiện, biểu tượng, ý nghĩa.
Đi vào mỗi tác phẩm mỗi người có cách tiếp cận riêng biệt, khác nhau. Người thì
để ý vào các sự kiện diễn ra trong tác phẩm, cách thắt mở các tình huống của
tác giả. Người để ý những câu văn, đoạn văn hay, tầng nghĩa bề mặt và ngoài bề
mặt mà tác giả nói đến. Người lại để ý cách xây dựng nhân vật, từ ngoại hình
đến tính cách nội tâm. Mỗi người tự tìm cho mình lối đi riêng trong tác phẩm,
mỗi người tự tìm lấy sợi chỉ đỏ và thoát ra khỏi mê cung. “Tưởng
tượng & Dấu vết” là
một cuốn sách không dễ đọc. Song bản thân tôi thích sự không dễ đọc ấy, tôi có
thể lật đi lật lại từ trang trước qua trang sau để tìm đầu mối cho câu trả lời
của mình. Tiểu thuyết là một sự giải đố mà người đọc bắt buộc phải cùng đi với
nhân vật để tìm câu trả lời.
Đi tìm nhân vật đã mất
ĐINH PHƯƠNG
Tác phẩm văn học, đặc biệt tiểu thuyết
mang dáng dấp hậu hiện đại là một mê cung những nhân vật, sự kiện, biểu tượng,
ý nghĩa. Đi vào mỗi tác phẩm mỗi người có cách tiếp cận riêng biệt, khác nhau.
Người thì để ý vào các sự kiện diễn ra trong tác phẩm, cách thắt mở các tình
huống của tác giả. Người để ý những câu văn, đoạn văn hay, tầng nghĩa bề mặt và
ngoài bề mặt mà tác giả nói đến. Người lại để ý cách xây dựng nhân vật, từ
ngoại hình đến tính cách nội tâm. Mỗi người tự tìm cho mình lối đi riêng trong
tác phẩm, mỗi người tự tìm lấy sợi chỉ đỏ và thoát ra khỏi mê cung.
Lần đầu tiên đọc “Tưởng
tượng & Dấu vết” của
Uông Triều, tôi đã không tìm
cho mình được một cái gì để bám vào. Con thuyền cứ dần dần dời xa, tôi là người
bị bỏ lại trên đảo hoang của sự bất lực, khó hiểu. Nhưng phàm cái gì mình đã
không thể hiểu, không thể có lại càng muốn hiểu, càng muốn có. Lần thứ hai đọc tác
phẩm, tôi đã cố bỏ qua những
thứ được thêu dệt lên bởi trí tưởng tượng của nhân vật Tôi. Nhưng làm được điều đó gần như là điều không
thể. Mọi thứ trong tác phẩm, từ cấu trúc đến ngôn ngữ của nó dựa hoàn toàn vào
trí tưởng tượng, trí nhớ của nhân vật tôi. Một anh chàng bị liệt hai chân, bị
ám ảnh nặng nề bởi tình dục, suốt ngày ngồi một chỗ, ngắm nhìn mọi người qua
khung cửa sổ có quá nhiều thứ để nghĩ tới. Thêm nữa, anh ta lại là người thích
đọc sách. Sách mở trong anh ta những phương trời mà không ai có thể đặt chân
tới ngoài anh ta. Tôi đã dựa theo chủ ý của mình để hiểu tác phẩm bằng cách dựa trên cách phân chia những lớp nhân vật.
Điều này cho phép một cái
nhìn toàn diện hơn về tác phẩm.
Lớp nhân vật có thật
Lớp
nhân vật này là lớp nhân vật hoàn toàn có thật trong tác phẩm. Người ta tìm
được bằng chứng cụ thể, đáng tin cậy là họ có tồn tại và có mối liên hệ trực
tiếp với nhân vật Tôi, người
kể truyện,
Đầu
tiên là nhân vật Tôi. Một nhân vật bị liệt hai chân sau một
tai nạn, suốt ngày ngồi một chỗ đọc sách. Nhưng cái đáng nhớ của nhân vật này
là anh ta có cái nhìn huyễn hoặc về mọi thứ. Điều này sẽ góp phần tạo nên lớp
nhân vật thứ hai là nhân vật không có thật. Nhân vật Tôi ở đây khác với Thiên sứ của Phạm Thị Hoài nhìn mọi thứ từ vị trí của một đứa trẻ
mười bốn tuổi. Nhân vật Tôi
của Uông Triều nhìn mọi thứ theo ý nghĩ của sự tan vỡ. Mọi thứ trong nhân vật
này xuất hiện không đều, không giống nhau và có sự đảo ngược lẫn lộn của quá
khứ và thực tại, sách vở và thực tại, kì ảo và thực tại có thật. Như đoạn trong cuốn
sách 65 người đàn ông bắt được người đàn bà ngoại tình với cây thì liền sau đó
ta thấy nhân vật Tôi hỏi
bố khi thấy miệng, mũi bố dính máu:
“...
- Bố vừa đánh nhau à.
-
Không phải, bố bắt được mẹ con ngoại tình... ”
Hay đoạn nối tiếp từ cuốn sách thứ 63 nối
tiếp từ đoạn nhân vật thằng bé sợ hãi mùi phân người đến đoạn nhân vật Tôi thấy mùi khai, sờ vào quần thì vẫn khô
ráo. Liệu đâu là nhân vật Tôi,
đâu là thằng bé. Nếu kiểu chữ không được in nghiêng ta không thể nào phân biệt
được đó là cuốn sách nhân vật Tôi đang đọc hay là truyện thật của nhân vật kể ra.
Sự nối tiếp của thực tại và hư ảo hay nói
cách khác trong tác phẩm không hề có sự liền mạch nào cả. Ngay những ẩn ức tình
dục cũng được nhân vật Tôi
thể hiện hết sức sống động, không hề né tránh. Tình dục là một phần làm nên tác
phẩm. Người ta dùng tình dục như một thứ chìa khóa để mở thông sang thế giới
khác. Tình dục trong tác phẩm hoàn toàn không mang tính gợi dục mà chi đơn giản
là một thứ bắt buộc phải có, cần phải có. Nếu không có nó nhân vật Tôi sẽ trơ khấc giữa cuộc sống buồn tẻ đang diễn ra mà không có quyền tham
dự vào. Việc làm tình trong mơ là một hành động đến theo bản năng, diễn ra
không phụ thuộc lí trí thông thường.
Đỉnh điểm của sự phi lí hòa với thực tế là
khi nhân vật Tôi mọc cỏ phía
sau gáy, cắt lại mọc, cắt lại mọc. Có một con người thứ hai trong người nhân
vật Tôi. Con người thứ hai
này là con quái thú về đêm. Con quái thú bước chân ra khỏi trang sách của nhân
vật Tôi, hòa làm một, cỏ là
dấu hiệu bắt đầu của sự biến hóa, thay đổi. Để rồi đến cuối truyện khi câu nói.
Từ hôm nay anh sẽ là quái thú nhưng sống
một cuộc đời thực thì người đọc không còn phân biệt được đâu là quái thú và
đâu là người nữa. Sự phi lý đã trở thành bình thường, được chấp nhận.
Nhân vật thứ hai là người bố, cũng là một người phụ thuộc tính dục, nhưng tính dục ở
đây là tính dục thuần túy. Nhân vật Tôi bằng thính giác nhạy bén đã phát hiện ra khi ông bố đi qua mình. Gia
đình này là một gia đình đại diện cho sự tan vỡ đến từ bên trong chính mỗi
người. Họ gắn với nhau không phải bởi trách nhiệm, tình thương mà là bằng sự
níu kết đã được định sẵn từ trước đó. Người mẹ biết chồng mình ngoại tình cũng
không có ý kiến gì. Bà cũng có những mối bận tâm riêng cho cuộc sống của mình. Nhân vật Tôi là người cuối cùng níu giữ mối quan hệ mỏng
manh trong gia đình. Cái kết thúc nơi vết thương người bố là kết thúc cho cái
bi kịch nho nhỏ nơi mỗi người giữ một mảnh trong gia đình.
“
... Không bác sĩ nào có thể chữa lành được, mỉa mai trong cái nhếch mép,nếu con
bị một vết thương như thế này con cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện đi đến chỗ
bác sĩ đâu. Nỗi ô nhục này không nên trưng bày... ”
Cái nỗi nhục khi biết vợ mình ngoại tình
với cái cây trong rừng
kéo theo những mối quan hệ gia đình
xuống đáy vực thẳm. Ta không thấy những mâu thuẫn gia đình được thể hiện trực
tiếp bằng hành động, lời nói. Thay vào đó tất cả diễn ra trong một thế giới
khác, thế giới siêu thực và cổ tích. Ở nơi đó hành động cũng gây đau như xảy ra
ở trong thế giới thực, có phần gây ra những hậu quả khôn lường, khó lành hơn.
Tác giả đã xóa nhòa gianh giới thực, ảo.
Người đọc khó phân biệt đâu là điều xảy ra trong đầu nhân vật Tôi, trên thực tế, trong trang sách đang
đọc hay trong những giấc mơ, ảo giác. Như nhân vật thứ ba, người mẹ, ta không biết bà có ngoại tình hay không? Nếu ngoại tình
thì chẳng lẽ ngoại tình cùng cây cổ thụ. Tác giả đặt ra những câu hỏi, giả
thuyết và người đọc tự đi tìm lấy câu trả lời riêng cho mình. Ngay nhân vật có thật trong truyện cũng được
đưa vào những tình huống không thật. Mọi mâu thuẫn hầu như đã giải quyết xong
hết trong sự không tưởng. Cuộc sống gia đình của nhân vật Tôi vì thế mà khá buồn tẻ, chán nản.
Nhân vật thứ tư có thật là bà bán nước nơi gốc đa. Bà không được
tác giả nói đến nhiều. Bà chỉ thỉnh thoảng đưa đến cho nhân vật Tôi cái bánh, chai nước. Ngoài ra bà còn có
một mối quan hệ nào đó với ông già luôn luôn khoác chiếc ba lô bí ẩn sau lưng.
Bóng dáng cuộc chiến tranh của đất nước lởn vởn trong những đoán định không
ngừng, bí ẩn xoay vần. Để khi gấp sách lại ta vẫn còn nhiều câu hỏi bao vây
không sao dứt ra được.
Cùng với đó là hai nhân vật cô giáo và anh chàng công nhân sửa đường là nhân vật phụ
góp phần tô điểm cho suy tưởng của nhân vật chính.
Lớp nhân vật không có thật.
Tưởng nhiều nhưng lớp nhân vật này trong
tác phẩm hoàn toàn không có nhiều. Để liệt kê ra những nhân vật nào không có
thật, nhân vật nào có thật xét cho cùng cũng chỉ dựa trên những tiêu chí mà
riêng tôi đưa ra.
Cô
gái điếm vẫn đến với nhân
vật Tôi là một nhân vật không
có thật. Cô tồn tại bắt đầu từ ẩn ức tình dục của nhân vật Tôi. Những ẩn ức không được giải tỏa trong
thời gian ngồi một chỗ đã biến thành một con người cụ thể. Cô đến với nhân vật Tôi, giúp nhân vật Tôi giải tỏa ẩn ức sâu kín trong lòng khi không
chia xẻ được với ai, đi từ việc làm tình trong trí tưởng tượng
đến ngoài đời thực.
Thêm nữa cô còn là phần trong trắng được
giữ lại của nhân vật Tôi.
Nhân vật Tôi ngắm cô khi cô
không mặc gì. Sự bất lực trước cái đẹp nhường chỗ cho những ý nghĩ thuần khiết nhất. Khi con
người ta không còn ham muốn là lúc họ trở lại làm một đứa trẻ con không vẩn
đục.
Ngoài nhân vật Tôi ra không ai biết đến sự có mặt của cô trên thế
giới này. Cô sinh ra từ quyển sách thứ 32, quyển sách nói về một cô gái điếm,
quyển sách nói về một anh chàng ngồi xe lăn. Cô đưa cho nhân vật tôi dãy số
688211, một mật mã đưa nhân vật Tôi đi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác. Mọi liên tưởng của sách vở, các
cuốn sách được đánh số đều đưa đến nhân vật Tôi dù gián tiếp hay trực tiếp. Ở đây nhân vật Tôi dường như không đọc sách mà đọc chính
trí tưởng tượng của mình đã được đánh số thứ tự.
Ông
già khoác ba lô, đến từ
cuốn sách thứ 49, cuối cùng lão chết đứng, nước sông ngập đầu nhưng bụng khô
khốc. Lão có mối quan hệ quá khứ với bà già bán nước, ta có thể tin họ từng yêu
nhau. Lão đã trải qua chiến tranh, giết nhiều người. Lão là một con quái thú
trong chiến tranh khi người ta không thể giết lão. Nhưng khi trở về thời bình
thì sao, lão lại là chính nạn nhân của lão, những vết thương năm xưa nay hành
hạ lão. Nhân vật Tôi đến với
lão bởi cả hai đều có chung sự day dứt với quá khứ. Quá khứ biến hiện tại của
họ trở nên khác thường, huyền ảo. Ông lão có cùng chung khoảng quá khứ nào đó
với bà lão bán nước. Còn nhân vật Tôi là chung với Miên.
Còn trong chiếc ba lô của lão là gì? Người
đọc cứ không ngừng đoán định, kết thúc tác phẩm vẫn là đoán định. Chiếc ba lô
ấy có phải là quá khứ?
Người mà lão già dẫn đến với nhân vật tôi
là một cô gái câm (không nói) mang tính cứu rỗi. Cô gái câm ngày ngày đến
thường mang theo hoa quả, nghe nhân vật Tôi nói chuyện và chạm lên người cô. Từ đầu đến cuối nhân vật Tôi vẫn nghĩ cô là em gái của Miên. Cô gái
câm là một dạng hiện thân của nữ thần khi trong tác phẩm có quá nhiều những ác
quỷ nửa người. Khi ở bên cô gái này nhân vật Tôi không hề có bất cứ ý nghĩ nào về tình dục.
Chiếc chìa khóa đi vào bên trong nhân vật này chính là quá khứ.
Lớp nhân vật không có thật còn kể đến cây
cổ thụ, người tình của mẹ, kẻ thù của bố nhân vật Tôi.
Lớp nhân vật nửa thật, nửa ảo.
Lớp nhân vật này mang trong mình những yếu
tố ma quái lẫn những yếu tố đời thường.
Đầu tiên là hồ ly, người tình của bố. Nhân vật này chỉ xuất hiện một lần trong
tác phẩm khi đến đưa cho nhân vật Tôi chiếc áo lót phụ nữ màu xanh cỡ nhỏ. Mà mãi tận sau của tiểu thuyết ta
mới biết đó là của cô gái câm. Sự ít xuất hiện của nhân vật không phải nhân vật
không có vị trí quan trọng trong tác phẩm mà ngược lại. Sự phi lí của các tình
huống khiến câu truyện mang màu sắc liêu trai. Bố thì ngoại tình với hồ ly, mẹ
ngoại tình với cây, con làm tình trong mơ. Mà biết đâu đấy cô gái câm kia không
phải là một sự biến hóa khác của cô gái hồ ly? Đọc Tưởng tượng & Dấu vết là đọc để tìm ra những hoài nghi mà không
thể nào có câu trả lời thảo đáng được.
Nhân vật thứ hai nửa thực nửa ảo là Miên,
người bạn thời thơ ấu của nhân vật tôi. Từ đầu đến cuối tiểu thuyết nhân vật
Miên hầu hết chỉ xuất hiện trong trí nhớ của nhân vật tôi. Cô là người đồng ý
bị treo ngược tóc lên cành cây để lấy cảm hứng viết văn cho người bạn. Là người
lấy về cho Phiên những viên pha lê đẹp. Là người cho Phiên những ấn tượng đầu
tiên về mặt tình dục. Miên tuy không xuất hiện trực tiếp song là sợi chỉ xuyên
suốt mọi hành vi, cố gắng của nhân vật tôi. Anh bắt đầu viết văn trở lại là nhờ
những thúc giục, cảm xúc còn sót lại từ thời thơ ấu. Lần trò truyện trực tiếp
duy nhất, cuối cùng của họ là lần Miên trở lại lấy những viên đá pha lê và ra
đi mãi mãi.
Miên đại diện cho quá khứ ám ảnh mà nhân
vật Tôi không thể nào dứt ra
được. Ngày ngày, tháng tháng nhân vật tôi sống trong dằn vặt quá khứ. Mỗi người
con gái đi qua đời anh đều được so sánh với Miên. Họ là bản sao của Miên, là sự
thúc giục gián tiếp trên từng trang viết khi gợi nhớ tới Miên.
Trong cái quá khứ ấy có em gái Miên. Một
nhân vật theo nghĩa nào đó chỉ là một điểm mốc đánh dấu sự trưởng thành của
Phiên và Miên. Cái mốc buộc họ không trở thành người lớn để bước vào thế giới
thật.
Tôi thuộc quá khứ hay quá khứ thuộc tôi?
Mọi thứ diễn ra trong tác phẩm là bình thường hay phi thường? Câu trả lời nhận
được là nhân vật Tôi trong
tác phẩm đã xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ với hiện tại, thực với ảo, biến mọi
cái không bình thường thành cái bình thường, sự phi lí là thứ hiển nhiên được
chấp nhận.
“Tưởng tượng & Dấu vết” là một cuốn sách không dễ đọc. Song bản
thân tôi thích sự không dễ đọc ấy, tôi có thể lật đi lật lại từ trang trước qua
trang sau để tìm đầu mối cho câu trả lời của mình. Tiểu thuyết là một sự giải
đố mà người đọc bắt buộc phải cùng đi với nhân vật để tìm câu trả lời. Tôi,
người đọc đã cố đi tìm trong mê cung mảnh ghép nhiều chiều của nhân vật những
câu trả lời cho riêng mình. Câu trả lời ấy có thể đúng, có thể sai nhưng câu
trả lời ấy là của riêng một mình tôi.