Bằng tất cả thiện chí, thử hỏi Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội có mời được nhân vật điện ảnh lừng lẫy nào không? Chắc chắn không thể, vì ngân sách chỉ đủ lo chi phí đi lại và ăn ở cho khách mời phổ thông. Để một tên tuổi lớn xuất hiện bao giờ cũng kèm theo một hợp đồng tài chính. Ngân sách không thể đặc cách bỏ ra vài trăm ngàn USD cho một siêu sao Hollywood hay một đạo diễn hàng đầu châu Á. Khi và chỉ khi tư nhân làm liên hoan phim, họ mới biết cách kêu gọi tài trợ và quảng cáo để có kinh phí để làm điều ấy, nhằm tạo uy tín cho liên hoan và gây hứng thú cho công chúng! Một liên hoan phim chỉ cần có Angelina Jolie hoặc Trương Nghệ Mưu tham dự, thì đẳng cấp sẽ khác hẳn.






BAO GIỜ CÓ LIÊN HOAN PHIM TƯ NHÂN?

LÊ THIẾU NHƠN

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội với khẩu hiệu “Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững” diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27-11, thu hút 130 phim từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau ba lần tổ chức, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội ngày càng phát triển về mặt qui mô. Tuy nhiên, giữa “lượng” và “chất” vẫn còn nhiều điều đáng băn khoăn!

Một liên hoan phim, dù đề ra tiêu chí gì, hay dù áp dụng những hình thức gì, cũng không nằm ngoài hai mục đích: kích cầu khán giả và giao dịch tác phẩm. Ở một đô thị lớn, vé mời phát miễn phí thì không khó để tạo nên cảnh tượng người xem nhộn nhịp. Còn chuyện mua bán và hợp tác làm phim thì tùy thuộc vào tầm vóc của ngành điện ảnh chủ nhà trên thị trường phim thế giới. Điện ảnh VN vẫn nằm ở mức bán chuyên nghiệp, do đó bất kỳ hy vọng gì về chuyển biến thương mại tích cực từ một liên hoan phim cũng đều mang tính may rủi.

Điện ảnh muốn hội nhập sâu rộng với thiên hạ thì phải đi theo quỹ đạo chung. Hiện nay hầu hết những liên hoan phim uy tín toàn cầu đều do các hiệp hội nghề nghiệp đăng cai. Nghĩa là không còn quốc gia nào mặn mà với chuyện dùng ngân sách để tổ chức liên hoan phim. Công cuộc xã hội hóa điện ảnh ở nước ta đã tiến hành nhiều năm, không ít bộ phim do tư nhân đầu tư đã có thu hoạch mỹ mãn, nhưng lại chưa có liên hoan phim do tư nhân đứng ra thực hiện.

                                            


Vì sao cần hạn chế dùng tiền nộp thuế của người dân để làm liên hoan phim? Vì điện ảnh đã được xem như một ngành công nghiệp giải trí. Liên hoan phim là một hoạt động tiêu biểu của ngành công nghiệp giải trí, chứ không còn gói gọn trong những nghi lễ ngoại giao văn hóa. Muốn trở thành một sự kiện được dư luận quan tâm, mỗi liên hoan phim phải giải quyết được bài toán kinh tế một cách căn cơ và linh hoạt. Liên hoan phim sử dụng ngân sách thì không thể đáp ứng những đòi hỏi hợp lý để có được những điểm nhấn ấn tượng.

Bằng tất cả thiện chí, thử hỏi Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội có mời được nhân vật điện ảnh lừng lẫy nào không? Chắc chắn không thể, vì ngân sách chỉ đủ lo chi phí đi lại và ăn ở cho khách mời phổ thông. Để một tên tuổi lớn xuất hiện bao giờ cũng kèm theo một hợp đồng tài chính. Ngân sách không thể đặc cách bỏ ra vài trăm ngàn USD cho một siêu sao Hollywood hay một đạo diễn hàng đầu châu Á. Khi và chỉ khi tư nhân làm liên hoan phim, họ mới biết cách kêu gọi tài trợ và quảng cáo để có kinh phí để làm điều ấy, nhằm tạo uy tín cho liên hoan và gây hứng thú cho công chúng! Một liên hoan phim chỉ cần có Angelina Jolie hoặc Trương Nghệ Mưu tham dự, thì đẳng cấp sẽ khác hẳn.

Sự kiện văn hóa luôn cần sức hút của thần tượng. Mấy trăm diễn viên tầm tầm không thể so với một gương mặt xuất sắc. Một công ty sách tư nhân tại TPHCM đã từng mời được diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng đóng vai Tôn Ngộ Không trong phim “Tây du ký” sang Việt Nam, đó chính là dẫn chứng thuyết phục nhất!