Những ngày trên giường bệnh, chị Bùi Kim Anh không
làm thơ. Hỏi chị vì sao, chị bảo: thời điểm tai họa của chồng, của con xảy đến,
mình lại thường hay viết. Vì khi đó, để có thể tiếp tục chèo chống, mình xem
thơ như một người bạn, một tri kỷ để tâm sự, sẻ chia. Tất nhiên những
bài thơ không thể vui. Là những bài thơ buồn, thậm chí nặng nề, ám ảnh nữa.
Nhưng nó vẫn là người bạn tâm tình, là nơi trút bỏ. Song, đến hoạn nạn của mình
thì mình không muốn viết, và không muốn nỗi buồn ở cạnh nữa. Mình phải chấp nhận,
lạc quan, để những người thân còn dựa vào.
BÙI KIM ANH YÊU CHO TRỌN KIẾP NGƯỜI
BÌNH NGUYÊN TRANG
Mỗi chúng ta có thể nói gì nhiều về hai từ số phận.
Phải chăng, những gì ta nếm trải trên đời, là con đường ta buộc phải đi qua,
khi đã hân hoan nhận kiếp làm người. Ta cam chịu, chấp nhận hay dỡ bỏ, chống lại
nó. Thật khó để trả lời. Nhưng với chị, nhà thơ Bùi Kim Anh, câu trả lời dường
như rất rõ. Rằng, hãy chấp nhận và đi qua những thử thách, thác ghềnh, để dẫu
thế nào, yêu thương còn ở lại. Như câu thơ chị viết: “Yêu đi cho trọn kiếp
người/ Kẻo mai thác lại tiếc đời buồn tênh…”.
Đến nhà gặp chị, phải lúc chị đang đợi xe ôm đón để
vào bệnh viện. Sức khỏe không tốt khiến chị cứ phải đi đi về về kiểm tra định kỳ.
Cái thứ bệnh có tên là “tự miễn” oái oăm không có hướng điều trị rõ ràng, phải
loay hoay thuốc thang theo nhiều cách. Vừa Tây y vừa kết hợp Đông y. Chị lặn lội
vào tận Huế, đến gặp một lương y - nhà sư, trụ trì một ngôi chùa để xin thuốc.
Chị kể, từ trước tới nay chị ít đi chùa, phần
vì không có điều kiện thời gian, phần vì chị quan niệm chữ tu là ở trong tâm
mình. Bạn bè khuyên chị ngồi thiền, chị bảo, giữ lòng cho tĩnh là thiền rồi. Nếu
quan niệm thiền là quay lưng với đời thường, thường nhật, thì chị không làm được.
Vì chị còn gia đình, con cháu, với bao nhiêu công việc đang chờ. Cả đời chị đã
nếm trải đủ mùi hoạn nạn rồi. Đến thời điểm tưởng như cuộc sống đã cởi cho chị
mọi bề, thì chị lại phải tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Lần hồi đầu ngón tay,
chị nhớ, đây là lần thử thách thứ 9 trong đời chị. Nếu con người phải đi qua 9
kiếp nạn, thì chính là chị đang ở kiếp nạn thứ 9. Phải đối mặt và vượt qua
thôi. Như chị đã từng đối mặt và vượt qua những khổ nạn khác trong đời.
Những ngày trên giường bệnh, chị Bùi Kim Anh không
làm thơ. Hỏi chị vì sao, chị bảo: thời điểm tai họa của chồng, của con xảy đến,
mình lại thường hay viết. Vì khi đó, để có thể tiếp tục chèo chống, mình xem
thơ như một người bạn, một tri kỷ để tâm sự, sẻ chia. Tất nhiên những
bài thơ không thể vui. Là những bài thơ buồn, thậm chí nặng nề, ám ảnh nữa.
Nhưng nó vẫn là người bạn tâm tình, là nơi trút bỏ. Song, đến hoạn nạn của mình
thì mình không muốn viết, và không muốn nỗi buồn ở cạnh nữa. Mình phải chấp nhận,
lạc quan, để những người thân còn dựa vào.
“Mình sinh ra đã là một đứa trẻ non nớt thiếu tháng,
sống qua bao nhiêu hoạn nạn, đến giờ phút này cũng là lãi rồi. Không kêu than
oán trách số phận. Cuộc đời một người đàn bà bình thường cũng đã quá truânchuyên,
huống hồ cuộc đời một người đàn bà làm thơ. Mình nhạy cảm hơn thì cuộc sống
cũng vì thế “đập” vào mình nhiều hơn, dễ buồn dễ vui hơn. Sống nhẹ nhàng an nhiên
với cả những không may, thì lòng được thanh thản. Vừa rồi có cô bạn mình đấy, mặc
quần áo đẹp chuẩn bị đi đám cưới, rồi kêu đau đầu nằm xuống và rời bỏ thế gian.
Cũng là rất nhẹ. Và như thế cũng là sướng. Nên, ngay cả mọi nặng nề trước đây,
mình cũng nên buông. Giống như khi mình đến ngôi chùa xin thuốc, nhìn vị
sư-lương y tụng kinh sáng chiều, mình thấy tâm hồn được an ủi ghê gớm. Và nghĩ,
dường như mình đến đây không phải chỉ để chữa bệnh, mà để nhận một điều gì đó lớn
hơn nữa. Giống như lòng tin vậy”.
Phàm đã làm đàn bà trên đời, không ai không mong
mình hạnh phúc. Những lo toan vợi bớt, những hiểm nguy không rình rập. Nhưng, nỗi
đời vốn là: “Con đường hai vệt nắng mưa/ Cái cơn trái gió có chừa mặt ai”, nên
thơ chị Bùi Kim Anh thường buồn. Càng những năm tháng sau này, nỗi buồn càng khắc
khoải, khác hẳn thời chị còn trẻ, hồn nhiên trong trẻo với Cỏ dại khờ. Mỗi
đoạn đường đời chị đi qua đều để lại dấu ấn trong thơ. Những lần gặp, được nghe
chị kể chuyện, cùng với những gì tôi hiểu biết về gia đình của chị, tôi đã
nghĩ, có lẽ không mấy đàn bà làm thơ phải nặng gánh cuộc đời đến mức như chị.
Ba lần kề vai sát cánh cùng chồng trong hoạn nạn, mà toàn những hoạn nạn sinh tử.
Lần thứ nhất, chị chịu cảnh cháy nhà, lụi gia sản.
Như con ong hì hục xây tổ, trắng tay kiên nhẫn chị làm lại từ đầu. Lần thứ
hai là tai nạn giao thông, nặng nề đến nỗi chồng chị mất đi ánh sáng một con mắt.
Lần thứ ba là tai nạn liên quan đến công việc. Và sự nặng nề kéo dài ngày
tháng. Chồng Nam chị Nam, chồng Bắc chị Bắc, thăm nuôi từ miếng ăn đến lo tìm
tài liệu, luật sư để bảo vệ quyền lợi cho chồng. Vừa lo vừa quán xuyến việc
nhà, làm chỗ dựa cho các con. Rồi đến con gái út bị ung thư. 10 năm trời chữa
chạy cho con, chị theo con khắp mọi bệnh viện, mạnh mẽ đôi vai cho con tựa vào
mà vượt qua nỗi đau, nỗi tuyệt vọng. Không thể hình dung đôi vai gầy bé nhỏ của
chị có thể gánh vác những việc lớn quá sức với mình như vậy. Tưởng như có
lúc áp lực cuộc sống đè nặng, nhấn chìm chị xuống đáy. Có lúc chị tuyệt vọng: “Muốn
thay một kiếp con người/ Bực mình muốn bứt cả trời vào thơ”. Lại có lúc chị đau
đớn viết: “Em và anh gần với nhau bởi những bất hạnh/ Tai ương kéo đến suốt cuộc
đời/ Giá ta bỏ nhau lúc trẻ để nạn kiếp xé đôi/ Những số mệnh bắt cùng gánh chịu…”. Giãy
giụa trong im lặng, trầm cảm trong im lặng, giày vò trong im lặng, mạnh mẽ
trong im lặng và cũng vượt thoát trong im lặng, chị là người đàn bà đi một mình
trong bóng tối. Đó là bóng tối của nhiều điều, mà trong từng thời điểm xảy ra,
thật không dễ gì có thể sẻ chia, nói ra.
Đến hôm nay, ngồi nhìn lại quá khứ, vượt qua hết mọi
giông bão rồi, thì chị lại không muốn nói nữa. Chị bảo, mình đã đi qua rồi, nói
lại điều gì cũng là không cần thiết. Bởi sự đi qua mới là quan trọng. Hỏi chị,
những năm tháng cùng cực của cô đơn, lo toan, vì tai họa liên tiếp xảy ra, có
khi nào chị nuôi ý nghĩ từ bỏ. Bởi mình là đàn bà, và mình cũng chỉ được sống
có một lần thôi. Chị cười bảo: “Thực ra, nếu đàn bà chúng ta đủ bản lĩnh bứt ra
sống một cuộc đời cho riêng mình, thì mọi sự có thể dễ dàng hơn. Nhưng liệu
chúng ta có thể làm được như vậy không. Mình là đàn bà Việt, đàn bà làm thơ,
mình mắc nợ tình cảm quá nhiều. Mình luôn nghĩ, mình phải mạnh, mình không được
phép gục ngã. Vì gục ngã là các con mình hết đường. Cái đó phần nào cũng là bản
năng của người đàn bà. Không có gì là phi thường cả. Mọi đàn bà trong chúng ta
khi bị rơi vào hoàn cảnh đó thì đều phải vượt lên, bằng cách này hay cách khác thôi”.
Những ngày tháng cùng chồng đối mặt với hoạn nạn khiến
chị Bùi Kim Anh, không chỉ là nhà thơ, nhà giáo, mà trở thành một người có kiến
thức sâu rộng về pháp luật, về xã hội. Hoạn nạn cũng cho chị nhận ra, cần phải
có niềm tin rất lớn vào cuộc sống, vào sự thật, vào lòng người. Chị biết ơn mỗi
ngày qua đi, những nặng nề khó khăn của nó đã trao cho chị thêm nhiều trải nghiệm,
dù buồn vui hay đớn đau đi nữa. Kể chuyện về chiếc vali nhỏ, chị Bùi Kim Anh bảo,
mấy lần nó hỏng chị đều mang sửa. Người thợ sửa còn ngạc nhiên, nói sao chị
không vứt quách nó đi, vì tiền sửa cũng bằng tiền mua cái mới. Nhưng chị không
thể vứt, vì nó chính là người bạn đồng hành của chị trong những ngày khó khăn
cơ cực, tàu xe Nam Bắc thăm nuôi chồng.
Đối với chị Bùi Kim Anh, thơ không phải chuyện làm
dáng câu chữ. Thơ là nhật ký, là chốn cuối cùng để chị bỏ vào đó mọi ăm ắp cõi
lòng, những điều không thể chia sẻ cùng ai được. Những ngày tháng gian nan, tưởng
như không thể gượng dậy, thơ là niềm an ủi lớn lao. Chị vẫn in thơ đều đặn trên
các báo, như một thông điệp nói với bạn bè gần xa, rằng mình vẫn sống, vẫn vững
vàng, vẫn làm thơ. Chị rất cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh, thời đó đang là Tổng Biên
tập Báo Văn Nghệ dù biết hoàn cảnh chị, vẫn in thơ động viên chị mỗi khi chị gửi
tác phẩm đến. Ngay trong lúc gia đình hoạn nạn, thiên hạ còn đồn đại bịa đặt -
con trai nghiện hút, con gái tự tử, chị vẫn làm thơ, in thơ, thậm chí in tập
thơ đẹp nhất về hình thức. Chị gửi gắm vào thơ chị vẫn sống vững vàng để đối mặt
với mọi thử thách. Và, để vượt qua…
Nói về chồng, chị Bùi Kim Anh chia sẻ: “Chúng tôi đến
với nhau ban đầu là hai kẻ yêu văn chương. Điều này thật may mắn, vì chúng tôi
luôn có thể thấu hiểu, đồng cảm với nhau trong mọi chuyện”.
Chị Bùi Kim Anh tâm niệm, ngay cả lúc cuộc đời không
còn gì nữa, thì chị vẫn luôn còn có văn chương để bám vào. Số phận thế nào, cả
gia đình chị, hai vợ chồng và các con đều chung một nghiệp làm báo. Bản thân chị
chưa khi nào ngừng viết. Đó là công việc hàng ngày của chị, bên cạnh những lo
toan chồng con gia đình. Tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh chị tất bật với cháu
Thiện Nhân - là con nuôi của Mai Anh, con gái chị. Chị theo Mai Anh và Thiện
Nhân đi khắp các bệnh viện, lo toan chăm bẵm cháu trong các ca mổ. Vì cậu bé
“lính chì” này phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật tạo hình khác nhau. Chị
không đành lòng nhìn con gái vất vả, việc của con cũng là việc của mình. Lăn lộn
hồ sơ giấy tờ, đi lại như con thoi, giúp con cháu từ việc lớn đến việc nhỏ, ai
cũng phục sức chịu đựng của chị.
Trò chuyện với chị, ngay trong lúc không khí chùng
xuống nhất, khi nói về căn bệnh quái ác đang phải chống chọi, tôi vẫn nhìn thấy
ánh sáng của sự lạc quan trong chị Bùi Kim Anh. Chị bảo: “Mỗi lúc ngắm nhìn
cháu mình, bé Thiện Nhân, tôi đều cảm thấy được tiếp thêm nhiều sức mạnh. Một đứa
bé đẹp đẽ, thông minh, nhạy cảm, yêu thương cha mẹ ông bà. Thấy thương Nhân vô
cùng. So với Nhân, mình còn quá hạnh phúc. Mình còn có gia đình, con cái, những
thứ mà sau này Nhân không dễ để có, vì những dị tật trên cơ thể Nhân phải gánh
chịu”.
Khi tôi viết những dòng cuối cùng này, trong một bài
viết mà tôi không chắc là tôi có thể chia sẻ cùng chị bao nhiêu, với những khó
khăn, hoạn nạn chị từng phải vượt qua trong cuộc đời, vì tôi là một người cầm
bút còn trẻ, không cùng thế hệ với chị, thì nhận tin nhắn của chị trên inbox.
Chị nói đừng kể lể nhiều về chị. Những khổ nạn trên đời, đã là đàn bà ai cũng
ít nhiều từng gánh chịu. Mình là người làm thơ, mình còn có thơ để trút vào.
Thơ cũng cho mình cơ hội được nói ra, được chia sẻ. Còn biết bao nhiêu đàn bà khác
trong cuộc sống này, họ cũng chịu đựng vô vàn gian nan, bất hạnh, mà chỉ trong
im lặng. Cho đến lúc chết đi rồi họ vẫn không thể nói cùng ai, không ai hiểu họ.
Như thế mình còn hạnh phúc hơn họ nhiều.
Chị Bùi Kim Anh là vậy, không bao giờ muốn cá biệt
hóa câu chuyện của mình, hoàn cảnh của mình. Chị cũng không xem việc làm nhà
thơ là điều gì đó khác thường, để tự cho phép mình nặng nề hóa những hoàn cảnh,
khó khăn riêng. Chị chỉ nghĩ, mình là một người đàn bà, lại là đàn bà Việt Nam,
nên những nhẫn nhịn, cam chịu, nếu có cũng là tất yếu. Như câu thơ chị viết:
“Chợ người chẳng bán người đâu/ Dãi dầu bán cái dãi dầu mà thôi”.
Và tôi nghĩ, khi đã thấu hiểu bản chất sắc sắc không
không của phù vân kiếp người, như chị Bùi Kim Anh: “Đời như một sợi chỉ phai/ Nay
còn chưa chắc thì mai mong gì...”, nghĩa là mọi tham, sân, si đã ở phía sau rồi.
Những muộn phiền cũng đã mất dấu. Trong trái tim nhà thơ của chị, sẽ chỉ còn lại
yêu thương mà thôi…