Nhà thơ Ngọc Lan, vốn là một giáo viên lâu năm ở thành phố Vũng Tầu, nhà lại ở ngay chân núi Lớn nữa nên biết khá kỹ về những dàn pháo cổ đã được xây dựng từ thời nhà Nguyễn đến nay. Chị nhớ chính xác, vào ngày 10-2-1859, quan quân nhà Nguyễn đã khai hỏa những khẩu súng thần công, đặt ở pháo đài Phước Thắng, trên cao khoảng 30m gần bãi Trước, bắn vào chiến thuyền của liên quân Pháp và Tây Ban Nha, trên đường vào xâm lược Nam Kỳ.Trận pháo kích đầu tiên trong lịch sử chống quân xâm lược ngày đó được tiếp nối sau này khi giặc Pháp và Nhật thay nhau xây dựng và chiếm giữ trận địa pháo trên hai ngọn núi của thành phố...



TIẾNG GÀ GÁY VANG BIỂN SÓNG

VƯƠNG TÂM

Người dân Vũng Tầu tự hào với những bãi biển của mình, trong xanh và tình tứ cùng với những đợt sóng dạt dào, ôm lấy bờ cát trắng.  Tôi lững thững trên bờ cát, theo chân những con dã tràng mải mê se cát, trong buổi sớm còn bảng lảng sương bay, thì bỗng giật mình vì có tiếng gà đâu gáy vang. Tôi đã ở chân ngọn núi Lớn lúc nào không hay. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo, hoang vu dụ tôi như một kẻ bị ma ám. Cứ thế tôi đi lên theo những cánh bướm trắng chập chờn trước mặt…
       
Thiêng liêng bờ cõi biển quê
       Lại một tiếng gà lảnh lót chói chang. Tôi sững người ngước lên trên đỉnh cao. Đó là Hồ Mây, nơi người ta đào một cái hồ theo câu chuyện cổ tích con cá vàng ở ngọn núi Tao Phùng này. Tiếng gà lấp lánh nghe như rất gần thôi. Tôi men theo một lối rẽ khoảng vài chục mét, thì nghe thấy tiếng vỗ cánh của những con gà trống. Càng tò mò hơn tôi leo lên một con dốc nhỏ. Một khoảng trời mở òa trước mắt. Hai con gà trống đang đậu trên nòng khẩu súng đại bác trên lưng núi. Chúng táo tác vỗ cánh bay đi để lại cho tôi một cảm giác bất ngờ với những khẩu pháo lớn nghếch nòng về phía biển. Thì ra đây là bãi pháo cổ ở trên độ cao 100m, đã đánh dấu nhiều âm hưởng tráng ca một thuở của người dân Vũng Tầu, trong cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, Nhật và Mỹ sau này.
       Tôi vội gọi cho nhà thơ Huỳnh Ngọc Lan ở Vũng Tầu, người đã từng kể cho tôi nghe những câu chuyện về 23 khẩu pháo trên hai ngọn núi Lớn và núi Nhỏ. Tôi khoe mình đang đứng trước một dàn pháo đầu tiên như một phát hiện mới lạ ở Vũng Tầu. Nhà thơ Ngọc Lan, vốn là một giáo viên lâu năm ở thành phố Vũng Tầu, nhà lại ở ngay chân núi Lớn nữa nên biết khá kỹ về những dàn pháo cổ đã được xây dựng từ thời nhà Nguyễn đến nay. Chị nhớ chính xác, vào ngày 10-2-1859, quan quân nhà Nguyễn đã khai hỏa những khẩu súng thần công, đặt ở pháo đài Phước Thắng, trên cao khoảng 30m gần bãi Trước, bắn vào chiến thuyền của liên quân Pháp và Tây Ban Nha, trên đường vào xâm lược Nam Kỳ.Trận pháo kích đầu tiên trong lịch sử chống quân xâm lược ngày đó được tiếp nối sau này khi giặc Pháp và Nhật thay nhau xây dựng và chiếm giữ trận địa pháo trên hai ngọn núi của thành phố.
       Những hầm pháo và thủy lôi mà giặc Pháp đã kỳ công củng cố và xây dựng suốt 15 năm, từ 1885 đến hết thế kỷ thứ 19 mới hoàn thành. Đây là những pháo đài kiên cố ở trên cao khoảng 100m, bao quát và kiểm soát toàn bộ miền biển đông nam bộ, án ngữ con đường biển Cần Giờ đi vào Sài Gòn. Vậy mà nhiều lần quân và dân của Bà Rịa-Vũng Tầu, trải suốt nhiều cuộc tấn công đã từng làm tan tác kẻ địch, cướp lại hơn 50 quả thủy lôi, để chế tác vũ khí cho lực lượng kháng chiến. Nhiều kho đạn dược bị phá hủy và trận địa trên hai ngọn núi Lớn và Nhỏ đã ghi dấu những chiến công của quân và dân Vũng Tầu vang danh một thuở. Hiện nhiều khâu trọng pháo vẫn được giữ ở vị trí cũ, và một số đã được đưa về trưng bày tại Bạch Dinh. Một số chuyên gia nói cho dù đã trải qua hơn trăm năm, hầu hết những khẩu pháo này vẫn bắn được, chứ không bị hoen rỉ theo thời gian. Nhà thơ Ngọc Lan còn kể, cách đây không lâu và những dịp khai hội du lịch hay Festival Biển, thành phố đã cho làm lễ bắn súng thần công triều Nguyễn được tái hiện, với những tiếng pháo ầm vang trên sóng biển, để nhắc nhở cho con cháu nhớ đến những chiến công của ông cha một thời, trong cuộc chiến giữ yên cõi bờ thiêng liêng Tổ quốc ta.

                                    


Sự lựa chọn bất ngờ
       Lần này ra Vũng Tầu, tôi còn được may mắn gặp anh Trần Hợp Minh, một huấn luyện viên quần vợt cho các bạn trẻ ở thành phố Vũng Tầu và ở quanh khu đô thị mới Chí Linh. Anh cho tôi hai sự lựa chọn để biết có một hình ảnh Vũng Tầu khác lạ. Một là gặp đại gia Lê Ân, người nổi tiếng ở Vũng Tầu vừa mua chiếc giường 6 tỉ đồng cho cô vợ thứ 6, kém mình 55 tuổi. Hai là gặp một ca sĩ tha hương từ ngoài bắc vào chuyên hát những bài hát về Hà Nội, và ca khúc của Trịnh Công Sơn, trong một quán cà phê. Chẳng hề đắn đo, tôi chọn ngay chàng ca sĩ tha hương nọ, với một cảm xúc bất ngờ, bởi có lẽ chính tôi là người Hà Nội, muốn được chia sẻ sự ấm áp từ một tâm hồn ở nơi xa xôi. Anh Minh mỉm cười và hiểu ý, bởi anh cũng là một người con của Hà Nội cổ, nhà ở phố Phan Đình Phùng, lang bạt tứ xứ rồi về định cư tại đất biển này. Anh sống cô đơn trong một căn hộ với cây đàn Piano, cùng với giá vẽ mà những lúc rảnh rỗi lại trút những nỗi niềm xa quê, bằng những sắc mầu nhớ nhung.
       Theo hẹn, tôi đến quán cà phê Toàn Nguyễn, trên đường phố Thống Nhất, trong những sợi âm thanh ghi ta thả hồn bay bổng. Đón chúng tôi bằng ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Trong ánh đèn vàng, nghệ sĩ Toàn Nguyễn (sinh năm 1958, tên thật là Nguyễn Hồng Toàn) hiện lên với những góc cạnh khác lạ. Gương mặt chữ điền ghồ ghề, cùng búi tóc dài đuôi ngựa, đầy phong sương. Anh mỉm cười như một lời chào thầm kín và cất giọng hát. Giọng anh trôi trên những nốt nhạc tỉa ngọt ngào và ấm áp như lời ru vậy. Hình như anh ru anh, hay ru tôi: “Thôi thì có em đời ta hy vọng. Thôi thì có em sương khói…”.

                                      


       Lúc này mấy người bạn lắng nghe, và họ cũng như tôi khẽ thầm hát cùng anh, bằng con tim của mình. Chợt anh Minh ngồi bên tôi thì thầm kể chuyện. Toàn Nguyễn đã lang thang hàng chục năm xa quê, tìm kế sinh nhai bằng tiếng hát của mình. Giọng hát mộc, với âm sắc Bariton trầm ấm, đầy sức cuốn hút và hồn nhiên như tấm lòng anh vậy. Không một chút kỹ thuật, giọng anh vang lên từ âm sắc của lời tự sự làm thổn thức con tim người nghe.  
        Toàn Nguyễn rời đất biển Hải Phòng từ thuở thiếu thời và trôi nổi trên mọi miền viễn dương xa xôi. Những năm tháng lênh đênh trên biển, Toàn Nguyễn trút mọi nỗi niềm tha hương với cây đàn ghi ta. Rồi anh hát, hồn nhiên với tất cả sự an ủi vỗ về nỗi cô đơn trên biển vắng. Toàn Nguyễn nhớ có lúc hàng chục thủy thủ ngồi vây lấy anh lúc nào không biết nữa. Anh hát như nhập đồng vậy. Tất cả ngồi im lặng bên anh trong nỗi nhớ. Trước mắt họ chỉ còn những gương mặt thân yêu, vợ con, cha mẹ, anh em cùng lũy tre làng quen thuộc. Tiếng hát anh làm vợi đi những day dứt trong họ cho dù ai cũng biết, ngày mai biển lại thăm thẳm cô đơn, vời vợi xa quê.
        Thế rồi năm tháng trôi đi, đầy sự mệt mỏi trên đường đời, Toàn Nguyễn lên bờ với tài sản duy nhất là cây ghi ta gỗ cũ kỹ. Anh bắt đầu sự nghiệp của mình với quán âm nhạc “Hà Nội và tôi” ở tại khu vực Hồ con Rùa quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1994. Anh xa lánh thị trường thời thượng chỉ âm thầm hát những bài hát về Hà Nội, nhất là những ca khúc đầy trăn trở của nhạc sĩ Phú Quang và nhiều nỗi niềm thân phận của Trịnh Công Sơn.  Tâm hồn tha hương có sức ám ảnh của Toàn Nguyễn đã thu hút lòng người. Khán giả đến với anh như muốn được chia sẻ, an ủi những điều ẩn giấu trong con tim. Đêm nào, anh cũng hát tới 30 bài theo yêu cầu của người nghe, mà không biết mệt. Càng hát, giọng anh lại càng dầy ấm tràn đầy ký ức được bảy tỏ, chia sẻ, với mọi người. Đúng như lời ca cần một tấm lòng chỉ để gió bay đi…
       Và rồi như một định mệnh anh đã được một nỗi cô đơn khác bù đắp. Đó là một câu chuyện như được ông trời sắp đặt vậy. Vào năm 2009, ca sĩ trẻ Thúy Hồng người Hà Nội, 22 tuổi, tốt nghiệp khoa thanh nhạc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cũng lang thang trên con đường lập nghiệp, đã gặp anh. Họ thành vợ chồng, rồi đìu kíu nhau ra Vũng Tầu, mở quán cà phê ca nhạc “Toàn Nguyễn”, từ 2011 cho đến nay. Thúy Hồng bước ra hát cùng chồng. Họ tạm biệt chúng tôi bằng ca khúc “Hà Nội ngày tháng cũ”. Giọng hát Thúy Hồng như có men say, nhừa nhựa đê mê, trôi trên nền âm thanh mộc mạc, truyển cảm của chồng. Họ mơ về những ngày tháng cũ, với những kỷ niệm Hà Nội không bao giờ phôi phai, trên con đường tha hương…

Mơ trên “Hồ Mây”
        Hôm sau tôi cùng anh Hợp Minh mua vé đi cáp treo lên đỉnh Núi Lớn. Đó là một khu du lịch sinh thái mới được khai thác của Vũng Tầu, có cái tên là Hồ Mây. Đây là công trình mới và độc đáo nhất nước, và trở thành niềm tự hào của thành phố. Độc đáo bởi lẽ, đây là hồ nước lớn được đào trên đỉnh núi, cao hơn 200m. Anh Minh kể, dưới chân núi là sóng biển bao la, còn trên đỉnh núi là một “biển hồ” lãng mạn, với câu chuyện cổ về một võ tướng của anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ, đã đánh chết con hổ để cứu một cô gái. Sau này người ông của cô gái đã gả cháu gái mình cho chàng dũng sĩ kia. Nên xưa, núi Lớn còn được gọi cái tên Tương Kỳ là vì thế; cũng giống như núi Nhỏ còn được gọi là núi Tao Phùng, được gắn với câu chuyện tình con cá vàng (hóa thân của nàng công chúa, con vua Thủy tề) với người thanh niên thuyền chài.
        Tôi đang mải nghe kể chuyện thì bất ngờ lại nghe thấy tiếng gà gáy mênh mông trên cánh rừng nguyên sinh. Cùng với đó là vườn hoa Cẩm tú cầu tím ngan ngát chớm nở bên những dàn hoa giấy đỏ rực. Cảm giác xao xuyến trong tôi thật lạ lùng. khi thấy tiếng gà lại gáy vút lên không trung. Đứng trên cành cây chúng hót báo bình minh lên vàng rộm cả một khu rừng. Đúng lúc ấy, một giai điệu quen thuộc rộn ràng, với lời ca của bài: “Vũng Tầu biển hát”. Tôi ngỡ như tiếng gà gáy gọi bình minh là tiếng báo hiệu của lời ca: “Ai qua nơi đây có thấy tiếng ca. Cuộc đời vui mới sáng trong lòng ta. Chung tay, chung tay xây quê hương này. Vũng Tầu biển hát sóng dâng triều lên…”. Tôi nghe như lòng mình đang hát cùng với sóng biển, trong tiếng gà gáy rực sáng cả vùng trời.