Người xưa nói đèo Hải Vân là đèo mây, tạo nên một đường mây trắng bay suốt chiều dài 20 cây số. Vào những ngày hè thì mây dông, sấm sét kinh hoàng, cùng những tia chớp rạch xé bầu trời. Còn mùa đông u ám, mây phủ kín tầng tầng, lớp lớp mưa giăng khắp lối. Người xưa đã viết, ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tầng đá trập trùng khó vịn, cây cối xum xuê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như mưa từ lưng trời đổ xuống…



BAY TRONG ĐÈO MÂY

        VƯƠNG TÂM

Những hồn ma quanh quẩn
       Đèo mây Hải Vân đã hình thành hơn 700 năm qua, với nhiều câu chuyện ma quái, được tích lại ngày mỗi ngày. Nhiều miếu thờ cho những hồn ma chết mất xác, rải rác trên con đèo này. Tôi đi trong một ngày mây bay như đuổi bắt nhau, từng lớp, từng lớp như dòng suối mây đổ từ trên ba đỉnh núi của dẫy Trường Sơn hùng vĩ chạy ngang ra biển. Có hai luồng gió, từ biển thổi vào và từ trên núi tràn xuống, nên các khối mây cứ bay quanh quẩn suốt dọc con đèo. Thấp thoáng, phút chốc tôi lại thấy một miếu nhỏ thui thủi bên đường. Nó âm u trong mây. Chúng tôi đi trong cảm giác rờn rợn, bởi mỗi cửa miếu bé nhỏ cứ như có mắt người hốt hoảng nhìn theo.
       Nhiều người còn nhớ, trước năm 2005 chưa có đường hầm Hải Vân, thì hầu hết mọi loại xe đều phải đi qua con đèo này. Phía bắc của đèo bắt đầu từ cầu Lăng Cô thuộc Thừa Thiên Huế đi lên. Ở gần đầu cầu, còn có trạm ga Lăng Cô điều dẫn tầu hỏa đi chênh vênh bên biển, rồi chui qua những cái hầm xuyên núi trên cao. Đó là con đường sắt luôn luôn ẩn giấu những điều bất trắc mỗi khi vượt đèo Hải Vân đi về phương nam. Còn những chuyến xe tải và hành khách qua đây ai cũng thốt lên những lời cảnh báo cho sự hiểm nguy. Nhất là vào những đêm tối. Chuyến đi nào đã nhỡ, không thể đừng được mới đành vượt đèo Hải Vân vào buổi tối. Không những đèo cao, tới đỉnh là 500m, lại còn khúc khuỷu những đường rẽ bất ngờ. Hơn nữa mây bao phủ dầy đặc, nhiều khi không nhận rõ đường đèo, cho dù đèn chiếu sáng và đèn gầm cùng bật lên. Nhiều cánh lái xe liều phải đi cũng lò dò từng mét trong những khối mây dày đặc trên đèo.

                                    


         Lão ông Nguyễn Văn Thọ, người chuyên chăm lo những ngôi miếu trên đèo thuộc phía bắc, từ Lăng Cô đi lên. Ông chứng kiến nhiều thảm họa đã xảy ra. Nhiều lái xe đi ban ngày cũng không thoát khỏi hiểm họa nếu không tập trung bám đường sát núi để đi. Có người uống rượu, có người mệt vì đường dài không làm chủ được tay lái đều gây tai nạn. Trước kia, không ngày nào cánh lái xe không bị tai nạn, người chết, người gãy tay chân vì xe đổ là chuyện thường. Chính vì thế nhiều người đã mất xác dưới chân đèo. Do vậy nhiều người qua đây muốn cầu sự an toàn thường phải thắp hương cho các ngôi miếu dọc đường. Những ngôi miếu nhỏ như những oan hồn nhắc nhở cho bất kể ai muốn đi qua đây.
       Ông nói tuy giờ cánh xe tải, xe khách buộc đi qua đường hầm, nên đèo Hải Vân bớt đi những ngôi miếu, nhưng vẫn còn nguyên những hiểm nguy cho mọi người. Ấy là chưa nói, sau gần 10 năm có đường hầm Hải Vân, vẫn có những ngôi miếu nhỏ mọc lên, để cầu hồn cho những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi trên đèo. Đó là những đứa mới được sinh ra của những mối tình tội lỗi. Ông Thọ được gọi là ông từ cho những ngôi miếu thờ chung cho những sinh linh đau khổ đó. Không ngày nào ông không đi lau dọn cho những ngôi miếu dọc đường. Mỗi nén hương là mỗi lời cầu an cho những oan hồn còn vương vẫn nỗi sầu nhân thế. Chả thế tôi chợt nhớ đến câu ca dao xưa ghi dấu tâm cảm của những người đã cả đời gắn bó với nơi này: “Chiều chiều mây phủ Ải Vân. Chim kêu gành đá, gẫm thân lại buồn”.

Bức ảnh lãng mạn trên đỉnh đèo
        Mọi chuyện bỗng trở nên bừng sáng hơn khi xe chúng tôi leo tới đỉnh đèo. Bỏ lại phía sau, những hồn ma quanh quẩn; mà phía trước là mây bay trong veo, từng cụm ôm lấy mặt người, phả vào làn da mát lạnh. Tôi sững người nhìn cửa Ải Vân Quan, cổ kính và linh thiêng, dấu ấn của một thời chinh chiến. Có thể coi đây là trạm gác đầu tiên án ngữ giữa đỉnh đèo, nơi cao nhất. Cửa ải này có từ thời Trần, nhưng sau này vua Minh Mạng cho sửa và xây lại từ năm 1906, với những hàng chữ khắc bằng đá xanh. Cổng hướng về phía kinh đô Huế khắc 6 chữ: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Còn cổng hướng về phía Quảng Nam ghi: “Hải Vân Quan”.  Vào những năm sau này, khi giặc Pháp chiếm giữ đã cho xây ở đây mấy đồn bốt, và căn cứ quân sự. Hiện ụ lô cốt của đồn Nhất vẫn còn gần như nguyên vẹn trở thành dấu tích trăm năm như một chứng nhân lịch sử một thuở ông cha ta đánh giặc và giữ nước, giành độc lập cho tổ quốc.
        Chúng tôi đang mải mê ngắm những viên gạch còn giữ được nét u trầm của màu son cùng rêu mốc của thời gian và mây phủ, thì có một đoàn thanh niên trẻ phóng xe lên đỉnh đèo. Họ cười nói và kéo nhau lên trên đỉnh cao và những ngôi nhà hoang chụp ảnh. Nhưng bất ngờ hơn chúng tôi thấy có nhóm người đưa đôi bạn lên chụp ảnh cưới. Trong đoàn có ca sĩ trẻ Bảo Mân, nữ sinh viên Nhạc viện Huế cùng đi. Ca sĩ nói họ từ Huế lên, cách đỉnh đèo 80km, muốn lên chụp ảnh cưới cùng những làn mây bay trên đỉnh đèo. Nhưng thật thú vị, đôi bạn săp cưới phát hiện ra chiếc lô cốt ở trên cao, họ muốn trèo lên để ghi lại những phút giây lãng mạn nhất trong đời.
      Phải vất vả lắm cô dâu trong váy trắng mới leo lên được mâm pháo của lô cốt cũ. Một độ cao chênh vênh, trống trải không có một điểm tựa trong làn mây bay. Nếu không có can đảm chắc cô dâu không thể đứng lên được. Và còn ôm lấy vai chú rể chú rể nữa chứ. Từng khối mây đang ùa tới. Tôi đoan chắc lúc này hai đôi mắt của họ đã trao gửi giây phút ân ái nhất, thắm thiết và thân thương xiết bao. Gió thổi mạnh hơn. Nhưng họ vẫn đứng vững. Có lúc cả hai còn rời nhau và giơ hai tay lên cao. Tôi có cảm giác mình cũng bay lên cùng họ trong làn mây trắng. Tôi nhận thấy, dường như ai có máy ảnh đều hướng về đôi trai gái này, chụp với nhiều góc độ khác nhau. Riêng hai tay ảnh người nước ngoài thì luôn mồm thốt lên: “Beautiful…!” (Thật tuyệt!) và liên tục bấm máy. Phải nói đây là giây phút lãng mạn của tất cả những ai đang có mặt trên đỉnh đèo này.
         Bỗng nhiên có tiếng còi tàu hỏa vọng lên. Tôi hình dung ra đó là tiếng còi vui reo khi đoàn tầu vừa vượt khỏi 6 chiếc hầm xuyên qua núi. Bất ngờ tôi nhìn thấy đôi mắt của ca sĩ Bảo Mân sáng lên. Như có linh tính mách bảo cả hai chúng tôi đều nghĩ tới bài hát “Tàu anh qua núi” của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, do NSND Thanh Hoa hát cách đây gần 40 năm. Một giai điệu gió ngân rung. Nhịp tầu hối hả vọng lên. Không biết ca sĩ Bảo Mân có hát hay không mà lời ca tràn ngập niềm vui bay lên. Tôi âm thầm hát theo: “Con tàu Việt Nam đi suốt bồn mùa vui. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi. Nhớ thương nhau em chờ anh tới. Mà tàu anh đi vượt qua núi cao. Trời quê hương trong xanh như lời hát…”. Một vạt mây bay quấn bên bờ vai Bảo Mân. Nàng nghiêng mình như đang trao niềm cảm xúc theo tiếng còi hối hả. Có lẽ đúng là nàng hát, cái câu: “Là yêu nhau mấy suối em cũng lội-Là yêu nhau mấy núi em cũng trèo…”.

                                      


         Nhưng cuối cùng tôi lại có thêm nỗi ngạc nhiên khi chính ca sĩ Bảo Mân kể về một chiến tích xưa mà quân và dân hai bờ Bắc và Nam của đèo Hải Vân đã cùng tiến công đồn bốt trên đỉnh đèo. Đó là trận đánh đồn Nhất mà giặc Pháp đã cắt cử hai trung đội Âu-Phi chiếm giữ trên cao. Đó là câu chuyện của năm 1952 đã xảy ra. Toàn bộ quân địch ở đây đã bị tiêu diệt. Trong đó có tên quan hai Pháp đầu hàng và bị bắt sống tại trận. Bảo Mân đã được nghe người ông mình kể lại từ khi còn bé. Đến nay cô vẫn nhớ. Chính vì thế cô ca sĩ này đã đưa ra sáng kiến đưa bạn mình lên chụp ảnh cưới. Thật kỳ ảo. Thật bay bổng. Ai cũng như đang trôi trên đường mây vậy. Trôi trong làn gió. Trôi trong tiếng nhịp tầu qua núi. Bức ảnh cô dâu và chú rể cao vọi trên bầu trời xanh cùng với những làn mây bay phía chân đèo mới đẹp làm sao. Tôi thấy mình cứ mụ mị đi trong vẻ đẹp hoang dã đó. Đôi trai gái như thiên thần bay trong bầu trời vậy.  

Một bình minh mang theo
        Có người nói, nếu đèo Hải Vân được ví là chiếc đòn gánh, thì hai đầu gánh chính là bãi biển Lăng Cô về phương Bắc, và bãi biển Đà Nẵng về phương Nam. Riêng ba ngọn núi của nhánh Trường Sơn kéo thẳng tới bờ biển đã tạo thành tấm phên dậu, như bức trường thành phân hai miền khí hậu Bắc miền Trung và Nam miền Trung thật khác nhau. Trong khi bên phía bắc đèo đổ gió heo may, hiu quạnh, thì bên kia gió nam đèo lại mát mẻ, dạt dào. Chính vì thế mà hai bãi biển dưới chân đèo Hải Vân cũng có vẻ đẹp riêng biệt. Nếu bãi biển Đà Nẵng sôi động và nồng nhiệt bao nhiêu thì bãi biển Lăng Cô rụt rè và diễm lệ bấy nhiêu. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng viết tặng cho một bạn thơ sinh sống ở Lăng Cô rằng: “Một bình minh mang theo. Một hoàng hôn cô tịch. Những sóng nước trong veo…”.

                                       


       Đúng vậy, tôi cùng hàng trăm du khách đều giật mình dừng chân ở cuối đèo, để ngắm bãi biển Lăng Cô. Dường như tất cả đều im lặng, giữ cho sự cô tịch, mê hồn của một miền cát trắng, nước trong xanh. Hình như sóng cũng khẽ mơn man ru bờ cát ngủ. Những con thuyền cũng mê đi trong sự im lặng dưới chân đèo. Bất ngờ một làn mây trườn từ trên núi Hải Vân xuống. Nhưng rồi nó cũng dừng lại bên vách núi, để in bóng cùng “một bình mình mang theo” đang long lanh dưới biển xanh ngăn ngắt tự muôn đời.