Nhà phê bình Đinh Quang Tốn khảng khái: “Tôi thách có nhà văn Việt Nam nào, dù sống ở đâu, ở Việt Nam hay các nước trên toàn cầu, viết bằng tiếng Anh mà lại trở thành đại văn hào đấy! Không có đâu. Đại văn hào chỉ có thể ra đời từ một người thấm đẫm văn hóa dân tộc và thấu hiểu văn hóa thế giới. Còn nếu chỉ làm công việc có liên quan đến nước này nước khác thì không thể gọi là công dân toàn cầu được! Và nếu họ viết văn thì làm gì có “văn chương toàn cầu” chung chung! Văn chương toàn cầu chính là văn chương của toàn nhân loại do những tinh hoa của tất cả các nền văn chương các dân tộc trên thế giới hợp thành. Đừng ảo tưởng, cứ văn chương viết bằng tiếng Anh thì có giá trị hơn văn chương viết bằng tiếng Việt hay ngôn ngữ của một dân tộc nào đó”.



Từ góc sân... đến công dân toàn cầu

ĐINH QUANG TỐN

1. Gần đây, một số bạn trẻ có học thức được đi đây đi đó trên thế giới hay nhắc đến khái niệm “công dân toàn cầu” như một sự hãnh diện! “Công dân toàn cầu”! Khái niệm này có thật chính xác không? Về mặt hành chính thì không có ai là công dân toàn cầu cả. Bởi công dân phải đi kèm với quốc tịch. Công dân nước nào thì phải có quốc tịch của nước ấy. Người nhiều nhất trên thế giới hiện nay thì cũng chỉ có đến dăm ba quốc tịch. Mà toàn cầu thì hiện có 182 nước.
Thật ra thì khát vọng đến với các nơi trên thế giới đã có từ rất lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 qua rất nhiều nước trên thế giới. Nhưng Người cũng chưa bao giờ nhận mình là công dân toàn cầu. Đi đâu ở đâu thì Bác cũng đau đáu nhớ về Tổ quốc. Trong văn chương nghệ thuật, một nhà thơ ở vùng quê Hưng Yên, nhà thơ Ngô Hoàng Anh, từ ba chục năm trước đã viết trong bài thơ “Đường làng” nổi tiếng, nói về nỗi khát vọng này:“Đếm sao hết dấu chân người/ Qua chân tre đến chân trời mênh mông”.

Còn khái niệm “công dân toàn cầu” với ý nghĩa là làm một số công việc có liên quan đến nhiều nước trên thế giới thì thật vô cùng. Thời đại toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa, thì ai mà chả là “công dân toàn cầu”. Chị làm công việc cho tổ chức Liên hiệp quốc. Em làm tiếp viên cho những hãng hàng không quốc tế. Anh làm đại diện cho một Tổng công ty nổi tiếng của nước ngoài... Thế còn tôi chỉ ở nhà quê, ngày ngày trên đồng ruộng sản xuất ra lúa gạo xuất khẩu đến nhiều nước tận châu Âu, châu Mỹ; tôi cũng sử dụng internet trao đổi thông tin buôn bán, xem thời sự diễn biến từng giờ trên toàn cầu, vậy tôi là công dân ở xóm hay “công dân toàn cầu”?
Vậy công dân xóm hay công dân toàn cầu cao quý hơn? Thật ra thì giá trị con người không phải là anh làm cái gì, mà là anh làm như thế nào! Gần nửa thế kỷ trước cậu bé Trần Đăng Khoa đã làm những vần thơ “Từ góc sân nhà em” mà bay đi khắp thế giới; góp phần để nhân dân thế giới hiểu về cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam: “Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu...”. Vậy là Trần Đăng Khoa chỉ từ góc sân nhà em, một công dân xóm cũng là công dân toàn cầu có trọng lượng.
Lại nhớ gần sáu năm trước, nhà văn Nguyễn Văn Thọ phát biểu trên báo “Sức khỏe và đời sống” số 158 - ra ngày 2-10-2008 rằng: “Văn hóa làng xã thì không đẻ ra đại văn hào được”. Ô hay, sao nhiều người cứ tự hào mình là “công dân toàn cầu”, mình đi nơi này nơi kia trên thế giới. Tất nhiên, điều đó rất quý. Nhưng điều quan trọng hơn là mình đã làm được gì cho thế giới? Và sao nhiều người cứ đối lập giữa thôn xóm, làng xã với thế giới; mà không biết rằng thế giới chính là nhiều thôn xóm, làng xã và thành phố hợp lại. Văn hóa thế giới chính là từ văn hóa làng xã của nhiều dân tộc hợp thành? Những đại văn hào trên thế giới cũng đa số ra đời từ thôn xóm, làng xã đấy chứ? Từ Đỗ Phủ đến Đào Tiềm của nước Trung Hoa. Hay Exênhin, L.Tônxtôi của nước Nga. Đến Nguyễn Du, Nguyễn Bính của Việt Nam...

Thì ra, nhiều người quá chuộng hình thức. Có được hình thức hay, tốt rồi! Nhưng thi hoa hậu, người ta cũng thi cả hình thức đẹp và trí tuệ đấy chứ! Tôi thách có nhà văn Việt Nam nào, dù sống ở đâu, ở Việt Nam hay các nước trên toàn cầu, viết bằng tiếng Anh mà lại trở thành đại văn hào đấy! Không có đâu. Đại văn hào chỉ có thể ra đời từ một người thấm đẫm văn hóa dân tộc và thấu hiểu văn hóa thế giới. Còn nếu chỉ làm công việc có liên quan đến nước này nước khác thì không thể gọi là công dân toàn cầu được! Và nếu họ viết văn thì làm gì có “văn chương toàn cầu” chung chung! Văn chương toàn cầu chính là văn chương của toàn nhân loại do những tinh hoa của tất cả các nền văn chương các dân tộc trên thế giới hợp thành. Đừng ảo tưởng, cứ văn chương viết bằng tiếng Anh thì có giá trị hơn văn chương viết bằng tiếng Việt hay ngôn ngữ của một dân tộc nào đó. Tác phẩm “Đaghextan của tôi” của Raxun Gamdatốp viết bằng ngôn ngữ của một dân tộc, viết về lịch sử và văn hóa của một dân tộc rất ít người mà đã trở thành tác phẩm nổi tiếng của nhân loại.

2. Dân gian có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, để thấy sự chú ý của con người còn để lại dấu vết giữa cuộc đời. Nói cho cùng thì những người lập thân theo quan niệm xưa (lập công, lập đức, lập ngôn) cũng là muốn lưu lại dấu vết của mình. Lập ngôn, trong đó có những người làm văn chương nghệ thuật, là cũng muốn lưu danh cùng hậu thế. Tất nhiên để lưu danh cũng có người coi nhẹ nhàng, có người bằng mọi giá. Nhà thơ Xuân Diệu có một câu thơ mà đến giờ vẫn gây tranh cãi: “Hai tay chíu móng bám vào đời”. Có bản in là: “Hai tay chín móng”. Có người suy luận là “Hai tay chín nóng”... Dù chưa tìm ra từ chuẩn, nhưng câu thơ vẫn cho thấy khát vọng để lại dấu vết giữa cuộc đời là một khát vọng cháy bỏng của con người. Cũng chính nhà thơ Xuân Diệu đã có một ý thơ khi nói về thành tựu con người phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng khá độc đáo: Mặt trăng như một quả dưa mà con người đã bấm móng tay lên đó! Ý thơ của Xuân Diệu cũng thể hiện khát vọng tồn tại của ông, tất nhiên tồn tại chỉ như một dấu vết.

Để có được một dấu vết gì đấy, người ta đã phải phấn đấu làm việc cật lực cả đời. Nhưng tạo hóa cũng như trò đùa cho người này mà không cho người kia, kẻ được chưa chắc đã là kẻ tích cực chăm chỉ. Thì đấy, cứ ngay trong từng người cũng đã thấy. Nguyễn Bính khi còn ở thôn quê chưa được học hành gì mấy, sáng tác thơ một cách hồn nhiên thì lại có được mấy chục bài thơ sống mãi cùng năm tháng, trong đó có hơn chục bài có dấu ấn thiên tài. Rồi ông lên Hà Nội làm báo trong một môi trường văn hóa cao, thấm đẫm văn chương nghệ thuật, nhưng thơ của ông cứ nhạt dần. Có người thì đổ tại ông không được tự do sáng tác. Có người lại cho rằng ông đã rời xa “quê hương văn chương” của mình là làng quê. Người thì lý giải tâm hồn nghệ sĩ thơ mộng của ông không phù hợp với giai đoạn quyết liệt của cách mạng... Thế sao một người buồn thảm cô đơn như tác giả “Điêu tàn” vẫn tìm được lối đi cho riêng mình, khi thì nhập cuộc cùng cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lúc thì vẫn thì thầm riêng tư trong cõi sâu thẳm của tâm hồn, như “Hoa ngày thường và chim báo bão”. Ông có cả “Những bài thơ đánh giặc” hào hùng và có cả “Di cảo thơ” sâu thẳm...

Bây giờ phong trào làm thơ viết văn đang phát triển. Tôi đoán chắc rằng trong một trăm người nhảy vào hoạt động ở lĩnh vực này thì phải có đến trên chín chục người là muốn lưu danh thiên cổ. Có người thì nhảy cẫng và hét toáng lên. Có người thì lặng lẽ vận động người viết bài ca ngợi, tổ chức hội thảo, vào Hội Nhà văn, giành giải thưởng... Không phải ai cũng được như A.Puskin (Nga): “Ta tự dựng cho ta đài kỷ niệm”. Đài kỷ niệm dựng bằng những bài thơ thiên tài thì tất nhiên “mặt trời thi ca của nước Nga” sẽ tỏa sáng muôn đời. Cũng không phải ai cũng được như nhà thơ Nguyễn Duy: “Cò bay bằng cánh trắng tinh/ Gió thơm bằng phấn hương lành ai ơi/ Mây trôi bằng gió của trời/ Còn ta, ta hát những lời của ta”... Nguyễn Duy hát bằng cả tấm lòng trên những hồn điệu dân tộc nên tượng đài của ông cũng khá vững chắc. Tôi cũng là một người viết văn làm thơ nên cũng có những mơ ước như bao người khác. Nhưng tôi cũng tự biết khi viết bài thơ “Bia không chữ”:
Kẻ tự dựng bia, người đời xóa bỏ
Người đời dựng bia, qua bao mưa gió...
Đến bây giờ khi đã nhiều năm qua tuổi “tri thiên mệnh” tôi lại nhận ra một điều là lịch sử cũng như người đời có nhiều sự nhầm lẫn. Từ xưa, ai đã chỉ ra sự nhầm lẫn của nhân gian: “Mồ cha không khóc, khóc nấm mối” thật là sâu sắc! Trong văn chương nghệ thuật, sự nhầm lẫn khi định giá, trao giải thưởng gần đây đã xảy ra nhiều. Đôi khi buồn cười đến rơi nước mắt!

Nhưng sự nhầm lẫn thường bởi tại sự cuồng nhiệt trước mắt. Rồi lịch sử cũng sẽ nhận ra. Tất nhiên, không phải ai cũng có được đôi mắt sáng như Lê Thánh Tông, chỉ thời gian ngắn đã minh oan được cho Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo”. Sự nhận ra chân lý có khi phải mất trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm. Sự nhận chân giá trị tác phẩm văn chương nghệ thuật cũng vậy chăng?