Nhà văn Tô Hoàng cảnh tỉnh: "Ngưng một ASIAD 2018 bỗng khiến chúng ta giật mình nhìn lại
vô vàn dự án đã tiêu tiền “khủng” cùng rất nhiều những dự án đang hoặc sắp tiêu
tiền “ khủng” khác, nhắm mắt làm ngơ trước những khó khăn đất nước đang phải
gánh chịu, trước mức sống còn quá thấp của những địa phương vùng xa vùng sâu và
trước gánh nặng vài ngàn tỷ chúng ta đang mắc nợ nước ngoài. Đặc biệt, dù có
thể đã chậm muộn, chúng tôi vẫn muốn dư luận lưu tâm (như đã dành sự lưu tâm cho
dự án ASIAD 2018) tới những dự án văn hóa “đình đám” (tạc tượng, xây cất đền
miếu, tổ chức các lễ hội, quay những bộ phim hoành tráng) dành cho năm 2015 tới
đây- năm có nhiều ngày kỷ niệm quan trọng".
KHÔNG ĐĂNG CAI ASIAD 18
- MỚI CHỈ LÀ KHÚC NHẠC DẠO ĐẦU…
TÔ HOÀNG
Cuối năm 2014 tới
đây, khi bình chọn những sự kiện văn hóa nổi bật trong năm, tin rằng nhiều
phiếu sẽ dồn cho việc Chính phủ quyết định hủy bỏ dự án đầu tư cho ASIAD 18.
Phải nói thẳng rằng, lâu nay chưa có quyết định nào của Chính phủ được người
dân hân hoan hưởng ứng vì hợp với lòng dân, vì tính thiết thực của chủ trương
cần kiệm, ích nước lợi nhà như vậy!
Nhưng
ngưng một ASIAD 2018 bỗng khiến chúng ta giật mình nhìn lại vô vàn dự án đã tiêu
tiền “ khủng” cùng rất nhiều những dự án đang hoặc sắp tiêu tiền “ khủng” khác,
nhắm mắt làm ngơ trước những khó khăn đất nước đang phải gánh chịu, trước mức
sống còn quá thấp của những địa phương vùng xa vùng sâu và trước gánh nặng vài
ngàn tỷ chúng ta đang mắc nợ nước ngoài. Đặc biệt, dù có thể đã chậm muộn, chúng
tôi vẫn muốn dư luận lưu tâm (như đã dành sự lưu tâm cho dự án ASIAD 2018) tới
những dự án văn hóa “ đình đám” (tạc tượng, xây cất đền miếu, tổ chức các lễ
hội, quay những bộ phim hoành tráng…) dành cho năm 2015 tới đây- năm có nhiều
ngày kỷ niệm quan trọng.
Có
thể dẫn ra đây đôi ba ví dụ-trong khuôn khổ những hoạt động văn hóa và cũng
trong tầm hiểu biết của người viết những dòng này-về sự tốn kém, tính hình
thức, không thiết thực của nhiều dự án đã thực thi.
Ví như đã hàng
chục năm nay, các địa phương đua nhau tổ chức hết lễ hội này tới lễ hội khác.
Báo chí đã lên tiếng vì sự đơn điệu, giống nhau, cạn kiệt sức sáng tạo của một
lễ hội được tổ chức 1, 2 năm một lần ở một tỉnh; hoặc của tỉnh này cũng na ná
tỉnh kia. Điều đáng nói, đáng kể hơn là chưa một địa phương nào dám công bố
tổng số tiền chi cho lễ hội ấy là bao nhiêu, tiền bán vé thu được là bao; bao
nhiêu tỷ là khoản tiền vẫn được gọi là “ xã hội hóa” và bao nhiêu tỷ tiêu bằng
tiền của Nhà nước? Ngay cả khoản tiền có tên gọi là “ xã hội hóa” – suy cho
cùng cũng là sự tiêu bòn vào vốn liếng, sự giàu có nói chung của đất nước. Một
năm tính từ Bắc vào Nam có bao nhiêu lễ hội lớn nhỏ các loại? Hãy can đảm công
bố con số thu chi, lỗ lãi đi! Chắc chắn đấy sẽ là những tín hiệu S.O.S đáng làm
cả xã hội giật mình!
Ví như người ta
sẵn sáng bỏ ra 20, 30 tỷ để làm ra những bộ phim phim truyện nhựa về hai cuộc
chiến đấu trong quá khứ. Nhưng tất cả những người trong nghề hoặc những ai am
tường điện ảnh một chút đều hiểu rằng, cơ sở vật chất, kỹ thuật của điện ảnh
nước ta hiện nay rất lạc hậu, chắp vá , manh mún; quy trình và trình độ làm
phim hết sức nghiệp dư; đội ngũ những người làm phim phần nhiều không được đào
tạo cơ bản hoặc quá lạc hậu với việc làm
phim trên thế giới. Trong tình hình đó 20, 30 tỷ bỏ ra kia chỉ để thu về “những
vở kịch truyền hình được thu vào băng từ”-như nhiều nhà làm phim nước ngoài đã
thẳng thắn nói ra như vậy! Trong khi đó thể loại phim tài liệu với lượng phim
tư liệu còn giữ được khá phong phú; nhiều nhân chứng vẫn còn sống và có thể tìm
gặp để hỏi chuyện..Từng ấy yếu tố đã đủ bảo đảm cho tính chân thật và độ xúc
động về những gì màn ảnh kể lại.Chưa nói rằng, kinh phí chi cho 1 bộ phim tài
liệu chiếu vài buổi trên màn ảnh nhỏ chỉ tốn vài trăm triệu đổ lại. Ấy thế,
nhưng người ta vẫn bị “ ru ngủ”, bị “ ăn dỗ tiền” để làm những bộ phim truyện
nhựa cho “ hoành tráng”, cho “sử thi “hơn..
Lại
nói tới các cuộc hội thảo… Trong Nam, ngoài Bắc, các ngành các giới thử hỏi mỗi
năm tổ chức bao nhiêu cuộc hội thảo? Tiền máy bay đi về, tiền ăn ở khách sạn
cho các đại biểu, tiền chi trả cho các bản tham luận…Ấy vậy, nhưng nhìn vào
hiệu quả thì thật buồn. Đề tài của các cuộc hội thảo đều chung chung tầm “vĩ mô
giả vờ”, không hề dám động chạm vào những gì gay cấn, bức xúc nhất. Ai sẽ lên tiếng trong các cuộc hội thảo đó? Hầu
như Ban tổ chức hội thảo đã “lập trình” sẵn: Người đọc bản đề dẫn. Tiếp tới là
lời chúc mừng của ông thủ trưởng cơ quan chủ quản đề tài. Tiếp nối là phát biểu
của các ông các bà trưởng các đầu ngành. Các vị này thường là không hề đả động
gì tới vấn đề hội thảo, mà dành để “ bốc thơm” ngành mình, cơ quan mình. Từng
ấy, hết ba phần tư thời gian hội thảo rồi. Một phần ba thời gian còn lại dành
cho các đại biểu được mệnh danh là “ ăn theo nói leo” –tức các đồng chí về hưu,
đầu óc đã có phần mụ mị, nhưng rất thích đi hội thảo vì bị giam hãm ở nhà đã
lâu ngày, nay thích được tới chỗ đông người, lại được nhận “ phong bao”. Vì mấy
thứ lợi ích tiềm tiệm đó, mấy đồng chí này luôn luôn nói đúng chủ trương, đúng đường
lối, lấy việc ngợi ca, tâng bốc làm chính và tham luận của họ bảo đảm “không
độc hại”. Thế là xong hội thảo. Những
bản tham luận nào gai gai một chút, dám chọc thẳng vào những vấn đề tồn tại,
nghĩa là dám chỉ trích, phê phán cái sai, cái xấu chút đỉnh liền bị Chủ tịch
đoàn xếp vào phần “ Hết giờ”! Thành thử năm nào, mùa nào các cuộc hội thảo cũng
tíu tít , tưng bừng mở ra, với dự trù kinh phí mỗi năm một tốn kém hơn. Để mọi
người cứ bàn đi, bàn lại, bàn mãi chỉ mỗi một vấn đề “vĩ mô giả vờ” ấy!
Chúng
ta có đầy đủ ý thức về việc gìn giữ, xây dựng truyền thống. Nhưng nói đến
truyền thống của người Việt mình, ngoài tinh thần yêu nước, ý chí quận cường
chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh địa, lãnh hải còn có truyền thống thiết thực, thu
va hà vén, ăn bữa nay biết dành dụm lo cho bữa sau. Lễ hội, đình đám vun quén
truyền thống là cần. Nhưng cần ở thời điểm nào, việc gì vẫn có thể gác lại dành
cho những tháng năm sau khi nền kinh tế của đất nước đã sung túc, dư dả hơn?. Chúng
ta kính trọng, yêu quý, đời đời mang ơn các bậc tiên liệt, các anh hùng liệt sỹ
đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của non sông đất nước. Nhưng thử hỏi khi
chúng ta tạc tượng đài, xây dựng miếu mạo, lăng tẩm đồ sộ, nguy nga để khắc ghi
hình ảnh và công lao của họ, đã bao giờ chúng ta thắp hương khấn khứa xin các
vị tiên liệt, các anh hùng liệt sỹ cho biết họ có cho phép hay không? Tin chắc
rằng, các vị tiên liệt dứt khoát sẽ nghiêm mặt lắc đầu. Bởi chính họ luôn nêu
gương sống thanh bạch, giản dị, khiêm nhường. Bởi lý tưởng họ theo đuổi và sẵn
sáng hy sinh cả cuộc đời mình là dân giàu nước mạnh, xóa hết mọi áp bức, bất
công. Bởi họ biết rành rõ, bọn người đang nhân danh việc đề cao, tôn thờ họ
kia, thực chất chỉ nhắm một cái đích: kinh phí đổ vào các công trình tưởng niệm
càng lớn bao nhiêu thì tỷ lệ 10% rơi vào túi chúng càng phình nở bấy nhiêu; vốn
đầu tư càng nhiều chục tỷ bọn chúng càng dễ hà lạm, xâu sé, bớt sén hơn!
Bởi nếu được
sống lại, họ sẽ quát to với chúng ta rằng: Chưa phải đã đến lúc hí hửng, tưng
bừng hội hè, đình đám đâu. Trong hiện tình còn rất nhiều thách thức của những
năm tháng này, hãy dồn sức chỉ vào một công việc thôi: Hãy vít chặt mọi lỗ dò
dỉ đồng vốn vay nợ của nước ngoài hoặc thu thuế khóa của nhân dân, bằng cách
đào bới diệt cho tận gốc mầm, truy cho đến tận hang ổ tệ nạn tham ô tham nhũng
và phải tính toán kỹ càng, phải chắt chiu từng đồng mỗi khi chi tiêu bất cứ
khoản lớn khoản nhỏ nào!
Tháng 5, năm 2014