Con người đặc biệt có cuộc sống đặc biệt, làm những chuyện đặc biệt và cho ra những câu thơ đặc biệt. Ông, chính ông, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh. Chả ai thơ lại thế này: “Vợ là thánh chỉ vua ban/ Có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai/ Quỷ thần chứng cả hai vai/ Vợ là thiên tạo trần ai miễn bàn”. Năm nay ông đã ngoài 70, dáng nhỏ nhắn thoăn thoắt, nhanh nhẹn. Chiều chiều ông cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đỗ xe tại phố Bảo Khánh, hai ông bạn văn thả bộ thong dong đi vòng Hồ Gươm ngắm phố xá đông vui, nhộn nhịp… Đi như ông gọi là “Bát phố” cái thú lượn lờ cưỡi ngựa xem hoa, nhìn Hà Nội từ xa, nhìn bằng con mắt của người xưa có sự so sánh, nhìn bằng con mắt phán xét của quan tòa, rành rẽ, sắc nhọn. Nhìn bằng con mắt thực tế trần trụi. Nhìn bằng con mắt của văn chương hội họa giàu cảm xúc và lắm khi cũng đầy chất thơ, chất thiền.


KHI VUI, ÔNG LẠI "LÊN ĐỒNG" VỚI THƠ

TRẦN MỸ HIỀN

Ông Bảo Sinh mang họ Nguyễn, người gốc ở Ô Quan Chưởng, cửa ngõ phía đông của Hà thành xưa. Cái thời Hà Nội chỉ có vỏn vẹn 4 quận nội thành, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Cái thời mà nói đến làng Thụy Khuê ở Ba Đình là đã thấy xa lắc xa lơ. Cái thời ấy Ngọc Hà còn là làng hoa nức tiếng. Cái thời Tây Hồ cỏ lau mọc ngút ngàn, chiều yên ắng nghe tiếng chuông chùa Trấn Quốc. Cái thời có tàu điện leng keng bến đỗ ở Hồ Gươm. Cái thời mà đàn bà con gái diện áo hoa, tóc phi dê được coi là mốt nhất. Cái thời của những năm bom đạn, khói lửa rồi hòa bình lập lại đến mãi đầu thập niên 80, cứ 12 giờ trưa là tiếng còi dài điểm báo. Ôi! cái thời ấy giờ đã xa lắm. Mảnh đất ấy, kí ức ấy chỉ còn trong dĩ vãng, phố xá Hà thành giờ đây như một cô gái tân thời ngoại lai đỏng đảnh, lúc chảnh chọe, khi lại nhu mì, lúc dễ dãi buông tuồng, khi cầu kì kĩ lưỡng. Ông Bảo Sinh ôm hết tất cả mớ hỗn độn bòng bong ấy vào lòng khi ngốn ngấu, vồ vập, khi thủng thẳng chậm rãi và bình tĩnh nhả câu nhả chữ cho ra những tập to, tập nhỏ, tập dày, tập mỏng, văn, thơ Bảo Sinh.

Hãy khoan bàn đến chuyện hay dở của văn thơ ông mà người ta lại thấy hay, thấy lạ cái sở thích kì thú lạ lùng của ông. So với nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam khác, loay hoay ngụp lặn trong con chữ, nhiều người chỉ sống bằng đồng tiền lương eo hẹp và nhuận bút còm thì nhà thơ Bảo Sinh thức thời đã kinh qua vô số các nghề, và có nghề hốt bạc. Ông nhiều nghề đến độ chẳng hiểu đâu là nghề chính, đâu là nghề phụ. Mọi cái từ ông cứ đập nhau chan chát. Từ một người vẽ truyền thần có cửa hàng trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào, rồi thoắt cái ông lên võ đài để chơi trò đấm bốc. Từ một nhà thơ lại mở dịch vụ phối giống cho chó, mèo, là người đầu tiên ở đất Hà Nội có một hotel đặc biệt và vô cùng ấn tượng mang tên: “Hotel chó & mèo”. Ông cũng là người đầu tiên mở nghĩa trang chó, mèo ngay tại tư gia. Đặc biệt hơn ông lại còn kiêm cả nghề thầy thuốc. Trên bàn khách tại nhà ông, một cái biển chữ to ghi: “Bảo Sinh Đường chuyên trị các bệnh về viêm xoang, họng, phế quản”.

Thế nhưng, cũng là cái bàn ấy, bên dưới tấm kính một bức ảnh chụp ông cách đây dăm năm lên võ đài đấm bốc. Chưa hết ngay ở bộ bàn ghế tiếp khách một khung treo thơ của ông: “Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”. Cách đấy về mé bên trái một bức tranh chân dung cô gái đẹp gợi cảm là do ông tự tay vẽ một cách đầy hào hứng, cảm xúc. Khi tôi và ông đang trò chuyện ở phòng khách, ông đưa cho tôi tập thơ, tập sách mà ông mới rút ruột rút gan viết với nhan đề Bát phố, ngoài kia sau tấm cửa kính trắng, tiếng chó sủa, mèo kêu râm ran cả khoảng không gian rộng lớn. Người ta đưa những con vật bốn chân, có lông trắng, lông đen, lông vàng đến nhà ông để phối giống.

Cuộc sống của ông phong phú vì ông được kinh qua, thử sức ở nhiều dạng vai. Đơn giản cũng bởi vì ông thích, ông sợ sự nhàm chán, hay cũng bởi ông tham, và đầy ham muốn… Ông có cái lãng mạn của một nhà thơ không?! Chắc chắn là có rồi. Ông có cái khí chất liều lĩnh, cảm tử của một chiến binh không?! Chắc cũng có luôn. Nếu không làm sao ông có thể lên võ đài. Ông có sự nhanh nhạy, thực tế, thức thời của một anh chuyên nghề kinh doanh? Điều này, chắc chắn có. Nếu không ông đã chả “chơi” đến thế. Ông có phong cách tài tử kiểu công tử Bạc Liêu, đôi khi lại là một anh kinh doanh tính toán chi li cẩn thận đến từng hào, hoặc nhiều lúc lại cao siêu thoát tục đời thường.

Gì thì gì chứ nhiều người ngưỡng mộ nhà thơ về những vần thơ trong tục có thanh, trong thanh có tục của ông. Nó lạ, nó ngộ, chẳng giống ai. Hàng độc bản. Nhưng, ngẫm ra vô cùng thực tế. Nhà thơ Bảo Sinh được xếp hàng “khủng” đại gia từ lâu lắm. Sở hữu hơn 2000m đất ngay giữa trung tâm phồn hoa đô hội của đô thị Hà Nội, hỏi có mấy người.

Trên mảnh đất nhà ông, người ta bước chân đến đây thì thấy vừa đời, vừa đạo. Bên này ồn ào, nhốn nháo, mùi của cuộc sống đời thường, mùi trần tục, yêu thương hờn giận, mùi kinh doanh buôn bán: chỉ cách một cái ao, lối đi nhỏ hoa lá rậm rờn chen chúc dẫn sang bên kia là một cõi khác. Cõi đấy khiến cho ta thiền lại, tĩnh tâm hơn, xót xa hơn. Ông cho xây một nghĩa trang chôn các con vật chó, mèo từ khắp thành phố đổ về. Có con chết vì ốm. Có con chết bệnh. Có con lại chết do tai nạn. Âu cũng là một kiếp. Động vật cũng có đủ cung bậc cảm xúc như người, biết yêu thương, giận hờn. Chỉ có điều chúng không thể nói được. Thỉnh thoảng tại không gian bên kia, nơi những bát hương nhỏ nghi ngút khói, bên cạnh là những bức ảnh của con chó, con mèo đã chết, người nhà của các con vật xấu số đến thắp hương không quên mang theo socola, sữa tươi, sữa chua để trên ban thờ nhỏ. Có người nước mắt lưng tròng ngậm ngùi ngồi bên mộ con vật yêu thương của mình hàng giờ liền. Ngẫm vật mà nghĩ tới người. Âu cũng là một số mệnh. Chạy trời không khỏi nắng.

Ông Bảo Sinh đứng trước những chuyện buồn tang thương liền tức cảnh sinh tình mà ra quyển Huyền Thi, ông gọi là: “Á kinh siêu sinh tịnh độ” . Trong Á kinh của ông, ông bảo đấy là chất thiền dân gian. Thơ rằng: “Mê mà biết mình mê là tỉnh/ Tỉnh mà không biết tỉnh là mê/ Chuông chùa ngân tiếng từ bi/ Khua tan mê đắm sân si cõi trần”. Rồi ông tự an ủi mình, và an ủi người: “Du lịch trăm năm vòng đời là đủ/ Ai cho tiền rủ nữa cũng không đi/ Chết là cách đổi tour du lịch/ Không cần tiền đúng lúc là đi”. Trong siêu sinh tịnh độ có khóc cho hồn của hài nhi, của kỹ nữ, khóc cho người và khóc cả cho ta.

Đến và đi. Cuộc đời như kiếp phù du, nên ông như một con ong bay đi tung tăng hút mật ngọt của đời sống, đến chỗ này thưởng thức một tí, đến chỗ kia say đắm một tẹo. Ngày xưa có câu: “Một nghề thì sống. Đống nghề thì chết”. Ông Sinh là minh chứng rõ ràng nhất, đống nghề cũng ung dung tự tại chẳng sao. Lấy nghề phụ nuôi nghề chính. Mà rồi, chính chính phụ phụ, âm âm dương dương. Chả biết đâu là chính đâu là phụ. Đâu là âm? Đâu là dương? Phải trái, trắng đen lẫn lộn, mong manh như làn gió nhẹ. Thoảng qua. Mơ hồ.
Ông bảo: Ông ghét thói đạo đức giả. Sự vờ vịt. Làm gì có ai tốt đến tận cùng. Nếu tốt đến tận cùng thì thành Phật từ lâu, cần gì phải trải qua kiếp nạn làm người, cần gì phải tu tâm dưỡng tánh, cần gì phải tu hành đắc đạo. Trong con người có mặt trái, mặt phải, có âm có dương, vũ trụ điều hòa. Là người thực tế, ông gọi tên đúng sự vật và hiện tượng. Thơ ông không mơ mộng trăng sao, ở đấy không có những áng thơ trữ tình bay bổng đắm say mà ở đó ông như một quan tòa công minh rạch ròi trước tòa án của lương tâm, trước nhức nhối bất công của xã hội, trước sự thật trần trụi phơi bày.

Trong giới nghệ ông có nhiều bạn, bạn văn chương, bạn hội họa, bạn âm nhạc… Họ quý mến ông bởi ông khác số đông. Từ thơ ông, con người ông toát ra sự lạ. Cái sự lạ mà đám đông không có. Họ tò mò đi đến. Thú vị khám phá. Hồn nhiên yêu thích. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, ông lại ba lô khăn áo lên đường cùng vài người bạn thả hồn phiêu diêu mây gió. Đấy là lúc ông gột rửa tâm hồn bụi bặm của đô thị ồn ào, gột rửa những kim tiền giao thương đeo bám, gột rửa tất cả xô bồ hỗn tạp của ích kỉ, bon chen, lo lắng, yêu hận… để đến một miền quê yên ắng thanh bình được thấy suối chảy róc rách trên sườn núi, để ngắm ánh trăng lặn sau khóm chuối, bụi tre. Để nghe tiếng gà gáy le te vào buổi sớm tinh mơ. Để ôm đất trời mưa gió vào hồn thơ day dứt. Rồi trong lúc tĩnh tâm, mạch suối nguồn cảm hứng trong ông lại cất tiếng thành thơ. Những câu thơ chẳng biết tỉnh hay mê, mê hay tỉnh. Gieo vào người đọc nỗi day dứt, băn khoăn, ngơ ngác… đầy Nguyễn Bảo Sinh