Không một ai và chưa khi nào người đời nghi ngờ về huyết thống của bà với nhà thơ Nga Vladimir Maiakovsky. Bởi vậy, cũng là điều lạ khi một lần nhà thơ Nga Evghenhi Evtushenko yêu cầu bà cho xem giấy tờ xác minh. Nghe vậy Patrisia Thompson bực bội đứng dựng lên với hết tầm vóc cao lớn của người cha khiến Evtushenko đâm bối rối. “Quả là cũng có điều gì đã minh chứng”- Evghenhi Evtushenko thú nhận.Tại một trong những nhà bảo tàng ở Moskva có lưu giữ cuốn vở ghi chép của thi sỹ Maiakovsky. Trong cuốn vở đó chúng ta dễ dàng tìm thấy bút tích của thi sỹ ghi bên cạnh địa chỉ nơi bà Patrisia Thompson trải qua tuổi ấu thơ với hai chữ “Con gái”. Trong lần đầu tiên tới Moskva, bà Patrisia Thompson đã òa khóc khi nhìn thấy mấy chữ này…



PATRISIA THOMPSON, CÔ CON GÁI MỸ CỦA THI SỸ MAIAKOVSKY.

TÔ HOÀNG

            Bà Patrisia Thompson đã năn nỉ bà mẹ đặt tên mình theo họ cha –Elena Vladimirovna Maiakovskaia. Bà chân thành bộc lộ ý muốn có một ngày nào đó bà sẽ hoàn toàn mang tên Nga- nơi đã sinh ra nền thi ca Nga bất tử và những thi sỹ Nga bất tử.
            Bà Elizaveta Zibert, thân mẫu của bà Patrisia Thompson vốn là một người Nga lưu vong, sống tại New York với đồng lương của một hướng dân viên du lịch. Vào năm 1925, khi Maiakovsky sang Mỹ, bà trở thành người phiên dịch của ông. Một năm sau ngày hai người quen biết, cô bé Patrisia Thompson cất tiếng khóc chào đời. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối Patrisia Thompson được gặp cha đẻ của mình-thi sỹ Maiakovsky là tại thành phố Nise, nước Pháp, khi mẹ cô sang đây nghỉ dưỡng. Lúc đó Patrisia Thompson mới 3 tuổi.
            Nhưng cô bé chỉ được biết ai là cha đẻ thực sự của mình khi cô lên sáu. Kể từ ngày đó, Patrisia Thompson phải giữ kín điều bí mật này suốt hơn nửa thế kỷ. Nhiều người quen biết bà Elizaveta Zibert kể, cho tận đến lúc nhắm mắt lìa đời bà mẹ vẫn nhắc nhở cô con gái đừng khơi gợi lại những kỷ niệm đau buồn trong gia đình: “ Mẹ tôi luôn luôn lảng tránh bất cứ chuyện gì đụng chạm tới cuộc tình của bà với Maiakovsky. Ấy thế mà tôi lại không muốn cắt đứt mọi quan hệ với cha tôi-một con người xuất chúng”- Bà Patrisia Thompson nói.  
            Bà Patrisia Thompson nổi tiếng như một chuyên viên về bình đẳng giới và xã hội học. Bà là tác giả của 15 tập sách, trong số đó có những cuốn bà khảo cứu về cuộc đời và sáng tác của thi sỹ Maiakovsky. Bà luôn tự hào vì trong huyết quản mang dòng máu Nga của cha và mẹ mình. Không hiểu dựa trên những căn cứ nào mà bà Patrisia Thompson khẳng định rằng, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của nước Nga, người Nga.
-Những người yêu mến, kính trọng, nhớ mãi hình ảnh của cha tôi không phải chỉ tìm thấy ở nước Nga.Mới mấy hôm trước đây thôi, tôi nhận được một lá thư gửi từ Buenos-Aires nước Argentina. Tác giả bức thư hỏi tôi nhiều điều về cha tôi. Vì sao, ở nơi xa xôi ấy vẫn có người quan tâm đến ông? Xét theo nhiều điều, Maiakovsky là một người đàn ông tuyệt vời, cả về ngoại hình lẫn đời sống nội tâm.

- Nhưng sáng tác của ông vẫn là một phần của hệ thống tư tưởng Xô viết…
-Mẹ tôi gặp cha tôi lần đầu khi bà mới 20 tuổi. Đó là cuộc gặp gỡ của hai trái tim trẻ trung, nồng nhiệt; tuyệt nhiên không phải vì bà sùng phục tiếng tăm và muốn trở thành cái loa rao giảng những gì ông đang theo đuổi.Còn tài năng thơ ca của ông-như các bạn đều rõ, đã lồ lộ ngay từ trước khi cuộc Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ.Tôi vẫn lưu giữ bức thư cuối cùng cha tôi gửi cho mẹ con tôi. Và tôi cho rằng trong toàn bộ di sản của ông để lại không tìm thấy điều gì giống như một bản độc thoại mùi mẫn mà ông than khóc cho vợi nỗi đau chất chứa trong lòng.

-Liệu có phải mỗi khi ra nước ngoài Maiakovsky luôn nóng lòng sốt ruột muốn trở về nước, vì ở Nga nàng thơ Lilia Brik đang ngóng đợi ông?
-Cách nghĩ, cách cảm của tôi đối với Lilia Brik khá là phức tạp. Bà ta là một người phụ nữ rất từng trải. Bà ấy đã bỏ bùa cha tôi. Osip, chồng bà ta là một ‘đàn anh” của  Maiakovsky-hiểu theo nghĩa tốt đẹp của từ này. Osip đã dắt dẫn, đã trợ giúp cha tôi về nhiều phương diện.

-Bà đã có thời gian kết giao với Lilia Brik, với con trai riêng của bà Lilia là ông Vasili Katanhian- nhà nghiên cứu sáng tác của Maiakovsky…
-Nhưng mọi điều không mang lại kết quả như mong đợi.Trong một thời gian khá dài Lilia Brik là người quản lý mọi tài sản-vật chất và tinh thần-của nhà thơ. Tôi không hề nhận được một đồng nào từ những gì nhà thơ để lại và tôi tự kiếm sống cho đến tận hôm nay. Tồn tại ý kiến cho rằng Lilia Brik đã có ý định tìm tôi, nhưng không thành, bởi tôi mang họ mẹ.

-Và bà tự coi mình là người Nga mà không biết tiếng Nga…
-Tôi mang trong người tâm hồn Nga! Khi tôi còn bé, tôi trò chuyện với mẹ tôi bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức. Mẹ tôi rành rõ 4 ngoại ngữ và có trình độ học vấn tốt.Tôi đã sống gần trọn cuộc đời ở Mỹ. Nói cách khác, tôi đã sống nhiều năm tháng ngoài cộng đồng nói tiếng Nga. Tất cả mọi điều được xếp đặt trên thế gian này tựa như làm cho chúng tôi tin rằng, không bao giờ có cơ hội được trở về nước Nga. Chưa kể rằng, tại nước Mỹ trong một thời gian dài, chỉ cần tỏ ra có cảm tình với nước Nga đã là một điều rất nguy hiểm…
            Trong một từ những chuyến tới nước Nga, tôi đã tới thăm làng Baskirii, thuộc vùng Davlekanovo-nơi còn giữ lại được ngôi của ông bà ngoại tôi, cũng là nơi mẹ tôi cất tiếng khóc chào đời. Đặt chân bước vào ngôi nhà, tôi thực sự cảm thấy đã được trở về nơi chôn rau cắt rốn. Sau chuyến đi đó tôi đã viết cuốn sách “ Những khám phá của tôi về làng Baskirii” như để trò chuyện tay đôi với cuốn “ Những khám phá về nước Mỹ “ của Maiakovsky.

-Trong cuộc đời này, bà tự xác định mục đích sống cụ thể của mình ra sao?
-Sống, đối với tôi là một sự trải nghiệm. Tôi đã sống một cuộc đời khá dài. Tôi dồn tâm sức cho việc đấu tranh dành sự bình đẳng giới. Tôi không bao giờ coi mình là đàn bà, cho dù tôi cũng chẳng thích đàn ông.
            Ngoài công việc đó ra, tôi gắng gỏi làm mọi việc để biện minh cho cha tôi. Tôi muốn mọi người biết điều chủ yếu này: Cha tôi, Vladimir Maiakovsky không hề tự vẫn !Ông biết rằng, ông có con gái; ông đã cố gắng sống, sống vì tôi . Ông thường chỉ vào tấm ảnh của tôi và nói với bạn hữu: “Tương lai của tôi đó !”. Khi ông hiểu ra rằng mơ ước của ông về một xã hội lý tưởng là điều không thể thực hiện được trên cõi đời này, ông thẳng thắn nói ra điều đó và ngưng không sáng tác nữa. Đó là nguyên cớ khiến người ta không muốn ông tồn tại …



Ghi chú ảnh:
Bà Pastrisia Thompson trong căn phòng làm việc của bà ở NewYork.