Giản dị, mộc mạc hơn những gì ta hình dung về một đại
gia ngành dịch vụ, sở hữu cơ ngơi rộng lớn án ngữ mảnh đất phía Tây Hà Nội,
Bành Thanh Bần làm ta có chút ngạc nhiên ngay buổi đầu gặp ông. Ngạc nhiên hơn
nữa khi thấy ông, sau những nhọc nhằn của công việc làm ăn, kinh doanh lại
nguyên vẹn một sự hồn nhiên, đắm đuối dành cho thi ca đến vậy... Viết văn, làm
thơ đã đành, ông còn quyết tâm lập ra "Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống"
nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ những tác giả khó khăn về kinh tế để tác phẩm của
họ đến được với công chúng. Ông đúng là một nhà "Mạnh Thường Quân" của
văn chương Việt, một địa chỉ làm ấm lòng giới cầm bút.
BÀNH THANH BẦN VẪN SANG TRỌNG CHỐN VĂN CHƯƠNG
BÌNH NGUYÊN TRANG
Biết ông là Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương
mại Cường Thịnh, nổi tiếng với Khu du lịch Hồ Tiên Sa, có tài sản vài trăm tỉ,
mọi người thường đùa, tên ông là Thanh Bần mà chẳng… thanh bần tí nào. Ông mới
kể, thủơ nhỏ, cha mẹ đặt tên ông là Bành Văn Bầu. Rồi đi bộ đội, người ta viết
nhầm chữ Bầu thành chữ Bần. Sửa đi sửa lại cuối cùng tên ông thành ra Bành
Thanh Bần như hôm nay. Xuất thân trong một gia đình nghèo ở Gia Lâm, ngoại
thành Hà Nội, Bành Thanh Bần lớn lên, đi bộ đội như bao nhiêu thanh niên cùng
thời với mình. Ông tham gia vào đội tuyên truyền văn hóa, tự biên tự diễn nhiều
tiết mục văn nghệ phục vụ chiến sĩ đồng bào. Và cũng chính các tiết mục văn nghệ
"cây nhà lá vườn" ấy đã làm cầu nối cho ông gặp được người phụ nữ của
đời mình, một cô dược sĩ đã bỏ nghề đi làm thợ may. Thủơ ban đầu họ nghèo đến nỗi
phải ở nhờ chái nhà một người dân gần nơi đơn vị đóng quân, tường được trát dứng
bằng rơm trộn bùn. Hằng ngày anh lính Bành Thanh Bần xong việc ở đơn vị lại về
giúp vợ may quần áo gia công. Nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ nuôi con mà không đủ,
Bành Thanh Bần xin ra khỏi quân ngũ, làm quản trị hành chính trại gà, rồi làm kẹo
rỉ đường, sản xuất can nhựa, đi buôn chè, buôn thuốc lá cuốn Hàng Buồm…
Khi kinh tế thị trường bắt đầu bung ra, ông làm đại
diện cho một hãng xe máy của Đài Loan. Rồi cơ duyên thế nào, một số cán bộ lãnh
đạo xã Tản Lĩnh "mách nước" cho ông vào đấu thầu khu đất Hồ Tiên Sa
làm du lịch. Ông bèn "liều" một phen. Trúng thầu rồi, ông bắt tay vào
công việc như một người nông dân chính hiệu. Ông đắp một con đập thủy lợi để giữ
nước tưới tiêu cho bà con nông dân trong vùng. Như con ong cần mẫn từng ngày,
Bành Thanh Bần đã biến mảnh đất rộng lớn hoang sơ thành một khu du lịch sinh
thái với đầy đủ các dịch vụ từ phòng nghỉ tiêu chuẩn cao cấp đến hồ bơi, khu thể
thao vui chơi, ăn uống được du khách yêu thích lựa chọn. Ông cũng không thể ngờ
công việc làm du lịch, dịch vụ lại thay đổi cuộc sống của ông nhiều đến vậy. 5
người con của ông nay đều đã trưởng thành, có công ty riêng. Hồ Tiên Sa đã là địa
chỉ du lịch hấp dẫn cho những ai đi về phía Tây thành phố Hà Nội. Vừa rồi có
người trả ông 15 triệu USD để được nhượng lại khu du lịch này, nhưng ông vẫn
chưa đồng ý.
Quay lại chuyện cái tên Thanh Bần, ông kể, lúc còn
nhỏ, có một ông người Tàu biết xem bói đã chỏ vào ông mà nói với mẹ ông rằng,
thằng bé này sau sẽ phải hoán đổi tên và nó sẽ làm chủ một vùng đất phía Tây.
Giờ nghĩ lại mới hay những lời tiên tri của ông ta là đúng. Cái tên Thanh Bần,
nhiều người luận là nghèo khó, nhưng theo cách hiểu khác thì nó lại có nghĩa là
"thanh lọc cái nghèo đi", nên ông mới thành ra giàu có chăng?
Chuyện doanh nhân Bành Thanh Bần vượt khó làm giàu nếu
chỉ thế thì cũng không có gì bất ngờ cho lắm. Bất ngờ là ở chỗ, tưởng rằng lúc
đã đủ đầy về kinh tế, chỉ còn nghĩ chuyện hưởng thụ tuổi già, điền viên con
cháu, đi du lịch… thì ông lại quyết tâm "phấn đấu" theo con đường văn
học. Trong suốt buổi nói chuyện, ông nhiều lần nhắc đến hai chữ "phấn đấu"
với một thái độ hết sức hồn nhiên và nghiêm cẩn. Bành Văn Bần làm thơ là chủ yếu.
Ông đặc biệt có duyên với thơ lục bát, có nhiều bài được bạn bè trong giới khen
ngợi. Rồi ông được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.
Vào Hội rồi, đi họp, ông mới "té ngửa" ra là không ngờ rằng nhiều nhà
văn, nhà thơ của ta lại… khổ thế. Nhiều tác giả không có đủ tiền để sống, chứ đừng
nói đến chuyện in sách. Không hiếm người cả đời không thể tự in cho mình một tập
sách, chỉ vì không có tiền.
Xót cảnh đìu hiu ấy, Bành Thanh Bần quyết định lập
ra "Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống". Trước đó, ông trao tặng Hội
Nhà văn Hà Nội số tiền 250 triệu. Riêng việc lập quỹ hỗ trợ văn chương, doanh
nhân Bành Thanh Bần phải họp gia đình lại để thống nhất. "Tôi nói với các
con là, mình giàu có đến đâu, xây nhà 100 tầng đi nữa thì khi chết cũng mang đi
được. Vậy hãy để lại sự thơm thảo của mình bằng cách giúp đỡ những người còn khó
khăn hơn mình". Theo đó, vợ và các con ông đã đóng góp vào Quỹ 300 triệu đồng
mỗi năm và năm sau nhất định phải cao hơn năm trước. Ngoài các thành viên trong
gia đình ông là sự góp sức của một số nhà văn, nhà thơ và độc giả khác. Doanh
nhân Bành Thanh Bần cho hay, ông muốn xã hội hóa quỹ hỗ trợ văn chương này.
"Bất kỳ ai nếu có lòng đóng góp dù một khoản rất nhỏ, cũng sẽ trở thành
thành viên của quỹ". Ý nguyện của ông là nhân lên ngọn lửa mà mình đã thắp,
nhằm mục đích hỗ trợ và giúp ích cho những người cầm bút khó khăn trên mọi miền
đất nước.
Bành Thanh Bần, Vũ Quần Phương, Nguyễn Phan Hách, Vũ Từ Trang, Phạm Khải
tại Hồ Tiên Sa
Sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất xứ Đoài, Bành Thanh
Bần muốn làm một điều gì đó có ích cho văn nghệ xứ Đoài. Ông đang bắt tay vào
làm tập sách "Xứ Đoài-Thơ", chọn những thi phẩm hay nhất của
các nhà thơ xứ Đoài, với chi phí trên 100 triệu, do ông tự bỏ tiền túi ra tổ chức
bản thảo, in ấn và giới thiệu, ra mắt sách, tặng sách tác giả.
Vốn là người giàu kinh nghiệm trên thương trường,
nhà thơ - doanh nhân Bành Thanh Bần cũng rất "quy củ" khi điều hành
Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống. Ông tuyệt đối tuân theo những nguyên tắc mà
quỹ đã đề ra. Phương châm của ông là không bỏ sót những tác phẩm có giá trị mà
tác giả của nó đang gặp khó khăn về tài chính. Tất cả mọi sự giúp đỡ đều phải
có sự đồng thuận, nhất trí cao từ các thành viên Hội đồng thẩm định gồm các nhà
văn, nhà thơ có tên tuổi. Bên cạnh những người viết khó khăn thật sự, thì cũng
có những trường hợp muốn lợi dụng Quỹ để tư lợi.
Bành Thanh Bần kể, có nữ nhà thơ xin Quỹ hỗ trợ hàng
trăm triệu để in một tập thơ để đời; có nhà thơ nợ ngân hàng hơn trăm triệu đồng
đề nghị Quỹ hỗ trợ trả giúp và tình nguyện cùng hai con đang tuổi ăn học ra làm
"nhân viên" ở Khu du lịch Hồ Tiên Sa để trừ nợ dần. Tất nhiên là ông
từ chối. "Những ai lợi dụng tôi là tôi biết ngay. Tôi lập ra một cái quỹ
là để tiền phải đến đúng địa chỉ cần đến. Tôi không bao giờ giúp tiền để anh A,
anh B đi uống rượu cả. Bản thảo phải được hội đồng thẩm định gồm những người có
uy tín duyệt. Và phải có hợp đồng với nhà in rồi thì Quỹ mới chuyển tiền".
Nhiều người nhận xét, Bành Thanh Bần làm kinh doanh thì giỏi mà ứng xử cũng rất
tình nghĩa.
Từng có người hỏi nhà thơ - doanh nhân Bành Thanh Bần,
rằng phải chăng ông lập quỹ giúp đỡ mọi người là một cách dùng tiền để
"mua danh"? Bành Thanh Bần trả lời ngay, ông đã có danh rồi, không cần
phải mua nữa. "Còn cái danh trong văn chương thì tôi đủ từng trải để hiểu
rằng tiền không bao giờ mua được. Tôi chỉ làm nên tên tuổi mình bằng chính những
tác phẩm có giá trị, được độc giả xác nhận qua thời gian. Nếu tôi có mua bằng
tiền thì cái danh đó cũng một sớm một chiều mà bay đi mất.
Là người làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng,
Bành Thanh Bần rất ghét hai chữ "chạy chọt". Ông sống thẳng thắn,
chân tình với mọi người, không màu mè, hoa lá như nhiều người giàu có khác. Có
nhiều tiền, nhưng ông luôn làm chủ đồng tiền, không bao giờ để nó chi phối
mình. Ông yêu quý bạn bè văn chương và sẵn sàng từ chối gặp các vị quan chức, để
"tiêu phí" thời gian đó cho bạn văn. Khu du lịch Hồ Tiên Sa của ông
luôn dành giá ưu đãi đặc biệt cho khách là nhà văn, nhà báo… Người giàu trong
xã hội hôm nay như ông Bành Thanh Bần không hiếm. Nhưng không phải ai cũng sẵn
sàng bỏ tiền "đầu tư vào việc không sinh lợi vật chất" như ông, là
làm "bà đỡ" cho những đứa con tinh thần có giá trị của nhiều người cầm
bút gặp khó khăn. "Cái mà tôi nhận được không phải là tiền, nhưng nó cao
quý hơn tiền gấp nhiều lần, là niềm vui khi nhìn thấy những trang viết có giá
trị đến được với độc giả, làm giàu có đời sống tinh thần của xã hội".
Nói về Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống Bành Thanh
Bần chia sẻ: "Tôi mong Quỹ sẽ hoạt động lâu dài, và sẽ được nhiều người
góp tay chung sức vào''. Nhưng rồi ngẫm ngợi một lúc, ông lại bảo: "Nhưng
biết đâu đấy, sau này Đảng và Nhà nước chăm lo cho văn nghệ sĩ tốt hơn, đầy đủ
hơn, thì có thể Quỹ của tôi sẽ giải tán cũng nên"