Một dải cù lao thượng nguồn Chín Rồng mà sản sinh ra biết
bao chính khách, văn nhân. Nguyễn Quang Sáng sống trọn tuổi thơ ở đó cho đến
năm mười bốn tuổi thì đi bộ đội. Cả một thời vị thành niên ngụp lặn, khoả sóng
sông Tiền, anh đội phù sa mà lớn lên. Rồi cùng với phù sa của bao dòng sông
khác để bồi đắp nên một nền văn học mới. Anh Sáng kể: Ba anh làm nghề thợ bạc
nổi tiếng trong vùng. Mẹ anh làm vườn và đảm việc nội trợ. Gia đình không đến
nổi nghèo, nên anh được đến trường từ nhỏ. Ba anh mê hát tuồng, cải lương và
truyền cái gien đó sang anh. Cả một vùng cây trái, sông nước, con người, tập
tục sau này đều đi vào tác phẩm Nguyễn Quang Sáng, đem cái mặn mòi chân chất
của mạch tự truyện bổ sung cho cái bay bổng của thăng hoa tưởng tượng.
PHONG LƯU NGUYỄN QUANG SÁNG
HỮU THỈNH
Mùa hè năm 2009, tôi đi An Giang để tham
dự Hội thảo “Văn học với đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân” do Hội Nhà
văn Việt Nam và Hội Văn học - nghệ thuật An Giang phối hợp tổ chức. Trên chuyến
xe đi Long Xuyên hôm ấy có anh Nguyễn Quang Sáng, anh Lê Văn Thảo và tôi.
Khi Lê Văn Thảo và tôi đến đón, anh Sáng đang độc ẩm bên một chiếc bàn nhỏ,
dưới một tán lá xum xuê. “Mình đang nhấp trà Thái Nguyên để nhớ Hà Nội các ông
ạ”. Anh khoe ngôi nhà này do con trai anh thiết kế. Tất cả đều hiện đại, chỉ có
góc vườn rất nhỏ này là có vẻ dân dã nhà quê. Trong truyện ngắn “Con ma da”,
anh Sáng để cho nhân vật mình lên tiếng.
- Dân thành phố tụi mày quên nhiều điều quá.
Phải chăng cái góc trà nhỏ xíu này là nơi để chống lại
căn bệnh chết người đó? Vừa lên xe anh Sáng đã đặt cọc:
- Hôm nay đi dềnh dàng chút đó nghe. Không đi kiểu hộc
tốc của Hữu Thỉnh, chỉ biết làm việc thôi, chán lắm. Mấy ông Ok chứ?
- Anh Năm là trưởng đoàn, anh quyết cái gì là bọn em theo
liền. Tôi nói.
Lê Văn Thảo:
- Chuyến này mình phải “nhậu hoá” Hữu Thỉnh mới được.
Câu chuyện đã có mồi, cứ thế rôm rả. Xe ra khỏi thành
phố. Ai vừa mở chiếc lồng bàn của vô tận để miền Tây tươi tốt hiện ra trước cơn
đói thiên nhiên của chúng tôi. Đúng là được phóng sinh, được thả về với vườn
tược cây cỏ. Thú quá. Đó cũng là một cuộc nhậu chứ sao. Xe đang ngọt máy. Trời
mới non trưa. Người đang ròn chuyện. Thuận đà, có thể phóng thêm 100 km nữa,
rồi ngẫu nhiên tạt vào cái quán nào đó ven đường cũng khoái lắm chứ. Nhưng vị
trưởng đoàn đã ra lệnh:
- Chú Kim cho xe táp vô Tiền Giang, ghé quán Quốc Việt
nghỉ trưa nghe.
Gọi là “quán” thì khiêm tốn quá. Đó là cả một cơ sở dịch
vụ sang trọng, toà ngang dãy dọc, người xe tấp nập, ồn ào. Nó toạ lạc ngay cạnh
bên phà Rạch Miễu mà bao năm tôi qua đây để sang Bến Tre mà không biết.
Chủ nhà là anh Quốc Việt, con trai của bà má ngày xưa cùng làm việc với anh
Sáng ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thời anh tập kết ra Bắc. Quốc Việt trưởng thành
từ cán bộ Đoàn, đi học Liên Xô, lại học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Một cán bộ
trẻ đầy hứa hẹn. Nhưng học xong, anh rẽ ra làm kinh tế, thành đạt khá nhanh.
Qua cái món đặc sản cầu kỳ mà chủ đem đãi khách, tôi biết Quốc Việt phải bỏ ra
cả tuần lễ để chuẩn bị. Khắp miền Tây, miền Đông, Hà Nội, Huế... đâu đâu anh
Sáng cũng có những fan hâm mộ như thế. Đến đâu anh cũng được chèo kéo, quần tụ
rôm rả, và các cuộc nhậu, “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm” như thế kéo
dài như bất tận. Đó là một nét phong lưu đặc biệt của Nguyễn Quang Sáng. Phong
lưu tình bạn. Anh được mến mộ rộng khắp, cả văn và người. Những người bạn đó
không phải là những thực khách nhất thời ghé vào chiếu một lần cho phải phép,
mà thực sự là sự thù tạc thuỷ chung với biết bao tri kỷ. Những người bạn đó, họ
đọc văn anh trước rồi mới tìm đến anh sau. Và cái mà họ bắt gặp ở anh là sự
thống nhất trọn vẹn giữa nhà văn và tác phẩm. Nguyễn Quang Sáng rất Nam Bộ. Một
nhà văn Nam Bộ điển hình. Một nhà văn trên 80 tuổi đời, 60 năm cầm bút, trải
đời và trải nghề là thế mà vẫn giữ được yếu tố bản năng tươi tốt đến khi từ giã
cõi đời. Bản năng tươi tốt bền vững đã giúp anh bảo toàn cá tính sáng tạo, đủ
sức làm nên một trường ảnh hưởng độc đáo, một phong vị văn chương riêng biệt.
Chiều hôm đó, chúng tôi đi men theo dòng sông Tiền để
tiến vào thành phố Long Xuyên, thủ phủ của tỉnh Tiền Giang. Đến một đoạn cây
cối, đất đai trù phú, anh Sáng bảo lái xe đi chậm lại. Anh nhoài người ra khỏi
cửa kính, chỉ tay về phía Tây, giảng giải:
- Hữu Thỉnh nhìn sang cù lao bên phải coi. Đó là cù lao
Giêng, nay là huyện Chợ Mới. Quê mình đó. Có nhìn thấy cái chóp nhà thờ cổ kính
kia không. Có à. Đó là nhà thờ cổ nhất Việt Nam, xây trước cả nhà thờ Phát Diệm
ngoài Bắc. Cạnh đó là nhà của đồng chí Ung Văn Khiêm. Tiếp đó là nhà bác sĩ
Nguyễn Văn Hưởng, Bộ trưởng Y tế đầu tiên của ta đó. Mấy chúng tôi, Anh Đức,
Nguyễn Quang Sáng, Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đều sinh ra ở Cù Lao này cả. Đều là bạn
học từ thời để chỏm đó.
Đi tiếp một đoạn, anh lại bảo xe chạy chậm và chỉ tay về
một cù lao đối diện với cù lao Giêng.
- Thấy cái đám cò vừa vỗ cánh bay lên đó không. Đó, là cù
lao Hổ, nay là huyện Mỹ Hoà Hưng, quê hương của bác Tôn Đức Thắng. Gần đó là
nhà của Lê Văn Thảo, Viễn Phương. Tao nói vậy đúng không Thảo?
- Anh Năm làm hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư coi vậy mà
ngon đó. Hữu Thỉnh biết không, trước khi lên rừng, anh Viễn Phương dạy học.
Mình học ổng. Sau ổng bị bắt, bị giam ở nhà tù Phú Lợi cùng với Sơn Nam. Thầy
Viễn Phương dạy văn rất hay, nhưng mình thích toán, thi vào Đại học ngành Toán.
Học toán hai năm, hoạt động trong phong trào sinh viên, được móc lên rừng. Từ
đó viết văn.
Một dải cù lao thượng nguồn Chín Rồng mà sản sinh ra biết
bao chính khách, văn nhân. Nguyễn Quang Sáng sống trọn tuổi thơ ở đó cho đến
năm mười bốn tuổi thì đi bộ đội. Cả một thời vị thành niên ngụp lặn, khoả sóng
sông Tiền, anh đội phù sa mà lớn lên. Rồi cùng với phù sa của bao dòng sông
khác để bồi đắp nên một nền văn học mới. Anh Sáng kể: Ba anh làm nghề thợ bạc
nổi tiếng trong vùng. Mẹ anh làm vườn và đảm việc nội trợ. Gia đình không đến
nổi nghèo, nên anh được đến trường từ nhỏ. Ba anh mê hát tuồng, cải lương và
truyền cái gien đó sang anh. Cả một vùng cây trái, sông nước, con người, tập
tục sau này đều đi vào tác phẩm Nguyễn Quang Sáng, đem cái mặn mòi chân chất
của mạch tự truyện bổ sung cho cái bay bổng của thăng hoa tưởng tượng. Công
việc sáng tạo có thể cấp giấy thông hành cho mọi dữ kiện của đời sống đi vào
tác phẩm của nhà văn. Nhưng sẽ chỉ thực sự trở nên có hình hài, máu thịt những
gì nhà văn đã trải nghiệm và trả giá. Kết thúc truyện ngắn “Bài học tuổi thơ”
Nguyễn Quang Sáng viết “Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng
chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để nguyên trang giấy trắng trung thực,
trên bàn viết”. Cái chất thâm thuý trong văn Nguyễn Quang Sáng thường để cho
đời sống trần trụi, thô tháp cất lên, thay cho mớ lý lẽ áp đặt cơ giới di trú
từ bên ngoài.
*
Trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV (1989), kết quả
bầu cử lần một có sáu người trúng cử: Nguyễn Quang Sáng, Vũ Tú Nam, Chính Hữu,
Nguyên Ngọc, Xuân Cang, Hữu Thỉnh, trong đó Nguyễn Quang Sáng cao phiếu nhất.
Trong lúc Đại hội đang thảo luận có nên bầu lần hai hay không và bầu như thế
nào thì có một chiếc xe đến Hội trường Ba Đình đón sáu vị vừa trúng cử về họp
tại Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Uỷ viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, chủ trì hội nghị. Đồng
chí đi ngay vào công việc:
- Thay mặt Ban Bí thư, tôi xin chúc mừng các nhà văn đã
trúng cử đợt đầu. Đại hội sẽ thảo luận và quyết định việc bầu cử lần hai, theo
đúng Quy chế tổ chức Đại hội. Nhưng dù bất cứ kết quả bầu cử tiếp theo như thế
nào thì chức danh Tổng Thư ký cũng sẽ được bầu trong sáu nhà văn trúng cử đợt
đầu. Theo tôi nghĩ, Tổng Thư ký Hội Nhà văn phải là người tiêu biểu về phẩm
chất chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ, quy tụ được anh em, có sức khoẻ, nhiệt
tình làm việc. Vì trọng trách lớn như vậy, cần có sự tập trung cao độ, vì vậy
cần thường trực tại Hà Nội. Ban Bí thư đề nghị các đồng chí phát huy trí tuệ
tập thể, cùng xem xét, quyết định cử người để Đại hội bầu chức danh Tổng Thư
ký.
Sau khi đồng chí Nguyễn Đức Tâm dừng lời, không khí ắng
đi một lúc lâu. Sau đó, có hai người được giới thiệu là anh Nguyễn Quang Sáng,
và anh Vũ Tú Nam. Sau vài lời trao đổi, anh Nguyễn Quang Sáng đứng dậy nói:
- Tôi cám ơn đồng chí giới thiệu. Nhưng tôi đi tập kết
miền Bắc mười năm, về Nam chiến đấu hơn mười năm nữa, xa nhà, ăn cơm tập thể
nằm giường cá nhân nhiều rồi. Nếu làm Tổng Thư ký lại tiếp tục cảnh xa nhà, xa
vợ con, cơm niêu nước lọ, cực không chịu nổi. Do vậy, cho tôi xin rút lui và
xin giới thiệu anh Vũ Tú Nam.
Anh Sáng kết thúc lời phát biểu với gương mặt thật thư
thái. Mộc mạc, giản dị, và một sự chân tình không ai có thể nghi ngờ được.
Vỗ tay. Không có ý kiến gì khác. Anh Vũ Tú Nam phát biểu
cám ơn anh Nguyễn Quang Sáng và đề nghị nếu được bầu làm Tổng Thư ký thì xin
anh Sáng giúp làm Phó Tổng Thư ký, phụ trách khu vực phía Nam.
Cuộc họp kết thúc vui vẻ. Lần bầu thứ hai có thêm ba nhà
văn trúng cử: Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyễn Thị Ngọc Tú. Việc bầu Tổng Thư ký
trong phiên bế mạc Đại hội diễn ra theo đúng kịch bản mà anh Sáng đã phát biểu
trong cuộc họp với Ban Bí thư.
Nhiệm kỳ 4 diễn ra tốt đẹp. Tổng Thư ký Vũ Tú Nam và Phó
Tổng Thư ký Nguyễn Quang Sáng là hai vế đối rất hoàn chỉnh. Hai tính cách, hai
phong thái hai sự kinh nghiệm bổ sung cho nhau, làm trụ cột cho một tập thể
lãnh đạo gồm chín thành viên. Tôi và chị Nguyễn Thị Ngọc Tú thật hạnh phúc được
làm việc với những người anh mà tài năng đã được chứng thực, từng trải dư thừa,
vô cùng sắc sảo, có đằng sau cả mấy chục năm lặn lội trên các ngả chiến trường
ác liệt nhất. Với một tập thể như thế, vị Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký đã
triệt để khai thác một bí quyết thành công: Dân chủ. Nhưng tính phức tạp của
cuộc sống luôn là sự xuất hiện không ngừng những yếu tố ngoài dự báo. Trước
những tình huống đó, có ý kiến khác nhau, thậm chí gay gắt là chuyện bình
thường. Và phải xem là bình thường. Tôi có không ít những kỷ niệm về các cuộc
thảo luận căng thẳng như thế. Và điều thú vị là khi kịch tính được đẩy đến mức
cao nhất thì người gỡ nút thường là Nguyễn Quang Sáng. Anh có cái khôn ngoan
rất dân dã và rất thuyết phục của người nhà quê. Kinh nghiệm cho thấy khi mà lý
tính được đẩy lên rất cao thì muốn đạt được sự đồng thuận phải có thêm yếu tố
của tình cảm - một thứ tình cảm chứa rất nhiều lẽ phải thông thường. Đó không
phải là giải pháp tình thế hạ hoả nhất thời, mà là một cách sống. Và để làm xum
xuê thêm cuộc chung lưng đấu cật, trong mọi thứ quyền, cần tôn trọng cái quyền
cho người ta nghĩ lại và quyền chờ đợi không biết nản.
*
- Hữu Thỉnh đó à, anh Sáng nè. Tụi tao đang nhậu. Nhớ em
gọi chơi thôi, không có chuyện gì đâu.
Tôi thường nhận được những cú điện thoại ngẫu hứng như
thế của anh Sáng từ khắp nơi anh tới. Thú thật trước vong linh anh, có lúc mải
việc hoặc vì lý do gì đó, tôi không bắt máy kịp. Lúc sau xem lại các cuộc gọi
nhỡ, tôi gọi xin lỗi anh liền. Anh cười hể hả, chẳng để bụng để dạ gì cả. Tính
anh vốn vậy. Xuề xoà, khoan dung, rộng mở. Tôi đọc anh khá sớm. Những năm tôi
còn là học sinh cấp 3 phổ thông thì tên tuổi anh đã nổi đình đám. Sau hai tập
truyện ngắn trình làng Con chim vàng (1957), Người quê hương (1958) thì hai tập
tiểu thuyết Nhật ký người ở lại (1962) và Đất lửa (1963) được dư luận đánh giá
rất cao lúc bấy giờ. Tôi phải thuê đọc từ một thư viện tư nhân ở thị xã Vĩnh
Yên. Đọc anh khá sớm, nhưng phải đến năm 1983 tôi mới được gặp anh, trong Đại
hội Nhà văn Việt Nam lần thứ ba. Ba mươi năm gìn giữ một hơi ấm, với tôi đó là
một tài sản quý báu. Có những lúc do công việc, tôi nhờ anh giúp cho chuyện này
chuyện khác. Anh không hề từ chối. Chỉ riêng một chuyện, tôi đeo đuổi năm sáu
năm qua, đến tháng 7 năm 2013 mới được anh giúp cho mĩ mãn. Đó là việc sưu tầm
các hiện vật của anh để trưng bày trong Bảo tàng Văn học của Hội. Tôi biết anh
do dự đôi chút, một là những hiện vật đó rất quý, anh muốn giữ để làm nhà lưu
niệm sau này, hai là anh sợ bị xem là đánh bóng tên tuổi. Tôi không hối thúc
anh tức tưởi nhưng đeo bám không ngừng. Cuối cùng, vào một ngày may mắn của
tháng 7 năm 2013, sau sự quả quyết đanh thép của anh, tôi bảo nhà thơ Lê Quang
Sinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Văn học lấy vé máy bay gấp vào thành phố Hồ Chí
Minh. Lê Quang Sinh bay lúc sáng, quá trưa tôi đã có tin vui từng mong đợi: Anh
Sáng đã đồng ý bàn giao một hòm lớn kỷ vật của anh cho Lê Quang Sinh đem về.
Tôi dặn Sinh: “Em nhớ khi ra phải để riêng làm hàng xách tay, không được gửi
theo đường dây chuyền đâu đấy”. Tôi đón Sinh ở Bảo tàng, vui muốn khóc, vì anh
Sáng rất cẩn thận, xếp thứ gì ra thứ ấy, từng thứ ghi chú rõ ràng: Bản thảo,
quần áo, thư từ, và một vỏ chai rượu đặc biệt nhất. Trong các kỷ vật có
thẻ nhà báo cấp ngày 27-6-1960 do Giám đốc Sở báo chí Trung ương Lưu Quý Kỳ ký,
giấy chứng nhận (thay cho chứng minh thư tạm thời) cấp ngày 16-5-1973 do nhà
thơ Bảo Định Giang thay mặt Liên hiệp Văn học - nghệ thuật ký. Và, đặc biệt là
“Giấy chứng nhận chở gạo cấp cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhà văn Nguyễn Quang
Sáng mỗi nguời được chở 10kg gạo từ An Giang về thành phố Hồ Chí Minh” do Phòng
lương thực huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cấp ngày 28-5-1978.”
Trời ơi! Hai ông, một nhạc, một văn, được Giải thưởng Hồ
Chí Minh lẫy lừng thiên hạ, thế mà có một dạo về quê được bà con cho gạo làm
quà mà phải có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước. Mà có nhiều nhặn gì
cho cam. Tôi đọc nghẹn ngào, nhớ lại tất cả anh Sáng. Một tài tử giai nhân Nam
Bộ tài hoa, phóng khoáng, ham vui nhưng vô cùng cụ thể, chu đáo chăm chút cho
gia đình từng ký gạo. Một người biết lo những việc nhỏ nhất cũng là người biết
lo cho những việc lớn nhất. Nhớ lại cái thời ngặt nghèo nó như cơn bão thắt
ngặt không chừa bất cứ ai. Nhưng có điều lạ, các nhà văn cùng với bà con cô bác
cứ vui vẻ sống, chấp nhận và chờ đợi, một nỗi chờ đợi khắc khoải cái mầm sống
đang sinh sôi trong chính cơ thể mình. Và đó lại là thời kỳ sung sức nhất của
anh Sáng. Từ những thành công của văn học, anh làm người ta bất ngờ với hàng
loạt kịch bản điện ảnh nổi tiếng, trong đó có phim “Cánh đồng hoang”, được xem
là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Một đời sống đã khép lại. Nhưng vòng ảnh hưởng của một
nhà văn tiếp tục được mở ra. Anh Sáng ơi!