Vụ án “Lệ Chi viên” qua thời gian
sáng tỏ, được xếp vào vào sự kiện oan khiên thảm khốc nhất của lịch sử dân tộc
ta. Cái chết của vua Lê Thái Tông dẫn tới án tru di tam tộc Nguyễn Trãi-Nguyễn
Thị Lộ, mãi còn day dứt tâm can những con người yêu nước và cương trực. Lịch sử
đã minh oan cho cái chết tức tưởi của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ấy vậy, dấu
vết Nguyễn Thị Lộ đã dần bị xóa nhòa với thời gian. Không rõ nguyên cớ nào đã
dẫn cụ Hoàng Đạo Chúc dành cả tâm lực tuổi già đi làm việc sáng tỏ và tôn vinh
công sức bà lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Vốn là nhà giáo và đã trải qua nhiều
công việc khác nhau, khi về hưu, cụ phối hợp cùng tiến sĩ sử học Đinh Công Vĩ,
tiến sĩ hán nôm Mai Hồng đi điền dã nhiều nơi, sưu tầm nghiên cứu nhiều tài
liệu qua các gia phả, ngọc phả, qua nhiều truyền thuyết dân gian, tiến hành vận
động thành lập Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ, tổ chức Hội
thảo khoa học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
NGƯỜI CƠM NHÀ VÁC
TÙ VÀ HÀNG TỔNG
VŨ TỪ TRANG
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc kể, sự kiện năm 1980,
Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, càng thôi thúc
cụ quyết tâm tập hợp những người cùng chí hướng minh oan và tôn vinh công trạng
cho bà Nguyễn Thị Lộ. Để làm việc này, cụ đã tranh thủ sự giúp đỡ của Giáo sư-
Anh hùnh lao động Vũ Khiêu, giáo sư sử học Phan Huy Lê, giáo sư sử học Đinh
Xuân Lâm, giáo sư-thượng tướng Hoàng Minh Thảo, giáo sư Chu Quang Trứ, nhà sử
học Dương Trung Quốc... Đồng thời lên kế hoạch tu bổ xây dựng ba khu tưởng niệm
bà Nguyễn Thị Lộ. Đó là đền thờ Lệ Chi Viên (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nơi
xảy ra vụ án oan khiên. Đền thờ tại quê hương của bà, làng Hới (xã Tân lễ,
huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Tu bổ đền thờ cũ ở Khuyến Lương (quận Hoàng
Mai, Hà Nội), nơi một thời bà và Nguyễn Trãi từng sinh sống.
Những năm trước, ai quan tâm đến
ngôi đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương, không khỏi ngậm ngùi. Ngôi đền
nhỏ bé đã bị tàn phá nặng nề của thời gian và sự lãng quên của con người.“Góc
thành Nam, lều một gian” có phải Nguyễn Trãi đã từng viết “Bình Ngô sách” tại
đây? Nơi in dấu vết lịch sử bi hùng một thưở, sao bị bỏ hoang tàn như vậy? Trước
sự xuống cấp trầm trọng của ngôi đền, cụ Chúc cùng hội những người yêu kính Nguyễn
Trãi-Nguyễn Thị Lộ đã lặn lội đi kêu gọi những doanh nghiệp, những nhà hảo tâm
góp tiền của và công sức để tu bổ, xây dựng lại ngôi đền cho xứng lòng mong mỏi
của nhân dân. Như một cơ duyên, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công
ty Hòa Bình (Hà Nội) sẵn lòng đứng ra góp kinh phí xây dựng. Công trình được
khởi công năm 2003, khánh thành năm 2004.
Có đà thắng lợi bước đầu, cụ Chúc
cùng thân chủ những người yêu kính Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ lại mở cuộc vận
động xây dựng ngôi đền bà Nguyễn Thị Lộ tại quê hương của bà, thôn Hải Triều
(còn gọi là làng Hới chiếu) thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Làng
quê yên bình nơi đây, ngỡ còn in dấu chân người con gái quê tài sắc, đã từng
gánh những đôi chiếu cói đẹp nhất, tốt nhất của làng lên kinh kỳ Thăng Long,
hòng tìm gặp người hiền tài góp công cứu quốc. Mối tình thơ mộng “Em ở Tây Hồ
bán chiếu gon” đã mở ra nghiệp lớn, đồng thời mang họa lớn cho bà và ba dòng
họ. Nghĩ đến bậc tiền nhân đầy oan khuất, cụ Chúc càng mong sớm xây dựng ngôi
đền. Công trình khởi công năm 2005, khánh thành tháng 3-2009. Đền thờ nơi đây
hòa nhập cùng cụm kiến trúc đình chùa khá nguy nga của làng, tạo thành một
không gian tâm linh của làng xóm. Đặc biệt, pho tượng đồng toàn thân bà Nguyễn
Thị Lộ cao 2m71, được dựng trên lầu thủy tạ giữa ao đền có hoa sen trắng đến
mùa tỏa ngát hương thơm.
Quá trình đúc pho tượng này cũng khá
đặc biệt. Mọi người tham gia đúc tượng kể lại sự việc mang màu sắc tâm linh
diệu kì. Buổi sáng làm lễ nổi lửa nấu đồng đúc tượng, trời quang mây tạnh. Bỗng
từ đâu, mây đen vần vụ ùn ùn kéo về phủ kín bầu trời. Cả xưởng đúc ai nấy cùng lo
lắng công việc không thực hiện được. Nhưng lạ lùng thay, khi mẻ đồng nấu chảy
đỏ, thì mây đen và sấm chớp tự dưng cuốn đi đâu hết. Bầu trời trở nên quang quẻ
kỳ diệu. Mọi người vô cùng hân hoan, như thấy trời đất ủng hộ việc làm lòng thành
của họ. Hương khói và chiêng trống nổi lên, nhiều người tháo nhẫn vàng, vòng
vàng thả vào nồi nấu đồng, mong góp chút lòng thành việc đúc tượng tiền nhân.
Mẻ đồng cuối cùng vừa đổ đầy khuôn, cũng là lúc trời bừng nắng rực rỡ. Những
đám mây trắng như những vạt áo của các nàng tiên nhẹ trôi trên bầu trời. Ai
cũng như cảm nhận vong linh bà Nguyễn Thị Lộ về hoan hỉ với lớp con cháu hậu
sinh yêu kính mình.
Ngày nay, ai có dip về thăm Lệ Chi Viên
(thôn Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), hẳn sẽ cảm kích khi thấy khu đền
tưởng niệm Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ xây dựng tôn nghiêm, khang trang. Động thổ
năm 2006, cuối năm 2013 công trình được hoàn tất cơ bản. Ngôi nhà tiền tế, nhà
thờ hậu cung, hai dãy nhà giải muống và tượng đài giọt lệ oan khiên trên trang
sách mở, được dựng bên ao đền, như một dấu hỏi của lịch sử. Giữa sân đền, pho
tượng bà Nguyễn Thị Lộ được tạc bằng đá cẩm thạch nổi bật giữa nền trời ngổn
ngang mây bay.
Để hoàn thành khu đền thờ Lệ Chi
Viên, cụ Hoàng Đạo Chúc cùng bao thân chủ đã trải qua bao khó khăn, vất vả. Từ
việc xin phép các cơ quan nhà nước cho xây dựng, đến việc vận động các doanh
nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp tiền của, là một quá trình hi sinh bền bỉ.
Những ngày xây dựng đền, người dân Lệ Chi Viên luôn thấy ông già tóc bạc dãi
nắng dầm mưa theo sát từng bước chân người thợ. Những người thợ rất cảm kích,
vì thấy cụ Chúc ăn cùng, ở cùng với họ, đốc thúc tiến độ thi công cho kịp thời
hạn. Quá trình xây dựng, nhiều khách vãng lai ghé thăm, cũng sẵn lòng xin góp
tiền, góp sức cho công trình mau hoàn thành. Lại có kẻ tâm địa không tốt, nghi
ngờ và đặt điều không hay về cụ Chúc. Để tránh sự nghi kị, suy diễn về tiền bạc
xây dựng, cụ Hoàng Đạo Chúc cùng các thân chủ đặt ra một nguyên tắc, là không trực
tiếp quản lý tiền vốn xây dựng. Việc vận động các doanh nghiệp và các nhà hảo
tâm được tiến hành theo phương thức xã hội hóa, giao từng công trình để doanh
nghiệp và các nhà hảo tâm trực tiếp xây dựng và quản lý đồng tiền công đức của
mình. Cụ Chúc cùng thân chủ của hội chỉ là những người giám sát tiến độ thi
công, hướng dẫn các đơn vị thi công theo đúng tiến độ công trình.
Có một sự cố về tiền bạc
trong quá trình xây dựng khu đền Lệ Chi Viên, cụ Hoàng Đạo Chúc còn băn khoăn
mãi. Đó là đợt vào Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đặt pho tượng bà Nguyễn Thị Lộ tạc
bằng đá cảm thạch, một nhân vật xin đưa cụ Chúc vào tiếp xúc vị cán bộ cao cấp
của thành phố Đà Nẵng. Chả là vị này biết tin việc xây dựng khu đền Lệ Chi
Viên, với lòng thành kính xin công đức một khoản tiền vào quỹ xây dựng. Khi
nhận số tiền công đức đó, nhân vật dẫn đường kia đòi ngay mười phần trăm tiền
hoa hồng. Cụ Chúc quá bất ngờ với hành vi đó. Mà nhân vật đòi tiền hoa hồng lại
chính là người quê Lệ Chi Viên. Cụ Chúc thật sự bị sốc. Vì kể từ ngày khởi công
xây dựng, cụ cùng bao thân chủ chưa mảy may lạm dụng một đồng vốn xây dựng. Ai
cũng chỉ biết góp công sức, không chút tính toán. Cụ và mọi người đều nghĩ, nếu
dính vào một đồng của quỹ công đức, thì tự thấy có lỗi lớn. Trở về Lệ Chi Viên,
cụ Chúc buộc phải báo cáo lại sự việc này trước ban quản lý xây dựng. Thế là
xảy ra xung đột giữa nhân vật dẫn đường nọ và cụ Chúc. Càng nghĩ, cụ càng thấy
buồn. Cụ nghĩ, đã phát tâm phát đức đi làm việc tôn vinh tổ tiên, mà lại lợi
dụng tiền bạc, thì thật xấu xa.
Cụ Chúc tâm sự, có người không
hiểu, đã hỏi, sao bao năm cụ cứ “cơm nhà vác tù và hàng tổng” như vậy? Cụ không
muốn giải thích. Cụ chỉ tâm niệm, mình là người dân thường, làm được chút gì
lưu giữ công trạng và tôn vinh bậc tiền nhân, thì nên làm. Cụ mong lớp con cháu
sau này không quên công ơn các bậc tiền nhân. Giản dị thế thôi. Còn họ chưa
hiểu, thì rồi họ dần hiểu tâm nguyện của mình.
Bây giờ, sau mấy chục năm theo
đuổi ước nguyện tôn vinh công trạng các bậc tiền nhân một thời bị oan khất, cụ
Hoàng Đạo Chúc cùng các thân chủ đã xây dựng hoàn thành ba cụm đền thờ Nguyễn
Trãi-Nguyễn Thị Lộ. Ba công trình tâm linh góp phần tôn vinh ba vùng quê một
thời bị bỏ quên. Công trình đền thờ Lệ Chi Viên đã được cấp bằng di tích lịch
sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, công trình này rất xứng tầm di tích
lịch sử quốc gia.
Trong buổi lễ khánh thành đền thờ
Lệ Chi Viên, thay mặt Ban vận động xây dựng của Hội những người yêu kính Nguyễn
Trãi-Nguyễn Thị Lộ, cụ Chúc cảm ơn các cơ quan đoàn thể, các doang nghiệp, các
nhà hảo tâm và bà con Đại Lai-Lệ Chi Viên đã góp sức xây dựng khu đền tưởng
niệm thành công. Cụ trân trọng chuyển giao công trình có ý nghĩa thiêng liêng
này cho bà con xã Đại Lai tiếp tục quản lý, duy tu bảo dưỡng, để quần thể di
tích mãi tồn tại và phát huy ý nghĩa. Người dân Lệ Chi Viên thầm cảm ơn cụ Chúc.
Họ biết, với tâm huyết của cụ, làng xóm đã có công trình lịch sử thiêng liêng
này.
Cụ Hoàng Đạo Chúc được nhiều người
yêu qúy, gọi là nhà giáo. Thời trẻ, cụ đã trải qua nhiều công việc. Một thời
gian dài, cụ làm nghề dạy học. Có thời gian, cụ
về làm công tác đoàn thể tại cơ quan tôi công tác. Hồi ấy, cụ như mờ mịt
giữa một tổ chức đang trong thời kỳ cải tổ, đổi mới. Công việc dạo ấy hình như
không phù hợp với cụ. Khi biết tin cụ theo đuổi ước vọng vận động xây dựng tu
tạo ba ngôi đền lịch sử, tôi thật nể trọng. Công việc đã thành công, tôi thêm tin,
ở đời còn cần có những người “cơm nhà vác tù và hàng tổng”.