Cuộc đời và văn nghiệp của đại văn hào Nga-Xô viết Mikhail Solokhov vẫn còn là điều kỳ lạ và kỳ bí nữa mà thiên hạ sẽ tốn nhiều giấy mực để bàn bạc, tranh cãi. Ví như vì sao bộ ba tiểu thuyết “ Sông Đông êm đềm” có thể ra đời trọn vẹn, suôn sẻ ngay trong những năm 1930-1940 dưới chính thể Xô Viết? Hoặc vì lý do gì Điện Krem li cho phép nhà văn chính thức nhận giải thưởng Nobel với cuốn tiểu thuyết này; trong khi đó giải Nobel dành cho tiểu thuyết “ Bác sỹ Givago” đã khiến Boris Pasternak phải “ lên bờ xuống ruộng”?..v..v.. Ngày 21 tháng 2 năm 2014 vừa qua, người yêu văn chương tại Nga và tại các nước đã tưởng niệm 30 năm ngày mất của Mikhail Sholokhov- một trong những cây đại thụ của văn chương Nga và thế giới.  Vào dịp này, báo “ Sự thật “ CHLB Nga đã cho công bố một số chuyện quanh cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn…



MIKHAIL SHOLOKHOV THÊM NHỮNG GIAI THOẠI MỚI

TÔ HOÀNG ( chọn dịch )


VỢ CỦA YEZHOV: MỐI TÌNH TAY BA
            Stalin đối xử khá tốt với Sholokhov: Trao tặng ông Giải thưởng Lenin, thường trao đổi thư từ với nhà văn, đọc các tác phẩm của ông, tiếp ông tại điện Kremli,  thậm chí ở khu nhà nghỉ của mình tại Volynsky. Nhưng mối quan hệ giữa Sholokhov với Nikolai Yezhov- một thủ lĩnh của KGB khét tiếng nghiệt ngã thì không hề “ cơm dẻo canh ngọt “. Năm 1937 Sholokhov đã phàn nàn với Stalin nhân viên KGB của Yezhov đã lởn vớn đêm ngày quanh ngôi nhà riêng của nhà văn tại trấn Veshenskaya; đã bắt bớ và thủ tiêu nhiều người dân vô tội quanh vùng.
            Chuyện kể lại rằng, vào tháng 2 năm 1938 Yezhov bỗng nẩy sinh ý muốn làm quen với Sholokhov nên nhờ Aleksandr Fadeev mời Sholokhov đến khu nhà nghỉ của mình chơi. Evgenia Solomonova, vợ của Yezhov là một phụ nữ sắc đẹp “ khuynh thành” và nghe đồn đã có nhiều mối tình bí mật với những nhân vật tầm cỡ như Stalin, Chkalov, Koltsov, Babel…Trong “ danh sách những người tình “ của bà ta có tên Mikhail Sholokhov!
            Nhiều nhà báo, nhà văn khẳng định rằng họ đã được nghe đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa Solomonova và Sholokhov tại khách sạn “ Dân tộc” ở Moskva khi nhà văn lưu lại nơi đây vào tháng 8 năm 1938. Nhưng cũng chưa một ai tận mắt thấy cuốn băng đó. Ấy thế mà người ta vẫn tin rằng chuyện đó đã từng xẩy ra…
Quả là Sholokhov thỉnh thoảng vẫn bay từ sông Đông lên Moskva. Ví như nửa sau của tháng hai năm 1938 Sholokhov có lên Moskva để chuyển một lá thư cho Stalin. Sholokhov không gặp được Stalin, nhưng bức thư đã được chuyển tới viên thư ký của Stalin là Poskrebyshev.
Sholokhov đã tới khu nhà nghỉ của ông trùm KGB Nikolai Yezhov, đã làm quen với bà vợ của ông ta. Cũng có thể đến tháng 8 nhà văn gặp bà Solomonova ở khách sạn tại Moskva. Nhưng vẫn chưa đủ căn cứ. Nhà văn hiểu rât rõ quyền lực và mưu chước của Yezhov. Biết đâu đấy, cuộc gặp gỡ kia chỉ là cái bẫy mà Yezhov giăng cài?
Còn số phận của Evghenia Solomonova ra sao thì mọi người đều rõ. Mùa thu năm 1938 ông trùm KGB khuyên bà vợ tới tới nghỉ ở một khu an dưỡng, sau chuyển qua một khu an dưỡng khác. Đến ngày 19 tháng 12 năm 1938 bà Solomonova đã chết vì một liều thuốc ngủ mạnh.
Trước ngày Solomonova chết ba tuần đã diễn ra một cuộc gặp gỡ quan trọng: Vào ngày 31 tháng 10 Sholokhov được mời lên Moskva gặp Stalin. Trong cuộc gặp gỡ này còn có mặt những yếu nhân khác như Molotov, Malenkov, Kaganovich và Yezhov. Còn có thêm một nhóm các nhân viên KGB và một vài lãnh đạo đảng vùng Rostov. Xét theo hồi ký của những người có mặt tại cuộc gặp gỡ này kể lại, cuộc gặp gỡ đã ra một quyết định phải gột bỏ hết những dư luận xấu, cách đánh giá định kiến với Sholokhov.. Qua đi một thời gian nữa, những nhân viên chuyên theo dõi Sholokhov đã bị bắt giam và bị xử bắn.
Nguyên Bí thư tổ chức đảng tỉnh Rostov Efim Evdokimov-người đầu têu  những nghi kỵ đối với nhà văn, cũng là người xin Stalin phê chuẩn lệnh bắt Sholokhov, đã bị bắt giam ngay sau cuộc gặp mặt trên 10 ngày và cũng bị xử bắn.
Ngày 4 tháng Hai năm 1940 đến lượt chính ông trùm KGB Nicolai Yezhov cũng bị hành quyết. Cần nói thêm, nguyên nhân của cuộc trấn áp lần này dường như cũng chỉ vì thái độ nghi hiềm, thù địch với Mikhail Sholokhov!

NHÀ KINH ĐIỂN VÀ THÓI QUEN TIÊN TỬU
Tất cả các yếu nhân của Đảng và Nhà nước Xô viết đều biết rõ niềm mê say rượu chè của Sholokhov.. Nói đúng hơn, có thể vì nguyên cớ này nên từ năm 1942 Stalin đã cắt đứt những mối thân tình đối với nhà văn. Nikita Khrushchev cũng đã nhiều lần phàn nàn về thói quen say sưa của Sholokhov. Ngày 28 tháng 7 năm 1958 Khrushechev nhận được một bức thư dấu tên của một nhóm các nhà văn đề nghị không nên bầu A.Sofronov làm Tổng thư ký Hội Nhà văn. Trong bức thư có đoạn viết:” Không còn là điều gì bí mật nữa khi Sofronov đang gây ảnh hưởng khiến Sholokhov vĩ đại của chúng ta lúc nào cũng ở trong trạng thái nửa say nửa tỉnh”.
Mùa thu năm 1959, chuyến thăm Mỹ của Khrushchev đã dục dịch. Khrushechev mời Sholokhov tới Kremli nói chuyện ( nếu tin vào những gì vị Cựu Tổng Bí thư này viết trong hồi ký của mình ). Ông ta hứa sẽ đưa nhà văn đi theo trong nhóm “ những người ủng hộ mình “. Sholokhov khước từ nhưng không khước từ nổi.
Nhân viên phiên dịch của Điện kremli Viktor Sukhodre nhớ lại, trong thời gian đến thăm trường đại học Tổng hợp ở thành phố Arnes, có hai sinh viên tiến đến bên anh ta và hỏi có thể tiếp xúc với Sholokhov được không? Anh ta đã chối từ thẳng băng.Viktor Sukhodre kể tiếp, anh không nhìn thấy bóng dáng nhà văn suốt trong thời gian diễn ra cuộc viếng thăm. Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Andrei Gromyko thì anh ta nhìn thấy.Tại Trung tâm điện ảnh Hollywood, anh phiên dịch không bao giờ quên trường hợp tức cười khi Sholokhov trò chuyện với diễn viên Mỹ Charlton Heston. Nam diễn viên lỡ miệng nói rằng anh mới chỉ đọc những trích đoạn trong sách của Sholokhov. Nhà văn nói ngay, ông cũng sẽ hài lòng nếu được thấy những trích đoạn ấy trong một bộ phim có anh ta thủ vai. Nói chung là, như Andrei Gromyko nhận xét – gương mặt Sholokhov lúc nào nom cũng ngơ ngơ ngác ngác.. Và có một lần, nhà văn buộc phải tỉnh táo nửa ngày trời để vô tuyến truyền hình, ghi hình, nhà văn đã thú nhận: “ Cứ ngồi như thế này thì dễ thành con bệnh tâm thần mất thôi! “.
Mikhail Sholokhov chỉ thực sự tỉnh táo khi gặp được đồng nghiệp văn chương người Mỹ-William Faulkner. Vẫn anh bạn phiên dịch Viktor Sukhodre nhớ lại, tại San Francisco, “ họ khênh vào buồng của hai người cả một thùng rượu whisky”. Sau hôm đó, hầu như không còn nhìn thấy cả Faulkner lẫn Sholokhov ở đâu nữa. Hai người nói với nhau chuyện gì, bằng ngôn ngữ nào - chỉ có lịch sử mới làm sáng tỏ được. Có lẽ bằng ngôn ngữ…whisky!

VỚI GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG
            Boris Pasternak và Mikhail Sholokhov là hai trong số ít ỏi các nhà văn Xô viết lọt vào danh sách được xét để trao giải thưởng Nobel về văn chương. Cuộc cạnh tranh ngầm việc xét tặng để trao giải đã diễn ra vào khoảng cuối những năm 1950. Cuộc đấu càng trở nên sâu sắc là vào năm 1958 khi giới lãnh đạo Liên Xô lên tiếng vận động cho Sholokhov, còn Ủy ban xét trao giải Nobel có xu hướng nghiêng về phía Pasternak. Một phương án đã được bàn tới. Đây, những dòng ghi chép của Bộ phận phụ trách văn hóa thuộc BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đề ngày 21 tháng 10 năm 1958: “Trong một nhóm các nhà báo phương Tây đã đưa ra kiến giải trao một Giải Nobel chung cho cả Pasternak và Sholokhov. Nếu xẩy ra như vậy, Sholokhov nên công khai từ chối giải thưởng và tuyên bố thẳng với báo chí ông không nhận nó, bởi việc trao giải này nhắm mục đích chống Liên Xô. “
            Chuyện diễn ra như thế nào mọi người đã rõ. Giải Nobel được trao cho Pasternak. Sholokhov đã có ý kiến riêng của mình đối với việc này. Vào tháng tư năm 1959 nhà văn sang thăm nước Pháp và có thể vì say rượu hoặc vì say không khí tự do của Paris nhà văn đã chịu trả lời cuộc phỏng vấn trên một tờ báo Pháp. Đánh giá Pasternak, nhà kinh điển Xô Viết thẳng thừng theo kiểu Cô dắc: “ Sự lãnh đạo tập thể của Hội Nhà văn Liên Xô thường hay rơi vào tình trạng mất bình tĩnh. Cần phải công bố cuốn “ Bác sỹ Givago” của Pasternak ở Liên Xô thay cho việc đang cấm đoán nó. Cần phải để sách đoạt giải của Pasternak đến với bạn đọc của ông thay cho việc mang bản thân ông ra phán xét. Nếu ví như chúng ta hành động như vậy, người đọc ở nước ta vốn rất kỹ tính- chắc cũng sẽ quên ngay tác phẩm của Pasternak thôi! “.
            Lời tuyên bố ấy của Mikhail Sholokhov dĩ nhiên là đi ngược lại ý muốn của Đảng.  
            Quả như vậy. Sau này, Solokhov có nhận xét tiếp: Đối với ông, sáng tác của Pasternak ( nếu không tính tới bản dịch xuất sắc những bài thơ của Pasternak) nếu tước bỏ đi ý nghĩa nào đó thì tiểu thuyết “ Bác sỹ Givago” mà ông được đọc ở Moskva ngay trong dạng bản thảo, chỉ là “ một đám quần chúng không định hình,mờ xám, không xứng với tên gọi của cuốn tiểu thuyết”.
            Bộ phận phụ trách Văn hóa của BCH đã đề nghị Trung ương Đảng ” chú ý đến tính chất nghiêm trọng không thể bỏ qua được của những biểu hiện như thế “. Các Bí thư BCH như Furtseva, Pospelov và Kuusinen đã ủng hộ ý kiến ấy.Một bức điện đã được gửi cho Đại sứ Liên Xô ở Pháp để chuyển cho Sholokhov với yêu cầu nhà văn hãy nói với báo giới rằng, lời phát ngôn của ông về Pasternak là “không phù hợp với lợi ích của đồng bào trong nước, đã khiến Moskva ngạc nhiên”.
            Nhưng Sholokhov không để tâm tới những chuyện vặt vãnh đó. Ông hiểu rằng ông đã là cây cột cái của nền văn học Xô viết, ông hoàn toàn có quyền biểu hiện cách nghĩ, cách cảm của mình. Nhà văn đã dự cảm đúng: hai năm sau ông trở thành Ủy viên BCH Đảng Cộng sản Liên Xô.
            Năm 1965 Mikhail Sholokov được trao tặng Giải thưởng Nobel văn học.. Cổ súy cho ông là những tên tuổi lớn: Jean Paul Sartre, Albetr Camus. Còn Tổng Bí thư Đảng Leonid Brezhenev, nhân dịp này đã hứa với nhà vua Thụy điển sẽ ký một hợp đồng để ngành đóng tầu của nước này thiết kế cho nước Nga Xô viết một chiếc tàu đi biển kích cỡ lớn.