Học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn “Thú chơi sách” cho rằng số Tết của báo Nam Phong năm 1918 là “thủy tổ của các số báo Xuân”. Cuộc đời 53 mùa xuân của Phạm Quỳnh ( 1892-1945) không chỉ để lại nhiều tác phẩm du ký và khảo cứu có giá trị, mà còn để lại… văn hóa báo Tết cho người Việt Nam. Từ Mậu Ngọ 1918 đến Giáp Ngọ 2014, đã có 9 cái Tết con ngựa ngập tràn sắc màu báo Tết tô điểm cho đời sống, và các thế hệ hậu sinh vẫn tiếp nối quan niệm báo Tết như một thiện chí khuyến mãi độc đáo “số báo này là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay, một món quà hợp với cảnh năm mới” như Phạm Quỳnh đã viết cách đây 96 năm!






TỪ CÁI VUI DỄ TRUYỀN NHIỄM

Gần như đã trở thành một tập quán tốt đẹp, mỗi khi báo Tết xuất hiện cũng giống như một tín hiệu trực tiếp cho biết năm mới âm lịch đã cận kề. Cầm những tờ báo Tết Giáp Ngọ 2014 ít ai biết rằng truyền thống làm báo Tết của người Việt Nam đã có từ mùa xuân Mậu Ngọ 1918!

Đón Tết cách đây 96 năm, nhà báo Phạm Quỳnh đã có sáng kiến làm một ấn phẩm đặc biệt với lý do: “Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân. Trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy!”. Ấn phẩm được ghi chú rất rõ: “Số Tết của báo Nam Phong”, ở lời nói đầu Phạm Quỳnh khẳng định: Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui: vui ngày Tết là cái vui dễ truyền nhiễm vậy!” và phân tích nguyên nhân hướng nội dung Tết nhẹ nhàng, tươi trẻ: Bản báo đối với các bạn đọc báo những ngày thường vẫn giữ một thái độ quá nghiêm, tựa hồ như lạnh nhạt, chỉ chuyên trọng đường tư tưởng học vấn, không hề chú ý đến những lối văn chương tiêu khiển, như câu hát lẳng lơ, nhời thơ bay bướm. Sự đó là bản báo cố ý như thế: đã từng nhận cái tật hư văn, cái thói ngâm vịnh hại cho nước ta nhiều lắm, nên phàm lập ngôn khởi luận vẫn thiên trọng sự thực hơn là sự phiếm. Nhưng cái thái độ nghiêm khắc ấy tuy ngày thường là phải, mà gặp những thời tiết vui vẻ, như hội Tân xuân này, đối với cảnh, đối với người, đối với lòng hoan hỉ của mấy triệu quốc dân, tựa hồ như gẩy khúc đàn sai nhịp vậy”.

Tuy nhiên, với tầm vóc của một nhà văn hóa, Phạm Quỳnh ngay giữa “cái vui dễ truyền nhiễm” vẫn nhắc nhở ngày Tết không chỉ chúc tuổi lẫn nhau mà còn phải chúc tuổi xứ sở:cái tuổi nước từ trước, thì tự tay của tổ tiên chúng ta sửa sang lấy, mà làm cho dài ra. Còn như tuổi nước bây giờ về sau, thì lại là phận vị của anh em đồng bào chúng ta, phải cùng mó tay vào mà sửa sang bồi dưỡng để nối noi mới được. Gặp cái quang cảnh năm mới như thế này, chúng ta há nên dông dài lẩn thẩn mà bỏ hoài mất cái thì giờ quí báu hơn 360 ngày sắp đến này hay sao!”.

Học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn “Thú chơi sách” cho rằng số Tết của báo Nam Phong năm 1918 là “thủy tổ của các số báo Xuân”. Cuộc đời 53 mùa xuân của Phạm Quỳnh ( 1892-1945) không chỉ để lại nhiều tác phẩm du ký và khảo cứu có giá trị, mà còn để lại… văn hóa báo Tết cho người Việt Nam. Từ Mậu Ngọ 1918 đến Giáp Ngọ 2014, đã có 9 cái Tết con ngựa ngập tràn sắc màu báo Tết tô điểm cho đời sống, và các thế hệ hậu sinh vẫn tiếp nối quan niệm báo Tết như một thiện chí khuyến mãi độc đáo “số báo này là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay, một món quà hợp với cảnh năm mới” như Phạm Quỳnh đã viết cách đây 96 năm!

                          LTN