Phạm Khải là người rất trọng chi tiết. Công tác tại một tờ
báo của Lực lượng Công an, anh cũng tỏ
ra đặc biệt chú trọng tới những tình tiết có tính chất “thâm cung bí sử”. Viết
về nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, người từng làm thư ký cho Hồ Chủ tịch
trong chuyến thăm Pháp năm 1946, Phạm Khải không quên “lưu ý” bạn đọc về một
tình tiết mà anh khai thác từ cuốn nhật ký do ông Đỗ Đình Thiện ghi lại (bản
gốc hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam): Đó là vụ tai nạn
xe hơi xảy ra vào trưa ngày 17-7-1946 khi đoàn ta đang trên đường đi thăm
Normandie, vụ tai nạn khiến cả 4 người trên xe (trong đó có ông Đỗ Đình Thiện)
bị thương. Rất may, ít phút trước đó, do một sự tình cờ, Hồ Chủ tịch đã chuyển
từ chiếc xe nói trên để sang xe của ông Sainteny - bấy giờ là đại diện Bộ
trưởng Ngoại giao Pháp.
CHUYỆN LẠ VỀ NHỮNG GƯƠNG MẶT QUEN
(Đọc tập ký chân dung “Người về từ chân trời cũ” của nhà thơ
Phạm Khải, NXB Văn học, 2013)
VŨ TỪ TRANG
Không phải bây giờ mà từ lâu, mảng sách viết về chân dung
nhân vật (tôi muốn gọi thay cho “chân dung văn học” quen dùng) đã luôn có chỗ
đứng trong lòng bạn đọc. Bởi lẽ, qua những trang viết đó, người đọc hiểu thêm
về những con người mà họ yêu mến. Hơn thế nữa, qua những con người đó, người đọc
còn hình dung ra xã hội mà họ từng sống. Với người viết chân dung giỏi, qua mỗi
con chữ, qua mỗi trang viết, người đọc lại còn nhận ra một nhân vật khác nữa,
đó chính là bóng dáng, hồn cốt của người viết.
Tập ký chân dung “Người về từ chân trời cũ” của nhà thơ Phạm
Khải gồm 25 bài viết, dành cho 25 con người cụ thể. Họ là những nhà khoa học,
nhà chính trị, nhà quân sự và đa phần là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Người
còn sống, người đã mất, nhưng tất cả đều có những đóng góp, những ảnh hưởng
nhất định đối với xã hội. Đọc các tít bài, ta thấy Phạm Khải dường như có ý
thức đi sâu khai thác những khía cạnh lạ, có tính chất “kỷ lục” của các nhân
vật. Người thì “trẻ nhất” (bài “Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường: Vị lưỡng khoa tiến
sĩ trẻ nhất của hai nước Việt - Pháp”); người thì “lâu năm nhất” (bài “Giáo sư
-Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên: Người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu năm
nhất ở Việt Nam”; “Giáo sư Nguyễn Xiển: Vị Phó chủ tịch nhiều khóa nhất của
Quốc hội”); người thì “đầu tiên” (bài “Nữ biệt động Nguyễn Thị An Huệ: Người
phụ nữ đầu tiên ở miền Bắc hiến xác cho khoa học”). Bên cạnh đấy là những nhân
vật từng được suy tôn là “vua” trong một lĩnh vực, trong một chuyên ngành nào
đó, như nhà thơ Xuân Diệu - “ông vua” thơ tình; Giáo sư Đặng Văn Chung - “ông
vua” của ngành nội khoa Việt Nam; là nghệ sĩ đa tài Thế Lữ - người khai mở
phong trào Thơ Mới, là thần đồng thơ Trần Đăng Khoa…Những nhân vật này, có
người Phạm Khải từng gặp gỡ, trao đổi hoặc có quan hệ khăng khít. Với một số
nhân vật tác giả chưa có cơ hội gặp cụ thể, anh chịu khó thông qua thân nhân
của họ để khai thác tư liệu, từ đó có những đánh giá, nhận định xác đáng về sự
đóng góp, cống hiến của họ cho đất nước.
Phạm Khải là người rất trọng chi tiết. Công tác tại một tờ
báo của Lực lượng Công an, anh cũng tỏ
ra đặc biệt chú trọng tới những tình tiết có tính chất “thâm cung bí sử”. Viết
về nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, người từng làm thư ký cho Hồ Chủ tịch
trong chuyến thăm Pháp năm 1946, Phạm Khải không quên “lưu ý” bạn đọc về một
tình tiết mà anh khai thác từ cuốn nhật ký do ông Đỗ Đình Thiện ghi lại (bản
gốc hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam): Đó là vụ tai nạn
xe hơi xảy ra vào trưa ngày 17-7-1946 khi đoàn ta đang trên đường đi thăm
Normandie, vụ tai nạn khiến cả 4 người trên xe (trong đó có ông Đỗ Đình Thiện)
bị thương. Rất may, ít phút trước đó, do một sự tình cờ, Hồ Chủ tịch đã chuyển
từ chiếc xe nói trên để sang xe của ông Sainteny - bấy giờ là đại diện Bộ
trưởng Ngoại giao Pháp. Viết về nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản (người được truy tặng
Giải thưởng Hồ Chí Minh về nhiếp ảnh ngay từ đợt 1), Phạm Khải cũng không quên
“nhấn” một chi tiết rất cảm động: Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản từng chụp hàng chục
vạn bức ảnh cho thiên hạ, nhưng khi ông qua đời, các con ông đã phải rất vất vả
mới tìm được cho cha mình một tấm ảnh thờ.
Với những nhân vật có nhiều sự hy sinh thầm lặng, ít người
biết đến, Phạm Khải đã dành cho họ những trang viết giàu cảm xúc, trân trọng.
Đọc bài “Nữ biệt động Nguyễn Thị An Huệ: Người phụ nữ đầu tiên ở miền Bắc hiến
xác cho khoa học”, chắc hẳn ai cũng lặng người xúc động. Đó là người nữ biệt
động mưu trí, gan dạ, từng chịu bao trận tra tấn man rợ của kẻ thù vì trước đó
tham gia Tiểu đoàn quyết tử 950 đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi về già, chịu nhiều
bệnh tật, không chấp nhận sự cô đơn với số phận riêng của mình, bà đã tình
nguyện hiến xác để làm công cụ cho các nhà khoa học nghiên cứu y học. Cũng cảm
động như vậy là bài viết về ông Đoàn Văn Líu - người mà tác giả gọi là “Người
bưu tá” của những vong linh liệt sĩ - một con người bình thường, ngày ngày lặng
lẽ ghi chép những tin tức về mộ liệt sĩ trên đài, báo, để rồi gửi thư thông tin
lại cho gia đình các liệt sĩ không có điều kiện nghe đài, đọc báo. Đó là những
nghĩa cử rất đáng trân trọng, và phải là những người viết luôn chăm chút, nâng
niu từng việc thiện mới phát hiện được.
Hẳn vì là nhà thơ nên Phạm Khải đã dành nhiều trang viết về
các nhà văn, nhà thơ bậc tiền bối với những tình cảm đặc biệt. Bằng đôi nét
phác họa, Phạm Khải cũng đủ vẽ lên chân dung nhà thơ Xuân Diệu, một người tính
cách có phần cực đoan nhưng lại rất đáng yêu. Tác giả không giấu được lòng
ngưỡng mộ: “Trong số các nhà thơ nổi danh thời tiền chiến, Xuân Diệu là người
tôi có cơ may được gặp sớm hơn cả. Sớm, nhưng thời gian lại quá ngắn ngủi, bởi
chỉ hơn một năm sau (tháng 12-1985), ông đã từ giã cõi đời”. Yêu quý, kính
trọng nhà văn Tô Hoài, hơn nữa, lại có thời gian làm trợ lý cho nhà văn lão
thành, nên Phạm Khải đã phát hiện ra những cái “lạ” trong tính cách của ông. Ví
dụ, khi tặng sách ai đó - bất kể thân hay sơ, Tô Hoài chỉ ghi độc một chữ “tặng”
(kèm đó là tên người được tặng), chứ không bao giờ ghi “thân tặng”, hoặc “kính
tặng” như cách nhiều người vẫn làm. Lý do - như lão nhà văn giải thích “Nhỡ hôm
nay thân, mai không thân nữa thì sao?”. Cũng qua bài viết của Phạm Khải, bạn
đọc biết được cách đọc báo rất…khác người của ông: “Tôi không bao giờ đọc nửa
chừng rồi vứt báo đi. Và khi đọc, tôi đọc lần lượt theo thứ tự trang, không lựa
cái gì đọc trước, cái gì đọc sau, cho dù tác giả có là Ma Văn Kháng hay một tác
giả mới toanh nào đi nữa cũng thế”. Một chuyện lạ nữa, tác giả của “Dế mèn
phiêu lưu ký” lại là người có cảm tình với…chuột, và về chuyện này, ông có cả một
triết lý riêng.
Viết về các văn nghệ sĩ, Phạm Khải luôn chú ý để tìm ra
những điều trái khoáy, những nghịch lý trong chuyện đời và chuyện nghề của họ. Khi
sáng tạo, đó là những người tinh thông, có những cảm xúc, ý nghĩ vụt sáng,
nhưng trong đời sống, lắm khi họ lại có cái nét lơ ngơ rất đáng thương. Việc
nhạc sĩ Thái Cơ, đường đường là Phó chủ tịch một Hội Văn nghệ ở Thủ đô, vậy mà
lúng túng trong sử dụng thang máy (loại thang cuốn theo kiểu băng chuyền), để
rồi bị thang máy giật ngã bổ chửng, đập gáy xuống băng chuyền…trong chuyến thăm
Trung Quốc năm ấy, rốt cục khi về nước đã phải vào viện, sau đó chịu cảnh mất
trí nhớ cho tới lúc ra đi - chỉ một tình tiết ấy thôi cũng đủ khiến người đọc
thêm xót xa, thương cảm cho nhạc sĩ của “Rặng trâm bầu”. Với Trọng Phan, dịch
giả của những cuốn truyện tình báo nổi tiếng một thời, như “Chiếc khuy đồng”, “Nam
tước Phôn Gônrinh”, “Hầm bí mật trên sông Enbơ”, Phạm Khải đã hé lộ cho bạn đọc
những chuyện mà bình thường, hẳn không ai hình dung tới: Ở tuổi gần bảy mươi,
vậy mà vị dịch giả tài hoa này vẫn sống cảnh… phòng không. Tất cả chỉ bởi ông
cẩn thận, kỹ tính quá. Chi tiết vui nhưng rất đáng nhớ: Ít ngày sau khi đồng ý
chụp ảnh chung với khách, ông hốt hoảng gọi điện thoại, nói với khách hôm chụp
ảnh, ông quên chưa… cạo râu. Một sự cẩn thận suy cho cùng đáng yêu hơn đáng
trách.
Tuy là lứa đàn em so với Vũ Quần Phương, nhưng Phạm Khải
cũng sớm nhận ra và đồng cảm được với những nỗi niềm sâu kín ẩn chứa trong lòng
thi sĩ đàn anh (bài “Nhà thơ Vũ Quần Phương: Có niềm vui nghĩ mà tội nghiệp…”).
Là bậc làm cha làm mẹ, con cái thành đạt, lại thành đạt đến độ danh vang quốc
tế như trường hợp những người con của Vũ Quần Phương, ai chẳng mừng. Nhưng mừng
thì mừng vậy, mấy ai không khỏi bùi ngùi trước phút tiễn con ra sân bay về Mỹ
(nơi họ sống và công tác từ nhiều năm nay). Phạm Khải đã tinh tế ghi lại được
nỗi lòng của Vũ Quần Phương trong cuộc tiễn đưa này: “Và ông kể lại cảm giác
khi ông tiễn vợ chồng người con trai và cháu nội trở lại bên Mỹ. Lúc ở sân bay,
ông giơ tay vẫy: “Các con đi bình an nhé”, tâm trạng của ông là tiễn “con đi”.
Song rồi ông giật mình ngơ ngác. Bởi với ông, đó là “các con đi”. Còn với con
ông, đấy là lúc chúng “về”, chúng “về nhà” chúng. Ông bỗng thấy trong lòng một
nỗi mênh mông trống vắng”.
Viết về Tô Hà (bài “Nhà thơ Tô Hà: Khi thơ ứng nghiệm với
đời”), Phạm Khải cũng biết chọn các chi tiết riêng biệt để nói về sự đam mê thơ
nhất mực của nhà thơ này: “Ông bị tụt huyết áp, phải đi cấp cứu, vậy mà bên
giường bệnh, được tin bác sĩ là người rất yêu thơ và cũng có làm thơ, ông bèn
ra hiệu cho vị bác sĩ đọc thơ ông nghe. Rồi cứ thế, bằng một giọng rất yếu ớt,
ông thều thào buông những lời phẩm bình, nhận xét khiến bạn bè, người thân phải
một phen hết hồn, đành xúm vào khuyên ngăn ông hãy tập trung cho việc chữa
bệnh, còn việc thẩm thơ, chữa thơ kia hãy để lui vào dịp sau…”. Những cách
“nhấn” như vậy chỉ làm cho chân dung thi sĩ thêm đáng yêu hơn mà thôi.
Trong bài viết về Tô Hà, Phạm Khải còn phát hiện ra sự ứng
nghiệm mang tính dự cảm của những câu thơ Tô Hà viết, đã vận vào số phận của
ông. Nếu như trong bài “Hư ảo”, Tô Hà viết: “Ngõ cũ ai về thăm lối xưa/ Anh
thành cõi khác của đam mơ/ Nghe hồn thu lạc qua hư ảo/ Ai khóc tên mình trong
nắng trưa”, thì trong thực tế, thời khắc Tô Hà đi vào “cõi khác” cũng đúng vào
trưa mùa thu, nắng chợt bừng lên xen lẫn tiếng khóc của người thân.
Với những nét phác họa ấn tượng như thế, khuôn mặt các nhà
thơ nhà văn như: Thế Lữ, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Dương Kiều Minh... cũng
hiện lên sinh động qua ngòi bút của Phạm Khải. Đó là thành công của tập sách.
Bằng những nét khắc họa vẻ ngoài nhưng chất chứa nội tâm nhân
vật, Phạm Khải đã dẫn dụ người đọc đi theo từng bước đi số phận nhân vật. Bởi
vậy, mặc dù một số nhân vật trong sách từng được thiên hạ khai thác nhiều, song
với những tình tiết mới, câu chuyện mới, cùng cách nhìn nhận, khai thác, đánh
giá theo lối riêng của mình, Phạm Khải đã đưa đến cho bạn đọc những vẻ đẹp mới
của nhân vật quen thuộc đó.
Lối viết hoạt, giàu chi tiết cũng làm cho tập sách thêm cuốn
hút bạn đọc.
Tháng 12-2013