Nếu ai đi ngang đầu phố Trần
Quý Cáp, quận Đống Đa, Hà Nội ắt sẽ thấy một biển báo và chỉ dẫn đường vào Y Miếu.
Nhưng người ta nói ngôi miếu này rất gần mà lại rất xa, bởi lẽ nó nằm tại một
con phố lọt thỏm trong chợ ga, nên phải hỏi quanh mới lần mò tới được. Nói, phố
Y Miếu phải xếp vào loại đường phố nhỏ nhất của Hà Nội, cũng không ngoa. Thậm
chí nó còn đạt kỷ lục con phố nhỏ nhất thế giới. Thực ra xưa, ngôi miếu năm
trong quần thể rộng lớn Văn Miếu, và là nơi hết sức trang trọng của cái nôi văn
hóa đất Hà thành cổ kính ngàn năm. Nhưng nay thì sao?
Y MIẾU NHẠT NHÒA BÓNG DÁNG THẦN Y
DUY
ANH
Tôi về thăm Y Miếu trong một ngày mưa thấy
bâng khuâng trong lòng. Cây cối ngoài kia ngả nghiêng theo gió bão. Con phố Y
Miếu nhỏ nhoi sụt sùi những hạt gianh vỗ trên mặt đá. Nó lọt thỏm vào khu chợ
Ga Hà Nội. Hai bên nhấp nhổm hàng quán. Phố đây ư? Và, khuôn viên Y Miếu đây
ư?. Người lữ khách, một thiền sư đi bên tôi chậm chạp nhẹ bước như sợ làm thức
giấc hồn xưa trong cõi trăm năm, thăm thẳm tình nghĩa không phai. Đâu rồi con
đường cũ với đồng cỏ xanh rì dẫn lối...
Lữ khách ngoái lại nhìn tôi với ánh mắt chia
sẻ và chuyện rằng, nơi đây thờ hai vị tổ y học dân gian nước nhà, những người đặt
nền móng cho sự nghiệp y đức, với tư tưởng tôn vinh “Thuốc Nam chữa cho
người Nam”. Lữ khách dẫn tôi trở về quá khứ của thế kỷ
13, về nơi ông thánh thuốc Nam Tuệ Tĩnh hiện lên như một cứu tinh giải thoát
cho người Nam có những phương thuốc không còn lệ thuộc từ phương Bắc. Ngài sinh
năm 1330, nhưng cha mẹ mất sớm, nên 6 tuổi đã bước vào cửa chùa, thay cái tên
cúng cơm Nguyễn Bá Tĩnh thành pháp danh Tuệ Tĩnh. Từ đó cả một đời ngài đi tu. Cho dù đã ba lần vào
trường thi, lần cuối đỗ tới Hoàng Giáp (Đệ nhị Giáp Tiến sĩ), nhưng lại quay về
bốc thuốc cứu người. Tài cao học rộng, nhưng ngài chỉ dành cho việc nghiên cứu
và tìm ra hàng trăm phương thuốc chữa bệnh. Cuộc sống con người mới là cứu rỗi
trong tâm tưởng thiền học của cốt cách tinh thần ngài. Tôi thắp một nén hương
cúi lạy. Lữ khách chắp tay nói, trong suốt 40 năm trị bệnh cứu người, ngài còn
tích cóp xây được 24 chùa nữa quanh vùng chùa Yên Trang, Hải Dương nơi ngài
sinh ra và tu luyện. Đó cũng là 24 nơi ngài và các sư tăng trồng cây thuốc và
tìm ra 3873 phương thuốc trị bệnh, khắp nhân gian. Bộ sách mà ngài viết gồm 11
quyển mang thương hiệu “Nam dược thần hiệu”- Tuệ Tĩnh thiền sư.
Người đời gọi ngài là ông thánh thuốc Nam,
mở đầu cho sự nghiệp Nam
dược cổ truyền. Nhưng...Lữ khách nhìn tôi với nỗi buồn hiện lên từ trong ánh mắt
đầy nuối tiếc, về bi kịch đời người.
Ông kể tiếp, số phận thật không thuận lòng
người, vào tuổi 55 ( năm1385) Ngài đã bị bắt đi sứ sang Trung Quốc, chữa bệnh
cho vua nhà Minh, rồi biết xứ từ đó. Ngài không được trở về nữa, nhưng hồn ngài
vẫn quanh quất nơi đất mẹ, cho dù người đời không biết ngài mất năm nào. Trên tấm
bia chôn bên nấm mộ, ngài vẫn còn ghi ước nguyện của mình: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài
cốt tôi về với”. Lời người thống thiết muốn trở về cõi Nam, nhưng giờ
mộ ngài trống vắng. Bia thờ như hồn về thanh thản. Người về trong trí nhớ nhân
gian. Hiện tấm bia ấy được thờ trong một ngôi đền ở quê ngài, xã Cẩm Văn, Huyện
Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tôi bùi ngùi thương xót cho phận tha hương của một
ông thánh thuốc Nam. Có lẽ nào cuộc đời ngài thiền sư lại biền biệt gió sương
như vậy. Nỗi buồn này mãi mãi làm day dứt lòng người.
Người
lữ khách thắp thêm một nén hương nhớ thương trong tâm tưởng. Ông lại thắp thêm
cho bát hương kề bên thờ vị tổ ngành y nước nhà – Hải Thượng Lãn Ông. Làn hương
trầm thơm như quá khứ của lòng yêu thương con người. Đây là vị thánh thứ hai về
y đức được tôn vinh trong Y Miếu. Lữ khách cúi đầu thì thầm trong lời khấn xin
vị tổ cho sự sẻ chia lòng nhân ái muôn đời mà không phải ai cũng giữ được trong
cuộc đời. Tôi nghe lời ông kể một câu chuyện khác. Một mối tình buồn của Lãn
Ông trong “Ký sự lên kinh” ngày
nào...
Có điều kỳ lạ, sau phận đời xa khuất nơi
đất khách quê người của vị Thánh Tuệ Tĩnh, thì khoảng 400 năm sau, cũng tại đất
Hải Dương ngày ấy (làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải
Dương) xuất hiện một người tên là Lê Hữu Trác (sinh năm 1720). Ông là dòng dõi
con nhà quan đời nhà Lê, nhưng bố mất sớm, nên phải rời kinh trở về quê chăm chỉ
đèn sách chờ ngay đi thi. Sau đó xã hội nhiều sự biến buộc ông phải đi lính. Mẹ
ông cùng gia đình di tản về quê ngoại tận Nghệ Tĩnh sinh sống. Trong thời gian
này gia đình ông đã gá nghĩa nhân duyên cho ông với một cô gái, con gái quan tả
thừa ty Sơn Nam,
quê ở Huê Cầu. Biết bao chuyện xảy ra, ghê sợ cuộc chiến đầy máu và nước mắt, mấy
năm sau Lê Hữu Trác xin trở về quê ngoại để chăm sóc mẹ già, và đành phải từ
hôn với cô gái mà mình đem lòng yêu thương.
Thời gian trôi đi, mải mê học tập trị bệnh
cứu người, lúc này Lê Hữu Trác đã lấy pháp danh “Hải Thượng Lãn Ông”, để tập trung vào nghề thuốc và trị bệnh. Ông tự
cho mình là một ông già lười (Lãn Ông), gốc quê nội ở Hải Thượng (ghép hai chữ
đầu của Hải Dương tỉnh và Thượng Hồng phủ). Cái tên này bừng sáng, sau hơn chục
năm mải mê cứu nhân độ thế, tại quê mẹ. Theo gương của vị thánh Tuệ Tĩnh, thầy
thuốc Hải Thượng Lãn Ông là một sự kế thừa vĩ đại trong sự nghiệp trị bệnh cứu
người. Nhân gian là cõi chúng sinh luôn sống trong hoạn nạn bệnh tật bất ngờ ập
đến, nên sứ mạng của thày thuốc là sự tận tụy cứu giúp mạng sống. Họ chính là sự
giải thoát cho con người khỏi cái chết, ốm đau, bệnh tật. Bộ sách 28 tập, 66 cuốn,
của Hải Thượng ra đời trong tâm thế đau đáu hơn 40 năm là vì thế.
Người lữ khách còn kể, sau này khi tới tuổi 62 (năm 1783), Hải Thượng
còn được chúa Trịnh gọi lên kinh đô để chữa bệnh. Hải Thượng đã cứu được chúa
Trịnh Sâm thoát cơn nguy biến và được phong tước, bị giữ lại ở trong thành.
Trong thời gian này ông đã viết cuốn “Ký
sự lên kinh”, với văn phong hiện thực phản ánh đời sống nơi kinh đô một thời
nhiễu nhương. Đặc biệt cũng dịp này, không ngờ ông gặp lại người con gái ngày
xưa đã từng gá nghĩa, sau hơn 40 năm xa cách, tưởng như đã rơi vào quên lãng.
Người con gái ấy đã đi tu, sau khi cha mẹ chết, và coi như mình đã có một đời
chồng. Người ni cô già tình cờ gặp lại Hải Thượng, trong nỗi buồn cô quạnh, suốt
cả đời người. Hải Thượng xin mời người ni cô già ấy về quê mình tu chùa, để ông
có dịp trông nom chăm sóc, đền đáp lại tình nghĩa xảy ra thật trớ trêu bao năm
qua. Người ni cô già đã từ chối, nhưng bà lại xin ông một cỗ áo quan, phải được
làm bằng chính gỗ quê ông, để khi chết sẽ được nằm trong hương thơm của quê chồng,
cho dù đã bị từ hôn. Hải Thượng choáng váng không ngờ mình đã đánh mất mối tình
sâu nặng đến thế. Ông đã làm thơ để tạ lỗi người xưa: “Vô tâm nên nỗi lụy người ta/Trông mặt nhau đây luống xót xa/Gượng cười
khôn giấu đôi hàng lệ/Tóc bạc che mờ nửa mặt hoa/Kiếp này hãy kết làm huynh
muội/Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia/Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ/Dở dang, dang dở
biết ru mà?”(Bản dịch của Ngô Tất Tố). Bài thơ gốc được in trong cuốn
“Ký sự lên kinh”. Tám năm sau (năm
1791) Hải Thượng tạ thế trong niềm khắc khoải tình phụ ngày nào.
Thời gian là sự thử thách chính xác nhất.
Công trạng và Tổng tập “Hải Thượng Y
Tông Tâm Lĩnh” đã tôn vinh ông trở thành vị tổ của ngành y Việt Nam. Ngành Y tế
nước nhà đã đặt ra Giải thưởng Hải Thượng
Lãn Ông để trao cho các thày thuốc giỏi hằng năm, và lấy ngày 15 tháng
giêng, Tết nguyên tiêu để làm lễ kỷ niệm “Ngày
Truyền thống Y dược Cổ truyền Việt Nam”.
Vậy là Y Miếu thờ hai người, một vị
Thánh thuốc Nam và một ông Tổ của ngành Y. Người lữ khách nói Y Miếu được xây từ
năm 1774, được đặt tên là Viện Thái Y, năm Cảnh Hưng thứ 34. Nơi này được coi
như một trung tâm y tế lớn của kinh thành Thăng Long cổ, nằm trong quần thể di
tích Văn Miếu rộng lớn. Riêng khu Viện Thái Y rộng tới một mẫu. Nhưng rồi hàng
thế kỷ trôi qua, thời gian và con người đã phá vỡ tất cả. Cho đến nay, Hội Y dược
Việt Nam được bàn giao quản lý, thì chỉ còn là một Y Miếu nhỏ nhoi, rơi tõm
trong cái thung lũng thị trường của thế kỷ 21.
Biết sao được...Nhưng không lẽ, tôi
không thể hình dung ra vào những ngày lễ 15-1, nguyên Tiêu hằng năm, ngài Bộ
trưởng sẽ phải có người đi trước dọn những quán hàng lủng củng, những bún, những
phở, những mắm muối, hoa quả để rẽ vào Y Miếu. Mưa vẫn lất phất bay những bụi
nước lạnh buốt trong rớt bão. Người lữ khách thở dài. Nhìn Y Miếu lần cuối rồi
ông đi khuất trong đám người tấp nập vào chợ, trong tiếng trả giá bán mua, ồn
ào cãi vã...Một luồng gió mạnh ào tới. Tôi rùng mình. Buồn!