Đông Lỗ có thể coi là một xã cực Nam của Hà Nội, thuộc huyện Ứng Hòa, cách trung tâm thủ đô chừng hơn 50km. Đây là một vùng đồng chiêm trũng hẻo lánh rộng lớn, nằm trong vòng bao bọc của sông Đáy và sông Nhuệ, đường qua lại không thuận tiện; mới đây đã có xe buýt, nhưng vẫn thưa thớt người đi lại. Nhưng có điều rất khác lạ, xã Đông Lỗ lại có nhiều điều dị biệt, độc đáo mà không nơi nào có được. Nếu ai đi cùng tôi, khi chớm đến con cầu rẽ ngang qua sông Nhuệ từ đường Hoàng Quốc Việt, ắt sẽ nghe ai đó kể chuyện rằng…




ĐÔNG LỖ KHÔNG XA THỦ ĐÔ 

DUY ANH

1- “Vợ chồng” cây duối, đài Chuông cổ, và ngọc xá lợi phật
     Chuyện hai cây duối cổ ngàn năm, duy nhất được vua nhà Lý sắc phong “thân mộc hộ quốc”, thì chỉ ở chùa Viên Đình, làng Kẹo, xã Đông Lỗ mới có. Nhân duyên của hai cây duối này được dân gian ghép, “duối chồng” và “duối vợ”, tuy đứng cách nhau chừng mươi thước, nhưng lại cùng tỏa bóng xanh mát bốn mùa, quấn quýt rất tình cảm. Thân cây duối chồng sần sùi, to phải hai người ôm, còn cây duối vợ thon thả hơn, nuột nà và ra quả vàng rộm mỗi độ hè về. Chính vì dáng đẹp và gợi cảm về một mái ấm gia đình của hai cây duối đã làm vua nhà Lý xúc động, nên mới đặt nền móng để dựng chùa Viên Đình, và sắc phong cho chúng.
        Sau khi chùa xây dựng xong, nhà vua còn cho đúc một quả chuông khá lớn, và còn tự tay viết lên một bài minh để cho các nghệ nhân khắc thành chữ, lưu cho đến nay, cùng với các họa tiết đời Lý. Ngay đến tháp chuông được làm bằng gỗ lim cũng được giữ gìn với tuổi thọ ngàn năm tạo nên vẻ huyền bí cho ngôi chùa nơi thanh tịnh ngay bên cánh đồng làng Kẹo.  
        Nhưng khoảng mươi năm trở về đây, Đông Lỗ bỗng trở nên nhộn nhịp hơn, khi có nhiều phật tử và bà con khắp nơi về lễ, vì nghe nói chùa Viên Đình là nơi hiện có nhiều xá lợi phật nhất Việt Nam. Có lẽ đây lại là câu chuyện có một không hai ở Đông Lỗ, khi chùa có tới hàng ngàn ngọc xá lợi phật được hội tụ về đây. Theo như thày trụ trì Thích Chân Phương khẳng định, chỉ ở Đông Lỗ là nơi duy nhất ở nước ta mới có một viên ngọc xá lợi của chính đức Thích Ca Mâu Ni. Đây là món quà quý được thỉnh về từ Nepal, và là một trong 8400 báu thân của đức Thích Ca Mâu Ni, khi ngài hóa diệt.

                                    


       Thày Thích Chơn Phương còn nói hiện chùa Viên Đình ở Đông Lỗ có 30 bảo tháp, và mỗi tháp có đến hàng trăm xá lợi to nhỏ khác nhau, từ xá lợi máu, hay xá lợi tóc, hoặc xá lợi xương…của các vị cao tăng phật pháp được các chùa từ 8 nước tặng riêng cho nhà chùa. Chính vì thế mà chùa Viên Đình ở Đông Lỗ đã được Trung tâm kỷ lục tôn vinh là ngôi chùa có nhiều xá lợi Phật nhất Việt Nam. Đây là những viên ngọc kết tinh hết sức kỳ lạ, đọng lại mỗi khi các vị cao tăng làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu). Nó hiện lên trong tàn tro và được giữ lại như báu vật linh thiêng. Đặc biệt ngọc xá lợi có nhiều hình thù, màu sắc, kích thước, hay số lượng tùy theo mức độ của người tu hành, có công năng tụ tập thiền quán, cao thâm đến đâu. Đó cũng là điều bí ẩn nhất đang chờ đợi các nhà khoa học quan tâm giải mã cho sự xuất hiện những viên ngọc xá lợi kỳ lạ này.
       Khi ra khỏi chùa Viên Đình, tôi chưa hết ngạc nhiên vì những điều kỳ bí ở đây, thì bỗng nghe thấy đâu đó, rộn ràng tiếng đàn Nguyệt. Hỏi ra, mới hay Đông Lỗ còn có nghệ làm đàn đã mấy trăm năm. Tò mò quá. Thú vị biết bao. Tôi ngơ ngác, người ta chỉ sang thôn Đào.

 2-Tiếng đàn xưa dễ đã trăm năm
       Khi gặp được nghệ nhân Đào Văn Soạn, nay đã 74 tuổi, tôi mới hay ông tổ nghề làm đàn của làng cũng mới xuất hiện, khoảng gần hai trăm năm. Đó là cụ Đào Xuân Lan, người đầu tiên đem nghề làm đàn về truyền dậy mọi người trong làng, vào những năm đầu khi xuất hiện ông tây bà đầm ở nước ta. Khi ấy chú thợ mộc Đào Xuân Lan đi đóng đồ cho một gia đình người Pháp đã bất ngờ nghe thấy tiếng đàn ròn rã reo vui từ vườn cây của ngôi biệt thự. Đó là những chùm âm thanh Măng-đô-lin tràn đầy niềm vui đã thu hút người thợ trẻ.
       Thế là chú thợ mộc nhà quê ấy muốn tự mình làm cây đàn cho mình. Nhưng đâu có dễ, cho dù chú là một thợ đóng đồ giỏi nhất trong làng. Mọi khó khăn không hề làm người thợ làng Đào Xá nản chí. Lại nghe nói bên Tàu, có phố làm đàn, thế là anh chàng đầy lãng mạn này khăn gói lên đường tầm sư học đạo. Không ngờ sang đây, Đào Xuân Lan còn học được cách làm nhiều loại đàn khác, trong mấy năm trời. Trở về quê thế là bỏ hết chuyện làm giường tủ, thợ cả Đào Xuân Lan tập hợp những thợ trẻ trong làng dậy nghề làm đàn kiếm cơm. Việc vừa nhẹ nhàng vừa dễ ra tiền, thế là ai cũng hồ hởi tìm đến, với những âm thanh reo vui.

                                  
Vợ chồng nghệ nhân làm đàn Đào Văn Soạn



       Nghệ nhân Đào Văn Soạn kể, ông nội của nghệ nhân nằm trong số thợ mê làm đàn, và là một trong những học trò đầu tiên của cụ Lan. Sau này cha của nghệ nhân Đào Văn Soạn là cụ Đào Văn Hấn cũng là một thợ làm đàn giỏi đã khăn gói quả mướp lên phố Tô Tịch, xin vào một hợp tác xã sản xuất nhạc cụ. Khi ấy vào những năm cuối của thập kỷ 50, cậu bé Đào Văn Soạn vẫn theo cha từ những ngày đầu tiên và cũng mầy mò học nghề rất chăm chỉ. Mười năm sau đó, ông lại theo cha về quê làm đàn thuê cho các cửa hàng trên phố.
    Tính đến nay, con trai nghệ nhân là anh Đào Văn Tuấn tiếp tục theo nghề truyền thống của gia đình, có cửa hàng riêng trên phố, thì gia đình ông Soạn có đến bốn đời làm nhạc cụ dân tộc. Anh Tuấn có năng khiếu giống bố cơ sở của anh được nhiều nghệ sĩ tìm đến thửa đàn. Nghệ nhân Đào Văn Soạn tỏ ra rất vui khi truyền được nghề cho các con cháu trong nhà. Gia đình ông có thể coi là một cửa hàng, tuy chỉ ở trong làng, nhưng đã làm đàn không kịp theo hợp đồng của khách hàng. Có người là nhạc công ở các đoàn ca múa tìm đến, có người là những cung văn trong dàn nhạc dân tộc, hay đi lễ hội…Ông xởi lởi kể dạo này, đàn nguyệt đắt hàng lắm, vì nhiều dàn nhạc hát văn, trong lễ thánh xuất hiện ở khắp nơi, tạo nên một thì trường khá cởi mở. Thậm chí nhiều nhạc công từ miền nam, nghe tiếng của làng cũng tìm đến ông, để nhờ kiểm tra âm thanh. Nghệ nhân Đào Văn Soạn có biệt tài chỉnh âm sắc của nhiều loại đàn, cho dù ông cũng như nhiều thợ làm đàn khác trong làng không thật giỏi lý thuyết âm nhạc cơ bản. Nhưng có lẽ, hơn 40 năm làm đàn, ông đã trở thành một kỳ nhân về âm thanh mẫu trên dây đàn.
      Tuy hiện nay, có nhiều cơ sở làm đàn của người làng Đào Xá rải rác khắp nơi, từ Bắc vào Nam, không còn tập trung ở quê như xưa, nhưng nghệ nhân Đào Văn Soạn lại thấy vui vì nghề của làng được phát triển rộng khắp. Làng đã có danh hiệu được thành phố công nhận từ năm 2009, ông chỉ muốn thanh niên trong làng cho dù đi bốn phương trời làm ăn với mọi công việc, nhưng hãy  dành thời gian về làng học cái nghề làm đàn, để phòng cơ sự khốn khó xảy ra, thì sẽ có cái cần câu cơm. 

                                         
Ông Soạn chỉnh dây đàn Nguyệt



3-Ký ức của một thời “Tiến về Hà Nội”
       Khi cùng anh Đào Văn Mạnh, cháu nội của cụ Đào Xuân Lan trong những âm thanh vang lên từ một ngôi nhà nào đó, tôi bỗng ngẩn ngơ vì tiếng đàn bầu đang ngân nga bài hát “Tiếng đàn bầu”của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc. Tiếng đàn da diết quá, não nuột từng đường tơ quá, thảo nào xưa các cụ dặn: “Đàn bầu ai gảy nấy nghe / Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Anh Mạnh còn kể, nghe mọi người nói chuyện hồi các văn nghệ sĩ đi sơ tán về làng, từ năm 1946 đến 1949, đã đem lại nhiều điều mới lạ cho làng làm đàn này. Nhiều thanh niên trai trẻ đều được học nhạc từ thời kỳ này và trở thành nòng cốt cho đội văn nghệ của làng.
       Nhất là chuyện của cố nhạc sĩ Văn Cao về làng viết các bài hát cách mạng thì ai cũng nhớ rõ. Nhất là cái đận, nhạc sĩ được giao nhiệm vụ sang tác một bài hát cho đồng bào và chiến sĩ thủ đô hát, trong ngày giải phóng thủ đô. Thế mới biết, mọi chuyện dự báo về một chiến thắng lừng lẫy ở mặt trận Điên Biên Phủ đã được Đảng và Nhà nước ta chuẩn bị từ trước. Và bài hát “Tiến về thủ đô” của nhạc sĩ Văn Cao ra đời từ đó, và được viết từ ngôi làng làm đàn này. Theo như hồi ức của cụ Đào Văn Thục, đội thiếu nhi ngày ấy đã được nhạc sĩ dậy hát ngay khi mới hoàn thành, nên nhiều người trong làng đều thuộc và luôn háo hức chờ đón cái ngày vinh quang đó. Bài hát đang vang lên rất hào hùng với khí thế thiêng liêng vào ngày 10-10-1954, ngày giải phóng thủ đô thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

       Cụ thục còn kể, kỷ niệm “Tiến về Hà Nội” cũng đánh dấu một cuộc chiến đầy máu lửa đã xảy ra khi vào ít lâu sau đó. Đoàn văn nghệ sĩ có lệnh phải rút khỏi Đào Xá, vì có tin giặc Pháp sẽ càn quét định cất vó đánh một trận lớn vào ATK khu III, mà lực lượng quân đội ta ở Đào Xá nằm trong diện phải rút lên khu Việt Bắc. Quả nhiên, giặc Pháp đã tấn công, làng Đào Xá, cùng như Đông Lỗ bị tan hoang sau cuộc chiến chống trả mãnh liệt của quân và dân địa phương.

       Cho dù các anh em văn nghệ sĩ kháng chiến đã ra đi nhưng luôn nhớ về Đào Xá, với những tiếng đàn, tiếng hát khắp xóm ngõ. Nhà nhà làm đàn. Người người làm đàn. Chiều chiều những tiếng sáo và tiếng đàn tranh lại réo rắt những nốt nhạc vui. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân đội ta về tiếp quản thủ đô, lời ca hào hùng và đầy lạc quan vào chiến thắng của dân tộc ta đã vang lên. Lúc này nhiều ký ức với những người thợ làm đàn lại tràn về. Làng Đào Xá hiền hòa và thơ mộng bên sông Nhuệ và sông Đáy luôn là mảnh đất mà anh em văn nghệ sĩ nhớ về. Vì chính nơi đây, không ít những tác phẩm nghệ thuật cách mạng đã ra đời, trên mảnh đất ngày đêm tràn ngập những âm thanh. Và, giờ đây mọi người lại nhớ thêm câu ca dao trên mảnh đất hai con sông rằng: “Đông Lỗ có làng làm đàn / Có ngọc xá lợi tiếng lan khắp vùng / Có tiếng chuông thỉnh mênh mông / Duối vợ, duối chồng kết ngãi ngàn năm”