Hồi nhà văn Mai Văn Tạo còn sống ông rất là mít ướt. Trong buổi chuyện trò với các cây viết trẻ  đọc đến câu ca dao “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm bún lưỡi lừa cá xương”, nước mắt nước mũi của ông chảy đầy ra mặt. Nhiều người cho đó là nước mắt cá sấu. Lúc đó tôi còn trẻ cũng không hiểu đứng về phía chế giễu nhà văn. Chỉ có vậy mà khóc, chắc là giả dối rồi…  Thế nhưng thời gian sau đó đến lượt tôi nhận ra nước mắt biểu hiện cho những cung bậc tình cảm có nhiều điều rất lạ. Khi không lại khóc buồn tênh lại cười, đôi lúc mình cũng không hiểu mình bị cái gì nữa.



KHÓC MUỘN

NGÔ KHẮC TÀI

Tôi nhớ là rất rõ. Một lần xem ti vi phim “Mẹ vắng nhà”. Phim vừa mới vô đầu cảnh mấy đứa nhỏ nô đùa tiếng cười trong vắt, rồi có một thằng nhỏ vạch quần đưa con cu xinh xắn đứng đái. Tự  nhiên nước mắt tôi chảy ra ròng ròng. Thú thật đến nay tôi vẫn chưa xem hết phim “Mẹ vắng nhà”  nhưng xem chỉ có bao nhiêu là thấy đủ. Thí dụ thứ hai, lần đầu tiên ra Huế đúng vào buổi chiều muộn. Trời mưa rây nhẹ lất phất những hạt mưa như sương, đứng trên cầu Trường Tiền nhìn xuống sông Hương, núi ngự xa xa mờ ảo. Cảnh đẹp như mơ, tự nhiên nước mắt lại chảy ra… Nếu như giọt nước mắt trước còn lý giải được vì cảm xúc gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ của con người, một thiên đường không thể trở lại nhưng những giọt nước mắt sau thật là khó hiểu, ngắm cảnh mà cũng rơi lệ khóc nữa là sao, hơn nữa Huế có gắn bó dính dáng gì với tôi. Không biết có ai giống mình không, chắc là không rồi.

Bây giờ đến lượt đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi dõi theo màn hình tỉnh tuồng nhìn cả nước khóc tiễn đưa người. Và dõi theo báo chí những bài viết về bác, nhất là những bài thơ. Thú thật tôi không thấy bài thơ nào hay…  Thế nhưng vào tuần thất 49 ngày của Bác nhìn ảnh mọi người cầu nguyện trước bàn thờ. Bỗng dưng trí nhớ lại bật ra một bài thơ của ai hình như là của nước ngoài.
Yên lặng sẽ còn yên lặng nữa
Lá cờ vô tích sự hạ rồi
Trên nóc nhà chỉ còn ngọn gió
Gà trống chì đứng gáy chơi vơi

Bài thơ rất hay dành cho mẹ mà trong bài thơ không hề có chữ mẹ. Tôi có cảm tưởng bài thơ cũng được viết dành cho Bác. Lá cờ vô tích sự  để chỉ một người đã già tay chân không giở nổi nằm một chỗ nhớ lại thời trai trẻ làm gì cũng được buồn làm sao. Gà trống chì, anh lính chì là những món đồ chơi hồi nhỏ được mẹ mua cho. Bài thơ dài nhưng tôi chỉ nhớ được bốn câu tự nhiên nước mắt tôi lại rưng rưng. Khóc muộn lãng nhách nhưng tôi biết mình khóc vì cái điều gì.