Lời giới thiệu của người dịch: “Kín đáo, khiêm cung,
Alice Munro không phải là người của công chúng, và ít khi xuất hiện trên báo chí,
ngoại trừ tác phẩm của mình. Cách đây bốn năm, khi tôi đến nghe một buổi hội thảo
ở Vancouver sau giải Man Booker International, với nhiều nhà văn nổi tiếng như
Margaret Atwood đọc những tham luận xúc động, đầy yêu mến,
nhằm tuyên dương tác phẩm của bà, Alice
Munro đã không có mặt. Trên thế giới nhiều người vẫn không biết đến tên bà- mặc
dù năm 2005, tuần báo Time đã chọn bà là một
trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất- cho đến ngày 10 tháng 10 năm 2013 vừa qua.
Ngày hôm đó, Ủy ban giải thưởng Nobel đã không thể liên lạc được với nhà văn để
báo tin vui. Các độc giả cũng không tìm đọc bà như tìm đến các tên tuổi văn học
khác, đôi khi họ bắt gặp bà một cách tình cờ trên kệ sách, và tự hỏi: bà này là
ai?”
THỊ TRẤN BÊN ĐƯỜNG
ALICE MUNRO
Người dịch: NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Lời
giới thiệu:
Alice Munro sinh ngày 10 tháng Bảy năm 1931 ở Wingham,
Ontario, Canada, với tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông
trại, mẹ là cô giáo. Bà trải qua tuổi thơ ở thị trấn Clinton, nơi bà cũng thường
trở về sau này. Theo học đại học Western Ontario, nhưng rời trường sớm khi lập
gia đình năm 20 tuổi. Bà và gia đình sống ở một đảo ngoài khơi Vancouver nhiều
năm nay, coi sóc tiệm sách có tên là Munro. Hai ông bà có với nhau ba đứa con,
hôn nhân của họ thời trẻ có một thời kỳ tan vỡ. Sinh quán của Alice Munro,
Ontario, là tỉnh bang lớn nhất Canada, gần bên Ngũ Đại Hồ. Vùng phía nam của
tỉnh là vùng có khí hậu ôn hòa, cảnh sắc xinh đẹp, đất nông nghiệp bằng phẳng,
nhiều sông hồ. Trong truyện của Munro, có cảnh vật của Ontario
hoặc thiên nhiên hoang dã trên đảo Vancouver.
Truyện của bà viết về đời sống những người bình thường,
với văn phong giản dị, trong trẻo và đẹp. Nhưng đó là bề ngoài dễ gây ngộ nhận.
Thật ra văn của Alice Munro không dễ hiểu. Người đọc cần chú tâm đến từng chi
tiết mà bà để lại dọc đường. Bên trong là sức mạnh của sự mô tả chính xác, phân
tích sắc bén các xung đột, sự nghiêm khắc với thói dung tục và a dua, tính hài
hước, và lòng trắc ẩn. Alice Munro nhận nhiều giải thưởng, trong đó ba lần giải
General Governor, giải thưởng danh giá nhất Canada, và giải Man Booker International
năm 2009. Dù sức khoẻ yếu, bà có khả năng làm việc đều đặn, bền bỉ. Tác phẩm (tạm
dịch): Vũ Điệu Những Cái Bóng Hạnh Phúc (Dance of The Happy Shades)(giải GG), Cuộc
Đời Những Cô Gái và Đàn Bà (Lives of Girls and Women), Bạn Nghĩ Bạn Là Ai Kia?
(Who Do You Think You Are), Những Mặt Trăng Của Mộc Tinh (The Moons Of The
Jupiter), Tiến Triển Của Tình Yêu (The Progress of Love) (giải GG), Chạy Trốn
(Runaway). Năm 80 tuổi, xuất bản tập Quá Sức Hạnh Phúc (Too Much Happiness). Tiếp
sau đó, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, tác phẩm mới Cuộc Đời Yêu Dấu
(Dear Life). Một truyện của bà, Gấu Về Qua Núi (The Bear Came Over The
Mountain), một chuyện tình cảm động, đã được Sarah Polley chuyển thành phim với
các tài tử Julie Christie và Gordon Pinsent. Truyện ngắn sau đây, nguyên văn
tiếng Anh “Miles City, Montana”
rút từ tập The Progress of Love, 1985, NXB Alfred A. Knoft. Miles City là
tên một thị trấn nhỏ, dân số không quá một ngàn người, Montana là một tiểu bang
ở vùng Tây Bắc nước Mỹ, sát biên giới Canada.
Kín đáo, khiêm cung, Alice Munro không phải là người
của công chúng, và ít khi xuất hiện trên báo chí, ngoại trừ tác phẩm của mình. Cách
đây bốn năm, khi tôi đến nghe một buổi hội thảo ở Vancouver sau giải Man Booker
International, với nhiều nhà văn nổi tiếng như Margaret Atwood đọc những tham
luận xúc động, đầy yêu mến, nhằm tuyên dương tác phẩm của bà, Alice Munro đã không
có mặt. Trên thế giới nhiều người vẫn không biết đến tên bà- mặc
dù năm 2005, tuần báo Time đã chọn bà là một
trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất- cho đến ngày 10 tháng 10 năm 2013 vừa qua.
Ngày hôm đó, Ủy ban giải thưởng Nobel đã không thể liên lạc được với nhà văn để
báo tin vui. Các độc giả cũng không tìm đọc bà như tìm đến các tên tuổi văn học
khác, đôi khi họ bắt gặp bà một cách tình cờ trên kệ sách, và tự hỏi: bà này là
ai?
Tôi chọn truyện “Miles
City, Montana” vì đó là truyện ngắn đầu tiên của bà
mà tôi được đọc, cách đây mười bốn năm, trong một thời kỳ hỗn loạn. Truyện của
bà đã giúp tôi đứng lại, nhìn xuống, thấy được chính thật tình trạng của mình.
Tôi dịch truyện ngắn này như một lời cám ơn lặng lẽ.
***
Cha tôi băng qua cánh đồng ôm xác một đứa bé trai bị chết đuối.
Họ có nhiều người, trở về sau cuộc lùng kiếm, nhưng ông là người mang xác thằng
bé. Những người đàn ông mình mẩy đầy bùn, mệt lả, bước đi đầu cúi xuống, như thể
họ là những người có lỗi. Ngay những con chó cũng chán nản, lông nhểu nước từ con
sông lạnh giá. Thế mà vài giờ trước đó khi khởi sự, chúng còn tỏ ra bồn chồn, chạy
quanh sủa ăng ẳng, những người đàn ông quyết tâm, căng thẳng, và có một không
khí kích động bị kìm nén lại, không diễn tả được, bao trùm toàn bộ khung cảnh. Lúc
đó ai cũng biết rằng có thể họ sẽ tìm thấy một điều gì khủng khiếp.
Tên của thằng bé là Steve Gauley. Tám tuổi. Tóc và quần áo nó
nhuốm bùn, bê bết cỏ, cành vụn và lá chết. Nó là nỗi cự tuyệt được gởi lại từ mùa
đông. Mặt nó úp vào ngực cha tôi, nhưng tôi vẫn còn thấy được một lỗ mũi, một vành
tai nhét đầy bùn xanh lợn cợn.
Tôi không nghĩ thế. Tôi không nghĩ rằng tôi đã thực sự trông
thấy những điều ấy. Có lẽ tôi đã thấy cha tôi mang xác thằng bé, thấy những người
khác đi theo ông, những con chó, nhưng tôi không thể nào được phép đến gần tới
mức nhìn thấy một thứ gì như bùn trong lỗ mũi. Chắc là tôi đã được nghe ai đó kể
lại và tự mình tưởng tượng ra. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của nó không thay đổi trừ
những vết bùn – khuôn mặt quen thuộc của thằng Steve, mặt nó nhọn, vẻ lém lỉnh
– và thật ra không thể nào như thế được; nó phải sưng phồng lên chứ, phải biến
dạng và dính bùn khắp nơi sau nhiều giờ ngâm trong nước.
Việc mang về một tin như thế, một bằng chứng như thế, cho một
gia đình mỏi mắt trông chờ, nhất là người mẹ, khiến cho những người đi lùng kiếm
đứa bé cử động nặng nề, nhưng điều đang xảy ra ở đây còn tệ hại hơn nữa. Rõ
ràng là có một nỗi xấu hổ (nghe người ta nói thế) rằng thật ra chẳng có một người
mẹ nào cả, chẳng có một người phụ nữ nào hết – không bà nội không bà ngoại không
cô không dì không chị không em - đứng chờ thằng Steve và trao cho nó nỗi đau buồn
thương tiếc xứng đáng kia. Cha của Steve là một người làm công, hay uống rượu
nhưng không phải là kẻ say sưa, một người đàn ông được chăng hay chớ nhưng
không phải quá ham chơi, một kẻ không thân thiện mấy nhưng không làm phiền ai.
Mối tình phụ tử xem ra cũng ngẫu nhiên, và vì đứa bé bị người mẹ ra đi bỏ lại,
và hai cha con vẫn tiếp tục sống với nhau, xem chừng càng có vẻ tình cờ. Họ sống
trong ngôi nhà với mái nhọn lợp gỗ xám ở xó núi quê mùa, trông chỉ khá hơn túp
lều chút đỉnh - người cha sửa chữa mái nhà và dựng những cái giá đỡ ở bên dưới,
cũng vừa đủ thôi và cũng đúng lúc cần thiết – và cuộc đời của hai cha con cũng
dựa dẫm vào nhau tương tự như thế; tức là cũng tốt vừa đủ để cho cơ quan can
thiệp vì quyền lợi của trẻ em không can dự vào gia đình của họ. Hai cha con
không ăn chung với nhau, không ai nấu cho ai, nhưng nhà vẫn có thức ăn, đôi khi
người cha cho con một ít tiền để mua thức ăn ở tiệm và người ta thấy thằng
Steve tới đó mua những thứ xem ra cũng cần thiết như bột làm bánh hay bữa ăn tối
kiểu bột mì có thịt.
Tôi biết rõ Steve Gauley. Tôi cũng thích nó, nhưng phần nhiều
là không thích. Steve lớn hơn tôi hai tuổi. Nó đến chơi ở chỗ chúng tôi vào các
ngày thứ bảy, ra vẻ coi khinh những trò của tôi nhưng lại không thể bỏ mà đi được.
Tôi cũng không thể ngồi lên ghế xích đu mà không có nó khởi động và khi tôi có
muốn bỏ cuộc nó liền chạy tới đẩy một cái khiến tôi hoảng lên co rúm người lại.
Nó chọc ghẹo những con chó. Nó làm cho tôi phiền bực – có tính toán và rất quỷ
quái, sau này tôi nghĩ lại - bằng cách khiến tôi làm những việc mình không tự
nghĩ ra: đào khoai lên để xem chúng lớn cỡ nào khi còn nhỏ xíu, chất củi lên
thành đống để chúng tôi nhảy từ trên đó xuống. Ở trường chúng tôi chẳng bao giờ
nói chuyện với nhau. Steve cô độc nhưng không đau khổ. Nhưng vào những buổi
sáng thứ bảy, khi chợt nhìn thấy cái dáng của nó điềm tĩnh, gầy gò, xuyên qua
hàng rào dương liễu, tôi biết là tôi sắp tham dự một điều gì đó và Steve sẽ quyết
định điều ấy. Đôi khi chúng cũng êm xuôi. Chúng tôi giả đò làm cao bồi huấn luyện
những con ngựa hoang. Chúng tôi chơi đùa trên cánh đồng cỏ gần bờ sông, không
xa lắm chỗ Steve bị chết đuối. Chúng tôi giả đò làm ngựa và kỵ sĩ, la hét, mang
dây nhợ, vung vẩy những ngọn roi làm bằng cây lá, ở trên bờ con sông không tên
chảy xuôi xuống vùng Saugeen ở phía Nam tỉnh Ontario.
Đám tang được tổ chức trong nhà chúng tôi. Nhà của Steve không
đủ chỗ cho đám đông đến dự bởi tình cảnh đặc biệt. Tôi vẫn còn lưu giữ ký ức về
căn phòng đầy người nhưng không nhớ là có tấm hình nào của thằng Steve trên
quan tài của nó hay có linh mục nào đến làm lễ, hay có những tràng hoa được gởi
đến. Tôi chỉ nhớ rằng tôi cầm một bông hoa, loại thủy tiên màu trắng, chắc là ngắt
từ chậu bông ai đó đẩy vào cửa, vì lúc ấy chưa phải là mùa của liên kiều trổ bông
hoặc hoa huệ và cúc vạn thọ hay gặp trong rừng. Tôi đứng trong hàng của những đứa
trẻ, mỗi chúng tôi cầm một bông thủy tiên. Chúng tôi đồng ca bài hát của trẻ
con, có một người nào đó chơi đàn cương cầm: “Khi Người Đến, Khi Người Đến, Làm
Nên Châu Ngọc Rạng Ngời”. Tôi mang đôi tất màu trắng, chúng ngứa kinh khủng, đầy
những nếp nhăn ở đầu gối và mắt cá chân. Cảm giác đối với những đôi tất này trên
chân tôi lẫn lộn với cảm giác trong ký ức của tôi. Thật khó diễn tả. Chắc là
chúng có liên quan gì đó tới cha mẹ tôi. Liên quan tới người lớn nói chung nhưng
đặc biệt là cha mẹ tôi? Cha tôi người là mang xác Steve từ bờ sông lên, và mẹ
tôi là người gần như đã làm tất cả các việc thu xếp cho tang lễ này. Cha
tôi trong bộ đồ vest màu xanh sậm và mẹ tôi trong chiếc áo đầm nhung nâu với
cái viền cổ sa-tanh kem. Họ đứng bên nhau mở miệng ra khép miệng lại trong bài
nguyện ca, và tôi đứng xa, giữa những đứa trẻ khác, nhìn chăm chú. Tôi có cảm
giác ghê tởm điên cuồng và đau đớn. Trẻ con đôi khi có cảm giác bực bội căm
ghét như thế đối với người lớn. Kích thước, những cái bóng lổn nhổn, sức mạnh bồng
bềnh. Hơi thở, sự thô ráp, lông lá, sự chế tiết khó chịu. Nhưng còn hơn thế nữa.
Và cơn giận đi kèm chẳng có gì rõ ràng và đúng mức. Không có một việc gì làm
thoải mái hơn và cuối cùng tôi gập người lại nhặt một hòn đá ném về phía Steve.
Không thể nào hiểu được hay diễn tả được, mặc dù cảm giác ấy dần biến thành một
thứ nặng nề, thành mùi vị trên lưỡi, một mùi vị tình cờ - loãng, đầy nghi hoặc hay
quen thuộc.
Hai mươi năm sau hoặc lâu hơn nữa, năm 1961, chồng tôi,
Andrew, và tôi mua được một chiếc xe mới toanh, cái xe đầu tiên – tức là cái xe
mới đầu tiên. Hiệu Morris Oxford, màu vỏ hàu (người bán xe gọi nó bằng một cái
tên thú vị hơn) - một chiếc xe loại nhỏ khá bự, với nhiều chỗ ngồi đủ cho chúng
tôi và hai đứa trẻ. Con bé Cynthia lên sáu và Meg ba tuổi rưỡi.
Chồng tôi chụp một bức ảnh tôi đứng bên xe hơi. Tôi mặc quần
trắng, áo cổ cò màu đen, và mang kính râm. Tôi đứng dựa vào cửa xe, nghiêng
hông để làm mình gầy đi.
“Tuyệt vời,” chồng tôi nói. “Hay lắm. Nhìn em giống Jacky
Kennedy.”
Thời ấy khắp nơi những phụ nữ trẻ tuổi, tóc đen, mảnh mai, đều
được bảo rằng, khi họ diện đồ sành điệu, hoặc khi chụp hình, trông giống đệ nhất
phu nhân Jacky Kennedy.
Andrew chụp nhiều hình cho tôi và những đứa trẻ, nhà chúng
tôi, khu vườn, đồ đạc, kỷ vật. Anh chụp hình, ghi chú tỉ mỉ lên đó, gởi về cho
mẹ của anh và dì của anh và cậu của anh ở Ontario. Anh cũng đưa những bức hình để tôi
gởi cho ba tôi, cũng đang sống ở Ontario,
và tôi cũng làm thế nhưng không đều đặn như anh. Khi nhìn thấy những bức ảnh lẽ
ra tôi phải gởi đi rồi hãy còn nằm lăn lóc, Andrew bối rối bực bội lắm. Anh muốn
những thứ kỷ vật này được chuyển đi hết.
Mùa hè năm đó chúng tôi về thăm nhà thật, chứ không phải chỉ
những bức hình. Chúng tôi lái xe từ Vancouver, nơi
đang sinh sống, về Ontario,
nơi chúng tôi cũng gọi là nhà, trên chiếc xe hơi mới toanh. Năm ngày đi đường,
mười ngày ở đó, năm ngày trở về. Lần đầu tiên Andrew được nghỉ làm trong ba tuần
lễ. Anh làm việc trong bộ phận pháp luật của công ty thủy điện tỉnh bang British Columbia.
Buổi sáng thứ bảy, chúng tôi mang vali, hai bình thủy - một
cà phê, một nước chanh đường – trái cây, bánh mì, sách ảnh, vở tô màu, bút chì,
giấy vẽ, thuốc diệt côn trùng, áo len (phòng khi trời lạnh ở trong vùng núi), và
hai đứa con gái của chúng tôi lên xe hơi. Andrew khóa cửa lại và Cynthia nói kiểu
cách: “Chào giã biệt, nhà ta ơi”.
Meg nói: “Chào giã biệt, nhà” rồi nó nói thêm “Thế bây giờ
chúng ta sống ở đâu?”
“Không phải chia tay mãi mãi,” Cynthia nói “Chúng mình sẽ trở
về. Mẹ ơi! Con Meg nghĩ là chúng ta sẽ không bao giờ về đây nữa.”
“Em có nói thế đâu,” Meg bảo, lấy chân đá vào sau lưng chiếc
ghế ngồi của tôi. Andrew và tôi mang kính râm lên và chúng tôi lái xe vượt qua
cầu Sư tử xuyên qua cửa ngõ Vancouver.
Chúng tôi rũ bỏ ngôi nhà của mình, hàng xóm của mình, thành phố của mình, và - ở
biên giới giữa tiểu bang Washington và tỉnh British Columbia - đất nước
chúng tôi. Chúng tôi lái xe về phía Đông đi xuyên qua nước Mỹ, dọc theo xa lộ cực
Bắc, con đường này sẽ chạy trở vào Canada
lần nửa ở Sarnia, Ontario. Tôi không biết chúng tôi đã chọn
con đường này vì thời ấy quốc lộ xuyên Canada chưa xây dựng xong hay vì chúng
tôi muốn có cảm giác lái xe qua một nước khác, chỉ hơi khác một chút thôi - một
chút đỉnh của sự thú vị và phiêu lưu.
Ai cũng phấn chấn. Andrew khoái chí hoan hô chiếc xe hơi nhiều
lần. Anh nói anh thấy rõ là nó chạy ngon hơn chiếc xe cũ của chúng tôi, một cái
xe Austin đời
1951 bò chậm như rùa khi lên dốc và mang hình ảnh một bà già rầu rĩ. Andrew bảo
thế.
"Thế chiếc xe mới này có hình ảnh của cái gì?"
Cynthia hỏi. Nó lắng nghe chúng tôi chăm chú và thích tập nói những chữ mới lạ
như chữ hình ảnh. Thường nó nói cũng
đúng.
“Sống động,” tôi bảo “Giống kiểu xe thể thao. Nhưng không
khoe mẽ.”
“Nó tiện lợi, nhưng vẫn có đẳng cấp riêng,” Andrew bảo. “Giống
như hình ảnh của anh.” Cynthia ngẫm nghĩ về điều ấy và nói với sự tự hào thận
trọng “Thế nghĩa là giống như ba muốn ba cũng y vậy, phải không ba?”
Tôi thật hạnh phúc vì cảm giác rũ bỏ. Tôi muốn rũ bỏ hết.
Trong ngôi nhà của mình dường như lúc nào tôi cũng tìm chỗ để trốn – đôi khi trốn
mấy đứa trẻ nhưng nhiều hơn là công việc cần làm, tiếng điện thoại reo và giao
thiệp với hàng xóm. Tôi muốn chạy trốn, ẩn núp để có thể tập trung vào công việc
thật sự của mình, một thứ gì như gợi lại quá khứ xa xăm. Tôi đã sống trong tình
trạng bị vây hãm, khi nào cũng đánh mất một điều gì tôi đang giữ trong tay. Nhưng
cuộc du hành mới dễ dàng làm sao. Lúc này tôi có thể trò chuyện với chồng, với
các con và quan sát những điều chúng muốn tôi quan sát – một con lợn ở trên bảng
chỉ đường, một con ngựa non trên cánh đồng, một chiếc xe hơi Volkswagen nằm trên
xe tải lớn – và đổ ly nước vào những chiếc tách nhựa, và những thứ này thứ kia
bay hòa quyện trong nhau suốt ngày trong tôi. Một sự kết hợp quan trọng mà tôi
có thể đạt tới. Điều này làm tôi đầy hy vọng, thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm,
mà một người quan sát bàng quan mới làm được. Một người quan sát chứ không phải
một người canh giữ.
Chúng tôi rẽ về phía Đông ở Everett và vượt lên vùng Cascades. Tôi chỉ
cho Cynthia lộ trình trên bản đồ. Trước hết tôi chỉ cho con bé bản đồ của toàn nước
Mỹ, đồng thời cũng thấy được phần cực Nam
của Canada.
Tôi dở qua trang khác của cuốn bản đồ gồm những tiểu bang mà chúng tôi đi qua. Washington, Idaho, Montana, North Dakota, Minnesota, Wisconsin.
Tôi chỉ cho Cynthia những vạch đứt quãng xuyên hồ Michigan, cũng là đường của chuyến phà chúng
tôi sẽ qua. Kế đó chúng tôi sẽ lái xuyên Michigan
đến cây cầu nối liền Hoa Kỳ và Canada
ở vùng Sarnia, Ontario. Về nhà.
Bé Meg cũng muốn nhìn.
“Mày đâu có hiểu gì,”Cynthia bảo. Nhưng nó cũng lôi tập bản
đồ ra băng ghế sau.
“Ngồi xuống đi,” nó bảo em “Ngồi yên. Chị chỉ cho mà xem.”
Tôi có thể nghe tiếng động những ngón tay Cynthia chỉ đường
cho Meg rất chính xác, như tôi vừa mới làm với nó. Nó coi hết bản đồ các tiểu
bang, biết cách tìm chúng theo mẫu tự.
“Mày có biết cái vạch kẻ này là đường gì không?” Cynthia hỏi.
“Cái đó kêu bằng xa lộ. Đó là nơi mà chúng ta sẽ lái xe đi. Chúng ta đang đi
trên chính cái vạch này đây.”
Meg chẳng nói gì cả.
“Mẹ ơi, chỉ cho con chúng ta đang ở chỗ nào lúc này,” Cynthia
nói.
Tôi lấy tấm bản đồ lên, chỉ con đường đi xuyên qua núi, và
nó lấy lại bày cho Meg. “Có thấy vạch kẻ này không, nó rất là ngoằn nghoèo. Nó
ngoằn nghoèo bởi vì có nhiều lối vòng quanh. Những chỗ ngoằn nghoèo là những
khúc quanh." Nó lật một trang rồi chờ một lát. “Bây giờ chỉ cho chị xem
chúng ta đang ở đâu”. Rồi nó kêu lên với tôi “Mẹ, Meg hiểu. Nó chỉ ra được cái
chỗ đó. Meg cũng hiểu bản đồ!”.
Đối với tôi có vẻ chúng ta bịa tạc ra các phẩm chất của trẻ
con. Chúng ta xếp đặt chúng sao cho mọi thứ vận hành êm thắm. Cynthia thì sáng
láng và cần cù, nhạy cảm, nhã nhặn, cẩn thận. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn trêu
đùa nó về việc quá chú ý, chuyên tâm làm bằng được những điều thật ra thâm tâm chúng
tôi cũng muốn. Bất cứ cái gì chậm chạp, bị thất bại, bị cự tuyệt, đều làm nó
xúc động sâu xa. Con bé có mái tóc mượt, làn da đẹp nõn nà, nhưng dễ bị ăn nắng,
dễ ngấm mùi của gió, của lòng tự hào, của cả sự tủi hờn. Meg thì cứng rắn hơn,
kín đáo hơn – không nổi loạn nhưng đôi khi ương ngạnh, bí ẩn. Sự lặng lẽ của nó
gây cảm giác về sức mạnh của tính cách, trong khi sự ương ngạnh lại là dấu hiệu
của tính độc lập điềm tĩnh. Tóc nâu, và cắt thành những lọn thẳng. Mắt vàng sẫm,
trong veo, chói sáng.
Chúng tôi hài lòng với những tính cách của con mình, thích
thú với vẻ trái ngược nhau và vẻ xác định của từng cá tính. Chúng tôi không
thích lắm quan điểm nặng nề, bảo thủ của cha mẹ. Tôi sợ cảm giác trở thành kiểu
bà mẹ thân thể thì chảy xệ xuống, người nặng mùi vải bông, mùi sữa, nghiêm khắc
với ba chuyện vặt vãnh. Tôi tin rằng tất cả những nỗi lo lắng quá mức của người
mẹ, nhu cầu của họ vác lên vai vai trò của mình, chính là nguyên nhân của chứng
đau khóc dạ đề ở trẻ con, chứng đái dầm, chứng hen suyễn. Tôi thích nuôi dạy
con kiểu khác - sự liều lĩnh đầy giễu cợt, tính chế nhạo của những bà mẹ có trình
độ chuyên môn thường viết bài cho các tạp chí. Trong các tạp chí ấy, những đứa
trẻ tự mình lớn lên, sắc cạnh, bất thường, không bị bẻ gãy. Có những bà mẹ, với
sự hóm hỉnh thông minh của họ, đã cứng cỏi được như thế. Những người mẹ trong đời
thật làm tôi thích thú là những người có thể nhấc phone lên và thản nhiên nói, “Liệu
cái bào thai Hitler của tôi có vô tình chạy qua nhà chị không?” Họ có thể cười
hăng hắc trên đám sương mù đặc như sữa.
Tôi nhìn thấy một con nai chết cột trước chiếc xe tải nhỏ.
“Có ai đã bắn hạ nó,” Cynthia nói, “Những người thợ săn bắn
mấy con nai.”
“Mùa săn đã tới đâu,” Andrew trả lời. Chắc là họ tông phải
nó trên đường. Con có thấy bảng báo hiệu vẽ nai băng qua đường không?”
“Con sẽ khóc nếu chúng ta tông phải một con nai,” Cynthia
nói nghiêm nghị.
Tôi làm những cái bánh mì kẹp với bơ, đậu phụng, mứt cam và
quýt cho mấy đứa trẻ và món cá hồi sốt cà chua cho chúng tôi. Nhưng tôi không bỏ
rau diếp xà lách vào và Andrew tỏ ra thất vọng.
“Nhưng em chẳng có miếng nào,” tôi bảo.
“Thế em chẳng có cách nào kiếm được à?”
“Em đã mua cả một bó cải xà lách vừa đủ cho bánh mì xăng uých,
nhưng rồi em nghĩ không cần.”
Thật ra tôi nói dối, tôi đã quên mất.
“Có rau diếp xà lách thì ngon hơn,” anh nói.
“Em thì thấy chẳng có gì khác nhau,” sau một hồi tôi nói. “Đừng
có cáu kỉnh như thế chứ.”
“Anh không cáu, anh chỉ thích xà lách ở trong món bánh mì kẹp
mà thôi.”
“Em chẳng nghĩ chuyện đó quan trọng chi.”
“Thế nếu anh quên đổ xăng thì sao?”
“Hai chuyện đó khác nhau chứ.”
“Thôi hãy hát một bài ca,” Cynthia bảo. Rồi nó bắt đầu hát.
Năm chú
vịt nhỏ một ngày đi ra
Đi lên ngọn đồi và đi thật xa
Một chú vịt nhỏ đi qua và kêu
Quác quác quác
Bốn con vịt nhỏ lúc lắc quay về
Andrew siết chặt tay tôi, bảo “Thôi mình đừng cãi nhau nữa.”
“Anh nói đúng. Lẽ ra em cần phải mua cải xà lách.”
“Thôi chuyện đó có chi quan trọng đâu.”
Tôi ước gì tôi có thể hướng những cảm giác về Andrew thành
những cảm hứng có ích và đáng tin cậy. Tôi đã cố gắng viết hai danh sách, một
là những thứ mà tôi thích về anh, cái kia là những thứ tôi không thích – trong
đời sống thân mật vợ chồng có những thứ tôi thích, những thứ tôi ghét – như thể
tôi hy vọng rằng điều này có thể mang lại một chứng minh nào đó, một kết luận
nào đó. Nhưng rồi tôi lại bỏ cuộc vì thấy những điều ấy tôi biết rồi - rằng tôi
có nhiều mâu thuẫn không sửa được. Đôi khi tiếng bước chân của anh ấy đối với
tôi cũng có vẻ độc tài chuyên chế, cái miệng của anh ấy cũng có vẻ bần tiện và
tự mãn, thân thể của anh cứng rắn thẳng thớm như một rào cản - một cách đầy ý
thức, đầy bổn phận, sự hài lòng đáng ghét của quyền lực đàn ông - ở giữa tôi và
niềm vui sướng hay nhẹ nhõm mà tôi có thể đạt được trong đời mình. Thế rồi
không hề báo trước anh bỗng trở thành người bạn tốt, một người bạn đường quan
trọng nhất trên đời. Tôi cảm nhận sự ngọt ngào của thân xác thanh thản, ý tưởng
nghiêm nghị, sự yếu đuối dễ vỡ của tình yêu của anh, mà tôi hình dung ra là nó
thuầm khiết hơn và trong sáng chân thật hơn so với tình yêu của tôi. Tôi có thể
khi thì xúc động sâu xa vì sự cứng cỏi, tính khuôn phép đúng mức, khi thì chế nhạo
chúng. Tôi nghĩ chồng tôi thật là khiêm tốn khi đứng ngay ngắn vào vị trí của người chồng đã mặc định, vai trò của người
cha, một người đi làm việc mang tiền về, và khi tự so sánh với những người đàn
ông như vậy, tôi thấy mình là kẻ ích kỷ đáng ghét bí mật. Cũng không hẳn bí mật
lắm, không phải nhìn từ phía anh.
Từ dưới sâu xa những cuộc cãi lộn giữa hai vợ chồng, chúng
tôi lột hết những sự thật xấu xa nhất. “Anh biết có một điều gì đó rất ích kỷ
và rất giả dối ở nơi em,” Andrew có lần nói, “Anh lúc nào cũng biết chuyện đó.
Anh cũng biết rằng chính vì vậy mà anh yêu em.”
“Đúng thế,” tôi trả lời. Cảm thấy đau buồn nhưng tự mãn.
“Anh biết rằng em sẽ sống tốt hơn nếu chẳng có anh.”
“Đúng, em có thể như thế đấy.”
“Mà anh cũng hạnh phúc hơn nếu không có em.”
“Đúng chứ.”
Và rồi cuối cùng - cuối cùng – xô đẩy nhau, hành hạ nhau,
chúng tôi lại vỗ tay và cười phá lên, cười vào mặt những kẻ ngốc khờ kia, tức cũng
là chúng tôi. Sự đau khổ của họ, sự nhớ tiếc của họ, khả năng tự bào chữa cho
mình của họ, chúng tôi đã vượt qua những điều ấy, chúng tôi tuyên bố họ là những
kẻ nói dối. Chúng tôi uống rượu vang trong bữa tối hay quyết định tổ chức những
bữa tiệc.
Đã nhiều năm tôi không gặp lại Andrew, không biết anh còn giữ
dáng người thanh mảnh, hay tóc anh đã bạc, vẫn thói quen lúc nào cũng đòi ăn
rau diếp xà lách, thích nói thật, hay vẫn nồng nàn và thất vọng như xưa.
( còn tiếp)