Một người rất mộc. Một vóc dáng xù xì, mạnh mẽ. Một nụ cười
rộng mở và chân tình. Đó là ca sĩ, nhạc sĩ Y Phôn, thuộc biên chế Đoàn ca múa
Đăk Lăk. Tôi đã từng xem và nghe anh hát trên truyền hình, nhưng nếu không gặp
trực tiếp thì không thể hình dung được một Y Phôn hay ứa nước mắt đến thế. Tôi
đòi nghe anh hát bài “Bước chân trần”, trực tiếp, không nhạc đệm và không âm
thanh khuếch đại. Anh kể đó là một kỷ niệm bất ngờ, trong một chuyến đi với cố
NSND Y Moan về nhà một người bạn vào năm 1995. Anh bắt gặp một ông già đi chân
đất trên đường, với dáng mệt mỏi cùng chiếc túi vải trên vai. Y Phôn chợt liên
tưởng như thấy người cha thân yêu của mình đang ở quê. Cả một đời ông cũng thế
chân trần kiếm từng miếng ăn nuôi các con. Niềm xúc động dâng trào. Những âm
thanh vang lên trong tâm tưởng cùng nước mắt thương cha cứ chảy ra trên con đường
bụi đỏ. Khi đi hết con đường, bài hát đã hoàn thành...
KỲ NHÂN XỨ SỞ CAO NGUYÊN
VƯƠNG TÂM
Có những chuyến đi chẳng hẹn hò. Khi
vô cớ, lại có lúc tình cờ lên đường. Tôi bỗng dưng như thế, khi dạo bước trên
cao nguyên Đăk Lăk, và lang thang. Không hiểu sao tôi lại nhớ đến câu hát “Tôi
muốn quên đi/Tháng với ngày” của Y Phôn. Thế là tôi hát vang câu “Ôi! Thời gian…”
giữa đường phố vừa nhuộm ánh bình minh mỏng như tơ vàng. Một tiếng còi xe rúc
lên. Tôi giật mình dừng chân. Nhìn vào một tủ kính nhà hàng, và tôi gặp...ba
chú khỉ.
1-
Chú thứ nhất lấy hai tay che mắt. Chú thứ hai lấy hai tay bịt
tai. Còn chú thứ ba lại bịt mồm. Ánh mắt chú nào cũng tỏ ra trầm tư. Thật buồn
cười, cả ba cứ làm như không để ý gì chung quanh, thờ ơ và im lặng. Dường như
chúng thấy tôi chẳng hiểu gì cả nên quay lại nhìn chằm chằm, định mở miệng hay
sao đó. Nhưng rôi cả ba lại quay về trạng thái ban đầu. Tôi xua tay rồi định bước
đi, thì một cậu bé chạy ra hỏi tôi có thích mua ba chú khỉ gỗ cà phê ấy không.
Ba chú khỉ bằng gỗ thì hẳn nhiên rồi, nhưng sao lại nhìn tôi như thế, trách cứ
tôi là kẻ rỗi hơi chăng. Cậu bé gọi lại rồi giải thích cắn kẽ cho tôi nghe vì
sao chúng lại hành động như vậy. Bịt tai là không nghe. Bịt mắt là không thấy.
Còn bịt mồm là không nói. Đó là ba cái nên của một người tinh khôn. Ồ thì ra là
vậy. Rồi cậu ta còn chỉ lên trên giá cho tôi thấy một chú khỉ nữa mầu vàng đang
ôm trái đào tiên. Chắc đó là kết quả tốt đẹp, nếu ai cũng học ba điều : “Không
nghe-Không thấy-Không nói” mà cậu bé vừa dậy tôi. Ơ hơ! Vậy là tôi thèm một cái
hẹn. Gọi điện cho Y Phôn. Rồi cứ thế đi dọc con đường Hùng Vương, dẫn thẳng xuống
bản Ko Sie, gặp nghệ nhân dân gian Ama Kim.
Nghệ nhân Ama Kim biểu diễn
2-
Điều ngạc nhiên thứ
hai lại ngược hẳn với câu chuyện của ba chú khỉ bằng gỗ cà phê kia. Đó là sự hồ
hởi và nhiệt thành của nghệ nhân Ama Kim. Ông kể bản Ko Sie là một trong bốn bản
cổ người Ê Đê tạo dựng lên Thành phố Ban Mê Thuột này. Đặc biệt người ta đã lấy
tên người tù trưởng của bản trước đây là Ama Thuột đặt tên cho Thành Phố. Ngôi
nhà dài của tù trưởng này dài tới 200m, đã bị đổ nát từ lâu, nay chỉ còn dấu vết
nền móng ở ngay bản này. Ông còn kể, hiện ở trên Bảo tàng Thành phố còn giữ một
cái ghế dài kỷ lục của một người trong bản Ko Sie. Tôi ngạc nhiên khi nghe ông
nói cái ghế đó dài hơn 11,46 mét, từ một cây gỗ nguyên bản. Kể cả chân ghế và
thành đầu đều liền mạch chứ không ghép. Ông nói đó là cái ghế dùng để đón khách
quý và cho đội cồng chiêng ngồi biểu diễn.
Vậy là câu
chuyện về cồng chiêng của ông đã cuốn hút tôi. Ama Kim là đội trưởng đội chồng
chiêng của bản mà. Ngay lập tức, ông già hơn 70 tuổi này bỗng trở nên nhanh nhẹn
và tươi sáng, khi hăng hái cùng hai cô cháu ngoại mang những chiếc chiêng tự chế
ra biểu diễn. Ông bày ra bảy chiếc chiêng to nhỏ khác nhau, rồi kể về tuổi thơ
cơ cực của mình. Rồi tiếng sáo Ê Đê trên tay ông ngân nga. Bất ngờ cháu gái ông
là H’Ngôn Niê cất tiếng hát. Tôi nghe không hiểu nhưng lại cảm thấy lời bài đuổi
chim ăn lúa, ríu ran trong tiếng gió ngàn dào dạt. Từng nốt nhạc bay lên và từng
nốt, từng nốt bay lên từ đôi môi của già Ama Kim. Đó là bài “Mời rượu” làm say
lòng người. Chợt có tiếng điện thoại reo lên. Nhạc sĩ Y Phôn nhắn gặp. Tôi đi
nhưng lại có cảm giác lâng lâng trong ngọn gió cao nguyên ùa vào ngôi nhà sàn
chông chênh trên sườn đồi...
3 –
Một người rất mộc. Một vóc dáng xù xì, mạnh mẽ. Một nụ cười
rộng mở và chân tình. Đó là ca sĩ, nhạc sĩ Y Phôn, thuộc biên chế Đoàn ca múa
Đăk Lăk. Tôi đã từng xem và nghe anh hát trên truyền hình, nhưng nếu không gặp
trực tiếp thì không thể hình dung được một Y Phôn hay ứa nước mắt đến thế. Tôi
đòi nghe anh hát bài “Bước chân trần”, trực tiếp, không nhạc đệm và không âm
thanh khuếch đại. Anh kể đó là một kỷ niệm bất ngờ, trong một chuyến đi với cố
NSND Y Moan về nhà một người bạn vào năm 1995. Anh bắt gặp một ông già đi chân
đất trên đường, với dáng mệt mỏi cùng chiếc túi vải trên vai. Y Phôn chợt liên
tưởng như thấy người cha thân yêu của mình đang ở quê. Cả một đời ông cũng thế
chân trần kiếm từng miếng ăn nuôi các con. Niềm xúc động dâng trào. Những âm
thanh vang lên trong tâm tưởng cùng nước mắt thương cha cứ chảy ra trên con đường
bụi đỏ. Khi đi hết con đường, bài hát đã hoàn thành. Y Phôn lấy chính hình ảnh
bước chân trần để tạo dựng hình tượng về người cha của mình, vất vả, gian lao.
Hình ảnh thân yêu đó luôn đau đáu trong lòng với những âm thanh vang dội cho dù
Y Phôn muốn chôn dấu trong lòng và muốn quên đi nhưng không thể.
Đêm đó, sau
khi viết xong ca khúc “Bước chân trần”, Y Phôn cùng Y Moan hát suốt đêm. Cả hai
cứ hát đi, hát lại trong nỗi xúc động vô bờ. Đó là một sự cộng hưởng kỳ lạ. Trời
đã về sáng hai người nghệ sĩ cứ hát như thế trong nước mắt tuôn rơi. Chính ngay
năm sau Y Moan đã hát bài “Bước chân trần”, trong cuộc thi Hội diễn Toàn quốc
và đã đoạt HCV.
Y Phôn lặng đi
trong nỗi xúc động còn vương trên đôi mắt đỏ ngầu. Tôi ngồi im như thóc vậy, và
chợt nghe âm thanh ngân rung qua ánh mắt của đất đỏ bazan ấy. Anh nén từng lời:
“Tôi muốn quên đi/Tháng với ngày/Cha đi lượm quả ngọt rừng/cho con đỡ đói qua
đêm/Tôi muốn quên đi/Đôi chân trần/ Cha đi lượm từng hạt thóc/Cho con một bữa
cơm chiều...”. Nghe đến đó tôi cũng khó giữ được cảm xúc do tiếng hát của Y
Phôn dẫn dắt, thế là tôi hát cùng anh: “Ôi! Thời gian/Hãy quên đi/Đôi chân trần/Cha
đi giữa rừng hoang vu...” Y Phôn nắm tay tôi. Giọt nước mắt trào ra. Tôi đã
khóc cùng Ban Mê...
Nhạc sĩ Y Phôn (bên trái) và họa sĩ I Nhi
4-
Sau khi chia tay Y Phôn tôi gọi điện thoại để hẹn gặp họa sĩ
I Nhi Kơ Sor. Anh là thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên của Đăk Lăk, hiện đang dạy ở
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk. I Nhi hẹn một tiếng sau vì đang bị
vướng giờ lên lớp. Anh nói tôi tranh thủ vào buôn Ako Dhong rồi gặp nhau ở đó
luôn thể. Thế là tôi lại vẫy xe ôm đi đến buôn Ako Dhong, ở cuối đường Trần Nhật
Duật. Người ta nói đây là một buôn đã được xây dựng và thiết kế khang trang để
làm du lịch, từ đường xá đến khu du lịch sinh thái bên hồ và suối rất đẹp.
Nhưng thật khó ngờ, tôi không thể nhận ra đó là một hình ảnh của một buôn người
dân tộc Ê Đê, bởi nó hiện đại quá và mọi thứ sạch bong.
Người
Ê Đê thường ở nhà sàn, chứ còn gì nữa. Vậy mà ở đây nhiều gia đình đã xây nhà
tây, rất hiện đại, hoặc ít ra là những ngôi nhà tầng khá kiểu cách, với những
kiến trúc lạ mắt, ngay bên cạnh, hay phía sau nhà sàn dài bằng gỗ lợp ngói, hay
mái lá. Thì ra từ ngày lên phố, mọi gia đình trong buôn Ako Dhong đua nhau xây
nhà tây nhưng theo lệnh vẫn phải giữ lại ngôi nhà sàn của mình để làm du lịch.
Nhìn cảnh tượng đan xen khập khiễng đó tôi thấy lai tạp, và những ngôi nhà sàn
cổ lạc lõng làm sao.
Tôi lặng lẽ đi
bộ, trong “Niềm vui Ban Mê chênh vênh...”(thơ Lê Vĩnh Tài), thì bất ngờ có tiếng
gọi: -Này bố! Tôi giật mình ngó sang bên con hồ sinh thái. Một nhóm thanh niên
đang uống rượu. Tôi nở nụ cười lấy lệ, khi có người chào mời. Người đến kéo tôi
có lẽ đã say bí tỉ. Anh ta có lẽ không còn là một Ê Đê thuần chủng. Cảnh hồ
sinh thái của buôn Ako Dhong có vẻ hoang sơ, rụt rè trong cảnh xô bồ quần thảo
của đám thanh niên. Họ hỏi tôi đi đâu, tôi nói đi tìm hình ảnh cây Kơ Nia. Họ
cười rũ, cho là tôi ngây thơ quá vì Ban Mê giờ làm gì còn cây nào. Hình như chỉ
còn một cây Kơ Nia duy nhất nằm khuất lấp trong khu nhà văn hóa hay sao đó.
Không ngờ tôi đụng chạm tới mạch rỗng trong tâm hồn của đám trẻ này về hình tượng
tuyệt đẹp một thời của cao nguyên đất đỏ này. Tôi vô tình nghĩ đến cây Kơ Nia
và những cây gỗ dùng để chế tác những chiếc ghế dài cộng đồng của buôn làng giờ
không còn nữa, mới hay nỗi buồn đã dâng lên. Tôi đi ngược lại con đường bê tông
trong buôn, sao thấy khô khốc, lạnh lẽo. Đúng lúc I Nhi Kơ Sor gọi. Tôi vội đi
nhanh ra khỏi buôn Ako Dhong.
5-
Gặp I Nhi, tôi than phiền về sự vắng bóng của cây Kơ Nia và
những cây gỗ quý của đất rừng Đăk Lăk. I Nhi im lặng. Tôi chê cái buôn nửa tây,
nửa ta kia. I Nhi chẳng nói gì. Tôi lại nhắc đến 3 chú khỉ bịt mắt, bịt tai và
bịt mồm kia. I Nhi vẫn bình thản. Thật là một con người kỳ lạ. Hay đây chính là
một chân dung sống đúng theo nguyên tắc “Ba không”. Anh lặng lẽ đưa tôi đến một
quán cà phê. Một bạn trẻ chạy ra đón và chào I Nhi bằng thầy. Có lẽ đó là một họa
sĩ trẻ đã từng là học trò của I Nhi. Nhà hàng cà phê, treo đúng một bức tranh
duy nhất còn lại của I Nhi Kơ Sor. Tôi sững sờ đi tới vì gam màu đỏ đến bỏng
rát cảm xúc trong lòng tôi. Đó là hình tượng của nữ thần mặt trời đang nổi giận
vì con người đang tàn phá thiên nhiên.
Vậy đó, lúc này
I Nhi mới nói một câu với tôi rằng, đó là tuyên ngôn của anh trong bức tranh
này và chí hướng nghệ thuật của anh qua màu sắc, với triết lý con người hãy dừng
tay và tự cứu lấy mình. Cặp mắt ấy. Búi tóc ấy. I Nhi, một Ê Đê thuần nhất, rất
Ban Mê, đúng như Y Phôn vậy. Những chàng trai ở buôn Sek- Ea H’leo. Họ đã hát
chung bài ca về bước chân trần của người cha một thuở. Tôi yêu họ biết nhường
nào...