Cái xứ cực Nam, phía Tây nước
ta được neo cái tên Hà Tiên, chỉ vì xa xưa các cụ nói, đây là nơi bồng lai tiên
cảnh hoang vu, chỉ có các nàng tiên trên trời xuống múa ca và ngắm mình trên
đầm nước Đông Hồ, vào những đêm trăng rằm. Dù cho đến nay, theo lịch sử cách
đây hơn 300 năm, mảnh đất nhỏ bé này đã được người khai sinh ra nó là Mạc Cửu đặt
tên, và đã nổi tiếng với mười cảnh đẹp như tranh vẽ trên non, dưới biển, nhưng
người dân ở đây vẫn có niềm tin rằng, vào những đêm sáng trăng các nàng tiên
thường nhập vào giấc mơ của mình, bay qua mặt nước Đông Hồ, soi gương và cười
khúc khích.
Hà Tiên miên man chuyện tình
lãng mạn
VƯƠNG TÂM
Chả thế mà từ xưa nhà thơ Mạc Thiên Tích, con
của Mạc Cửu, đã từng viết về hồ nước bao la này:
“Một hồ leo lẻo tiết thu
quang
Giữa có vầng trăng nổi rỡ
ràng
Đáy nước chân mây in một sắc
Ả Hằng nàng Tố ló đôi
phương…”
Mạc Thiên Tích còn làm nhiều thơ vịnh về cảnh
sắc Hà Tiên với và rất coi trọng tiếng Việt, cùng với sự kế thừa ngôn ngữ thơ ca
dân gian rất sâu sắc. Và, chỉ ngay năm sau nối nghiệp cha, vị tướng trẻ 29 tuổi
này đã lập ra Tao Đàn Chiêu Anh Các, vào đêm Nguyên Tiêu năm Bính Thìn (1736),
thu hút được 36 thi nhân tham gia. Vậy có thể nói, cách đây 274 năm, Chiêu Anh
Các là hội thơ đầu tiên ở nước ta.
Đường lên lăng họ Mạc
Tình mộng 1
Và
cũng chính trong thời gian này, ngài đô đốc trẻ Mạc Thiên Tích đã nảy sinh một
mối tình với một nàng thơ, nhưng lại đóng giả trai để nhập hội thơ Chiêu Anh
Các. Mối tình là kết quả của một cuộc đối thơ, trong đêm hoa đăng. Mạc Thiên
Tích ứng khẩu, có vẻ thăm dò trêu đùa người đẹp:
“Bên kia sen nở nhiều hoa
Người khen hoa đẹp nón nà hơn
em
Trên bờ em đứng em xem
Mọi người sao bỗng không thèm
nhìn hoa”
Ngay lập tức anh chàng “mặt hoa da phấn” kia đáp
lời:
“Mặt ao sen nở khắp
Trông hoa lẫn bóng người
Trên bờ ai đứng ngắm
Sao chẳng thấy hoa tươi?”
Sự thật “anh chàng” này là người đẹp
Nguyễn Thị Xuân phải đóng giả trai theo bố đi buôn, sau gia đình bị mắc kẹt ở
lại Hà Tiên. Cuộc hội ngộ của hai người đã nên duyên. Mạc Thiên Tích cưới cô về
làm vợ lẽ. Từ bạn thơ trong Tao đàn, hai người đúng với nghĩa, trai tài gái
sắc, cùng đồng cảm về thơ ca đã tạo nên cuộc tình lãng mạn nổi tiếng thời kỳ
này. Nhưng kèm theo đó là sự khổ đau, khó ngờ cho người nữ sĩ tài sắc vẹn toàn,
ngay từ khi dính tới bả vinh hoa.
Bởi lẽ người vợ cả của Mạc Thiên Tích là
phu nhân Nguyễn Thị Thủ ngấm ngầm ghen tuông, luôn luôn chờ thời cơ để làm hại
cô vợ lẽ trẻ trung. Một lần, Mạc Thiên Tích đi làm việc quân xa, bởi ngày đó
đất đai mở mang làm ăn phát triển tới tận đất mũi Cà Mau. Lợi dụng dịp này, phu
nhân sai người bắt cóc nàng Xuân, rồi úp một cái chậu lớn lên, nhốt nàng trong
đó cho đói khát và nghẹt thở dần rồi sẽ chết. Nhưng linh tính hay mộng báo bất
thường về tai hoạ sẽ xẩy ra với người bạn thơ yêu quý của mình, Mạc Thiên Tích
đột ngột quay về, và đã cứu nàng thoát chết.
Nhưng rồi nhiều nguy cơ vẫn rình rập, cuộc
sống bị đe doạ, mỗi khi xa chồng, nên nàng Xuân xin được đi tu. Mạc Thiên Tích
đã cho xây một ngôi chùa trên núi để cho người vợ yêu của mình được yên hàn và
hai người có nhiều cơ hội đàm đạo văn thơ. Đó là ngôi chùa Phù Dung, ngay ở
chân núi Bình San. Trước đó chùa có tên là am Phù Cừ, người dân ở nơi đây vẫn
gọi là chùa của Ái Cơ Phù Cừ (Nguyễn Thị Xuân). Sau này mọi người còn lấy thêm
tên Phù Dung để ví von cho sự toàn bích về tài sắc và sự khổ đau trong tình yêu
của bà. Bởi lẽ Phù Cừ và Phù Dung đều là tên của hai giống hoa Sen, một trắng,
một hồng. Chính Ái cơ Phù Cừ (1720-1761), trước khi mất cũng đã từng làm một
bài thơ về hoa sen để tặng lại mọi người, với một tâm trạng đầy bi ai nhưng
thật mạnh mẽ:
“Vươn khỏi bùn nhơ thoát vươn lên
Phỉ lòng trong trắng giữa
thiên nhiên
Xuân thu đậm nhạt bao hồng
tía
Đừng sánh thanh cao với đoá
sen”
Đó là câu chuyện bi kịch đầy lãng mạn của
cô gái xứ Quảng với ông chủ Tao Đàn thơ Chiêu Anh Các, một tướng lĩnh và là
người hùng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hoá cho xứ sở thần tiên
này.
Nhưng sau 35 năm hoạt động, hội thơ Chiêu
Anh Các của các thi nhân Hà Tiên đã bị giải tán bởi chiên tranh loạn lạc kéo
dài, Mạc Thiên Tích đã phải sống lưu vong ở nước ngoài rồi tự sát tại Băng Cốc,
vào năm 1780.
Cuộc
tình của Mạc Thiên Tích với nữ sĩ Nguyễn Thị Xuân dù cách đây hơn 200 năm,
nhưng không hề mang tình huyền diệu mà là một bi kịch lãng mạn; đã trở thành câu
chuyện cổ tích, gắn bó thân thiết với đời sống của người dân Hà Tiên bao đời
nay.
Tình mộng 2
Và…cho đến 150 năm sau, nơi đây lại có một
câu chuyện tình thứ hai, thật tuyệt mỹ giữa hai thi nhân có cặp tên rất đặc
trưng cho mảnh đất giầu chất thơ này, đó là Đông Hồ và Mộng Tuyết.
Nhà thơ Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác,
sinh năm 1906, tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên,
tỉnh Kiên Giang. Ông học sư phạm rồi về dậy học ở quê nhà. Ông là người có tài
thơ văn và luôn luôn đề cao tiếng Việt. Năm 20 tuổi, ông đã lập Trí Đức học xá,
để thực hiện ước mơ của mình, chuyên dạy Việt ngữ và sinh hoạt thơ ca. Ông luôn
luôn chủ trương:
“Ríu rít đàn chim kêu
Cha truyền con nối theo
Huống là tiếng mẹ đẻ
Ta lẽ nào không yêu?”
Và
cũng có thể nói, Trí Đức học xá là Tao đàn thứ hai ở đất Hà Tiên, được hình
thành và xuất hiện một số tác giả có tiếng trên báo Nam Phong ngày đó. Khi cô
bé Lâm Thái Úc, tức Mộng Tuyết sau này, đến nhập môn Trí Đức học xá, thì thầy
Đông Hồ đã có vợ. Nhưng suốt những năm tháng theo học tại đây, Mộng Tuyết đã
làm nhiều bài thơ “tương tư”, thầm kín tỏ lòng yêu mến và gửi gắm một tình yêu
đơn phương với người thầy của mình.
Thi sĩ Đông Hồ không hề để ý tới cô học
trò tài hoa này mà chỉ coi như một tiểu muội trong nhà. Bởi thi sĩ Đông Hồ hơn
Mộng Tuyết 12 tuổi. Thậm chí khi người vợ đầu của Đông Hồ mất, Mộng Tuyết còn tha
thiết gắn mối duyên giữa thầy với chị gái của mình. Nhưng mệnh giời ngang trái,
chẳng bao năm người vợ thứ hai của Đông Hồ cũng yểu mệnh chết sớm. Sự đồng cảm
về thi ca và tình yêu của Mộng Tuyết đã được dịp bộc lộ với người thầy; và bà
đã trở thành người vợ thứ ba của thi sĩ Đông Hồ.
Nữ sĩ Mộng Tuyết
Bắt đầu từ đây, cái tên Mộng Tuyết được
bay bổng với những vần thơ đầy lãng mạn và tạo nên một hiện tượng thơ ca vào
những năm cuối của thập kỷ 30. Ngày đó tác giả thơ nữ hiếm lắm, tiếng thơ của
Mộng Tuyết vang rộng đến nỗi tạo nên dư luận, người ta còn đồn thổi, đây là một
trang nam nhi đóng giả gái, chứ nữ nhi thường tình sao làm thơ hay đến thế;
ngược hẳn với câu chuyện tình trên của nữ sĩ Nguyễn Thị Xuân đã phải đóng giả
trai để ghi danh vào Chiêu Anh Các thuở xa xưa. Thời kỳ hoàng kim của hai thầy
trò, và cũng là cặp vợ chồng thi sĩ của đất Hà Tiên đã gây tiếng vang trên văn
đàn nước Việt. Năm 1939, tập thơ “Phấn Hương Rừng” của Mộng Tuyết được giải của
Tự Lực Văn Đoàn, càng làm cho tiếng vang của xứ sở thần tiên này càng rộng khắp.
Năm đó, nữ sĩ Mộng Tuyết vừa tròn 21 tuổi, nhà thơ Đông Hồ đúng tuổi 33.
Tình yêu của hai người ngày càng sâu sắc
qua những hoạt động và quá trình dựng nghiệp văn thơ. Mộng Tuyết đã theo chồng
đi khắp nơi, từ Nam
chí Bắc để viết sách, làm báo và sáng tác, suốt bốn chục năm ròng rã. Nhưng thật
đau buồn, mọi chuyện với bà bị hụt hẫng, vào ngày 25-3-1969, thi sĩ Đông Hồ đã
gục chết, bởi đứt mạch máu não, trên bục giảng tại trường Đại học văn khoa Sài
Gòn, khi vừa đọc xong những câu thơ của nữ sĩ Ngân Giang:
“Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu
voi
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Chênh chếch trăng tà bóng lẻ
soi”
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nữ
sĩ Mộng Tuyết bán nhà ở TP Hồ Chí Minh, về Hà Tiên, và xây một ngôi nhà kỷ niệm
thi nhân Đông Hồ ngay trên trụ sở Trí Đức học xá trước đây. Bà nguyện sẽ về ở
đó với những ký ức về tình yêu bất tử với người chồng, một nhà thơ tài danh đã
tạo dựng được sự nghiệp cho mình. Khi xây mộ cho chồng, bà đã làm bốn câu thơ
để khắc trên bia đá tưởng niệm:
“Vũ trụ mang mang trời đất
Thời gian dằng dặc đêm ngày
Một thoáng cổ kim chớp mắt
Nghìn thu dâu bể trao tay”
Bà đã dành nhiều tâm huyết viết sách và
hoàn thành bộ 3 tác phẩm hồi ký “Núi mộng gương Hồ”, NXB Trẻ năm 1998, để lưu
lại cho mảnh đất Hà Tiên này những câu chuyện tình và những vần thơ lãng mạn
nhất trong đời. Bà âm thầm sống với tình thương nỗi nhớ người chồng suốt 37 năm
trong cô đơn, rồi lặng lẽ khuất bóng, cùng với những vần thơ của tuổi 90 vào
cõi mộng.
Vần thơ bên mộ tình
Giờ đây ai về Hà Tiên, nếu có nghe tới hai
câu chuyện tình của những thi nhân, thì hãy dành thời gian lắng nghe những vần
thơ dân gian buồn thương nhớ đến những thân phận khổ đau ở góc biển trời nam xa
xôi này. Bởi lẽ người đời luôn tiếc thương cho người đẹp, cho bông hoa Phù Cừ
thuở nào, nên đã ghi lại bên nấm mộ tình:
“Ngó lên Am tự Phù Cừ
Thương cho người ngọc giã từ
lầu son
Về đây nương chốn thiền môn
Tay lần chuỗi hạt cho mòn ngày xanh
Duyên xưa chẳng bận chi tình
Bụi trần chi để vương cành hoa
sen…”
Còn nữ sĩ Mộng Tuyết, sau bao năm dài cô quạnh
với niềm thương nhớ mối tình sâu nặng của mình, giờ đây cũng đang yên nghỉ
trong chốn thần tiên. Chắc hẳn chẳng ai có thể quên bà, với những câu thơ xuân
về loài “Hoa bất tuyệt”, được ghi dấu trong lòng người:
“Giữa đám um tùm lá
Hoa xuân rụng hết rồi
Trên cành, hoa bất tuyệt
Vẫn nở: nụ cười ai?”
Tượng đài Mạc Cửu ngay cửa ngỏ Hà Tiên
Hà Tiên khép nép nhưng lại dịu dàng xinh đẹp
với nhiều cảnh thơ mộng trên non dưới biển, nhưng lại khó hình dung nếu mảnh đất
xa xôi này thiếu đi hai mối tình thơ tồn tại suốt ba thế kỷ qua. Chùa Phù Dung
còn đó, một minh chứng cho bi tình sử của nữ sĩ Ái Cơ Nguyễn Thị Xuân và “Đông
Hồ kỷ niệm đường” thầm lặng bên hồ, đêm đêm hướng ra biển đón ánh trăng huyền diệu
ngợi ca mối tình thuỷ chung son sắt với nỗi cô đơn bất tử mang cái tên Mộng Tuyết
ngày nào. Những nỗi niềm còn đó. Những giọt nước mắt cay đắng và xót xa còn đó.
Chúng hoà tan vào đất trời Hà Tiên, tạo nên những thiên diễm tình tựa như câu
chuyện cổ mà sóng và gió của biển nơi đây vỗ hoài ngàn năm kể mãi chẳng bao giờ
hết.