Ông là người duy nhất nhiều năm lái xe cho cả hai vị Chủ tịch nước: Bác Hồ và Bác Tôn. Về hưu đã hơn 10 năm nhưng lúc nào ký ức về những ngày được lái xe cho Bác Hồ và Bác Tôn cũng sống động trong ông. Song không dễ gì có người biết điều đó, bởi vì ông luôn khiêm tốn, giản dị, ít nói về mình nên nhiều người gặp ông không biết ông đã lái xe cho hai vị Chủ tịch nước lâu đến thế! Ông là Nguyễn Văn Mùi, nguyên Đoàn trưởng Đoàn xe của Văn phòng Chính phủ.







Người lái xe của Bác Hồ và Bác Tôn

DƯƠNG ĐỨC QUẢNG


Người phụ lái xe chạy bằng than ở chiến khu Việt Bắc
Tôi không hẹn trước, ỷ chỗ quen biết, một buổi sáng chủ nhật cuối năm 2007 đường đột đến thăm ông. Ông đang ngồi trước sân trong ngôi nhà ở Khu tập thể Văn phòng Chính phủ, thuộc phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, sửa xe đạp. Ở Hà Nội bây giờ có lẽ ít người còn đi xe đạp, trừ các em nhỏ đang đi học và các cụ già, còn nhiều người hễ ra đường không đi xe máy thì đi xe ôtô riêng, đi taxi hoặc xe buýt.
Ông hơi lúng túng trước cuộc đến thăm bất ngờ của tôi, ngừng sửa xe, vui vẻ mời tôi vào nhà, rửa tay, tự lấy trà pha nước. Biết tôi có ý định hỏi chuyện về những năm tháng được lái xe cho Bác Hồ và Bác Tôn, ông đưa tôi xem hai tập ảnh và hai chiếc đĩa CD có ghi hình ảnh của ông và những người khác kể chuyện về những năm tháng được phục vụ Bác Hồ.
Năm 17 tuổi, ông Nguyễn Văn Mùi theo người anh trai, từ Nam Định lên chiến khu Việt Bắc xin vào làm công nhân Sở Đúc tiền thuộc Bộ Tài chính, đóng bên bờ sông Gâm, thuộc huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang. Năm 1951, khi Ngân hàng bắt đầu in tiền giấy, Sở Đúc tiền giải thể, ông được chuyển về Sở Kho thóc Trung ương, đơn vị chuyên thu mua và cung cấp lương thực cho các cơ quan Trung ương đóng trong ATK (An Toàn Khu). Thời gian này, Sở Kho thóc có hai chiếc xe chạy bằng than để chở thóc, chở gạo. Vốn là thợ nguội, biết máy móc, lại ham thích lái xe, ông Mùi xin được đi phụ cho lái chính một trong hai chiếc xe chạy bằng than đó. Vừa phụ xe vừa học lái, một năm sau ông đã có thể tự lái xe chở đầy gạo trên những con đường gập ghềnh ở chiến khu Việt Bắc, an toàn. Sau khi chiến dịch biên giới kết thúc thắng lợi, ta có một số xe ô tô Mô-lô-tô-ba của Liên Xô chạy xăng, không còn xe chạy bằng than nữa, ông Mùi được điều sang công tác tại Văn phòng Thủ tướng Phủ, lái xe cho cố vấn Trung Quốc sang giúp ta lúc đó. Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông được giao nhiệm vụ lái một chiếc xe chở chiến sĩ bảo vệ trong đoàn xe gồm 6 chiếc, 3 chiếc xe com-măng-ca và 3 chíêc xe tải, “đưa đoàn cán bộ đặc biệt” từ Việt Bắc về xuôi. Đến khi đoàn xe dừng lại ở Đền Hùng, Phú Thọ, ông Mùi mới biết mình đã được lái xe bảo vệ Bác Hồ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Chính trong chuyến đi này, khi dừng chân tại Đền Hùng, nói chuyện với các cán bộ chiến sĩ có mặt tại đây, Bác Hồ đã căn dặn một câu bất hủ mà đến nay ông vẫn còn nhớ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”

Tám năm lái xe cho Bác Hồ và câu chuyện Bác Hồ học lái xe
Ngày 10-10-1954, ông Nguyễn Văn Mùi lái một chiếc xe Gíp Mỹ, chiến lợi phẩm thu được của địch, đưa các chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ từ Sơn Tây về Hà Nội, lúc đầu ở Nhà thương Đồn Thuỷ, nay là Bệnh viện Quân đội 108. Từ ngày 30-12-1954, ông nhận nhiệm vụ lái một chiếc xe com-măng-ca chở các chiến sĩ bảo vệ luôn đi sau chiếc xe chở Bác Hồ, mỗi khi Bác Hồ đi công tác. Thời gian này, người lái xe chính của Bác là ông Phạm Văn Nền. Lúc đó, Liên Xô tặng Bác một chiếc xe con nhưng hình dáng lại khá to, được lắp kính chống đạn, anh em lái xe gọi là xe Zit. Bác đi một hai lần, sau không đi nữa vì “xe cồng kềnh, bất tiện và dễ bị lộ”. Khi chưa có chiếc xe Pô-pê-đa, có lúc đã phải mượn cả xe của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Phạm Văn Bạch để chở Bác đi công tác.
Ngày 5-3-1961, sau khi ông Nền được cử đi học, ông Nguyễn Văn Mùi chính thức được giao nhiệm vụ lái xe cho Bác Hồ. Từ đó đến khi Bác mất, hơn tám năm liền, ông trở thành lái xe riêng của Bác, lái hai chiếc xe Bác đi, cả hai nay đã trở thành hiện vật lịch sử gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, hiện đang được trưng bày tại Khu Di tích Nhà sàn và Nhà làm việc của Cbủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Đó là chiếc xe Pô-pê-đa M20 mang biển số HN 158 và chiếc xe Pơ-giô 404, do kiều bào ta từ Tân Thế Giới đem về tặng Bác, mang biển số HNC 232.
Hơn tám năm được lái xe cho Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Mùi chăm chút hai chiếc xe từng ly, từng tý, luôn luôn lái xe an toàn, không để xảy ra một sai sót nào, dù là nhỏ nhất. Ông còn giữ nguyên biết bao kỷ niệm về những ngày được phục vụ Bác, nhất là không sao quên được đức tính tiết kiệm của Bác. Nhiều lần các đồng chí lãnh đạo muốn thay xe ô tô cho Bác vì cả hai chiếc xe Bác đi đều đã cũ, Bác đều không cho. Bác nói, xe cũ nhưng vẫn chạy tốt, không phải thay; còn xe mới, tốt hơn để cho các đồng chí lãnh đạo khác hay đi công tác sử dụng. Ngày vợ chồng ông tổ chức lễ cưới, Bác đã trích tiền lương gửi mừng 20 đồng, số tiền đủ mua 50 kg gạo trong lúc khó khăn. Ông nhớ như in từng kỷ niệm trong các chuyến được lái xe đưa Bác về các tỉnh công tác, nhiều lần nghỉ trưa dọc đường Bác cùng các đồng chí bảo vệ, lái xe cắt cơm nắm mang theo để ăn, tránh làm phiền đồng chí, đồng bào địa phương. Ông không thể quên được, lần lái xe đưa Bác Hồ về Nam Định làm việc, đến bữa trưa Bác từ chối dự chiêu đãi, về nhà khách ăn cơm nắm độn ngô do ông Cẩn, cấp dưõng chuẩn bị trước, mang theo. Nghe ông kể, tôi lấy làm lạ, hỏi lại, ông Mùi cười: “Đúng, cơm độn ngô, ông Cẩn nấu rất khéo rồi nắm lại, anh ạ!”. Ông còn kể, mỗi lần Bác đi công tác nước ngoài về, ông cũng như các đồng chí phục vụ khác đều nhận được quà của Bác, chỉ là quả táo hoặc dăm ba cái kẹo, cái bánh hay điếu thuốc lá, nhưng chứa đầy tình cảm yêu thương của Bác dành cho.
Nhưng có lẽ việc Bác Hồ nhờ ông “dạy” lái xe là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời mà ông không thể nào quên.
Một hôm, trên đường đi công tác, Bác Hồ kể với đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác và các đồng chí ngồi cùng xe, là mới đọc một tờ báo của Pháp, rất cảm kích về câu chuyện một cô giáo đã nhanh trí cứu hàng chục em học sinh thoát chết trên một chiếc xe ô tô suýt nữa thì gặp tai nạn. Đó là chiếc xe chở các em học sinh do cô giáo dẫn đi tham quan, khi đang trên đà xuống dốc, trước mặt có một hồ nước sâu, thì bỗng nhiên người lái xe lên cơn đau tim đột ngột, gục xuống tay lái. Nhanh trí, cô giáo lao lên, kéo phanh tay, chiếc xe từ từ dừng lại, chỉ còn trong gang tấc là xe lao xuống hồ.
Kể xong chuyện này, Bác Hồ nói với các đồng chí trong xe:
- Các chú cũng nên học để biết lái xe, đề phòng khi xảy ra chuyện bất trắc mình có thể xử trí được!.
Thế rồi, một hôm, sau khi đưa Bác đi tiếp khách về, như thường lệ, ông Mùi đã dừng xe, nhưng thấy Bác vẫn nán lại, chỉ vào mấy bộ phận trước tay lái, hỏi ông:
- Chú nói cho Bác biết cái này là gì? Thế còn cái kia? Muốn khởi động máy thì phải làm thế nào?…
Ông Mùi ngạc nhiên trước các câu hỏi của Bác, giải thích tỉ mỉ tính năng, tác dụng của từng bộ phận trong xe theo câu hỏi của Bác. Nghe xong, Bác dặn:
- Chú về vẽ các bộ phận trong xe ra giấy cho Bác. Mỗi ngày chú “dạy” Bác một chút, Bác sẽ học lái xe theo chú!
Thế rồi, ông Mùi đã cẩn thận vẽ từng bộ phận trong xe đưa cho Bác. Một lần, khi mời đồng chí Đóoc-ti-cốt, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu Ba sang thăm nước ta, ngồi cùng xe, Bác Hồ đã kể chuyện vui học lái xe cho đồng chí nghe! Bản vẽ các bộ phận trong xe của ông Nguyễn Văn Mùi để Bác Hồ học lái xe ấy đã trở thành một tài liệu độc đáo hiện được lưu giữ trong Khu Di tích Nhà sàn và Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

                                       

Bác Tôn và một lần “nhờ” người lái xe
Sau khi Bác Hồ mất, ông Nguyễn Văn Mùi được giao nhiệm vụ lái xe cho Bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước kế nhiệm Bác Hồ. Khi đó, có hai chiếc xe ô tô, một chiếc xe Von-ga và một chiếc xe com-măng-ca phục vụ Bác Tôn tuỳ theo từng chuyến đi công tác. Thường Bác Tôn chỉ dùng xe Von-ga khi đi tiếp khách quốc tế hoặc dự các cuộc mít-tinh trọng thể, còn hằng ngày Bác đi xe com-măng-ca. Thấy xe gầm cao, Bác lên xuống khó khăn, một thời gian sau chiếc xe com-măng-ca này được thay bằng chiếc xe Mốt-cô-vich để Bác đi lại thuận tiện hơn.
Cũng như Bác Hồ, Bác Tôn sống rất giản dị và luôn tôn trọng, quý mến, yêu thương mọi người, nhất là đối với anh chị em phục vụ. Bác Tôn có một chiếc xe đạp, khi còn làm Phó Chủ tịch nước, hằng ngày, cứ 5 giờ sáng Bác lại đạp xe ra Hồ Tây thay cho tập thể dục. Vốn là một thợ máy, Bác Tôn thích làm việc chân tay, có đủ cả đồ nghề riêng, từ cưa gỗ, cưa sắt đến kìm búa, múi khoan lớn nhỏ. Nhiều khi xe đạp hỏng, Bác tự tay sửa chữa. Nhiều lần thấy anh em lái xe bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô Bác thường đi, Bác Tôn cũng tham gia, Bác còn chỉ bảo cặn kẽ anh em cách bảo dưỡng các bộ phận máy móc thường hay bị hỏng.
Bác Hồ gọi ông Mùi là “chú”, còn Bác Tôn gọi ông Mùi là “anh”, coi ông như người trong gia đình. Thấy sáng sớm chủ nhật nào ông Mùi cũng đến trực trong phòng dành riêng cho phục vụ, lái xe trước nhà để lau chùi, chuẩn bị xe phục vụ Bác, Bác áy náy nói với đồng chí Lê Hữu Lập, Thư ký riêng:
- Ngày chủ nhật được nghỉ mà anh Mùi cũng đến. Làm cái công việc này gò bó thật!
Và bác dặn đồng chí Lập nhớ sắp xếp lịch làm việc của Bác hợp lý để anh em lái xe, phục vụ có ngày nghỉ.
Bà Tôn Thị Hạnh, con gái Chủ tịch Tôn Đức Thắng kể với tôi:
- Ba tôi không bao giờ muốn phiền hà người khác, kể cả anh chị em phục vụ. Những ngày má tôi ốm nặng, nằm liệt một chỗ, có người phục vụ nhưng ba tôi vẫn tự làm nhiều việc chăm sóc má tôi, nhiều lần tự tay đổ bô, nếu không thì để con gái làm, chứ không phiền người phục vụ!
Còn ông Mùi, ông không sao quên được câu chuyện Bác Tôn đã “nhờ” ông giúp một việc. Hôm đó vào một buổi trưa ngày chủ nhật cuối đông năm 1971 rất rét, Bác Tôn tìm gặp ông Mùi, nhưng lúc đó ông đang được nghỉ, ở nhà. Bác dặn đồng chí bảo vệ “nếu thấy anh Mùi lên thì nói vào gặp tôi”, nhưng “không được gọi điện gọi anh ấy lên!”. Đầu giờ chiều, ông Mùi lên nhà gặp Bác. Bác rót nước mời ông, đắn đo một lúc mới nói:
- Chủ nhật trước cháu Nam (cháu ngoại Bác Tôn, con gái bà Tôn Thị Nghiêm, học trường Đại học Quân sự ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phú) về thăm tôi, thấy cháu mặc phong phanh quá. Hôm nay tôi thấy trời quá rét, muốn gửi cho cháu chiếc áo ấm mà không lên được. Anh có thể giúp tôi việc này không?
Đến bây giờ, sau hơn ba mươi năm ông Mùi vẫn còn xúc động khi kể lại với tôi câu chuyện này. Ông không sao quên được cử chỉ đắn đo, áy náy của Bác Tôn trước khi nói ra điều muốn “nhờ” người lái xe thân tín của mình.

Năm 2009, ông Nguyễn Văn Mùi đã bước vào tuổi 80, nhưng vẫn còn khoẻ và còn rất minh mẫn. Từ ngày về hưu, ông tích cực tham gia mọi việc ở tổ dân phố, hiện là Chủ nhiệm Câu Lạc bộ văn hoá của khu dân cư. Nhiều năm được phục vụ Bác Hồ, Bác Tôn, ông học tập ở hai vị lãnh tụ kính yêu nhiều đức tính tốt đẹp, luôn sống khiêm tốn, giản dị, mẫu mực, được mọi người quý trọng. Ông nói với tôi:
Đời tôi có vinh dự được nhiều năm phục vụ hai vị Chủ tịch nước mà không dễ ai có được. Đối với tôi, Bác Hồ, Bác Tôn vĩ đại không chỉ ở tầm vóc quốc gia, quốc tế của hai Bác mà ở cả những cử chỉ, lời nói, việc làm rất bình dị trong đời thường…


Trích "Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng" - NXB Lao Động